I. LỜI MỞ
Tỏi thuộc họ Allium (hành), liên quan chặt chẽ với hành tây, hẹ tây và tỏi tây.. Mỗi củ tỏi có 10–20 tép, và nặng từ 10 đến 40 gam (mỗi tép nặng từ 1 đến 2 gam).
Tỏi là một gia vị, phụ gia thực phẩm, phổ biến trong nấu ăn nhờ mùi nồng và hương vị thơm ngon.
Nghiên cứu hiện tại cho thấy tỏi có thể có một số lợi ích sức khỏe, như ngừa chống cảm lạnh, giúp giảm huyết áp và cholesterol.
II. CÁC LỢI ÍCH SỨC KHOẺ
Dưới đây là 12 lợi ích sức khỏe của tỏi do các nghiên cứu khoa học kết luận:
1. CÓ CHỨA DƯỢC CHẤT (hợp chất có dược tính mạnh)
Trong suốt lịch sử cổ đại, con người đã sử dụng rộng rãi tỏi để bảo vệ sức khỏe vì dược tính của nó ở nhiều nền văn minh lớn bao gồm Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc và Ấn Độ.
Hầu hết các lợi ích sức khỏe của tỏi là do sự hình thành các hợp chất lưu huỳnh, nổi bật nhất là allicin. Các hợp chất khác có thể đóng một vai trò trong lợi ích sức khỏe của tỏi bao gồm diallyl disulfide và s-allyl cysteine. Các hợp chất lưu huỳnh từ tỏi này sẽ vào cơ thể qua đường tiêu hóa rồi đi khắp cơ thể, và phát huy tác dụng sinh học.
2. GIÀU DINH DƯỠNG, RẤT ÍT NĂNG LƯỢNG CALO
Một củ tỏi khoảng 3 gam chỉ chứa 4,5 calo, 0,2 gam protein và 1 gam carbs.
Tỏi là một nguồn tốt của một số chất dinh dưỡng như mangan, vitamin B6, vitamin C, selen, chất xơ, và các chất vi lượng khác.
3. BẢO VỆ GIÚP CHỐNG BỆNH TẬT
Nghiên cứu năm 2016 cho thấy rằng chiết xuất tỏi lâu năm (AGE) có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Những người dùng thực phẩm bổ sung AGE trong 3 tháng trong mùa cảm lạnh và cúm ít gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng, ít phải nghỉ học hoặc nghỉ làm hơn.
Nghiên cứu khác cho thấy rằng các hợp chất trong tỏi có thể có đặc tính kháng virus.
4. GIẢM HUYẾT ÁP
Một nghiên cứu phân tích tổng hợp năm 2020 cho thấy bổ sung tỏi giúp giảm huyết áp ở những người bị tăng huyết áp, và giảm 16–40% nguy cơ mắc các biến cố tim mạch.
Một đánh giá năm 2019 lưu ý rằng allicin trong tỏi có thể hạn chế sản xuất angiotensin II, một loại hormone làm tăng huyết áp.
5. CẢI THIỆN NỒNG ĐỘ CHOLESTEROL
Nghiên cứu năm 2018 gợi ý rằng tỏi có thể làm giảm cholesterol toàn phần TC và cholesterol LDL (có hại).
Nghiên cứu năm 2016 cho thấy, bổ sung tỏi trong hơn 2 tháng có thể làm giảm tới 10% LDL ở những người có mức cholesterol tăng nhẹ, nhưng không có tác dụng tương tự đối với mức chất béo trung hòa và không ảnh hưởng đến cholesterol HDL (có lợi).
6. CHỨA CHẤT CHỐNG OXY HÓA NGỪA ALZHEIMER VÀ SA SÚT TRÍ TUỆ
Tỏi chứa chất chống oxy hóa hỗ trợ cơ chế bảo vệ cơ thể bạn chống lại tác hại của stress oxy hóa giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan như bệnh Alzheimer, dạng sa sút trí tuệ.
Một số nghiên cứu cho thấy, bổ sung tỏi có lợi trực tiếp cho những người Alzheimer.
7. TĂNG TUỔI THỌ
Tác dụng tiềm ẩn của tỏi đối với tuổi thọ qua trung gian những tác dụng có lợi với sức khỏe như tim mạch, nội tiết, thần kinh, miễn dịch …giúp con người sống lâu hơn.
Một nghiên cứu của Trung Quốc năm 2019 cho thấy, những người lớn tuổi ăn tỏi thường xuyên sống lâu hơn những người không ăn.
8. CẢI THIỆN THÀNH TÍCH LAO ĐỘNG
Tỏi là một trong những chất “tăng cường hiệu suất” (performance-enhancing substances) lâu đời nhất của con người.
Các nền văn minh cổ đại đã sử dụng tỏi để giảm mệt mỏi và cải thiện khả năng làm việc của người lao động. Các vận động viên Olympic ở Hy Lạp cổ đại đã tiêu thụ tỏi để cải thiện thành tích của mình.
Các nghiên cứu ở loài gặm nhấm đã chỉ ra rằng, tỏi giúp tăng hiệu suất vận động thể lực.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy tỏi không cải thiện hiệu suất của người đi xe đạp nhiều, nhưng làm giảm stress oxy hóa liên quan đến tập thể dục và tổn thương cơ.
Một nghiên cứu nhỏ năm 2015 cũng lưu ý rằng bổ sung tỏi có thể làm tăng khả năng cung cấp oxy trong khi tập thể dục.
9. THẢI ĐỘC KIM LOẠI NẶNG
Ở liều cao, các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi có tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương nội tạng do độc tính của kim loại nặng.
Allicin trong tỏi có thể giúp giảm lượng chì trong máu và các cơ quan.
Một nghiên cứu năm 2012 liên quan đến các nhân viên tại một nhà máy sản xuất acquy ô tô, những người phơi nhiễm chì quá nhiều, cho thấy, tỏi làm giảm 19% lượng chì trong máu và cũng làm giảm nhiều dấu hiệu nhiễm độc lâm sàng như đau đầu, tăng huyết áp….
10. CẢI THIỆN SỨC KHỎE XƯƠNG
Kết quả của một thử nghiệm lâm sàng được công bố vào năm 2017 cho thấy tỏi có thể làm giảm stress oxy hóa dẫn đến loãng xương.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy bổ sung 1 gam tỏi mỗi ngày trong 12 tuần giúp giảm đau ở phụ nữ bị thoái hóa khớp gối, béo phì hoặc thừa cân.
11. BẢO VỆ SỨC KHOẺ LÀN DA
Do khả năng chống stress oxy hóa mạnh, tỏi là một thảo dược bảo vệ sức khỏe da.
Đánh giá của 23 nghiên cứu năm 2011 cho thấy, nhờ hỗ trợ miễn dịch, vi tuần hoàn và khả năng bảo vệ chống lại tác hại của tia cực tím tỏi rất tốt cho da.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, đắp chiết xuất tỏi rất hiệu quả trong vẩy nến, rụng tóc, sẹo lồi, vết thương, nhiễm virus và nấm, bệnh leishmania, lão hóa da….
12. CHỐNG UNG THƯ
Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy tỏi có tác dụng chống hoặc ngừa ung thư qua:* Ức chế các chất, hợp chất có thể gây ung thư; * Thúc đẩy các enzym vô hiệu hóa chất gây ung thư; Giảm viêm liên quan đến sự phát triển của ung thư; * Hỗ trợ sửa chữa DNA; * Ức chế sự phát triển và lây lan của ung thư và các tế bào ung thư
III. CÁC LƯU Ý KHI ĂN TỎI
1. Gây hôi miệng, hơi thở…
2. Một số người dị ứng với tỏi.
3. Tỏi có thể kích ứng gây viêm da
4. Tỏi cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng đông máu, nếu bị các rối loạn chảy đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông cần cẩn trọng tham khảo bác sĩ trước khi ăn.
5. Vì có tác dụng là thực phẩm chức năng, nên ăn tỏi cũng có liều lương. Dù chưa có khuyến cáo chính thức, các nghiên cứu chỉ ra liều trung bình là 2-3 tép (clove) mỗi ngày, khoảng 3-6 gam.
6.Tỏi chín cũng có tác dụng tốt như tỏi tươi. Vì thế, các đầu bếp, nhà dinh dưỡng, đều khuyên nên dùng tỏi đã nấu chín để tránh những tác dụng không mong muốn như hơi thở, hôi miệng, kích ứng dạ dày, rối loạn tiêu hóa…
IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] https://www.healthline.com/nutrition/11-proven-health-benefits-of-garlic
[2] https://health.clevelandclinic.org/6-surprising-ways-garlic-boosts-your-health/
[3] https://www.singlecare.com/blog/garlic-benefits/
[4] https://spiceworldinc.com/health/the-top-8-health-benefits-of-garlic/
[5] https://www.webmd.com/diet/garlic-good-for-you
[6] https://pharmeasy.in/blog/top-10-health-benefits-of-garlic/
[7] https://www.healthgrades.com/right-care/food-nutrition-and-diet/health-benefits-of-garlic
TS.BS Trần Bá Thoại
BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM