Trang chủ » ẨM THỰC » ĐIỂM TÂM: BỮA ĂN QUAN TRỌNG NHẤT TRONG NGÀY !

ĐIỂM TÂM: BỮA ĂN QUAN TRỌNG NHẤT TRONG NGÀY !

    I. LỜI MỞ

    Hiện nay, vì công việc bận rộn hay vì muốn giảm cân, nhiều người đã chọn cách bỏ bữa ăn điểm tâm buổi sáng.

   Các chuyên gia cho rằng, đây là một quan điểm võ đoán, sai lầm. Và họ đã chỉ ra rõ ràng: Những điều sẽ xảy ra với cơ thể khi bị bỏ ăn sáng  và Những hậu quả xảy ra sau đó …

    II. VÌ SAO BỮA SÁNG QUAN TRỌNG?

   Bữa điểm tâm là bữa ăn “xóa đói” theo nguyên ngữ tiếng Anh: break(xóa)/fast (đói), còn theo quan điểm y học và dinh dưỡng, đây thật sự là bữa ăn quan trọng nhất, lần sạc năng lượng đầu tiên, cho cơ thể để chuẩn bị cho cả một ngày làm việc sắp bắt đầu.

   Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của bữa điểm tâm đối với cơ thể con người và câu kết luận chung rằng: “Thức ăn là nhiên liệu, muốn học tập tốt, lao động tốt phải nạp nhiên liệu tốt, đầy đủ, ngay từ sáng sớm vì lúc này cơ thể đã đói, đã cạn nguồn sau cả nửa ngày không ăn”.

  Nhiều nghiên cứu khác cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa bữa ăn sáng tốt (healthy breakfast) với sự gia tăng sức khỏe, giảm ít bệnh mãn tính và giúp trường thọ.

    Theo nhiều nhà khoa học, một bữa điểm tâm tốt ít nhất cũng phải cung cấp được một phần ba năng lượng calo trong ngày và ăn điểm tâm đúng mức sẽ là tiền đề cho con người sảng khoái, tăng độ tập trung, tăng tính sáng tạo và tràn đầy cảm xúc yêu đời.

  Theo Hội Tiết thực Hoa Kỳ (ADA), bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày; bữa điểm tâm không những mang lại năng lượng cần thiết để lao động, học tập mà còn giúp cơ thể kiểm soát duy trì cân trọng, thậm chí giảm cân vì nó sẽ làm giảm cảm giác đói và thèm ăn bù sau đó.

    III. NHỮNG TÁC HẠI DO BỎ ĂN SÁNG ?

   Một trong những sai lầm rất lớn về dinh dưỡng là không coi trọng, thậm chí bỏ qua bữa điểm tâm đầu ngày; sai lầm này không chỉ có ở nước ta mà gặp cả ở những nước tiên tiến trên thế giới. Có quá nhiều lý lẽ để biện minh cho sai lầm này: nào là quá bận rộn, quá kẹt thời gian nên không thể chuẩn bị bữa ăn được hoặc ăn sáng ít sẽ giảm cân, tăng sức khỏe… Có người còn biện minh là “không thích ăn sáng” hay “không có nhu cầu cần thiết phải ăn”…

  Theo EatingWell, bỏ bữa sáng có thể dẫn đến nhiều tác động cả ngắn hạn lẫn dài hạn lên sức khỏe thể chất, tinh thần và  tổng thể của con người:

     (1) Giảm mức năng lượng cần thiết, khiến cơ thể mệt mỏi hoặc gặp tình trạng sương mù não;

    (2) Giảm lượng hormone. theo Hiệp hội Nội tiết Mỹ, việc nhịn ăn quá lâu có thể làm giảm lượng đường trong máu và cũng có thể làm giảm lượng hormone, bắt đầu với cortisol, ăn sàng giúp kiểm soát các mức độ căng thẳng, giúp tinh thần sảng khoái trong ngày. Khi hormone không còn ổn định, bạn có thể cảm thấy khó chịu hoặc thay đổi tâm trạng;

  (3) Làm tăng cảm giác thèm ăn hơn.Nhiều người bỏ bữa sáng cảm thấy thèm ăn dữ dội hơn vào cuối ngày, vì cơ thể họ cố gắng bắt kịp các chất dinh dưỡng có thể tìm kiếm các nguồn năng lượng nhanh như ăn khoai tây chiên, đồ nướng..;

  (4) Gây hại cho sức khỏe tim mạch. Phân tích tổng hợp năm 2019 của Hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy việc bỏ bữa sáng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Một đánh giá năm 2020 trên tạp chí Béo phì cho thấy những người bỏ bữa sáng có khả năng cholesterol “xấu” (LDL) cao hơn những người có ăn sáng. LDL cao góp phần gây ra cơn đau tim và nguy cơ đột quỵ;

   (5) Rối loạn, chậm quá trình trao đổi chất. Vì thế nhiều người không ăn sáng với hy vọng giảm cân, cơ thể sẽ đi tìm năng lượng ở nơi khác, lấy năng lượng dự trữ từ mô mỡ và cơ và có thể tăng cân. Vì vậy, ăn sáng là một lựa chọn lành mạnh hơn để giảm cân bền vững hơn và sức khỏe trao đổi chất tốt hơn.

     IV. ĂN SÁNG THẾ NÀO CHO ĐÚNG?

    Điểm qua bữa điểm tâm của một số nước, lãnh thổ trên khắp năm châu đều thấy một cái chung rằng: Bữa điểm tâm phải đủ thành phần trong ô vuông thức ăn, nghĩa là có bốn thành phần đường, đạm, béo, khoáng và vitamin. Các loại thức ăn sáng thông dụng ở Việt Nam chúng ta như cơm, xôi, bún, phở, mì, hủ tiếu, các loại trứng… đều rất đảm bảo tiêu chí dinh dưỡng này.

   Bữa ăn sáng lưu ý hai điểm:

  một là không dùng nhiều thức ngọt (ăn, nước uống) trong buổi sáng vì nó tiêu hóa quá nhanh làm tăng đường máu gấp, nhưng lại không ổn định vì cơ thể sẽ thiếu năng lượng ngay 2-3 giờ sau đó;

  hai là phải đảm bảo đủ thành phần đạm (thịt) và chất xơ trong bữa sáng vì chính chất đạm và xơ sẽ tạo cảm giác no cho đến buổi ăn trưa.   

    V. THAM KHẢO

[2] Điểm tâm “nặng” mới khỏe!
https://dantri.com.vn/suc-khoe/diem-tam-nang-moi-khoe-20150926071458257.htm
[3]Điểm tâm “nặng” mới khỏe!
https://thanhnien.vn/diem-tam-nang-moi-khoe-185329566.htm
[4] Ăn no để “đánh thắng”
https://tuoitre.vn/an-no-de-danh-thang-324626.htm
[5] “Sáng ăn như vua…” rất đúng với người Việt
https://truyenhinhthanhhoa.vn/sang-an-nhu-vua-rat-dung-voi-nguoi-viet-1808069994.htm
[6] Thường xuyên không ăn sáng có sao không?
https://dantri.com.vn/suc-khoe/thuong-xuyen-khong-an-sang-co-sao-khong-20240419214129106.htm
[7] ĂN ĐÚNG: SÁNG NHƯ VUA, TRƯA NHƯ HOÀNG HẬU, CHIỀU NHƯ HOÀNG TỬ, TỐI NHƯ CÔNG CHÚA
https://phulenghia.com/an-sang-nhu-vua-trua-nhu-hoang-hau-chieu-nhu-hoang-tu-toi-nhu-cong-chua/

          TS.BS Trần Bá Thoại

   Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

 

.