Trang chủ » ẨM THỰC » KHOAI TÂY VÀ SỨC KHỎE: LỢI ÍCH VÀ LƯU Ý ?

KHOAI TÂY VÀ SỨC KHỎE: LỢI ÍCH VÀ LƯU Ý ?

     I. LỜI MỞ

    Khoai tây chứa nhiều tinh bột nên bị những người thừa cân, béo phì, hội chứng chuyển hóa, đang theo chế độ ăn low-carb hay keto ‘kỳ thị’, chê tránh. Đặc biệt, các món khoai tây chiên, rán, chế biến sẵn khá ngon miệng lại càng bị các chuyên gia sức khỏe ‘kết tội’ là không tốt cho sức khỏe và khuyên không nên dùng.

   Gần đây. một số nghiên cứu dinh đưỡng đã “giải oan” cho khoai tây với kết luận rằng, ăn khoai tây mỗi ngày là hoàn toàn tốt miễn là biết chọn cách chế biến cũng như số lượng chọn ăn, đặc biệt là nên ăn khoai tây còn nguyên vỏ.

    II. THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG 

    Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA, một phần khoai tây (khoảng 5 ounce, 150 gam) còn vỏ nấu chín có : Năng lượng: 118 calo; Tổng lượng carbohydrate: 27 g; Chất xơ thực phẩm: 2 g; Đường ngọt (sugary carbohydrate): 1 g; Chất đạm (protein): 3 g; Chất béo: 0 g; Natri: 5 mg; Kali: 515 mg; Vitamin C: 18 mg
      Khoai tây còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, và các phytochemical khác

      III. NHỮNG LỢI ÍCH SỨC KHỎE

   Ngoài là một nguồn chất dinh đưỡng, khoai tây còn có những lợi ích sức khỏe sau:

    1. Nguồn chất chống oxy hóa

    Khoai tây là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tốt, có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, đái tháo đường và một số bệnh ung thư. 

    2. Ổn định sức khỏe đường tiêu hóa

    Khoai tây chứa nhiều tinh bột kháng (resistant starch), Tinh bột kháng không bị thủy phân và hấp thụ ở ruột non, và đến ruột già sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng, thức ăn (prebiotics) cho hệ vi sinh đường ruột (gut microbiome), ảnh hưởng rộng lớn trên sức khỏe con người.

    3. Điều hòa huyết áp

   Theo Viện Y tế Quốc gia NIH, khoai tây nhiều kali, là khoáng chất cần thiết cho thần kinh, cơ, thận, tim của con người và cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp. .

     4. Giúp kiểm soát đường máu

     Nhiều thí nghiệm cho thấy, tinh bột kháng trong khoai tây sẽ làm giảm tình trạng kháng insulin (insulin resistance) giúp ổn định đường glucose máu.

    5. Không có gluten (naturally gluten-free),

   Khoai tây không chứa gluten, Do đó, khoai tây là thực phẩm tuyệt vời được lựa chọn cho những người mắc bệnh celiac, hoặc nhạy cảm với gluten..

    6. Tạo cảm giác no, không thèm ăn, giúp giảm cân

   Ngoài việc bổ dưỡng, khoai tây còn tạo cảm giác vô cùng no. Một nghiên cứu đánh giá trên 38 loại thực phẩm phổ biến về mức độ no của chúng, khoai tây đứng đầu. Trong đó, khoai tây được đánh giá là gây no gấp bảy lần so với bánh sừng bò, được xếp hạng là loại thực phẩm ít no nhất.

  Trong khoai tây có một loại protein có khả năng ức chế enzyme proteinase, kiềm chế cảm giác thèm ăn. Protein này cũng làm tăng tiết cholecystokinin một loại hormone thúc đẩy cảm giác no.

   Vì khoai tây làm tăng cảm giác no, gây chán ăn, nên cũng có thể giúp điều chỉnh hoặc giảm cân nặng..

     IV. NHỮNG LƯU Ý 

   1. Khoai tây chế biến làm tăng đường máu đột biến

    Khoai tây chế biến thường có chỉ số đường huyết GI tương đối cao, dao động từ 50 đến 111. Chỉ số GI càng cao khả năng hấp thu và tăng đường huyết càng nhanh.

   Đường máu tăng bao nhiêu sau khi ăn khoai tây phụ thuộc vào loại khoai tây, khẩu phần ăn và các loại thực phẩm kết hợp khác. Vì thế, chọn loại khoai và chọn món kết hợp giúp kiểm soát lượng đường máu tốt hơn.

    2. Khoai tây chiên, nướng, rang sản sinh nhiều acrylamide

    Acrylamide là một hợp chất hình thành khi đường tự nhiên trong khoai tây và các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác tương tác với axit amin asparagine ở nhiệt độ cao.

    Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy, acrylamide liên quan đến các loại ung thư.

   3. Khoai tây để lâu, nẩy mầm có chất độc solanine

   Tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời khiến phần thịt trắng của khoai tây chuyển sang màu xanh lá cây và nảy mầm.

Theo USDA, trường hợp này trong củ khoai tây có sự hình thành solanine, một chất hóa học đắng có thể gây độc. Do đó, khi thấy khoai tây chuyển sang màu xanh lá cây, hay nẩy mầm thì nên vứt bỏ.

      V. ĐÔI LỜI BÀN LUẬN 

   Khoai tây là loại rau củ quan trọng, được trồng và sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Hoa Kỳ, có hơn 100 loại khoai tây khác nhau được bán trên thị trường, và trung bình một người Mỹ ăn khoảng 55 pound, hoặc 25 kg khoai tây mỗi năm. 

   Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, khoai tây với thành phần dinh dưỡng và những  hoạt chất sinh học của chúng cho nhiều lợi ích sức khỏe ấn tượng, như  kiểm soát đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tăng khả năng miễn dịch, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, chống lại các dấu hiệu lão hóa.v.v…..

   Nghiên cứu do tiến sĩ Neda Akhavan, phó giáo sư tại Khoa Khoa học vận động và dinh dưỡng, Trường Khoa học sức khỏe tích hợp của Đại học Nevada Las Vegas (Mỹ), dẫn đầu, đã giải oan cho khoai tây. Ông nói: “Nói đến khoai tây, hầu hết chúng ta liên kết ngay với món khoai tây chiên có nhiều chất béo. Nhưng nghiên cứu chúng tôi cho thấy rằng, khoai tây nếu được chế biến đúng cách sẽ rất tốt cho sức khỏe”.

   VI. THAM KHẢO

[1] What Happens to Your Body When You Eat Potatoes

https://www.eatingwell.com/article/8044322/are-potatoes-good-for-you/

[2] How can potatoes benefit my health?

https://www.medicalnewstoday.com/articles/280579

[3] 7 Health and Nutrition Benefits of Potatoes

https://www.healthline.com/nutrition/benefits-of-potatoes

[4] How can potatoes benefit my health?

https://www.verywellhealth.com/potato-benefits-8664495

[5] Potatoes 101: A Complete Guide

https://www.healthline.com/nutrition/foods/potatoes

[6] Are Potatoes Healthy?

https://www.health.com/nutrition/are-potatoes-healthy

[7] Potato nutrition facts & health benefits

https://www.livescience.com/45838-potato-nutrition.html

        TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM