Trang chủ » ẨM THỰC » MƯỚP ĐẮNG (KHỔ QUA): THỨC ĂN, VỊ THUỐC…

MƯỚP ĐẮNG (KHỔ QUA): THỨC ĂN, VỊ THUỐC…

    I. LỜI MỞ

   Mướp đắng là một loại rau quả quá quen thuộc với chúng ta. Mướp đắng khá giàu chất dinh dưỡng, nên từ lâu vừa được dùng để chế biến nhiều món ăn, thức uống và thực phẩm chức năng. 

   Y học cổ truyền đã từng sử dụng quả và hạt mướp đắng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh, chẳng hạn như đái tháo đường, các vấn đề về da, hen suyễn, các vấn đề về dạ dày ruột….

   Bài viết cung cấp một số thông tin dinh dưỡng, dược lý, và một số lưu ý về món ăn thông dụng này…

    II. TỔNG QUAN

  1. Mướp đắng: trái cây quen thuộc

   Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi cho biết, mướp đắng còn gọi là khổ qua, cẩm lệ chi, lại bồ đào, hồng cô nương, lương qua, mướp mủ, chua hao (Mường- Thanh Hóa). Cây mướp đắng được trồng nhiều nơi, khắp vùng miền của nước ta. Mướp đắng được chế biến thành các món như pha trà, nấu canh, xào, luộc….

    Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội cho biết, trong Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính mát, công dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sáng mắt, mát máu, nhuận tràng, nhuận tỳ, bổ thận, nuôi can huyết, lợi niệu, trừ nhiệt độc, chống mệt mỏi…

 Mướp đắng cũng được sử dụng để chữa bệnh ở Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản…

   Ở Thổ Nhĩ Kỳ, mướp đắng là thuốc trị đau dạ dày. Người Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng mướp đắng từ hàng trăm năm trước để làm dịu vết loét, táo bón, giữ nước, đầy hơi…

    Ở Ấn Độ, mướp đắng được coi là một trong những loại cây quan trọng nhất đối với “thực hành y học dân tộc” Ayurvedic, để cân bằng hormone, kiểm soát các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, giảm rối loạn tiêu hóa, điều trị rối loạn da hoặc vết thương và cũng là thuốc nhuận tràng tự nhiên để điều trị táo bón.

    2. Thành phần dinh dưỡng 

  Trong 100 g mướp đắng chứa:

  • Calo (kcal) 34
  • Lipid 0,2 g
  • Chất béo bão hòa 0 g
  • Cholesterol 0 mg
  • Natri 13 mg
  • Kali 602 mg
  • Carbohydrat 7 g
  • Chất xơ 1,9 g
  • Đường 1 g
  • Protein 3,6 g
  • Vitamin C 55,6 mg
  • Calci 42 mg
  • Sắt 1 mg
  • Vitamin D 0 IU
  • Vitamin B6 0,8 mg
  • Vitamin B12 0 µg
  • Magie 94 mg

   III. NHỮNG CÁCH SỬ DỤNG

    1. Ăn sống

    Đây là cách đơn giản nhất để tận dụng tối đa các hoạt chất trong mướp đắng. Có thể ăn trực tiếp mướp đắng tươi, thái lát mỏng hoặc trộn salad. Để giảm vị đắng, có thể ngâm mướp đắng trong nước muối loãng khoảng 15 phút trước khi ăn.

    2. Chế biến món ăn

    Mướp đắng có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như mướp đắng xào trứng, mướp đắng nhồi thịt, canh mướp đắng…

    3. Nước ép

   Ép mướp đắng tươi lấy nước uống là một cách hiệu quả để kiểm soát đường huyết. Có thể uống nước ép mướp đắng vào buổi sáng trước khi ăn. Nếu cảm thấy khó uống, có thể pha loãng với nước lọc hoặc thêm một chút nước cốt chanh.

    4. Phơi khô, hãm trà

    Mướp đắng thái lát mỏng, phơi khô, sau đó hãm với nước sôi như trà. Uống trà mướp đắng hàng ngày có thể giúp ổn định đường huyết.

    IV. NHỮNG LỢI ÍCH SỨC KHỎE

   1. Giảm cân, hạ đường máu, ngừa béo phì 

   Nhiều nghiên cứu cho thấy, mướp đắng có chứa các hợp chất sinh học giúp kiểm soát đường và giảm lipid máu như charantin (cấu trúc giống insulin), polypeptide-p (hoạt động tương tự insulin), vicine có tác dụng hạ đường huyết. Đặc biệt, chất leptin trong mướp đắng hạn chế cảm giác đói, khiến không thích ăn.

    2. Chứa polyphenol chống viêm

Mướp đắng chứa nhiều polyphenol, các hợp chất này được biết đến với khả năng giảm viêm trong cơ thể. Càng có nhiều chất này thì tác dụng chống viêm càng lớn.

    3. Tăng cường trao đổi chất

   Mướp đắng có tác dụng ngăn chặn sự hình thành và phát triển của các tế bào mỡ và ngăn chặn các tế bào mỡ tích trữ chất béo. Nó cũng làm tăng sự trao đổi chất nhưng phải theo dõi cảm giác của mình khi ăn.

    4. Cải thiện tiêu hóa, giúp thải độc gan

  Nghiên cứu tại Đại học Annamalai ở Ấn Độ cho thấy, chiết xuất từ mướp đắng làm tăng nồng độ glutathione peroxidase, superoxide effutase và catalase, giúp cải thiện quá trình thải độc gan và ngăn ngừa tổn thương gan.

    V. NHỮNG LƯU Ý 

  1. Vài rủi ro không mong muốn

    * Dị ứng, mẫn cảm

    Tuy hiếm nhưng cần lưu ý khi ăn lần đầu tiên.

    * Rối loạn tiêu hóa

     Uống nước ép mướp đắng số lượng lớn, nhiều ngày hoặc dùng chiết xuất mướp đắng, có thể gây khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn, viêm dạ dày, chảy máu đường ruột…

   Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương, Bệnh viện Tuệ Tĩnh lưu ý, khổ qua tính đắng lạnh nên người tỳ vị hư hàn, ăn khổ qua sẽ bị thổ tả, bụng đau (Trấn Nam Bản Thảo). 

    * Hạ đường huyết

    Ăn, uống mướp đắng nhiều, hàng ngày một số người có thể bị hạ đường máu với các triệu chứng như chóng mặt, vả mồ hôi, ngất xỉu

   2. Ai không nên ăn mướp đắng ?

    Mặc dù mướp đắng thường được coi là an toàn, nhưng có thể gây ra những rủi ro đáng kể cho một số nhóm người nhất định:

   * Phụ nữ mang thai, cho con bú và những người đang cố gắng mang thai.

   Một số nghiên cứu trên động vật, mướp đắng có ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển.

   * Người bị suy nhược cơ thể: Đối với những người có cơ thể yếu, suy nhược, mất máu nhiều, mới phẫu thuật… nên tránh ăn mướp đắng, vì có thể làm giảm lượng đường trong máu, tăng nguy cơ chóng mặt hoặc ngất xỉu.

  * Người đang dùng một số thuốc điều trị đặc biêt. như đang chích insulin, dùng kháng thể đơn dòng điều trị ung thư…

     VI. THAM KHẢO

[Video 1] Mướp đắng có tác dụng gì?

[Video 2] Mướp đắng – quả siêu giải nhiệt mùa hè 

[Video 3] Món ngon giải nhiệt từ Mướp Đắng

[1] Mướp đắng có tác dụng gì?

https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/muop-dang-co-tac-dung-gi-vi

[2] Tác dụng bất ngờ của mướp đắng đối với sức khỏe

https://medlatec.vn/tin-tuc/tac-dung-bat-ngo-cua-muop-dang-doi-voi-suc-khoe-s51-n32476

[3] Lợi ích của mướp đắng và tác dụng thải độc gan

https://suckhoedoisong.vn/loi-ich-cua-muop-dang-va-tac-dung-thai-doc-gan-169231110110716147.htm

[4] Cách sử dụng mướp đắng khi bị đái tháo đường

https://suckhoedoisong.vn/cach-su-dung-muop-dang-khi-bi-benh-dai-thao-duong-169250310164106125.htm

[5] Ai không nên ăn mướp đắng?

https://suckhoedoisong.vn/ai-khong-nen-an-muop-dang-169241111162730867.htm
      TS.BS Trần Bá Thoại 
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM