CÓ HAI LOẠI VACCINE UNG THƯ: PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ
tri quan| 03-06-2024
I. LỜI MỞ
Ngày 31/5, Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh NHS thông báo họ bắt đầu điều trị thử nghiệm lâm sàng cho những bệnh nhân đầu tiên ở Anh bằng vaccine ung thư cá nhân hóa (personalized cancer ‘vaccines’) chống lại bệnh ung thư ruột [a]
Lập tức, nhiều báo chí Việt Nam vội vã đăng tin rất “sốt” nhưng nhầm lẫn rằng “Anh thử nghiệm vắc xin ngừa ung thư ‘theo nhu cầu’ ” [b]
Bài viết nham cung cấp thông tin khoa học về sự vụ này
II. TỔNG QUAN VỀ VACCINE
1. VACCINE LÀ GÌ? HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO?
Khi một vi sinh vật, chất ngoại lai lạ, kháng nguyên (antigen), xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được “báo động” và “lưu giữ” những thông tin này.
Các tế bào bạch cầu lympho B sẽ được kích hoạt để sản sinh ra các kháng thể (antibody) đặc hiệu để chống lại đúng các vi sinh vật lạ đã xâm nhập. Lượng kháng thể được tổng hợp càng nhiều khi vật lạ vào cơ thể càng lặp lại nhiều lần.
Vaccine thường là xác chết, các protein hay những biến thể suy yếu, giảm độc lực của các vi sinh vật gây bệnh đóng vai các kháng nguyên. Khi các vaccine được đưa vào cơ thể dưới dạng thức tiêm chủng, chúng sẽ kích thích hệ miễn dịch giống hệt các vi sinh vật xâm nhập và các kháng thể được tạo thành.
Có thể nôm na ví von rằng, tiêm chủng vaccine là cách “tập trận” cho cơ thể nhận biết mầm bệnh để chống lại thông qua việc sản xuất các kháng thể đặc hiệu tương ứng. Để lượng kháng thể càng nhiều chúng ta cần tiêm nhắc vắc xin nhiều lần.
Kháng thể có tính đặc hiệu rất cao, ví như vaccine bại liệt không phòng được bệnh dại, vaccine viêm gan không phòng được ho gà…
Sau vaccine đậu mùa do bác sĩ Edward Jenner phát hiện, nhiều vaccine phòng bệnh khác lần lượt ra đời đáng kể như: thuốc chủng ngừa bệnh dại và bệnh than của Louis Pasteur, thuốc chủng ngừa bệnh dịch hạch của Alexandre Yersin, thuốc chủng ngừa lao B.C.G do Calmette và Guerin….
Hiện nay, có rất nhiều vắc xin phòng bệnh được bào chế theo cùng nguyên lý gây miễn dịch “tập trận” cho con người như suy nghĩ của Jenner cách đây hơn 200 năm !!!
Đặc biệt, với các bệnh lây nhiễm do virus, vốn không có thuốc điều trị đặc hiệu, như bệnh dại, bại liệt, cúm, sởi, viêm gan siêu vi B…thì vaccine là liệu pháp hiệu quả chắc chắn nhất…
2. TIÊM VACCINE: CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH NHIỄM TRÙNG
Với tính phòng vệ chủ động và đặc hiệu cao, chủng ngừa vaccine là cách phòng ngừa các bệnh lây nhiễm cực kỳ chính xác và hiệu quả.
Hiện nay, với những tiến bộ vũ bão trong y khoa, đặc biệt là về công nghệ gene (gene engineering), khá nhiều bệnh nhiễm trùng chưa hoặc không thể điều trị, gây nhiều di chứng, thậm chí gây tử vong có thể phòng ngừa hiệu quả qua việc tiêm phòng vaccine. Danh sách các bệnh “nan y”, chữa khó nhưng phòng ngừa được nhờ vaccine khá dài như: bệnh dại, đậu mùa, sốt bại liệt, viêm não Nhật Bản, viêm gan siêu vi B, sởi Đức (rubella), bệnh cúm mùa.v.v …
Trên thế giới, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (expanded program of immunization EPI) là một khâu quan trọng được cả WHO, UNICEF và ngành y tế của các nước trên toàn cầu đặt hàng đầu. Ngay ở Mỹ, người ta vẫn duy trì được tỉ lệ tiêm chủng cao và để tránh lây bệnh ra cộng đồng, luật pháp các tiểu bang không cho phép trẻ chưa tiêm chủng học ở các trường học. Ở Việt Nam, chính nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, chúng ta gần như thanh toán được bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván…
III. HAI LOẠI VACCINE UNG THƯ (cancer vaccine)
1. VACCINE NGĂN NGỪA UNG THƯ ?
Thống kê y học cho thấy, nhiễm trùng đặc biệt nhiễm virus có liên kết với khoảng 15-20% ung thư qua:
(1) Tác động trực tiếp vào các gene dẫn đến tăng trưởng tế bào không kiểm soát,
(2) Gây viêm mãn tính ảnh hưởng đến tế bào miễn dịch dẫn đến ung thư, và
(3) Virus ức chế hệ thống miễn dịch từ đó gây ung thư.
Vì thế, chích các vaccine ngừa lây nhiễm HP, HBV, HPV.. là biện pháp khá hữu hiệu để ngăn ngừa các ung thư dạ dày, gan, cổ tử cung…
2. VACCINE ĐIỀU TRỊ UNG THƯ
Hiện nay, ba phương pháp điều trị ung thư kinh điển đang được sử dụng gồm
(1) Phẫu thuật để cắt bỏ khối u hay loại bỏ hệ thống mạch máu nuôi khối u.
(2) Hóa trị liệu, dùng hóa chất;
(3) Xạ trị,dùng các tia xạ ion hóa để tiêu hủy khối u đều có các tác động phụ, không mong muốn, tiêu cực vào các tế bào lành chung quanh, và lên sức khỏe người bệnh với hệ lụy là chất lượng sống giảm sút, thậm chí kéo dài sự sống trong đớn đau.
Nghiên cứu từ những năm 1980 của Giáo sư Katalin Kariko đã là nền tảng tuyệt vời cho sự ra đời của vaccine ngừa COVID-19 công nghệ mRNA. Hai công ty Pfizer-BioNTech và Moderna đã sản xuất các vaccine mRNA nhờ vào một kỹ thuật đột phá: tổng hợp ra các mRNA nhân tạo theo ý muốn.
Bình thường, tế bào cơ thể có những enzyme nuclease để phá hủy được các nucleic acid ngoại lai, như các DNA, RNA của virus, vi khuẩn, tế bào lạ…xâm nhập vào cơ thể. Nhưng, các mRNA nhân tạo trong loại vaccine này có chứa các base N analogue, các base N tương tự, ví dụ như guanine được methyl hóa, uridine được thay thế bằng N1 methylpseudouridine.
Nhờ các biến đổi gene này, vaccine mRNA không bị các endonuclease của tế bào phân hủy. Và để mRNA được ribosome dịch mã tổng hợp ra protein S rất giống protein S tự nhiên của SARS-CoV-2 thì các codon cũng như đuôi poly A của mRNA cũng phải được tối ưu hóa.
Hiện nay, các nhà khoa học đang sử dụng công nghệ mRNA này để tổng hợp ra các protein của bất cứ thành phần nào của khối u, rồi dùng chúng làm vaccine đặc hiệu cho loại ung thư có chứa protein đó.
Đây là vaccine điều trị cho những người đã mắc ung thư phù hợp với từng bệnh nhân và tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, hóa hoặc xạ trị, nhằm ngăn ngừa tái phát.
Ưu điểm nổi bật của các vaccine điều trị ung thư này là “cá nhân hóa” (personalized), nghĩa là tổng hợp các protein thành phần tế bào ung thư của chính bệnh nhân để làm vaccine nên rất đặc hiệu và tiêu diệtị chính xác tế bào ung thư.
IV. ĐÔI LỜI BÀN LUẬN
Rõ ràng, vaccine đúng là món quà y học “vô giá”, một “vũ khí” phòng bệnh rất khoa học và vô cùng hiệu quả cho mọi nhà, mọi người. Nhờ biết, hiểu và tiêm chủng đầy đủ nhiều loại vaccine để phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm: trước khi có thai tiêm ngừa rubella, uốn ván..năm đầu đời tiêm đủ 10 vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, và sau này tiêm nhắc nhiều loại vaccine ngừa bệnh lây nhiếm khác.
Hiện nay, với công nghệ mRNA các nhà khoa học đã tổng hợp ra các protein của bất cứ thành phần nào của khối u, rồi dùng chúng làm vaccine chống ung thư đặc hiệu cho loại ung thư có chứa protein đó. Vì được “cá nhân hóa” nên các vaccine điều trị ung thư này rất đặc hiệu, tìm diệt đúng các tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến tế bào lành bình thường.
Như thế, bên cạnh vaccine ngừa các bệnh nhiễm trùng có thể gây ung thư như viêm gan B, vê gan C, viêm cổ tử cung HPV….chúng ta sẽ có thêm các vaccine đặc hiệu với chính các thành phần protein khối u để điều trị căn bệnh không lây nhiễm quái ác này.
V. THAM KHẢO
[a]Thousands of NHS patients to access trials of personalised cancer ‘vaccines’