Trang chủ » BÀN LUẬN » SUY THẬN MẠN-NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

SUY THẬN MẠN-NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

   I. LỜI MỞ

  Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trên thế giới tỷ lệ bệnh thận mạn khá cao đến 10% dân số, cứ 10 người thì sẽ có 1 người mắc, cướp đi mạng sống của 5 – 10 triệu người/năm.

  Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính, với 800 ngàn ca chạy thận nhân tạo, và có thêm 8 ngàn bệnh thận mạn mới hằng năm. Tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong các nguyên nhân hàng đầu.

  Bệnh diễn tiến âm thầm, ít triệu chứng, thường được phát hiện ở giai đoạn nặng, khó điều trị. Do đó, chúng ta cần tầm soát sớm bệnh thận mạn ở những người có nguy cơ cao như: đái tháo đường, tăng huyết áp, người cao tuổi, có tiền căn bệnh thận trước…Từ đó, bác sĩ có thể điều chỉnh sớm, làm chậm quá trình diễn tiến bệnh để bệnh có thể hồi phục hoặc chậm dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. 

    II. ĐỊNH DANH TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN & CÁC GIAI ĐOẠN

  Suy thận mạn là một tình trạng bệnh lý trong đó chức năng thận giảm dần theo thời gian, trên 3 tháng

  1. Tiêu chuẩn chẩn đoán

   Thường thì các tổn thương kéo dài trên 3 tháng, với các tiêu chuẩn:

  • Nồng độ Albumin niệu >30mg/24 giờ, ACR >30mg/g.
  • Giảm GFR < 60ml/min/1.732 m2.
  • Tăng ure máu >3 tháng, kéo dài (nếu không xác định được thời gian cụ thể).
  • Cặn lắng nước tiểu bất thường, có protein trong nước tiểu, trụ niệu, hồng cầu niệu.
  • Chỉ số điện giải bất thường liên quan đến bệnh lý ống thận.
  • Định lượng creatinin trong máu tăng cao.
  • Sinh thiết thận phát hiện bất thường mô bệnh học.
  • Hình ảnh chẩn đoán có cấu trúc bất thường (kích thước thận giảm đều, không đồng nhất ở hai bên, có sỏi thận, nang, dị dạng…).

   2. Các giai đoan

   Suy thận mạn diễn tiến qua 5 giai đoạn chính.

    * Giai đoạn 1, chức năng thận vẫn còn tốt, nhưng có dấu hiệu tổn thương nhẹ, như sự hiện diện của protein trong nước tiểu. Giai đoạn này thường không có triệu chứng rõ ràng, và bệnh nhân có thể không nhận ra mình bị bệnh.

    * Giai đoạn 2 được xác định bằng mức lọc cầu thận (glomerular filtration rate eGFR) giảm nhẹ, từ 60 đến 89 mL/phút/1,73 m². Người bệnh có thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi hoặc thay đổi nhỏ trong tiểu tiện.

   * Giai đoạn 3, eGFR giảm xuống từ 30 đến 59 mL/phút/1,73 m², với những triệu chứng rõ ràng hơn như tăng huyết áp, thiếu máu, và mệt mỏi nặng hơn.

   * Giai đoạn 4 , eGFR từ 15 đến 29 mL/phút/1,73 m² là giai đoạn suy thận nặng, bệnh nhân có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe như phù, rối loạn cân bằng điện giải và nhiều biến chứng khác. 

    * Giai đoạn 5 còn gọi là suy thận giai đoạn cuối khi eGFR dưới 15 mL/phút/1,73 m², yêu cầu điều trị thay thế thận như chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

 

    III. NGUYÊN NHÂN

    1. Các bệnh lý liên quan đến thận

   – Viêm cầu thận, hội chứng thận hư, viêm thận kẽ, viêm ống thận và các cấu trúc xung quanh, viêm bể thận, bệnh thận bẩm sinh và di truyền (thận đa nang, loạn sản thận, hội chứng Alport)…

   – Trào ngược bàng quang niệu quản (vesicoureteral reflux VUR), tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài

   2- Bệnh lý đái tháo đường và tăng huyết áp

    3– Các nguyên nhân khác

  Bệnh tự miễn (như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì), nhiễm độc trong thời gian kéo dài…

   IV. TRIỆU CHỨNG 

    Suy thận mạn tính thường không có triệu chứng rõ ràng. Triệu chứng sẽ không biểu hiện cho tới khi xuất hiện các tổn thương thận nặng nề.  Các triệu chứng có thể gặp: 

      * Thiếu máu: da xanh, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, ăn kém…

      * Tăng huyết áp 

      * Chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, loét miệng, xuất huyết tiêu hóa

      * Chuột rút, dị cảm, kiến bò, bỏng rát ở chân..

      * Các triệu chứng khác: loãng, viêm xương, đau xương, phù, hôn mê… 

    V. ĐIỀU TRỊ

   1. Điều trị nguyên nhân, hỗ trợ

   Nhằm giải quyết các nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn. Ngoài ra, cần điều trị bằng chế độ ăn. Bệnh nhân suy thận mạn cần có chế độ ăn ít muối, cân bằng nước, bổ sung thêm kali bằng ăn uống, bổ sung thêm kiềm, chế độ ăn đạm và năng lượng phù hợp…

    2. Điều trị triệu chứng   

  * Điều trị rối loạn điện giải; rối loạn toan kiềm; * Điều trị tăng huyết áp; Điều trị thiếu máu; Điều trị loạn dưỡng xương…Các thuốc khác gồm Bổ sung Vitamin và các acid amin (Ketosteril hay Nephrosteril).

  * Lọc máu ngoài thận. Ghép thận.

 VI.  THAM KHẢO

[1] Chronic Kidney Disease

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-kidney-disease/symptoms-causes/syc-20354521

[2] Chronic Kidney Disease

https://www.nhs.uk/conditions/kidney-disease/

[3] Chronic Kidney Disease

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15096-chronic-kidney-disease

[4] Chronic Kidney Disease

https://www.kidney.org/kidney-topics/chronic-kidney-disease-ckd

[5] Suy thận giai đoạn cuối – Bình tâm đón chờ khởi đầu mới đầy thử thách 

[6] Suy thận mạn: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị 

 TS.BS Trần Bá Thoại 

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM