Trang chủ » ẨM THỰC » NHỮNG THỰC PHẨM HỖ TRỢ HỆ THỐNG THẢI ĐỘC CỦA CƠ THỂ

NHỮNG THỰC PHẨM HỖ TRỢ HỆ THỐNG THẢI ĐỘC CỦA CƠ THỂ

      I. LỜI MỞ

     Độc tố trong cơ thể con người được tạo ra trong quá trình chuyển hóa trao đổi chất thức ăn, các chất dinh dưỡng và đến từ các nguồn bên ngoài cơ thể từ môi trường sống qua hít thở không khí và hấp thụ qua da.

     Bình thường, hệ thống giải độc tự nhiên trong cơ thể, thông qua các hệ tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, da liễu đảm nhiệm chức năng đào thải cấc chất độc ra ngoài. Chế độ ăn thải độc thực chất là những thức ăn có chứa các nhóm chất sinh học đặc biệt giúp hệ thống thải độc sẵn có trong cơ thể hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Cần lưu ý rằng, các thức ăn này cỉ hỗ trợ chứ không trực tiếp thải độc.

     II. NHỮNG THỰC PHẨM HỖ TRỢ THẢI ĐỘC 

  Dù cơ thể đã được trang bị hệ thống giải độc hiệu quả, nhưng chúng ta có thể hỗ trợ quá trình giải độc tự nhiên của cơ thể cách bổ sung những thực phẩm sau vào chế độ ăn:

  1. Các rau họ cải (cruciferous vegetables)


  Nghiên cứu trên người cho thấy, các loại rau họ cải như bông cải xanh, cải brussels và súp lơ có thể kích hoạt CYP1, các enzyme giúp phân hủy các chất có khả năng gây ung thư và thuốc.

  Các loại rau này cũng có thể hỗ trợ vai trò của glutathione, một chất chống oxy hóa tự nhiên trong cơ thể giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch và cải thiện quá trình giải độc. Đáng chú ý, các loại rau họ cải là nguồn cung cấp glucosinolate chính trong chế độ ăn uống, một nhóm hóa chất thực vật hoặc hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa.

  2. Quả mọng (berries)


  Quả mọng có khả năng làm giảm hoạt động quá mức của enzyme CYP1. Khi các enzyme CYP1 hoạt động quá mức nó không hỗ trợ quá trình giải độc, và có thể làm trầm trọng thêm tác động của các chất gây ung thư trong môi trường.

  Quả mọng rất giàu chất dinh dưỡng và các chất hóa học thực vật như flavonoid và có tác dụng bảo vệ chống lại các tình trạng viêm, bệnh tim và nhiều loại ung thư khác nhau. Cụ thể, trong quả việt quất, các chất hóa học thực vật này đã được tìm thấy trong các nghiên cứu trên động vật để kiểm soát Nrf2, một loại protein quan trọng giám sát hệ thống chống oxy hóa và giải độc của cơ thể.

  3. Hành & Tỏi


  Tỏi chứa các hợp chất chứa lưu huỳnh, như allicin, đã thu hút được nhiều sự quan tâm trong nghiên cứu vì hoạt động chống oxy hóa và tác dụng chống ung thư.

  Tỏi thuộc nhóm rau họ hành cùng với hành tây và hẹ…Những loại rau này có thể kích hoạt các enzyme giúp giải độc, cùng với con đường Nrf2.

    4. Trà xanh


  Nghiên cứu cho thấy, trà xanh kích hoạt con đường Nrf2 liên quan đến việc thanh lọc độc tố. Caffeine và các hợp chất trong trà xanh được gọi là catechin được cho là chịu trách nhiệm cho việc này.

  Ngoài ra, catechin có trong trà xanh, đặc biệt là epigallocatechin gallate (EGCG), đã thu hút sự chú ý đáng kể trong nghiên cứu do khả năng chống viêm và ung thư.

     5. Nghệ


     Nghệ, một thành viên của họ gừng, thường được sử dụng trong các món ăn, đặc biệt là làm gia vị và thành phần trong bột cà ri. Trong y học cổ truyền, nghệ được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng khác nhau bao gồm các rối loạn về khớp và tiêu hóa.

    Nghệ có thể tăng cường giải độc bằng cách hỗ trợ vai trò của glutathione và con đường Nrf2. Curcumin, một thành phần chính trong nghệ, đóng vai trò trong quá trình này.

     6. Trái cây họ cam quýt (citrus fruits)


    Các loại trái cây họ cam quýt như cam, chanh, quýt… là nguồn cung cấp vitamin C và folate dồi dào, là các loại vitamin hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Vitamin C và polyphenol (hợp chất thực vật có lợi) trong trái cây họ cam quýt có thể làm giảm viêm.

Trong nghiên cứu trên người, trái cây họ cam quýt có khả năng thúc đẩy các enzyme UDP-Glucuronosyl transferases (UGT), rất quan trọng để giúp cơ thể loại bỏ một số độc tố qua nước tiểu và phân. Tuy nhiên, bưởi lại làm chậm các enzyme giúp giải độc.

       7. Gừng


    Gừng có các hợp chất như 6-shoagol có thể giúp giảm viêm, dựa trên nghiên cứu trên động vật và con người. Nó cũng đang được nghiên cứu về khả năng làm giảm buồn nôn và nôn.

   Trong các nghiên cứu trên động vật, 6-shogaol và chiết xuất gừng có vẻ giúp kích hoạt con đường Nrf2, kiểm soát các hoạt động chống oxy hóa và giải độc.

     8. Hương thảo (rosemary)


    Hương thảo là một loại thảo mộc có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải. Theo các nghiên cứu trên động vật, loại thảo mộc này giàu chất phytochemical có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm.

   Nghiên cứu trên động vật cho thấy hương thảo có khả năng thúc đẩy hoạt động của các enzyme tham gia vào quá trình giải độc. 

     9. Thực phẩm có resveratrol


    Nho, rượu vang, đậu nành và đậu phộng đều chứa resveratrol, một loại polyphenol thực vật. Resveratrol có tác dụng lợi cho cơ thể như làm giãn mạch máu, giảm đông máu và giảm đau và sưng.

  Theo nghiên cứu trên người, resveratrol có thể kích hoạt các enzyme CYP1 tham gia vào quá trình giải độc. Chúng cũng có thể thúc đẩy hoạt động của các enzyme GST gắn glutathione vào độc tố và hỗ trợ đào thải độc tố. Nó cũng có thể thúc đẩy con đường Nrf2 kiểm soát cơ chế phòng vệ và giải độc của cơ thể.

     10. Thực phẩm có Lycopene


   Lycopene, một hợp chất tạo nên màu đỏ cho các loại thực phẩm như cà chua, ổi và dưa hấu, cũng có thể kích hoạt con đường Nrf2, theo nghiên cứu trên người.

  Lycopene có tiềm năng chống oxy hóa cao, là một trong những chất cao nhất trong nhóm sắc tố thực vật được gọi là carotenoid. Theo nghiên cứu, lycopene có thể có tác dụng bảo vệ chống lại các tình trạng như ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh về tim và gan.

    III. ĐÔI LỜI BÀN LUẬN

    Trên phương tiện truyền thông, đặc biệt trang mạng xã hội, vô số chế độ ăn thải độc được giới thiệu, quảng cáo “có cánh”. Nhưng đa số các quảng cáo này thường không có bằng chứng khoa học thực nghiệm (scientific evidence-based) xác định chế độ ăn kiêng giải độc sẽ loại bỏ chất độc nào với cơ chế ra sao. Hơn nữa, chế độ ăn giải độc cũng ít được các nhà nghiên cứu hoặc chuyên gia sức khỏe ủng hộ rộng rãi.

    Nhiều chế độ ăn kiêng thải độc hạn chế nghiêm ngặt các lựa chọn thực phẩm, hoặc liên quan đến việc nhịn ăn, nên có khả năng làm mất đi các chất dinh dưỡng thiết yếu, và có thể cản trở quá trình giải độc tự nhiên của cơ thể.

   Nhiều chuyên gia lưu ý, quá trình giải độc không nhất thiết phải liên quan đến những thay đổi chế độ ăn uống cực đoan, mà cần:

   (1) Kết hợp nhiều loại thực phẩm, thảo mộc và gia vị có lợi cho sức khỏe được đề cập ở trên,

   (2) Thêm các loại thực phẩm bổ dưỡng như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và hạt giống hỗ trợ sức khỏe tổng thể và cả hệ thống giải độc của cơ thể, 

   (3) Lượng protein tối ưu cũng rất quan trọng để duy trì mức glutathione đầy đủ, một loại enzyme giải độc quan trọng.

   (4) Bổ sung các loại probiotic, prebiotic như thực phẩm lên men như kefir, sữa chua, chất xơ có thể hỗ trợ sức khỏe đường ruột qua gut microbiome.

   Tóm lại, Detox diet, thức ăn giải độc, chỉ hỗ trợ cho hệ thống thải độc của cơ thể, mà không thể trực tiếp giải độc ! 

 IV. THAM KHẢO

[1] What is a full-body detox?

https://www.healthline.com/nutrition/how-to-detox-your-body

[2] What is a detox diet?

https://www.bbcgoodfood.com/health/wellness/what-detox-diet

[3] What are detoxing foods and what are their benefits?

https://www.medicalnewstoday.com/articles/detoxing-foods

[4] The 10 Best Foods for Detox

The 10 Best Foods for Detox (+Recipes for Each)

[5] Best Foods to Support a Healthy Detox

https://www.health.com/best-foods-for-detox-8646031

[6] Cách Đơn Giản Để Thanh Lọc, Thải Độc Cơ Thể

[7] 10 loại nước “thần kỳ” có thể giúp làm mát gan, thải độc tố vô cùng hiệu quả

  TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM