Trang chủ » ẨM THỰC » SA KÊ, TRÁI BÁNH MÌ: LẠ MIỆNG, NGON, BỔ DƯỠNG !

SA KÊ, TRÁI BÁNH MÌ: LẠ MIỆNG, NGON, BỔ DƯỠNG !

    Sa kê là trái bánh mì !

     Sa kê, gọi theo tên Thái lan, sách vở gọi là trái bánh mì (breadfruit) vì phần nạc vàng mịn như khoai tây và thơm như bánh mì nóng.

    Sa kê có tên khoa học là Artocarpus altilis, thuộc họ Dâu (Moraceae), trồng nhiều ở Đông Nam Á và các biển đảo Thái bình dương. Tổ tiên người Polynesian phát hiện cây sa kê ở tây bắc Tân Guinea hơn 3.500 năm trước, họ đã bỏ canh tác ruộng lúa và di thực sa kê về trồng trên tất cả những mảnh đất đai họ đến khai phá và sinh sống ở vùng Thái bình dương.

sake 1

     Sa kê là loại cây nhiệt đới xích đạo với khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều. Cây tương đối dễ trồng, phát triển được trên nhiều loại thổ nhưỡng: đất sỏi, cằn, bùn lầy, đất sét, sống được trên san hô và đất nhiễm mặn. Thân sa kê có thể vươn cao đến 26 mét, chia nhánh như các cây mộc khác. Lá sa kê dày, nhám, to bằng lá sen, chẻ như lá đu đủ. Sa kê là loài cây ăn trái có năng suất rất cao, nếu được chăm bón tốt mỗi cây có thể cho đến 150-200 trái mỗi vụ. Nhiều nghiên cứu ở vùng Barbados cho thấy năng suất sa kê có thể lên đến 16-32 tấn mỗi héc ta. Ngoài cho trái để ăn, từ những phần khác của cây có thể sản xuất mủ nhựa trắng như sữa,  một loại latex để trét ghe thuyền.

     Ngon, giàu dinh dưỡng

     Ở nhiều vùng nhiệt đới, sa kê là thức ăn chủ lực. Sa kê rất giàu tinh bột, được dùng nhiều cách chiên, xào, nướng, luộc.. Khi được nấu nướng, sa kê thơm như khoai tây chiên hay bánh mì nóng. Nếu để chín sa kê ăn ngọt như chuối vì tinh bột chuyển thành đường.

sake 2

                              Trái sa kê – nguyên trái, bổ dọc và cắt ngang

    Tỷ lệ chất dinh dưỡng theo USRDA (US recommendations for adults) cứ 100 gam sa kê tươi sống sẽ cung cấp được: Năng lượng 103 kcal, Bột đường  27.12 g; Đường ngọt 11.00 g; Chất xơ 4.9 g ; Chất béo 0.23 g Đạm 1.07 g; Nước 70.65 g, Vitamin B1 0.110 mg (10%), Riboflavin (vit. B2) 0.030 mg (3%); Niacin (vit. B3) 0.900 mg (6%); Pantothenic acid (B5) 0.457 mg (9%); Vitamin B6 0.100 mg (8%); Choline9.8 mg (2%); Vitamin C29.0 mg (35%); Vitamin E 0.10 mg (1%)Vitamin K0.5 μg (0%)

       Nguồn: USDA Nutrient Database

     Chế biến phong phú 

    Có quá nhiều cách sử dụng trái sa kê làm thực phẩm, nhiều cách biến chế quá “ngoạn mục” với những hiệu quả bất ngờ. Người ta có thể chiên, xào, luộc, bóp, nấu lẫu, cà ri, ủ men, làm mứt…

sake chiên

                                                 Sa kê chiên

sake tôm

                                                            Sa kê nấu tôm

sake thịt

                                                           Sa kê nhồi thịt

sake chips

                                     Chíp Sa kê

       Tại cố hương của cây sa kê có bốn món ăn thông dụng

      (1) Sa kê nướng lá chuối: sa kê đã luộc hoặc mứt sa kê lên men trộn với nước cốt dừa đem gói  lá chuối rồi nướng;

       (2) Thịt um trong quả sa kê: sa kê nguyên trái khoét bớt ruột rồi dồn thịt, bơ, đường, gia vị…rồi đem đun chín (tương tự món gà nấu trong quả bí rợ);

        (3) Sa kê nghiền cá thu, dầu ô liu và hành tỏi …

      (4) Mứt sa kê lưu cửu: sa kê thường thu hoạch rộ trong mùa vụ, cư dân có cách bảo quản trái độc đáo là đem trái sa kê đã được rửa sạch, gọt vỏ đem ủ vào những chum sạch lót lá cho lên men trong nhiều tuần lễ; sản phẩm là một loại mứt hồ sệt, ngọt ngọt, chua chua… Keo mứt này có thể để dành ăn dần  trong nhiều năm.

      Ở Việt Nam, gần đây nhiều quán ăn, nhà hàng đã có giới thiệu nhiều món ăn từ sa kê trồng trong nước:

      (1) Thông dụng và ngon nhất có lẽ là Sa kê chiên bơ: trái sa kê được gọt vỏ, thái thành thỏi cở ngón tay (như khoai tây), nhúng dịch bột rồi đem chơn bơ là có ngay đĩa “mồi” lý tưởng để nhâm nhi bia, rượu, 

      (2) Gỏi trộn sa kê : sa kê luộc hoặc hấp được thái nhỏ và đem trộn tôm, thịt, đậu, tiêu, gia vị,

      (3) Cà ri sa kê. : sa kê được dùng thay thế khoai tây, khoai sọ để nấu món cà ri…

       Khả năng chữa bệnh rất hạn chế

    Khá nhiều bài báo thổi phồng khả năng chữa bệnh của sa kê: đau lưng, đau thần kinh tọa, rồi chữa tăng huyết áp, chữa bệnh gút (thống phong), đau rát mắt.v.v….

    Trong dân gian, người ta còn bày nhau sử dụng lá sa kê già, còn tươi, sắc lấy nước uống để trị phù thũng hay viêm gan, vàng da. Lá sa kê còn được cho là có thể phối hợp với một số vị thuốc khác trị sỏi thận, gút…

    Tuy nhiên, hiện chưa có có tài liệu, nghiên cứu khoa học bài bản cũng như có một chứng cớ thực nghiệm nào cho thấy sa kê những tác dụng dược lý hay ho như truyền miệng này.

     Đôi điều bàn luận

    Người viết bài, hoạt động trong lãnh vực nội tiết và dinh dưỡng, xin bàn bốn ý: một là  sa kê dễ trồng, chịu được khí hậu nhiệt đới, có thể sống trên nhiều loại đất kể cả đất đồi, đất sỏi bạc màu và cả đất nhiễm mặn, hai là sa kê là cây lương thực cho năng suất khá cao, ba là trái sa kê có thể chế biến ra nhiều loại thức ăn ngon, hợp khẩu vị và có giá trị dinh dưỡng tốt và bốn là  cây sa kê cũng khá đẹp, cho bóng mát tốt, có thể trồng ở vườn, trong công viên hay trên hè phố.

     Cần có chương trình khuyến nông để nhân rộng việc canh tác cây lương thực quý này !!!

SA KÊ : LẠ MIỆNG, NGON, BỔ DƯỠNG

[2] Món ngon từ trái Sa kê

[3] Lạ miệng với sa kê chiên 

                     Trần Bá Thoại

           Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM