I. LỜI MỞ
Hằng năm cứ vào mùa hè, ngư dân miền Trung lại đổ xô đi khai thác “miễn phí” rong biển, một nguồn lợi hải sản “trời cho” rất phong phú.
Dưới góc độ y học, rong biển đúng là một thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao. Người ta có thể dùng rong biển như là thực phẩm chức năng, giúp chữa bệnh…
II. RONG BIỂN: RAU XANH QUÝ
Từ xa xưa con người đã biết sử dụng nhiều loại rong biển để làm thức ăn, trong đó ba loại rong biển được dùng nhiều nhất là rong mứt (porphyra), rong câu (rau câu) và rong sụn (rhodophyta).
Rong biển rất giàu chất dinh dưỡng. Ngoài thành phần đạm (protein và a-xít amin) rất cao, rong biển còn chứa nhiều khoáng chất, các vitamin và nhiều yếu tố vi lượng quý. Đặc biệt trong tất cả loài rong biển hàm lượng chất i-ốt rất cao; i-ốt là chất vi lượng thiết yếu để tuyến giáp sinh tổng hợp các hoóc-môn. Ngoài ra trong rong biển hàm lượng chất can-xi cao hơn nhiều lần ở trong sữa, vitamin A cao gấp đến 10 lần trong bơ, vitamin B2 cao gấp 7 lần trong trứng, vitamin C, E cao gấp nhiều lần trong rau quả..
Dưới góc độ y học, rong biển đúng là một thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao. Người ta có thể dùng rong biển như là thực phẩm chức năng, giúp chữa bệnh: (1) người bị bướu giáp đơn thuần do rong biển có nhiều i-ốt, (2) người béo phì, đái tháo đường vì thành phần alga alkane mannitol cho rất ít calo năng lượng, (3) làm thực phẩm cho người tăng huyết áp, xơ vữa động mạch do rong biển có tác dụng chống vón tiểu cầu, (4) cho trẻ còi xương nhờ rong chứa nhiều can-xi và (5) gần đây nhiều nhà khoa học Nhật Bản cho rằng rong biển có khả năng thải độc và chống nhiễm phóng xạ.
Xa xa ít vốn nhiều lời.
Anh về bỏ vợ lấy người xa xa…
Con người cũng biết sử dụng rong biển để chế biến khá nhiều món thức uống ngon, bổ dưỡng như: trà rong biển, nước “sâm” mứt biển, bia rong biển…
III. CÔNG NGHIỆP NUÔI TRỒNG, KỸ THUẬT CHẾ BIẾN
Cho đến nay, loại rong biển được sử dụng làm thực phẩm nhiều nhất là rong mứt (tảo tía, tảo nâu, porphyra). Có đến 70 loại rong tảo porphyra, đặc điểm chung là loài rong tảo này có màu hồng lúc còn non về già có màu thẩm tím. Porphyra sinh trưởng mạnh ở các bờ biển có ghềnh đá, nhiều sóng trên toàn thế giới. Vùng Đông Á, đặc biệt Nhật Bản, là nơi rong porhyra được sử dụng nhiều nhất để làm thức ăn cho con người.
Ngày trước, rong biển được thu hoạch kiểu “hái lượm”, đến mùa rong biển phát triển mạnh, trôi dạt trên biển ngư dân vớt đem về. Từ thế kỷ XVII, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là ba nước tiên phong nuôi trồng rong biển; dần dà việc canh tác rong biển trở thành một công nghệ rất quan trọng, tận dụng được những vùng biển nông ở ba quốc gia tiên phong này. Khởi đầu người ta thu nhặt nguồn hạt giống (chonchospores) từ tự nhiên. Năm 1949, Kathleen Drew Baker phát hiện chu kỳ sinh học của rong mứt. Đây là phát hiện quan trọng bậc nhất trong công nghệ canh tác rong biển vì nhờ đó các chuyên gia Nhật Bản và Trung Quốc chủ động sản xuất được bào tử giống “nhân tạo” để canh tác đại trà trên diện tích cả ngàn héc ta mặt nước. Hiện nay, công nghiệp nuôi trồng rong biển đã phổ cập ra nhiều nơi trên thế giới: châu Phi, châu Mỹ, châu Âu và cả ở hai cực địa cầu.
Theo thống kê của Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), chỉ riêng một loại Porphyra tenera, sản lượng nuôi trồng năm 1960 mới chỉ 150.000 tấn đến nay đã tăng đến 1,6 triệu tấn mỗi năm.
Trên thị trường hiện nay, dễ dàng tìm mua rất nhiều dạng sản phẩm rong biển chế biến: rong biển khô đóng gói, bánh đa rong biển, sợi rong biển “ăn liền”, kẹo rong biển, bánh bích quy rong biển, trà rong biển, bia rong biển… đa phần được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Nói chung các sản phẩm rong biển được chế biến rất phong phú, đa dạng, thơm ngon và tiện dụng.
IV. TÌNH HÌNH KHAI THÁC Ở VIỆT NAM
Cho đến nay, ngư dân Việt Nam gần như vẫn còn thụ động khai thác rong biển theo kiểu “mạnh ai nấy vớt” của trời cho. Đã có rải rác vài địa phương như Khánh Hoà, Ninh Thuận…có nuôi trồng rong biển, nhưng quy mô còn quá nhỏ lẻ, với xu hướng thử nghiệm là chính nên chưa có giá trị kinh tế bao nhiêu…
Còn về vấn đề chế biến và kinh doanh thị trường, nói chung còn quá thô sơ, lạc hậu: rong biển vớt về một phần đưa vào sử dụng thô, số còn lại phơi khô đóng thành bánh và chở đi phân phối (dạng nguyên liệu thô).
V. CẦN KHAI THÁC, SỬ DỤNG HỢP LÝ
Rong biển là nhóm rau xanh biển (sea vegetables) có giá trị dinh dưỡng rất cao; một món quà quý giá biển xanh đã ban tặng cho con người.
Tuy nhiên, sự hào phóng của thiên nhiên cũng có giới hạn; chúng ta không thể vô tư “vắt cạn” tài nguyên trời cho mãi được. Cần chủ động nuôi trồng, khai thác và chế biến hợp lý theo công nghệ hiện đại như cả thế giới đã và đang làm, để vừa tăng năng suất vừa có lợi nhuận cao, hiệu quả.
VI. THAM KHẢO
[1] https://fdlserver.wordpress.com/2008/09/11/rong-bi%E1%BB%83n-rau-xanh-qui/
[2] https://nongnghiep.vn/rong-bien-can-khai-thac-che-bien-hop-ly-d58007.html
[3]https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2010/02/10/m%E1%BB%A9t-bi%E1%BB%83n-nam-o-hai-l%C6%B0%E1%BB%A3m-va-x%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-tho/
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM