Trang chủ » ẨM THỰC » RỐI LOẠN CÂN BẰNG NƯỚC VÀ CHẤT ĐIỆN GIẢI

RỐI LOẠN CÂN BẰNG NƯỚC VÀ CHẤT ĐIỆN GIẢI

    I. LỜI MỞ

    Nước và các chất điện giải là thành phần thiết yếu trong chế độ ăn uống. Riêng với nước,  một lượng được tạo ra bởi quá trình trao đổi chất trong cơ thể.

 

   Ở người khỏe mạnh, thể tích nước và nồng độ điện giải được duy trì ở giới hạn nghiêm ngặt nhờ sự tương tác giữa một số hệ cơ quan. Những rối loạn cân bằng, thừa hay thiếu, nước và điện giải đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

   II. TỔNG QUAN VỀ NƯỚC VÀ CHẤT ĐIỆN GIẢI

     1. Phân bố và chức năng của nước

    Nước phân bố trong cơ thể có khác nhau.theo lứa tuổi:  Ở trẻ sơ sinh nước chiếm xấp xỉ 80% trọng lượng cơ thể; Người lớn nước chiếm 55-60%, trong đó, nam: 60%, ở nữ: 55%. Ở người già, tỉ lệ nước thấp hơn người trẻ.

   Nước trong cơ thể được phân bố thành hai khoang: Trong tế bào chiếm 40%; và Ngoài tế bào chiếm 20% trong đó: 15% là dịch gian bào và 5% dịch trong lòng mạch, thể tích tuần hoàn.

   Nước có những vai trò quan trọng trong cơ thể chúng ta gồm:

   – Duy trì thể tích tuần hoàn, duy trì huyết áp. 

   – Môi trường hòa tan, vận chuyển chất dinh dưỡng, và để các phản ứng chuyển hóa diễn ra. ,…

    – Giảm ma sát, giúp các màng bọc cơ quan có thể trượt trên nhau không tạo ra ma sát.

    – Tham gia điều hòa thân nhiệt, qua cơ chế dẫn truyền, và bốc hơi nước.

     2. Chất điện giải và chức năng

   Chất điện giải là những chất khoáng Natri, Kali, Canxi, Magie, Clo, Phosphate, Bicarbonate…  có thể hòa tan trong các dịch cơ thể tạo ra các ion tích điện, một số ion sẽ tích điện dương và một số ion tích điện âm.

    Các chất điện giải rất cần thiết với cơ thể vì nhờ có chúng mà các tế bào (đặc biệt là các tế bào thần kinh, tim và cơ) có thể duy trì năng lượng, bổ sung dưỡng chất cần thiết cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên mỗi chất điện giải lại có những chức năng, vai trò riêng:

  • Natri: Là nguyên tố chủ yếu của dịch ngoài tế bào, có vai trò quan trọng trong việc duy trì thẩm thấu dịch, kích thích dẫn truyền thần kinh, giúp cân bằng độ pH và bảo vệ cơ thể khỏi sự mất dịch.
  • Kali: Kali chiếm tỉ lệ lớn trong dịch nội bào, giúp điều chỉnh các chất cân bằng điện giải, giúp cơ co thắt và để điều chỉnh chức năng bình thường của não và thần kinh. Ở tế bào kali có nhiệm vụ quan trọng là cân bằng lượng axit, áp suất thẩm thấu và giữ lại nước cho tế bào. Mặt khác, Kali còn phối hợp với natri để duy trì chức năng bình thường của cơ bắp và tim, giúp kiểm soát ổn định nhịp tim.
  • Magie: Magie là lượng chất giúp điều chỉnh nồng độ chất khuếch tán, lipid và protein trong cơ thể, cũng là nguyên tố đảm bảo cho quá trình co cơ và dẫn truyền thần kinh diễn ra hiệu quả.
  • Canxi: Là chất điện giải quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các enzym, giữ vai trò quan trọng trong cấu tạo hệ xương, đảm bảo quá trình đông máu và hoạt động của các hệ cơ.

    III. RỐI LOẠN CÂN BẰNG NƯỚC -ĐIỆN GIẢI

      1. Các dạng rối loạn cân bằng nước

  Trên lâm sàng, các dạng rối loạn cân bằng nước thường đi kèm với rối loạn chất điện giải. Hai dạng rối loạn cân bằng nước cơ bản là mất nước và thừa nước

       * Mất nước có 3 loại

    + Nhược trương: mất nước với mất Na+ nhiều hơn áp lực thẩm thấu máu giảm (nhược trương)

    + Đẳng trương: mất nước và mất  Na+ tương đương với nhau nên áp lực thẩm thấu máu bình thường (đẳng trương).

      + Ưu trương: mất nước nhiều hơn mất Na+, nên áp lực thẩm thấu máu tăng (ưu trương) 

      * Thừa nước cũng có 3 loại

   + Nhược trương  thừa nước với thiếu Na+ nên áp lực thẩm thấu máu giảm (nhược trương)

  + Đẳng trương: thừa nước và thừa Na+ tương đương nhau nên áp lực thẩm thấu máu bình thường (đẳng trương).

   + Ưu trương: thừa nước với thiếu Na+, áp lực thẩm thấu máu tăng (ưu trương) 

        2. Phân loại các mức độ rối loạn cân bằng nước

     * Mất nước nhẹ: Lượng nước mất 2-3% trọng lượng cơ thể. Các triệu chứng lâm sàng  là khát, khô miệng, giảm lượng nước tiểu, nhịp tim nhanh.

     * Mất nước trung bình: Lượng nước mất từ 5-8 % trọng lượng cơ thể. Bệnh nhân thấy khát hơn, lưỡi khô, nhịp tim nhanh, HA tụt, mạch yếu, mệt mỏi, thiểu niệu.

      * Mất nước  nặng: Lượng nước mất 8% trọng lượng cơ thể. Lâm sàng là sốc giảm khối lượng máu lưu hành, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, mất ý thức mê sảng, ảo giác, kích thích vận động tâm thần, toan chuyển hóa, vô niệu, sốt, HA tụt, mạch nhanh.

   IV. NGUYÊN NHÂN RỐI LOẠN CÂN BẰNG NƯỚC-ĐIỆN GIẢI 

      * Đổ mồ hôi nhiều, tiêu chảy hoặc nôn

      * Rối loạn ăn uống

      * Ăn kiêng

     * Bệnh lý thận

     * Vết bỏng nặng

      * Suy tim sung huyết

      * Một số loại thuốc, như thuốc nhuận tràng..

  V. BỔ SUNG, ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN NƯỚC-ĐIỆN GIẢI

     1. Bổ sung nước-chất điện giải

   Trong thường nhật, việc dùng các chất bổ sung hoặc đồ uống có chất điện giải thường không cần thiết, vì chế độ ăn uống lành mạnh giàu dinh dưỡng tự điều chỉnh cân bằng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc sử dụng các sản phẩm bổ sung điện giải có thể cần thiết, như các vận động viên có thể chọn sử dụng đồ uống thể thao có chứa chất điện giải để giúp cân bằng sau các buổi tập luyện, thi đấu cường độ cao, kéo dài, hay bị mất do mất nước do tiêu chảy, nôn ói, ra mồ hôi  do nhiệt độ môi trường cao.

      3. Điều trị mất cân bằng nước-điện giải 

   Điều trị mất cân bằng nước-điện giải phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bện lý:

       + Mức độ nhẹ có thể điều trị bằng các chất bổ sung đường uống để mức điện giải trở lại phạm vi bình thường;

     + Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, cần nhập viện để theo dõi và điều trị chuẩn xác.

     + Nếu rối loạn, mất cân bằng có liên quan đến bệnh lý mãn tính như bệnh thận, suy tim, tuyến giáp… cần có sự thăm khám, điều trị của các bác sĩ chuyên khoa.

     VI. ĐÔI LỜI BÀN LUẬN

    Rối loạn cân bằng nước-điện giải là một bệnh lý phức tạp, nhiều thể loại, nhiều mức độ khác nhau ….Do đó cho nên, cần phải có đánh giá, xét nghiệm thật chính xác mới đưa ra cách xử lý điều trị thích hợp.

    Cần lưu ý, nước và chất điện giải thiếu hụt hay dư thừa đều gây hại cho sức khỏe. Vì thế, trừ những trường hợp đơn giản có thể sử dụng các chất bổ sung, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bổ sung, điều trị.

  VII. THAM KHẢO

[1] Fluid and Electrolyte Balance

https://medlineplus.gov/fluidandelectrolytebalance.html

[2] WATER AND ELECTROLYTES

Water and Electrolytes

[3] Fluid and electrolyes:Recommended Dietary Allowances

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK234935/

[4] Water and electrolyte balance

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/B9780128154991000375

[5] Balance – disorders of water and electrolyte metabolism

https://www.vinmec.com/en/news/health-news/general-health-check/balance-disorders-of-water-and-electrolyte-metabolism/

[6] Thăng bằng – rối loạn chuyển hóa nước và điện giải

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/thang-bang-roi-loan-chuyen-hoa-nuoc-va-dien-giai/

[7] Mất cân bằng điện giải là gì, khi nào cần bổ sung?

https://suckhoedoisong.vn/mat-can-bang-dien-giai-la-gi-khi-nao-can-bo-sung-169221004115301746.htm

[8] BỔ SUNG CHẤT ĐIỆN GIẢI – NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

https://medlatec.vn/tin-tuc/bo-sung-chat-dien-giai–nhung-dieu-can-luu-y-s195-n32356

[9] Những điều cần biết về chất điện giải

[10] Rối loạn chuyển hóa nước – điện giải