Trang chủ » ẨM THỰC » CỤ TỔ Y KHOA HIPPOCRATES: “HÃY BIẾN THỨC ĂN THÀNH THUỐC CHỮA BỆNH”

CỤ TỔ Y KHOA HIPPOCRATES: “HÃY BIẾN THỨC ĂN THÀNH THUỐC CHỮA BỆNH”

  I. LỜI MỞ

  Trong tiếng Việt, nhiều động từ ghép bắt đầu bằng từ ăn: ăn làm, ăn học, ăn uống, ăn chơi, ăn nhâu…

  Ăn là nguồn cung năng lượng cho cơ thể.

   Ăn cũng là mục đầu tiên của tứ khoái, ăn-ngủ…

  Trong điều trị, ăn uống lại là cái chân quan trọng nhất của cái kiềng điều trị 3 chân (tripod of treatment) là: Chế độ ăn uống, chế độ vận động, mới đến Chế độ thuốc men.

 Cách đây gần 2500 năm, ông Tổ y khoa Hippocrates đã dặn môn đệ “Hãy biến thức ăn thành thuốc” 

  II. ĐỊNH DANH THỰC PHẨM, THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

       Theo Foods&Nutrition Encyclopedia định nghĩa

  *Thực phẩm là vật chất cơ thể thu nhận để phát triển, bù đắp hao tổn (tissue repair), sinh sản, hoạt động và thỏa mãn: đói, hài lòng…. Như vậy thực phẩm đầu tiên là cung cấp chất dinh dưỡng và sau đó có thêm các chức năng khác như phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe nhờ có các vitamin, các chất chống ôxy hóa, các chất xơ.v.v…

                         

  *Thực phẩm chức năng (functional foods) còn gọi là dinh dưỡng bổ sung (dietary supplement) là thực phẩm có liên quan, hổ trợ cho công việc chữa bệnh, hổ trợ cho thuốc hay dinh dưỡng, nâng cao thể trạng trong khi chữa bệnh, còn bản thân lại không phải là thuốc.

  III. NGUỒN GỐC THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

 (1) Các thực phẩm có chứa những yếu tố có lợi với hàm lượng lớn, ví dụ: dầu gan cá có chứa nhiều axít béo omega 3, vitamin A; nhiều thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao giúp chống béo phì, chống tăng cholesterol máu; hải sản như rong biển có hàm lượng iode rất cao.v.v….

 (2) Những thực phẩm tuy có ít hoạt chất, nhưng nhờ công nghệ sinh học người ta “chế biến” thành những thực phẩm chức năng đặc biệt được gọi là thực phẩm thuốc (alicaments, medical foods) hay dược phẩm dinh dưỡng (nutraceutics), các loại thực phẩm có bổ sung này đúng là nằm giữa ranh giới thức ăn và thuốc chữa bệnh. 

   IV. NGUYÊN LÝ DINH DƯỠNG: ĐỦ CHẤT, ĐỦ LƯỢNG THEO Ô VUÔNG THỨC ĂN

   1* Đủ chất: đủ 4 thành phần

   Thực phẩm con người sử dụng rất đa dạng và nhiều chủng loại. Các nhà dinh dưỡng học đã hệ thống lại và xếp thực phẩm thành bốn nhóm trong một hình biểu trưng gọi là “ô vuông” thức ăn gồm 4 nhóm sau:  (1) chất đường nói chung,  (2) chất đạm, thịt,  (3)  chất béo và (4) muối khoáng, vitamin với trung tâm ô vuông là sữa, thức ăn tối ưu và thích hợp nhất.

                     

  2* Đủ lượng: đạt chỉ tiêu cần thiết

   Về số lượng, 4 thành phần trong ô vuông thức ăn có tỷ lệ phân bố cân đối, thích hợp: 10% chất đạm tương đương 1-2 gam/ 1 kg thể trọng, 30% chất béo tương đương 4-6 gam/ 1 kg thể trọng, 60% chất bột đường tương đương 9-12 gam/ 1 kg thể trọng, và một số vi lượng muối khoáng, vitamin.

     Để dễ nhớ, các nhà dinh dưỡng ví von: “ Khẩu phần hợp lý như một cái áo hoàn chỉnh cần có các thành phần cơ bản: vạt trước, vạt sau, cổ áo, tay áo, túi áo…thừa không được mà thiếu cũng không xong”. Và khuyên rằng: Trong thiên nhiên, không có một thực phẩm nào là hoàn hảo cả, cho nên muốn có khẩu phần đầy đủ cần phải ăn đa dạng, nhiều loại thức ăn.

   V. KHÁC BIỆT GIỮA THỰC PHẨM CHỨC NĂNG VÀ THUỐC

  Theo từ điển mở Wikipedia thì “thuốc là hóa chất dùng để điều trị, chữa lành, ngăn ngừa hoặc để chẩn đoán bệnh, hoặc dùng để nâng cao thể lực và trí lực” . Các sinh chất vốn có trong cơ thể nhưng được đưa thêm từ ngoài vào cũng được gọi là thuốc, ví dụ: các hóc-môn insulin, steroid.., các chiết xuất chất đạm các chiết xuất chất đạm, chiết xuất nhau thai, tổ chức gan…..

                 

   Rối rắm xảy ra khi trong thiên nhiên có khá nhiều chất mà ranh giới giữa thực phẩm và dược phẩm không rõ ràng, ví dụ: men bia, rượu vang, một số loại nấm, vitamin, khoáng chất…và cả một số thực phẩm chức năng.

    VI. BA ĐIỀU LƯU Ý

  1. Có rất nhiều chế độ, kiểu, cách ăn nhưng chỉ một nguyên lý duy nhât là ĐỦ THỨ LOẠI, ĐỦ SỐ LƯƠNG theo 4 thành phần Ô VUÔNG THỨC ĂN

  2. Nếu dùng đúng, thực phẩm cũng góp phần như thuốc chữa bệnh

   3. Thực phẩm chức năng là thực phẩm thuốc, hỗ trợ chữa bệnh nên phải dùng có liều lượng, thời gian và không được dùng để thay thế thuốc

    VII. LỜI KẾT

Dù dân gian vẫn dặn: “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Nhưng nếu có hiểu biết về dinh dưỡng, đặc biệt hiểu cặn kẽ về các thực phẩm chức năng, chúng ta có thể “biến thức ăn thành thuốc chữa bệnh” đúng như lời khuyên của cụ Tổ Hippocrates gần 2500 năm trước đây ! 

                                                                                             TS.BS Trần Bá Thoại   

                                                                         Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM