Trang chủ » ẨM THỰC » HỘI CHỨNG TỰ LÊN MEN: MỘT TRONG NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHÔNG UỐNG RƯỢU VẪN THỞ RA CỒN

HỘI CHỨNG TỰ LÊN MEN: MỘT TRONG NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHÔNG UỐNG RƯỢU VẪN THỞ RA CỒN

      I. LỜI MỞ

   Thời gian quanh tết Giáp Thìn vừa qua, việc thực thi Nghị định 100/2019/NĐCP với sự ra quân xử lý quyết liệt, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ của các lực lượng chức năng, trong đó có cảnh sát giao thông, trên cả nước đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông đã mang lại những kết quả, tác động tích cực.  

   Tuy nhiên, quy định cấm tuyệt đối cồn hay nồng độ cồn bằng 0 trong dự thảo luật gây nhiều băn khoăn, ý kiến trái chiều. Do đó, sáng nay, 4/3, Tuổi Trẻ Online tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Nồng độ cồn: quy định thế nào cho phù hợp ?”, với sự tham dự của các khách mời Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công An, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai [9]  

:  Bài viết nhằm thông tin một số trường hợp “không uống rượu vẫn có độ cồn”, đặc biệt là Hội chứng tự lên men rượu (auto-brewery syndrome) nôm na là “không uống mà say” (drunk without drinking).

  II. TỔNG QUAN VỀ LÊN MEN RƯỢU

   Rượu, cồn, ethanol, ethylic, là chất gây say có trong bia, rượu và các thức uống có cồn. Đây là sản phẩm của quá trình lên men rượu sinh học chuyển đổi các loại đường ngọt như glucose, fructose và sucrose thành rượu ethanol và carbon dioxide CO2 bởi các nấm men trong môi trường kỵ khí, không có oxy.

  Các đa đường (polysaccharide) thường phải thủy phân ra đơn đường glucose sau đó mới lên men thành rượu ethanol theo công thức chung là  C6H12O6  →2 C2H5OH + 2 CO2.  Như vậy một phân tử glucose (180 gam) lên men hoàn toàn sẽ cho 2 phân tử ethanol (92 gam).

    DT 383 Ethanol-Fermentation.gif

  Ba ứng dụng lớn của lên men rượu là sản xuất đồ uống có cồn, nhiên liệu ethanol và làm nở bánh mì. 

   III. THỨC ĂN, DƯỢC PHẨM CÓ CHỨA CỒN

   Trong một số thực phẩm như giấm, quả chín mọng, mía để lâu, nước quả lên men chứa một hàm lượng nhỏ rượu etylic. Đặc biệt, vài đầu bếp có sử dụng một ít cồn (rượu đế, rượu vang) để chế biến vài loại món ăn như tôm, cá hấp bia, thịt bê, thỏ sốt vang, các món thịt hầm….do đó trong các món ăn này có chứa một ít chất cồn. 

   Thống kê cho thấy, có khoảng 130 dược phẩm và 14 chế phẩm vitamin, và các loại nước súc miệng được bào chế có thêm chất cồn để làm dung môi hòa tan, nên có chứa cồn với hàm lượng rất nhỏ.

  IV. HỘI CHỨNG TỰ LÊN MEN    

  Hội chứng tự lên men (auto-brewery syndrome, ABS) là tình trạng rượu ethanol được sản sinh trong cơ thể thông qua quá trình lên men rượu bởi nấm hoặc vi khuẩn ký sinh trong đường tiêu hóa. Hai họ nấm Candida và Saccharomyces, như nấm Candida albicansCandida tropicalis, Saccharomyces cerevisiae, và Torulopsis glabrata, là mầm của hội chứng tự lên men.

     

  Hội chứng tự lên men rất hiếm. Bệnh xẩy ra ở cả hai giới nam lẫn nữ tuổi trẻ hay trưởng thành và thường bị bỏ sót chẩn đoán. Bệnh nhân mắc hội chứng tự lên men này có dấu hiệu và triệu chứng như người uống bị ngộ độc rượu dù rằng họ chẳng uống ly nào, “không uống mà say”.

   Hội chứng ABS có tỷ lệ mắc bệnh cao ở các bệnh nhân béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, và bệnh Crohn so với người thường.

  Các nhà khoa học cho rằng, sự rối loạn hệ vi sinh đường ruột (gut microbiome) cho phép các vi sinh lên men phát triển quá mức, cùng với các  chế độ ăn nhiều carbohydrate, thực phẩm tinh chế và lạm dụng thuốc, kháng sinh làm bùng phát hội chứng tự lên men này. Các điều kiện khác có thể góp phần vào sinh bệnh học là hội chứng ruột ngắn, giả mạc hoặc quá phát vi sinh ruột non ( Small Intestinal Bacterial Overgrowth SIBO).

     V. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUÂN

   Ngoại trừ trường hợp hiếm gặp là bị hội chứng tự lên men, khi chất cồn được sản xuất nội sinh nhiều đến mức gây ngộ độc rượu, hàm lượng cồn trong thức ăn, thuốc uống là quá ít không thể gây ra triệu chứng cơ thể gì.

   Lên men rượu là một quá trình sinh học trong môi trường kỵ khí không có oxy và được xúc tác bởi các enzyme chuyển hóa chỉ có ở các chủng nấm men (yeast) đặc thù.

  Vì quá trình lên men rượu không thể xảy ra ở môi trường hiếu khí có oxy như trong cơ thể con người, nên ăn trái cây, uống nước ngọt có đường không thể chuyển thành rượu và hơi thở chắc chắn không có cồn.

    VI. THAY LỜI KÊT

   Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông – Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Và theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban ATGT quốc gia, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do tai nạn giao thông với tỷ lệ 26,1/100.000 người/năm, trong đó đến 70% là hậu quả của uống bia rượu. Do đó theo tôi, nghị định 100/2019/NĐCP ra đời rất đúng lúc và sẽ được sự đồng thuận xã hội cao vì tính cấp thiết và nhân văn của nó.

  Theo tôi, cần tham khảo kỹ 

   1, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định ba ngưỡng nồng độ cồn, tương ứng với ba mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy, ôtô, như sau:

   Với xe máy, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.

Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

   Với ôtô, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở thì tài xế bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.

   Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở thì tài xế bị phạt 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng [10].

    2. Ngưỡng nồng độ cồn, tại Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23.1.2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu, tại mục 60 của quyết định này. Theo đó, tại điểm 4 “nhận định kết quả” có ghi: trị số thường dưới 10,9 mmol/lít (tương đương 50 mg/100 ml) [10].

   3. Các phân tích khoa học, việc ăn thực phẩm như trái cây, uống viên thuốc có tí chút cồn, chắc chắn không thể chuyển kết quả từ “không thành có” sử dụng rượu bia. Hơn nữa, nếu còn nghi ngờ, cảnh sát giao thông dễ dàng kiểm tra lần 2 hay làm xét nghiệm máu.  

VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ethanol fermentation

https://en.wikipedia.org/wiki/Ethanol_fermentation

[2] Alcohol Fermentation: Definition, Equation & Process

https://study.com/academy/lesson/alcohol-fermentation-definition-equation-process.html

[3]Yeast Fermentation and the Making of Beer and Wine

https://www.nature.com/scitable/topicpage/yeast-fermentation-and-the-making-of-beer-14372813/

[4] Auto-brewery syndrome (Gut fermentation)

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK513346/

[5] Rượu, bia và tai nạn giao thông!

http://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/ruou-bia-va-tai-nan-giao-thong-521105.html 

[6] Ám ảnh tai nạn do rượu bia

http://mt.gov.vn/atgt/tin-tuc/58842/am-anh-tai-nan-do-ruou-bia.aspx

[7] Bộ Y tế: “Ăn trái cây gây nồng độ cồn sẽ không bị xử phạt”

https://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-an-trai-cay-gay-nong-do-con-se-khong-bi-xu-phat-20200106145803315.htm

[8] Không uống rượu vẫn thở ra cồn !

https://dantri.com.vn/suc-khoe/khong-uong-ruou-van-tho-ra-con-20200107143420501.htm

[9] Quy định và xử phạt nồng độ cồn thế nào cho phù hợp?

https://tuoitre.vn/quy-dinh-va-xu-phat-nong-do-con-the-nao-cho-phu-hop-20240302142253461.htm

[10] Đề nghị chuyên gia góp ý quy định nồng độ cồn

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-nghi-chuyen-gia-gop-y-quy-dinh-nong-do-con-119240205170103092.htm

[11] Ăn sữa chua nếp cẩm, nước quả lên men… có “dính” nồng độ cồn?

[12] HỘI CHỨNG TỰ LÊN MEN RƯỢU (AUTO-BREWERY SYNDROME)

HỘI CHỨNG TỰ LÊN MEN RƯỢU (AUTO-BREWERY SYNDROME)

                                   TS.BS Trần Bá Thoại 

               Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM