I. LỜI MỞ
Hội chứng ruột kích thích có tỷ lệ mắc cao, nhưng thường ở mức độ nhẹ, với những cơn đau bụng tái phát và rối loạn đại tiện, hiếm khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất. Bệnh cũng có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng thuốc đặc trị, chỉ cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, thư giãn, nghỉ ngơi…
Với triệu chứng đặc trưng là đau bụng và rối loạn đại tiện, hội chứng ruột kích thích gây bất tiện trong sinh hoạt, ăn uống, suy giảm sức khỏe và chất lượng sống. Do đó, người bệnh cũng cần được sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ để loại trừ những bệnh lý thực thể ở đường tiêu hóa, yên tâm với chẩn đoán và có hướng xử lý thích hợp.
II. ĐỊNH DANH
Hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng kích thích viêm đại tràng co thắt, dạ dày thần kinh (vì thường xảy ra khi bệnh nhân căng thẳng và lo lắng), tiếng Anh irritable bowel syndrome IBS, là một rối loạn phổ biến, mạn tính, ảnh hưởng đến dạ dày và ruột với các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón (hoặc cả hai).
IBS là một trong những hội chứng tiêu hóa phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc từ 15-20% dân số. Hội chứng ruột kích thích phổ biến ở nữ hơn nam, tỷ lệ chẩn đoán nữ/nam 1,5-2/1, độ tuổi chẩn đoán thường gặp từ 20 – 50 tuổi. Đây là một rối loạn cơ năng, tái đi tái lại nhiều lần và người bệnh khám, làm các xét nghiệm đều không tìm thấy các tổn thương thực thể ở ruột.
Hội chứng ruột kích thích được chia thành bốn loại dựa trên các triệu chứng:
- Hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C)
- Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy (IBS-D)
- Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp tiêu chảy và táo bón (IBS-M)
- Hội chứng ruột kích thích không xác định (IBS-U)
III. NGUYÊN NHÂN & NGUY CƠ
1. Kích thích hệ thần kinh ở ruột: nhiều triệu chứng của IBS có liên quan đến sự nhạy cảm của các dây thần kinh được tìm thấy trong thành của đường tiêu hóa. IBS cũng có thể phát sinh từ cách các dây thần kinh ruột giao tiếp với não hoặc cách não xử lý thông tin đó.
2. Co thắt cơ trơn đường ruột: các cơn co thắt mạnh và kéo dài hơn bình thường có thể gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy.
3. Stress thần kinh: IBS xuất hiện nhiều hơn ở những người thường xuyên chịu áp lực hoặc căng thẳng, đặc biệt là trong thời thơ ấu.
4. Rối loạn hệ vi sinh đường ruột: bao gồm những thay đổi về vi khuẩn, nấm và vi rút thường cư trú trong ruột. IBS cũng có thể liên quan đến tình trạng quá sản vi khuẩn trong ruột non (small intestinal bacterial overgrowth SIBO).
5. Nhiễm trùng nặng: IBS sau một đợt tiêu chảy nặng, gây ra bởi vi khuẩn hoặc vi rút.
6. Thực phẩm, thuốc chữa bệnh phổ biến bao gồm một số loại thực phẩm và thuốc.
7. Yếu tố nguy cơ: phụ nữ có khả năng mắc IBS cao gấp đôi so với nam giới. Ngoài ra, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu thành viên trong gia đình mắc IBS, stress, lo lắng, không dung nạp thức ăn, nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng.
IV. TRIỆU CHỨNG
1. Triệu chứng thường gặp
- Đau quặn từng cơn ở bụng, đau có thể giảm sau khi đi cầu.
- Tiêu chảy hoặc táo bón hoặc xen kẽ các đợt tiêu chảy và táo bón.
- Cảm giác đầy bụng, chướng bụng.
- Đột ngột phải đi cầu gấp.
2. Triệu chứng ít phổ biến
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Ợ nóng.
- Đau mỏi cơ, đau đầu mạn tính.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Sau khi đi cầu vẫn có cảm giác còn phân ở trong ruột.
- Có thể có chất nhầy trong phân.
V. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH
Sau khi hỏi bệnh sử, tiền sử về tình trạng đau bụng, thói quen đi tiêu, tính chất phân, bác sĩ sẽ tiến hành một số thủ thuật thăm dò, xét nghiệm chẩn đoán để loại trừ các bệnh tthuwcj thể liên quan:
- Nội soi đại tràng
- Chụp CT vùng bụng và xương chậu
- Xét nghiệm dung nạp lactose
- Xét nghiệm phân
VI. ĐIỀU TRỊ
1. Điều chỉnh chế độ ăn thích hợp.
* Bổ sung chất xơ cho IBS – C.
* Ăn thực phẩm nhạt cho IBS – D.
* Chế độ ăn ít FODMAP
* Chế độ ăn không chứa gluten
2. Dùng thuốc:
- Thuốc chống co thắt cơ trơn.
- Thuốc chống tiêu chảy.
- Thuốc nhuận tràng.
- Thuốc chống trầm cảm.
3. Tâm lý trị liệu
4. Điều trị bổ sung, thay thế
VII. THAM KHẢO
[1] Irritable bowel syndrome (IBS)
https://www.nhs.uk/conditions/irritable-bowel-syndrome-ibs/
[2] Irritable bowel syndrome
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/irritable-bowel-syndrome/symptoms-causes/syc-20360016
[3] Irritable bowel syndrome
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4342-irritable-bowel-syndrome-ibs
[4] Irritable bowel syndrome (IBS)
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/irritable-bowel-syndrome-ibs
[5] Hiểu về hội chứng ruột kích thích trong 5 phút
[6] Làm thế nào để nhận biết Hội chứng ruột kích thích?
[7] Hội chứng ruột kích thích nên ăn gì, kiêng gì?
TS. BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM