Trang chủ » Khuyến cáo » TẬP LUYỆN THỂ LỰC QUÁ MỨC GÂY BỆNH THỂ CHẤT, TÂM THẦN !

TẬP LUYỆN THỂ LỰC QUÁ MỨC GÂY BỆNH THỂ CHẤT, TÂM THẦN !

     I. LỜI MỞ

     Vận động thể lực, tập thể dục, chơi thể thao, là rất quan trong để duy trì và bảo vệ sức khỏe cho con người. Vì thế, khá nhiều vận động viên cố gắng tăng cường cả cường độ lẫn thời lượng tập luyện với ý tưởng rằng “không đau, không thành công”. Nhưng đây không phải là cách an toàn, khoa học mà là đẩy cơ thể vượt quá giới hạn cho phép khiến cơ thể bị tổn thương nhiều hơn là có ích vì bị hội chứng tập luyện quá mức.

        

    Hội chứng tập luyện quá sức khác với cảm giác đau nhức sau một buổi tập luyện hoặc tập luyện nặng. Đây là một tình trạng bệnh lý với các triệu chứng về thể chất, tinh thần và cảm xúc.

    II. TỔNG QUAN VỀ HỘI CHỨNG TẬP LUYỆN QUÁ MỨC 

       1. ĐỊNH DANH

   Hội chứng tập luyện quá sức, overtraining syndrome OTS, là tình trạng xảy ra khi tập thể dục quá thường xuyên hoặc quá cường độ trong thời gian đủ dài khiến cơ thể bắt đầu bị tổn thương. Bệnh lý thường gặp, ảnh hưởng đến các vận động viên, đặc biệt là những người tập luyện các môn thi đấu có cạnh tranh cao.

   Hội chứng tập luyện quá sức thường gây ra các triệu chứng về thể chất, nhưng về lâu về dài cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của con người.. 

      2. CÁC GIAI ĐOẠN (mức độ) 

     Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe chia hội chứng tập luyện quá sức thành 3 giai đoạn dựa trên mức độ ảnh hưởng của nó và loại triệu chứng đang gặp phải:

        * OTS giai đoạn 1 (tập luyện quá sức chức năng):

      Gồm các triệu chứng nhẹ có thể khó nhận thấy hoặc phân biệt với những cơn đau nhức thông thường sau khi tập luyện.

       * OTS giai đoạn 2 (hội chứng tập luyện quá sức giao cảm)

      Gây ra các triệu chứng hệ thần kinh giao cảm, hệ thống thần kinh kiểm soát phản ứng của cơ thể với căng thẳng – “chiến đấu hoặc bỏ chạy”. Một số chuyên gia gọi OTS giai đoạn 2 là hội chứng tập luyện quá sức Basedow.

       * OTS giai đoạn 3 (hội chứng tập luyện quá sức phó giao cảm):

     Gây ra các triệu chứng hệ phó giao cảm, giúp thư giãn các hệ thống của cơ thể. OTS giai đoạn 3 thường nghiêm trọng và mất nhiều thời gian để hồi phục nhất. Một số chuyên gia gọi là hội chứng tập luyện quá sức Addison.

     Hội chứng tập luyện quá sức không luôn luôn theo đúng một tình trạng tiến triển, nghĩa là không phải tất cả người bị OTS đều phải bắt đầu ở giai đoạn 1 rồi phát triển đến giai đoạn 2 và giai đoạn 3, mà có thể xảy ra bất kỳ giai đoạn nào.

      3. TẦN SUẤT BỊ HỘI CHỨNG TẬP LUYỆN QUÁ  MỨC

    Hiện chưa có số liệu chính xác có bao nhiêu người mắc hội chứng tập luyện quá sức cùng một lúc của các nước trên thế giới.

    Một số nhà nghiên cứu ước tính rằng, khoảng 2/3 số vận động viên chạy nổi tiếng đều có bị hội chứng này trong một thời điểm nào đó; và khoảng 1/3 số người chạy bộ (bất kể trạng thái thi đấu) đều trải qua hội chứng OTS này.

     Còn các chuyên gia nhận định rằng, khoảng 1/3 số vận động viên thi đấu hoặc cấp cao đều trải qua OTS ở một mức độ nào đó.

    III. TRIỆU CHỨNG HỘI CHỨNG TẬP LUYỆN QUÁ MỨC 

 Tập luyện quá sức có thể gây ra các triệu chứng về thể chất và tâm thần tùy theo giai đoạn:.

     1. Các triệu chứng ở giai đoạn 1:

     * Đau cơ và cứng khớp.

    * Giảm cân hoặc tăng cân bất ngờ.

     * Ưu tư, lo lắng.

     * Ngủ kém hoặc thức dậy với cảm giác mệt mỏi.

     * Ốm vặt nhỏ như cảm lạnh.

    2. Các triệu chứng ở giai đoạn 2 

    * Mất ngủ.

    * Thay đổi tâm trạng như cáu kỉnh, kích động hoặc bồn chồn…

    * Nhịp tim nhanh trên 100 lần/ phút khi nghỉ ngơi..

    * Tăng huyết áp.

    3. Các triệu chứng ở giai đoạn 3 

     * Mệt mỏi thường trực, mọi lúc mọi nơi.

     * Trầm cảm.

      * Mất động lực tập luyện hoặc năng động.

      * Nhịp tim chậm bất thường, thấp hơn 60 nhịp / phút khi nghỉ ngơi.

       

      IV. CÁCH XỬ LÝ, ĐIỀU TRỊ VẬN ĐỘNG QUÁ MỨC

   Theo cơ chế bệnh sinh, cách điều trị hội chứng tập luyện quá sức tốt nhất là nghỉ ngơi cho cơ thể có thời gian để phục hồi. Thời gian ngừng thi đấu hoặc tập luyện tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và giai đoạn của bệnh. Nói chung, ở các giai đoạn đầu thời gian phục hồi khoảng vài tuần, các giai đoạn nghiêm trọng hơn có thể kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn..

    Theo quy tắc chung, việc điều trị phục hồi là một tập hợp các bước:

      *. Dừng tập luyện cường độ cao

      *. Giảm cường độ và tần suất tập luyện, thường là từ 50% đến 70%.

      *. Nghỉ ngơi ,ngưng tập luyện và thi đấu.

      *. Gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần khi có các triệu chứng tâm thần kinh.

      V.  ĐÔI LỜI BÀN LUẬN

     Vận động thể lực, tập thể dục, chơi thể thao, là rất quan trong để duy trì và bảo vệ sức khỏe. Nhưng tập luyện quá mức sẽ đẩy cơ thể vượt quá giới hạn, quá nhiều cùng một lúc sẽ gây tổn thương nhiều hơn là có ích.

    Cần chọn loại hình hoạt động thể chất có cường độ, thời lượng hợp với thể lực, tuổi tác, tình trạng sức khỏe của bản thân, và nhớ dành cho cơ thể thời gian nghỉ ngơi và phục hồi thích hợp, không bị tập luyện quá sức.

    Hãy lắng nghe cơ thể và tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo tập luyện quá mức Đừng chủ quan, cố vượt qua cơn đau hoặc các triệu chứng báo động khác.

       

      Nếu đang tập luyện cho một mục tiêu hoặc sự kiện cụ thể, hãy làm việc với huấn luyện viên có kinh nghiệm, người có khả năng thiết kế một chế độ tập luyện phù hợp để đạt được mục đích của mình một cách an toàn..

  VI. THAM KHẢO

[1] Overtraining Syndrome

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/overtraining-syndrome

[2] Overtraining Syndrome: Warning Signs and How to Cut Back

https://www.verywellfit.com/overtraining-syndrome-and-athletes-3119386

[3] Overtraining Syndrome

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3435910/

[4] Overtraining Syndrome

https://www.physio-pedia.com/Overtraining_Syndrome

[5] 13 Signs of Overtraining and What to Do About It

https://www.healthline.com/health/signs-of-overtraining

[6] Diagnosis and prevention of overtraining syndrome: an opinion on education strategies

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5019445/

[7] What is Overtraining?

                               TS.BS Trần Bá Thoại

              Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM