Trang chủ » ẨM THỰC » “TRÊN NÓI DƯỚI KHÔNG NGHE”: ĂN CÁ NHÉT !

“TRÊN NÓI DƯỚI KHÔNG NGHE”: ĂN CÁ NHÉT !

   Cá nhét: món ăn-thực phẩm chức năng

   Cá nhét rất quen thuộc với người miền Trung, miền Bắc và Nam gọi là cá chạch hay đơn giản hơn nữa là con chạch.

   Đây là loài cá sống ở sông, đầm, phá, ao, có lớp đáy bùn mềm nước ngọt hoặc nước lợ cho nên có câu ví “…bao giờ chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình..”.

       

   Cá nhét có da trơn như lươn nhưng cơ thể ngắn và nhỏ hơn. Con cá nhét trưởng thành dài từ 15 đến 20 cm nặng từ 25 đến 35 gam.

   Ở Việt Nam có đến 6 loại cá nhét sau: nhét khoang, nhét rằn, nhét lá tre hay nhét gai, nhét bông, nhét sông còn gọi là cá lấu và nhét bùn. Riêng khúc ruột miền Trung đặc biệt có rất nhiều loại cá nhét bùn.

                                        Cá chạch lấu

   Từ con cá nhét thô lậu, xấu xí, các vị đầu bếp chúng ta lại chế biến ra quá nhiều món ngon dùng để ăn với cơm hay làm mồi nhắm cùng bia rượu.

   Có thể kể một số món ngon từ cá nhét: Nhét nướng chấm “cơm mẻ”; Nhét xào sả ớt; Nhét um chuối chát; Nhét nấu lẫu; Nhét nấu cháo; Nhét nấu canh chua; Nhét kho tộ lá gừng; Nhét hầm đậu phộng; Nhét um trứng gà cho các cung nữ…và rất nhiều món “cách điệu” khác.

       

   Cá nhét rất giàu chất dinh dưỡng. Cứ 100 gam cá nhét có 16gam chất đạm, đặc biệt là có đến 17 axít amin đặc biệt có đầy đủ cả 8 axít amin tối cần thiết; 3,2 gam chất đường; 2 gam chất béo; 70 UI vitaminA; 0,01mg vitamin B1; 0,03mg vitamin B2; 327mg vitamin PP. Thịt cá nhét thuộc loại “thịt sậm màu” có khả năng chống oxy hóa cao; ngay cả phần nhớt ở thân cá cũng có tác dụng kháng viêm, tiêu độc và kháng khuẩn mạnh dù người ta ngại ăn.

   Trong Đông y cá nhét được gọi là “thu ngư”. Thịt cá nhét vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ khí huyết, chống lão suy, tráng dương, trợ lực, thanh nhiệt, phòng trừ thấp.

   Do đó cá nhét rất cần thiết cho người già, nam giới bị liệt dương, nữ giới bị đới hạ. Một số bài thuốc Đông y từ cá nhét chữa lão suy (Cháo cá nhét, Cá nhét hầm đậu phộng, Cá nhét nấu gừng…) và liệt dương (Canh cá nhét tráng dương, Cháo cá nhét nấu với nhục quế, phụ tử và gừng tươi…).             

   Cá nhét cũng là “con thuốc” để điều trị các bệnh viêm và suy gan.

    Hai bài thuốc tráng dương kinh điển

    * Canh cá nhét tráng dương: Dùng 5-6 con cá nhét tươi sống cỡ vừa phải. Làm sạch nhớt, loại bỏ ruột, giữ nguyên xương. Rán dầu cho xương dòn mềm trước rồi cho thịt cá nhét vào sau. Thêm một ly rượu gạo tốt, hai ly nước lã, vài lát gừng. Rim nhỏ lửa cho nhừ nêm muối mắm vừa ăn.

     * Cháo cá nhét chữa liệt dương: Cá nhét 250 gam(8 đến 10 con), nhục quế và phụ tử 10 gam, gừng tươi 7 lát. Gạo tẻ lùn 1 lạng. Muối tinh vừa đủ. Quế phụ cho vào túi vải nấu chắt nước bỏ bã. Nước lọc này đem nấu cháo với thịt cá nhét. Cháo chín cho gừng và nêm muối. Dùng khi đang còn nóng.

                TS.BS Trần Bá Thoại

       Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM