Trang chủ » ẨM THỰC » DÙNG TẢI ĐƯỜNG HUYẾT ĐỂ CHỌN ĐÚNG LƯỢNG THỨC ĂN

DÙNG TẢI ĐƯỜNG HUYẾT ĐỂ CHỌN ĐÚNG LƯỢNG THỨC ĂN

  I. LỜI MỞ
  Ngày 14/7, trong bài viết “Ba cách chọn ăn trái cây của người đái tháo đường”, tôi có trình bày về cách chọn qua thông số tải lượng glucose, glycemic load, GL.
  Dưới đây là các thông tin bổ sung thêm về chỉ số Glycemic Load theo yêu cầu của một số độc giả.
  II. TẢI ĐƯỜNG HUYẾT LÀ GÌ ? CÁCH TÍNH ? PHÂN LOẠI ?
  * Tải đường huyết, tải glucose, glycemic load, GL, trong một món ăn là lượng glucose tương đương với thành phần carbohydrate (đường, bột) chứa trong món ăn đó. Như vậy 1 đơn vị GL tương đương với 1g Glucose.
  * Tải đường huyết của một món ăn được tính theo công thức sau:
                 GL (gam) = Lượng carbohydrate (gam) X GI /100 (1)
  Ví dụ: Dưa hấu có hàm lượng carbohydrate là 5% (5g carb/100g dưa), với Chỉ số đường huyết GI là 75. Tải đường huyết GL của 200 gam dưa hấu là:
200 g x 5/100 x 75 /100 = 7,5 g
  Như vậy ăn miếng dưa hấu 200 gam tương đương với ăn 7,5 gam glucose
                          
  * Tải glucose của thực phẩm được chia ra 3 nhóm
     GL thấp ≤ 10
 Ngũ cốc nguyên hạt, Táo, Cam, Các loại đậu (đậu đen, đỏ, lăng, trắng…), Sữa lạt, Hạt điều, Cà rốt…
     GL trung bình từ 11 đến 19
 Lúa mạch, Gạo lứt, Yến mạch, Lúa mì, Bánh gạo, Khoai sọ, Bánh mì
     GL cao ≥ 20
 Khoai tây (nướng, chiên), Ngũ cốc xay xát, tinh luyện, Đồ uống có đường, Kẹo, Mì sợi, Mì ăn liền..
 III. DÙNG TẢI GLUCOSE ĐỂ TÍNH LƯỢNG THỨC ĂN
  Người cao tuổi, đặc biệt người thừa cân, béo phì, đái tháo đường nên chọn những loại thực phẩm có chỉ số tải đường huyết thấp hoặc trung bình, tránh những thực phẩm có chỉ số tải đường huyết cao.
  Từ công thức tính GL (1) chúng ta chuyển sang công thức tính số lượng thức ăn theo GI và GL yêu cầu như sau:
  Lượng carbohydrate thức ăn (gam) = GL (gam) x 100/GI
  Lượng thức ăn cần= Lượng carbohydrate / % carbohydrate thức ăn.
  * Ví dụ 1 Trái nho có hàm lượng carbohydrate là: 27.3 %, GI là 47. Một người đái tháo đường có thể ăn bao nhiêu để có GL=10
Lượng carbohydrate cần (g) = 10 (g) x 100/47
Và .lượng nho cần = Lượng carbohydrate cần x 100 / 27,3 = 78 gam
* Ví dụ 2 Trái chuối hàm lượng carbohydrate 22,8% , GI là 55. Một người đái tháo đường có thể ăn bao nhiêu chuối để có GL=10
   Lượng carbohydrate cần (g) = 10 (g) x 100/55
   Và lượng chuối cần ăn = Lượng carbohydrate cần x 100 / 22,7 = 80 gam
  IV. LỜI BÀN
  Ngay từ định nghĩa, tải lượng đường huyết GL là đơn vị đo lường cho biết chính xác lượng glucose tương đương có trong thực phẩm đang sử dụng và cho biết nó ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
                         
   Patrick Holford, tác giả cuốn sách nổi tiếng The Low- GL diet cho người giảm cân, nhận định: “Chế độ ăn ít calo chưa là cách giảm cân hiệu quả, nhiều nghiên cứu còn cho thấy là không chính xác, chế độ ăn GL thấp mới là phương pháp ăn kiêng đúng đắn”
   Theo ông: “ GL có lợi hơn GI vì nó thể hiện được cả chất lượng lẫn số lượng đường có trong thực phẩm” Ví dụ: Dưa hấu có chứa 5% carbohydrate với chỉ số GI rất cao, 72, màu đỏ, thường được khuyên không nên ăn. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn 100 gam dưa hấu thì tải glucose máu GL lại rất thấp (72 x 5)/100= 3.6) ngừa thừa cân, béo phì, đái tháo đường có thể ăn. 
                                                                 TS.BS Trần Bá Thoại
                                                          BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM