Trang chủ » Chưa phân loại » NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN: CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ NGUY CƠ CẦN BIẾT !

NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN: CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ NGUY CƠ CẦN BIẾT !

   I. LỜI MỞ

    Hiện nay, nhịn ăn gián đoạn là một trào lưu ẩm thực đang được truyền bá, sử dụng, rộng rãi nhằm để giảm cân, ngừa béo phì, phục hồi vóc dáng, thải độc và phòng ngừa bệnh tật….

    Nguyên lý của nhịn ăn gián đoạn là “bỏ đói cơ thể để khơi dậy lợi ích tiềm năng” qua trung gian quá trình tự thực, tự ăn, tự tiêu hóa các thành phần tế bào, autophagy, khi cơ thể bị bỏ đói.

    Khi nhịn ăn gián đoạn, vì cơ thể thiếu năng lượng đầu vào sẽ tăng cường tự thực, tự chuyển hóa các sinh chất để bù trừ số năng lượng thiếu hụt, vô hình trung giúp cơ thể giảm cân, giảm béo phì, giảm mỡ nội tạng…Nhưng về lâu về dài, nếu không điều chỉnh thích hợp sẽ gây nhiều tác hại.

   II. CÁC KIỂU NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN                              

                                               

      Sáu phương pháp nhịn ăn gián đoạn phổ biến gồm:

      1 Nhịn ăn 16/8giao thức Leangains, bỏ bữa sáng và ăn uống trong 8 giờ, nhịn ăn 16 giờ còn lại trong ngày.

      2 Ăn-dừng-ăn (Eat-Stop-Eat): nhịn ăn trong 24 giờ, một hoặc hai lần một tuần.

      3  Chế độ ăn 5: 2 Fast diet, ăn kiểu Michael Mosley., ăn bình thường 5 ngày và chỉ tiêu thụ 500–600 calo vào 2 ngày không liên tiếp trong tuần.

       4  Chế độ ăn Warrior, được chuyên gia thể dục Ori Hofmekler phổ biến: ăn một lượng nhỏ trái cây và rau sống vào ban ngày và ăn một bữa ăn lớn vào ban đêm với thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến.

      5 Nhịn ăn tự phát không tuân theo một kế hoạch nhịn ăn gián đoạn nhất định, thỉnh thoảng có thể bỏ bữa ăn, như khi không cảm thấy đói hoặc quá bận rộn để chuẩn bị bữa ăn và ăn.

    .6 Ăn một bữa mỗi ngày (one meal a day diet, OMAD) chỉ ăn một bữa trong ngày.

    Chế độ ăn này buộc thực khách phải nhịn ăn quá lâu dễ dẫn đến cảm giác cực kỳ đói và thèm ăn không kiểm soát được, và không tốt cho sức khỏe và khó áp dụng lâu dài.

    III. HIỆN TƯỢNG TỰ THỰC (autophagy)

    1. Tự thực là gì ?

   Tự thực, tự ăn, tự tiêu hóa, (autophagy, autophagocytosis ), từ tiếng Hy Lạp auto – “tự”, và phagein – “ăn”. Như vậy, autophagy có nghĩa là “tự ăn” chính mình.

    Khái niệm tự thực xuất hiện từ những năm 1960, khi các nhà nghiên cứu quan sát thấy tế bào có thể tự tiêu hủy các sinh chất thành phần của mình bằng cách bọc sinh chất vào trong một màng mỏng thành những nang túi vận chuyển đến một khoang tiêu thể (lysosome) để giáng hóa (tiêu hóa, thoái hóa) lấy năng lượng và sản phẩm nhỏ bé, thấp cấp hơn.

     Nhà khoa học Bỉ Christian de Duve, Nobel Sinh lý học và Y học năm 1974 về khám phá thể lysosome, đã dùng thuật ngữ autophagy (tự thực) để mô tả quá trình thoái hóa trong các tiêu thể lysosome này và những túi mới được đặt tên là autophagosome (thể tự thực).

    Vào những năm 1990, nhà khoa học Nhật Bản, GS Yoshinori Ohsumi đã sử dụng nấm men bánh mì để xác định những gen thiết yếu cho quá trình tự thực. Sau đó ông đã làm sáng tỏ các cơ chế của tự thực ở nấm men và chứng tỏ rằng cỗ máy tinh vi tương tự cũng được sử dụng trong các tế bào của người. Nhờ công trình này, Viện Karolinska, Thụy Điển đã trao giải Nobel về Sinh Y học năm 2016 cho ông. 

   2. Tự thực trong nhịn ăn gián đoạn (autophagy in intermittent fasting)

   Nếu ngày nào cũng ăn dư thừa hơn nhu cầu, năng lượng thừa sẽ được lưu trữ lại dưới dạng chất béo ở dưới da, trong cơ, nội tạng  hậu quả là thừa cân, béo phì, và nhiều hệ lụy…

   Ngược lại, khi bỏ bữa không ăn uống gì, cơ thể sẽ chuyển hóa ngược, sẽ sử dụng các chất dự trữ trong cơ thể qua con đường tự thực để chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể sử dụng. Hệ quả là sẽ giảm được cân, giảm mỡ gan, béo phì…

    Theo giáo sư Yoshinori Oshumi, cơ chế “tự thực” của tế bào là cách thích nghi của cơ thể với cơn đói hoặc phản ứng của cơ thể khi bị viêm nhiễm. Cơ thể “tự tiêu hóa các phần tử thừa, yếu kém trong tế bào” có thể sản sinh đến khoảng 60-70% nhu cầu năng lượng cơ thể. 

    IV. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

   Khoa học chỉ rõ, nguyên lý của nhịn ăn gián đoạn là áp dụng cơ chế tự thực sử dụng các chất dự trữ trong cơ thể chuyển hóa thành năng lượng với hệ quả là giảm được cân trọng, giảm mỡ gan, béo phì…

   Nhưng nhịn ăn gián đoạn chỉ áp dụng nhất thời cho những ai ăn dư thừa, và không thể máy móc áp dụng đại trà cho tất cả mọi người, đặc biệt trẻ đang lớn, người đang thiểu dưỡng (malnourished). Một người bị bỏ đói, không ăn, cơ thể sẽ chuyển hóa ngược, tự thực ăn chinh sinh chất của cơ thể mình để chuyển hóa thành năng lượng. Hậu quả của rối loạn chuyển hóa ngược sẽ gây ra nhiều biến chứng như bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, cao huyết áp…

  Hội nghị khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ AHA ở Chicago đầu năm 2024 này, các báo cáo cho thấy những người nhịn ăn gián đoạn dưới 8 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch gây tử vong cao hơn 91% so với những người ăn uống bình thường; và những người đã có bệnh tim mạch nếu nhịn ăn ngắt quãn 8 – 10 giờ mỗi ngày cũng có nguy cơ tử vong do tim và đột quỵ cao hơn 66%.

  Vì thế, muốn thực hiện nhịn ăn gián đoạn, cần có bác sĩ đánh giá thực trạng sức khỏe chung và luôn theo nguyên tắc từ tốn không đột ngột: kéo dài từ 1 – 2 tháng, thậm chí tới 6 tháng để cơ thể thích nghi rồi cho trở về ngưỡng ăn uống cân bằng bình thường. Kéo dài nhịn ăn gián đoạn sẽ gây sốc thể trạng và dinh dưỡng, nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng.

   Các chuyên gia chỉ ra một số trường hợp không được thực hiện phương pháp này gồm: (1) Có tiền sử bị rối loạn ăn uống; (2) Đái tháo đường thể1; (3) Người đang mang thai và cho con bú; (4) Trẻ dưới 18 tuổi, (5) Bệnh nhân đang trong giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật; (6) Những người sức khỏe yếu hoặc mắc các bệnh lý mạn tính; (7) Người gặp phải các vấn đề về dạ dày.

 V. THAM KHẢO

[1] Autophagy

https://en.wikipedia.org/wiki/Autophagy

[2] Nobel y học 2016 vinh danh nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi

https://tuoitre.vn/giai-nobel-y-hoc-2016-trao-cho-ohsumi-1181895.htm

https://khoahoc.tv/nobel-y-sinh-vinh-danh-nghien-cuu-ve-su-tu-huy-te-bao-75651

[3] Người ‘nhịn ăn gián đoạn’ có thể gặp biến chứng tim mạch, huyết áp

https://tuoitre.vn/nguoi-nhin-an-gian-doan-co-the-gap-bien-chung-tim-mach-huyet-ap-20240624081625058.htm

[4] Nhịn ăn gián đoạn tăng nguy cơ tử vong do tim mạch

https://vtv.vn/the-gioi/nhin-an-gian-doan-tang-nguy-co-tu-vong-do-tim-mach-20240325212905991.htm

[5] Nhịn ăn gián đoạn: Trào lưu lợi hay hại?

https://vneconomy.vn/techconnect/nhin-an-gian-doan-trao-luu-loi-hay-hai.htm

[6] Rủi ro do nhịn ăn gián đoạn

https://vnews.gov.vn/video/rui-ro-cua-phuong-phap-nhin-an-gian-doan-114685.htm

[7]  Nhịn ăn 16/8 hiệu quả thế nào?

[8] Nhịn ăn Bao lâu thì Cơ thể Đốt mỡ thừa?

[9] Giảm Cân Bằng Nhịn Ăn Gián Đoạn Không Đúng Cách Sẽ Để Lại Hệ Lụy Gì?

        TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆTNAM