I. LỜI MỞ
Ruột non là phần dài nhất của đường ống tiêu hóa, khoảng 6 mét. Đây là nơi thức ăn được nhào trộn với dịch ruột chứa nhiều loại ezyme tiêu hóa, giúp thủy phân ba nhóm chất đại lượng là bột đường, chất béo, và chất đạm ra các thành phần cấu tạo là glucose, acid amin, acid béo rồi được hấp thu vào máu.
Trong khi đại tràng là nơi cư trú chính của hệ vi sinh đường ruột (1011 CFU/mL (colony-forming units of bacteria per milliliter), đoạn ruột non tuy dài nhất lại chứa rất ít vi khuẩn (10 CFU/mL) do dòng thức ăn lưu chuyển nhanh, cùng với acid dạ dày, dịch tụy, muối và acid mật ức chế sự phát triển của chúng. Nhưng khi sự di chuyển thức ăn bị chậm lại, hoặc ứ trệ, ruột non trở thành nơi sinh sản lý tưởng khiến vi khuẩn phát triển ồ ạt có thể sản sinh ra độc tố cũng như cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và gây bệnh cho con người.
II. TỔNG QUAN
Quá sản vi khuẩn ruột non (small intestinal bacterial overgrowth SIBO) xảy ra khi có sự gia tăng bất thường về tổng lượng vi khuẩn trong ruột non, đặc biệt là các loại vi khuẩn khác thường của đường tiêu hóa sẽ gây ra bệnh. SIBO còn được gọi là hội chứng vòng mù (blind loop syndrome).
Quá sản vi khuẩn ruột non SIBO thường xảy ra trong các tình huống làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn và chất thải trong đường tiêu hóa, như sau phẫu thuật hoặc bệnh tật, khiến ruột non trở thành nơi sinh sản cho vi khuẩn. Và lượng vi khuẩn quá sản, dư thừa này thường gây tiêu chảy, sụt cân và suy dinh dưỡng. Vì thế, thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị SIBO phổ biến nhất.
III. NGUYÊN NHÂN
Quá sản vi khuẩn ruột non SIBO có thể do:
1. Các biến chứng của phẫu thuật vùng bụng, như cắt dạ dày điều trị béo phì và cắt dạ dày để điều trị loét dạ dày và ung thư dạ dày.
2. Các bất thường cấu trúc trong và xung quanh ruột non, như mô sẹo (dính ruột) có thể quấn quanh bên ngoài ruột non và các túi mô phình ra nhô ra qua thành vào bên trong lòng ruột non (bệnh túi thừa đường ruột).
3. Một số tình trạng bệnh lý, bao gồm bệnh Crohn, viêm ruột do phóng xạ, xơ cứng bì, bệnh celiac, đái tháo đường, hoặc các tình trạng khác có thể làm chậm quá trình di chuyển của thực phẩm và chất thải qua ruột non
IV. DẤU CHỨNG
Các dấu hiệu và triệu chứng của SIBO bao gồm:
* Ăn mất ngon
* Đau bụng
* Buồn nôn
* Đầy hơi
* Cảm giác no khó chịu sau khi ăn
* Tiêu chảy
* Giảm cân không lý do
* Suy dinh dưỡng
V. BIẾN CHỨNG
SIBO gây ra các biến chứng ngày càng nghiêm trọng sau:
1. Hấp thụ kém chất béo, carbohydrate và protein.
Muối mật, rất cần thiết trong tiêu hóa chất béo, bị phân hủy bởi vi khuẩn dư thừa trong ruột non dẫn đến tiêu hóa chất béo không hoàn toàn và tiêu chảy. Các sản phẩm vi khuẩn cũng có thể gây hại cho niêm mạc ruột non, dẫn đến giảm hấp thu carbohydrate và protein.
Vi khuẩn có thể cạnh tranh thức ăn sẵn có. Các hợp chất tạo ra thông qua quá trình phân hủy thức ăn của vi khuẩn ruột non dẫn đến tiêu chảy, suy dinh dưỡng và giảm cân.
2. Thiếu vitamin.
Do hấp thu chất béo không đầy đủ nên cơ thể không thể hấp thụ đầy đủ các vitamin tan trong dầu A, D, E, K, F.
Vi khuẩn trong ruột non tổng hợp cũng như sử dụng vitamin B12, rất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể. hoạt động của hệ thống thần kinh và sản xuất tế bào máu và DNA. Sự phát triển quá mức của vi khuẩn có thể dẫn đến thiếu hụt B-12, dẫn đến suy nhược, mệt mỏi, ngứa ran và tê ở tay chân, và trong những trường hợp nặng có thể dẫn đến rối loạn tâm thần. Tổn thương hệ thần kinh trung ương do thiếu hụt B-12 có thể không phục hồi.
3. Xương yếu (loãng xương)
Theo thời gian, tổn thương ruột do SIBO làm hấp thụ canxi kém và cuối cùng có thể dẫn đến các bệnh về xương, như loãng xương.
4. Sỏi thận.
Sự hấp thụ canxi kém cuối cùng cũng có thể dẫn đến sỏi thận.
VI. ĐIỀU TRỊ
1. Xác định và khắc phục nguyên nhân gốc rễ
2. Sử dụng kháng sinh thích hợp.
3. Giải quyết tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt với những bệnh nhân mắc chứng khó tiêu và kém hấp thu.
4. Một số chuyên gia khuyến nghị dùng probiotic thêm sau liệu pháp kháng sinh, thường dùng họ Lactobacillus gồm L. casei, L. plantarum, L. acidophilus đều đã được chứng minh là có hiệu quả.
VII. THAM KHẢO
[1] Small intestinal bacterial overgrowth
https://en.wikipedia.org/wiki/Small_intestinal_bacterial_overgrowth
[2] Small intestinal bacterial overgrowth (SIBO)
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/small-intestinal-bacterial-overgrowth/symptoms-causes/syc-20370168
[3] Small intestinal bacterial overgrowth
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21820-small-intestinal-bacterial-overgrowth-sibo
[4] Small intestinal bacterial overgrowth
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK546634/
[5] Vi khuẩn ruột non: Thiếu sẽ bệnh, thừa cũng hại!
https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-khuan-ruot-non-thieu-se-benh-thua-cung-hai-20190809090553954.htm
[6] Small Intestinal Bacterial Overgrowth—Pathophysiology and Its Implications for Definition and Management
https://www.gastrojournal.org/article/S0016-5085%2822%2900357-2/fulltext
[7] Is SIBO (Small Intestinal Bacterial Overgrowth) the answer to your medical problems?
https://www.youtube.com/watch?v=1joMVTa_SwY
[8] Small Intestinal Bacterial Overgrowth: Updates and Clinical Implications
[9] How to STOP Small Intestine Bacterial Overgrowth(SIBO)? – Dr. Berg
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM