I. LỜI MỞ
“Calo” là đơn vị đo năng lượng, trong dinh dưỡng, Calo năng lượng con người nhận được chủ yếu từ chuyển hóa thức ăn và đồ uống, và năng lượng sẽ được sử dụng cho các hoạt động của cơ thể như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá, bài tiết…
Trên các phương tiện thông tin, bài báo, đài, mạng xã hội, về các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh hay các đồ uống có đường, chúng ta thường xuyên gặp cụm từ “calo rỗng” (empty calories)?
Vậy “calo rỗng” có nghĩa là gì, thực phẩm calo rỗng là những thực phẩm nào, tại sao chúng ta cần hạn chế tiêu thụ, đặc biệt là với các trẻ nhỏ đang lứa tuổi phát triển ?
II. ĐỊNH DANH CALO RỖNG
Là các thức ăn, đồ uống có hàm lượng chất dinh dưỡng như chất đạm, acid béo thiết yếu, vitamin, chất khoáng, chất xơ thấp, nhưng lại chứa nhiều calo năng lượng cao. Các calo rỗng chủ yếu lấy từ từ đường ngọt, chất béo đặc, và một số bơ thực vật được cô đặc từ các loại dầu.
Thức ăn calo rỗng gồm:
+ Món tráng miệng có chứa lượng đường ngọt (sugary carbohydrate) cao như bánh ngọt, bánh quy, bánh rán, bánh xốp, thanh granola, v.v.
+ Đồ uống có đường ngọt nhiều như soda, nước tăng lực và nước hoa quả
+ Các loại kẹo như kẹo thanh, kẹo sô cô la. kẹo cứng….
+ Một số món ăn từ thịt như thịt xông khói, xúc xích và hotdog…
+ Một số sản phẩm có hàm lượng chất béo cao, như bơ, sữa tươi, sữa có đường, kem, các loại bơ thực vật…
+ Thức ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt, bánh mì gói, bánh pizza, khoai tây chiên …
+ Bia, rượu, và thức uống có cồn
III. TÁC HẠI CỦA THỰC PHẨM CALO RỖNG
Do thành phần cấu tạo chứa nhiều đường ngọt, chất béo xấu, cung cấp nhiều năng lượng, tuy nhiên thiếu hụt chất đạm, chất béo tốt, chất xơ, vitamin, khoáng chất, nên thực phẩm calo rỗng có ảnh hưởng xấu lên quá trình tạo hình, phát triển, đáp ứng miễn dịch, và các hoạt động chuyển hoá khác của cơ thể..
Nhiều nghiên cứu cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường với chỉ một lon một ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương răng, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hoá khác…
Những thực phẩm chế biến, siêu chế biến, thức ăn nhanh có xu hướng chứa nhiều muối, đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, giàu năng lượng calo, chất bảo quản và các thành phần đã qua chế biến. Do đó, sử dụng các thực phẩm này, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, miễn dịch, viêm nhiễm, sức khỏe tim mạch, béo phì, v.v.
IV. BA CÁCH NHẬN DIỆN CALO RỖNG
Để biết loại thực phẩm nào chứa calo rỗng cần:
1. Đọc kỹ nhãn thực phẩm (nutritional fact) để biết rõ thành phần dinh dưỡng của món ăn chọn lựa.
2. Tìm hiểu thông tin về các chất béo rắn và đường có trong thực phẩm sẽ sử dụng.
3. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến, siêu chế biến, thức ăn nhanh vì chúng thường nằm trong danh sách thực phẩm chứa calo rỗng.
V. LỜI BÀN
Vì có phụ gia thực phẩm, nhất là đường ngọt, nên các thực phẩm chứa calo rỗng thường thơm ngon, quyến rũ, hấp dẫn, đặc biệt với trẻ em.
Tuy nhiên, sử dụng nhiều thực phẩm calo rỗng sẽ có nhiều nguy cơ bệnh tật, tthừ cân, béo phì, đái tháo đường, tang huyết áp, ung thư….
Cần lưu ý lựa chọn, sử dụng thực phẩm lành mạnh, giảm hạn chế thực phẩm calo rỗng, để đem lại sức khỏe tốt nhất cho cơ thể, đặc biệt với trẻ em đang tuổi phát triển, trưởng thành.
.VI. THAM KHẢO
[1] Empty calories
https://en.wikipedia.org/wiki/Empty_calories
[2] Recognizing and Avoiding Empty Calories
https://www.healthline.com/health/food-nutrition/empty-calories
[3] Understanding and Identifying Empty Calories
https://www.verywellfit.com/empty-calories-guidelines-and-examples-3966903
[4] Everything you need to know about empty calories
https://www.medicalnewstoday.com/articles/empty-calories
[5] Empty Calories: What Are They & Which Foods Are They Hiding In?
[6] What Are Empty Calories—And Should You Avoid Them? Nutritionists Explain
https://www.womenshealthmag.com/weight-loss/a43340900/empty-calories/
[7] 33 Foods That Are Very Low in Calories
https://www.healthline.com/nutrition/zero-calorie-foods
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM