I. LỜI MỞ
Hiện nay, khi đời sống kinh tế xã hội nâng cao, thực phẩm dồi dào cũng là lúc các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, đái tháo đường gia tăng nhanh chóng.
Nhận thức điều này, nhiều người đã tìm hiểu cách ngăn ngừa, điều trị, đặc biệt là giảm cân, ngừa béo phì.
Dù rất nghiêm túc cải tạo lối sống qua chế độ ăn và vận động thể lực, nhưng không ít người thất bại. Tại sao ?
II. CƠ CHẾ ĐIỀU CHỈNH CÂN NẶNG
Ba cơ chế điều chỉnh trọng lượng cơ thể ở người gồm: di truyền, sinh lý và hành vi. Khi các cơ chế này phối hợp nhịp nhàng thì năng lượng nạp vào cân bằng với năng lượng tiêu hao và cân nặng ổn định.
Ở loài gặm nhấm, các nhà khoa học đã xác định được một vòng feedback điều hòa ba bước gồm: 1) một cảm biến xác định kích thước mô mỡ thông qua nồng độ leptin (protein mã hóa bởi gen ob do các tế bào mỡ tổng hợp) trong máu; 2) các trung tâm vùng dưới đồi với các thụ thể leptin cụ thể, tiếp nhận và tích hợp cường độ của tín hiệu; và 3) các hệ thống tác động ảnh hưởng đến hai yếu tố quyết định cân bằng năng lượng, tức là năng lượng thu vào và năng lượng tiêu hao.
Ở người trưởng thành, tronng khi dự trữ protein và carbohydrate thay đổi tương đối ít, thì khối lượng mô mỡ thay đổi nhiều, rõ rệt.
Cơ thể cho chúng ta biết mình đang đói hoặc no nhờ sự có mặt của một số hormone. Hai hormone quan trọng để điều chỉnh cảm giác thèm ăn (đói) và chán ăn (no) là ghrelin và leptin. Ghrelin tổng hợp chủ yếu ở dạ dày làm tăng cảm giác thèm ăn và leptin tổng hợp chủ yếu từ mô mỡ lại tạo cảm chán ăn.
Bình thường, cứ nhiều mỡ hơn là sẽ tạo ra nhiều leptin hơn và sẽ tăng cảm giác chán ăn hơn, nhưng người béo phì thường bị kháng leptin (leptin resistance) nên dù nồng độ leptin trong máu cao nhưng tác dụng của hormone này không hiệu quả.
Phần lớn người béo phì có nồng độ leptin trong huyết tương cao liên quan đến kích thước khối mô mỡ của họ, và thiếu các phản ứng điều tiết trọng lượng như giảm lượng ăn vào và tăng năng lượng tiêu hao.
Nghiên cứu của Amsterdam UMC và Đại học Yale công bố trên Nature Metabolism,cho thấy feedback của não đối với các chất dinh dưỡng bị giảm ở người béo phì và không được cải thiện sau khi giảm cân.
III. NGUYÊN LÝ ĐỂ GIẢM CÂN
Trọng lượng cơ thể và các thành phần được ổn đinh khi có sự cân bằng động (homeostasis) giữa năng lượng (calo) nạp vào với năng lượng tiêu hao, với 3 tình huống:
1. Nếu năng lượng tiêu hao đầu ra cùng một lượng calo cơ thể sản sinh do chuyển hóa thức ăn ở đầu vào thì cân nặng sẽ ổn định.
2. Nếu ăn, nạp năng lượng nhiều nhưng vận động, tiêu hao ít chắc chắn sẽ tăng cân.
3. Ngược lại, nếu lượng calo đầu vào ít mà lại tiêu hao, vận động nhiều sẽ bị sụt cân.
IV. BÀN VÀ KẾT
Cũng như các hệ sinh thái khác trong cơ thể: thân nhiệt, thể tích máu, hàm lượng muối khoáng chất…cân nặng cơ thể luôn luôn được giữ trạng thái cân bằng động, sinh ra tương đương tiêu hao, cũng như cái bể nước sẽ luôn đầy nếu vòi chảy vào và vòi lấy ra cân bằng nhau..Với một người khoẻ mạnh bình thường, muốn giảm cân, ngừa béo phì thì chỉ cần GIẢM ĂN, TĂNG VẬN ĐỘNG.
Có 3 nguyên nhân khiến việc giảm cân, ngừa béo phì thất bại gồm
1. Người bệnh di truyền, có gene FTO (fatty mass and obesity associated gene) là gene mã hoá tổng hợp enzyme alpha-ketoglutarate-dependent dioxygenase
2. Người rối loạn hành vi ăn uống do tình trạng kháng leptin (leptin resitant) của mô mỡ đưa đến rối loạn feedback điều hoà ở trung khu thèm-chán ăn ở vùng dưới đồi; và
3. Người mắc bệnh phàm ăn tâm thần (hyperphagia nervosa).
V. THAM KHẢO
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/FTO_gene
[2] https://genetica.asia/blog/dot-bien-trong-gen-thu-the-dopamine-fto-tang-nguy-co-beo-phi-va-tieu-duong.html
https://www.vietnamplus.vn/gen-fto-la-thu-pham-chinh-gay-ra-benh-beo-phi/70472.vnp
[3]https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fgene.2020.559138/full
[4] https://www.hsph.harvard.edu/obesity-prevention-source/obesity-causes/diet-and-weight/
[5] https://www.medicalnewstoday.com/articles/how-to-prevent-obesity
[6] https://www.cdc.gov/healthyweight/physical_activity/index.html
[7] https://www.hsph.harvard.edu/obesity-prevention-source/obesity-causes/physical-activity-and-obesity/
[8] https://www.amsterdamumc.org/en/spotlight/obesity-impairs-the-brains-response-to-nutrients.htm
[9] https://scitechdaily.com/obesity-may-permanently-change-the-brain-yale-study-finds-severely-impaired-response-to-nutrients/
[10] https://www.medicinenet.com/obesity_might_permanently_blunt_brains_responses/news.htm
TS.BS Trần Bá Thoại
BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM