I. LỜI MỞ
Ngày 4/8, ABC News đưa tin một trường hợp hy hữu qua đời vì ngộ độc nước của cô Ashley Summers, 35 tuổi, sống tại bang Indiana, Mỹ.
Devon Miller, anh trai cô Summers, cho biết, trong buổi dã ngoại cùng gia đình, cô Summers cảm thấy rất khát nước và đã uống gần 2 lít nước trong vòng 20 phút. Vì Summer chóng mặt và nhức đầu nên gia đình đã trở về nhà. Sau đó, Summer ngất xỉu trong nhà để xe và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Health Arnett, bang Indiana, nhưng đã không qua khỏi do ngộ độc nước.
II. NHIỄM ĐỘC NƯỚC LÀ GÌ
Nhiễm độc nước, ngộ độc nước, quá lượng nước, thừa nước (water intoxication, water poisoning, hyperhydration, overhydration, water toxemia), là một rối loạn chức năng não có thể gây tử vong xảy ra khi sự rối loạn cân bằng bình thường của nước và các chất điện giải trong cơ thể vượt giới hạn an toàn do uống quá nhiều nước.
Cũng như các chất sinh học khác, nước có thể là chất độc khi được tiêu thụ quá mức trong một khoảng thời gian ngắn. Nhiễm độc nước hầu hết xảy ra khi nước được tiêu thụ với số lượng lớn mà không bổ sung đủ chất điện giải.tương ứng. Nước được coi là một trong những hợp chất hóa học ít độc hại nhất, với LD50 vượt quá 90 ml/kg ở chuột; và 6 lít trong 3 giờ ở người.
Khi lượng nước vào quá nhiều không kèm lượng muối kháng thích hợp, chủ yếu là Natri (Na+) dịch ngoại bào gồm máu và gian bào sẽ thiếu natri (hyponatremia), lượng nước dư thừa sẽ theo chênh lệch áp lực thẩm thấu (osmotic pressure gradient) đi vào trong tế bào, đặc biệt ở tế bào não (neuron), gây phù não và các tổn thương thần kinh.
III. NGUYÊN NHÂN GÂY NHIỄM ĐỘC NƯỚC
Bình thường, vô tình uống quá nhiều nước là rất hiếm. Hầu hết các trường hợp tử vong do nhiễm độc nước đều là hậu quả của
1. Những cuộc thi uống nước, ráng uống nhanh rất nhiều nước
2. Sự kiện thể thao nhiễm độc nước hay xảy ra ở các vận động viên sức bền như chay marathon, bóng đá…Trong đó, lượng nước uống rất nhiều với lượng chất điện giải bị mất không được bổ sung thích hợp, vì thế tình trạng hạ natri máu (hyponatremia) xảy ra.
3. Tập luyện quân sự Các tân binh ra mồ hôi, mất nước nhiều nhưng chỉ uống nhiều không bù đủ lượng muối kháng, đặc biệt natri, khiến natri máu hạ xuống quá thấp, gây phù não và tổn thương hệ thần kinh.
Vì các triệu chứng của hạ natri máu bị hiểu sai thành triệu chứng mất nước, và việc chẩn đoán không chính xác về mất nước và say nắng này khiến người lính tập chết vì nhiễm độc nước do nỗ lực bù nước quá thừa
4. Nạn nhân bị tra tấn, ép uống quá nhiều nước.
5. Bệnh lý tâm thần kinh như chứng khát nước nhiều do tâm lý (psychogenic polydipsia) triệu chứng của các tình trạng tâm thần khác nhau. Rối loạn này phổ biến nhất ở người tâm thần phân liệt, và có thể ở người bị rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần và rối loạn nhân cách.
6. Do thầy thuốc, điều trị (iatrogenic)
Người hôn mê, bất tỉnh được cho ăn qua đường tĩnh mạch hoặc qua ống thông dạ dày, nếu chất lỏng cung cấp không cân bằng nước-điện giải có thể dẫn đến tăng natri máu hoặc hạ natri máu
Một số loại thuốc thần kinh/tâm thần (oxcarbazepine, và những loại khác) có thể gây hạ natri máu bệnh nhân.Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo nhạt rất dễ bị tổn thương não do truyền dịch quá nhanh.
IV. DẤU HIỆU NHIỄM ĐỘC NƯỚC
Khi nhiễm độc nước, tế bào não bị phù nề, áp lực nội sọ tăng lên gây ra các triệu chứng:
1. Mức độ nhẹ: Nhức đầu; Buồn nôn; Nôn mửa
2. Mức trung bình: Buồn ngủ; Yếu cơ hoặc chuột rút; Tăng huyết áp; Nhìn đôi; Lú lẫn; Lẫn lộn thông tin cảm giác; Khó thở
3. Trường hợp nghiêm trọng: Hôn mê; Co giật, Tử vong
V. XỬ TRÍ NHIỄM ĐỘC NƯỚC
1. Cắt giảm lượng chất lỏng đưa vào;
2. Dùng thuốc lợi tiểu để tăng lượng nước tiểu
3. Điều chỉnh tình trạng gây ra tình trạng thừa nước
4. Dừng các loại thuốc nghi gây nhiễm độc nước
5. Bù natri trong trường hợp nặng
VI. PHÒNG NGỪA NHIỄM ĐỘC NƯỚC
1. Các vận động viên sức bền cần tự cân trọng lượng trước và sau cuộc đua để xác định lượng nước chúng đã mất cần bổ sung. Theo hướng dẫn chung, các vận động viên sức bền cần uống trước khi vận động 400-600ml và sau mỗi 15-20 phút uống thêm khoảng 150-200ml nước lọc từ từ, từng ngụm nhỏ.
2. Nếu tập thể dục lâu hơn một giờ, đồ uống thể thao cũng là một lựa chọn. Những thức uống này chứa đường và chất điện giải như natri và kali.., đã mất qua đổ mồ hôi. Nếu thấy khát, hãy uống nhiều hơn.
VII. LỜI KẾT
Uống quá nhiều, quá nhanh nước có thể bị nhiễm độc nước, do rối loạn cân bằng nước-điện giải khiến natri máu giảm thấp kéo theo phù não và các tổn thương hệ thần kinh nghiêm trọng, có thể đưa đến tử vong.
Bình thường, một ngày cơ thể người lớn cần từ 2 đến2,5 lít nước. Khi hoạt động thể chất, tùy theo mức độ, cơ thể tiết ra lượng mồ hôi tăng gấp nhiều lần. Do đó, hai giờ trước khi vận động, nên uống 400-600ml nước và sau mỗi 15-20 phút uống khoảng 150-200ml nước. Và để tránh nhiễm độc nước, không nên uống không quá 3 đến 4 lít nước mỗi ngày. .
Cần lưu ý, khi lao tác đặc biệt trong khí hậu nóng, ngoài mất nước chúng ta còn mất chất khoáng nhất là natri Na+. Do đó, khi bù nước cần nhớ bù chất khoáng. Nước tốt nhất để bù là oresol, các dung dịch thể thao tương ứng…
VIII. THAM KHẢO
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Water_intoxication
[2] https://www.medicalnewstoday.com/articles/318619
[3] https://www.healthline.com/health/overhydration#takeaway
[4] https://www.webmd.com/diet/what-is-too-much-water-intake
[5] https://www.scientificamerican.com/article/strange-but-true-drinking-too-much-water-can-kill/
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM