I. LỜI MỞ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thế kỷ 21 này nhân loại phải đối đầu với các bệnh không lây nhiễm NCDs. Bệnh nội tiết-chuyển hóa đứng thứ hai sau tim mạch, trong đó nổi bật là thừa cân, béo phì, và đái tháo đường.
Trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội “tràn ngập” các chế độ ăn để ngừa thừa cân, giảm béo, nổi bật nhất là chế độ ăn keto hay chế độ ăn “ít bột đường”, low carbohydrate (low-carb) được nhiều người theo đuổi.
Cơ sở khoa học nào để đưa ra chế độ ăn low-carb ? và Nguy cơ khi theo đuổi chế độ ăn này ?.
II. ĐỊNH DANH CHẾ ĐỘ ĂN LOW CARB
Chế độ ăn low-carb, chế độ ăn keto, ketogenic diet, là chế độ ăn rất ít đường-bột (carbohydrate), nhiều chất béo và chất đạm thường được sử dụng để giảm cân.
III. CHUYỂN HÓA CHẤT DINH DƯỠNG (nutrients metabolism)
1. QUÁ TRÌNH CHUYỂN HÓA CHUNG
Thực phẩm ăn vào sẽ được các enzyme đường tiêu hóa (miệng, dạ dày, ruột) thủy phân ra các chất dinh dưỡng đại lượng (macro-nutrients) thành các acid amin, acid béo và các đơn đường (oligo saccharide), rồi được hấp thu vào máu và đưa đến nhiều tế bào, cơ quan sư dụng.
Quá trình Chuyển hóa (metabolism) gồm 2 phần: Thoái hóa, dị hóa, giáng hóa (catablolism) là phân chia phân tử lớn ra thành phần cấu tạo và năng lượng hóa học ATP (Adenosine TriPhosphate); và Tiến hóa, đồng hóa (anabolism) là tổng hợp lại các hợp chất từ các thành phần.
2. TƯƠNG QUAN CHUYỂN HÓA CARBS, CHẤT BÉO, VÀ CHẤT ĐẠM
3. CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA CHẾ ĐỘ ĂN LOW-CARB
Người ta lý giải chế độ ăn low-carb qua 2 cơ sở sau
* Về năng lượng
Một người trưởng thành sinh hoạt cơ bản mỗi ngày cần khoảng 1800 calo năng lương, trong đó 60% từ thoái hóa carbohydrate, 30% từ chất béo, và 10% từ chất đạm protein.
Trong chế độ ăn low-carb, sự thiếu carbohydrate được cơ thể bù trừ đầu tiên bằng chất béo rồi đến chất đạm để giáng hóa sinh năng lượng cần thiết cho các cơ quan duy trì hoạt động.
* Về độ “thèm-chán ăn”
Ở vùng dưới đồi (hypothalamus) của não bộ con người có một trung tâm “đói ăn” (appetite). Trung tâm này sẽ hoạt động “mạnh yếu” tùy theo nồng độ chất dinh dưỡng trong máu.
Protein là chất đa lượng khó dự trữ, nhưng dễ gây cảm giác no nhất,
Chất béo khó gây cảm giac no,cho hiệu suất sinh nhiệt cao nhất và cũng có thể dự trữ.
Trong chế độ ăn low-carb, tỷ lệ % protein cao hơn bình thường giúp con người có cảm giác no lâu, và giảm cảm thèm ăn khiến lượng thức ăn đưa vào giảm. Đây cũng là cách giảm năng lương thừa có thể trữ lại dạng chất béo trong các mô mỡ ở da, cơ và nội tạng.
IV. NHỮNG TÁC DỤNG PHỤ KHI ĐANG ĂN LOW-CARB
1. KETO FLU
Việc cắt giảm quá nhiều lượng carb và sử dụng acid béo để tạo năng lượng sẽ sản sinh nhiều chất cetone khiến cơ thể bị nhiễm cetone (ketosis) với các triệu chứng như bị cúm gồm đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, buồn nôn và tiêu chảy.
2. TÁO BÓN
Là rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất của người theo chế độ ăn kiêng low-carb, đặc biệt là chế độ ăn kiêng rất ít carb như keto.
Lý do chính gây táo bón là chế độ keto, low-carb rất thiếu chất xơ từ ngũ cốc, rau trái và đậu
3. MỆT MỎI
Mệt mỏi cũng là một triệu chứng phổ biến của chế độ ăn kiêng low-carb. Lý do là việc hạn chế carbohydrate ở lượng dưới mức cần thiết của cơ thể để có năng lượng tối ưu, đặc biệt là khi cơ thể chưa kịp thích nghi với chế độ ăn mớ.
4. NHỨC ĐẦU
Keto, low-carb cũng là giảm lượng đường nạp vào. Những người quen ăn ngọt, có đường có thể có triệu chứng cai nghiện đường là đau đầu.Các nghiên cứu cho thấy mức độ nghiêm trọng của cơn đau đầu tăng lên khi bắt đầu chế độ ăn này.
5. CHUỘT RÚT CƠ BẮP
Carbohydrate, ngũ cốc, rau, củ, quả… cũng là nguồn cung cấp các khoáng chất như kali, magie..và các vitamin. Khi ăn chế độ keto, low-carb cơ thể không nhận đủ một số khoáng chất như kali và magiê khiến cơ thể bị chuột rút cơ bắp.
6. HƠI THỞ HÔI
Thở hôi, chứng hôi miệng (halitosis) do khi sử dụng acid béo làm nhiên liệu chính sinh năng lượng, các phó sản cetonic được thải loại qua tiết niệu (nước tiểu) và hô hấp (thở ra) gây ra mùi hôi.
7.GIẢM HIỆU SUẤT THỂ THAO
Chế độ ăn keto, low-carb khiến lượng glycogen dự trữ rất thấp. Glycogen là nguồn năng lượng tối ưu của cơ thể để cung cấp nhiên liệu cho hoạt động thể lực cao. Do đó, các chế độ ăn low-carb đều làm giảm khả năng thực hiện trong các hoạt động thể dục, thể thao,tập luyện, và thi đấu
V. TÁC DỤNG PHỤ KHI THÔI ĂN LOW-CARB
Kết thúc chế độ ăn keto, low-carb, cũng có thể gặp các tác dụng phụ khi cơ thể tái điều chỉnh, bao gồm:
1. TĂNG CÂN
Carbohydrate làm tăng lượng nước dự trữ trong cơ thể, khi nước tăng lên, cân nặng cũng tăng theo. Đây không phải là tăng mỡ và cũng không phải là tăng cân không lành mạnh.
2. ĐẦY HƠI
Việc tăng cường chất xơ và carbs tạo ra một khoảng thời gian điều chỉnh dẫn đến đầy hơi.
3. MỆT MỎI, CÁU KỈNH, ĐÓI
Đặc biệt xảy ra khi tăng lượng đường ngọt và carbs đơn giản. Lý do là lượng đường máu tăng đột biến dẫn đến cảm giác mệt mỏi và cáu kỉnh. Cố gắng ăn các loại carbs phức hợp giàu chất xơ, đồng thời tiêu thụ chất đạm để làm chậm quá trình tiêu hóa.
VI. BÀN VÀ KẾT LUẬN
Các chuyên gia nhất trí về chế độ ăn keto, low-carb rằng
* Ưu điểm:
(1) Có thể giảm cân trong thời gian ngắn;
(2) Nâng cao nhận thức về thực phẩm và chất dinh dưỡng;
(3) Có thể tăng cảm giác no và giảm cảm giác đói giữa các bữa ăn.
* Nhược điểm:
(1) Giảm cân nhanh ban đầu có thể là do “mất nước” không phải là giảm cân thực sự;
(2) “Cúm keto”;
(3) Tăng nguy cơ sỏi thận, bệnh gan và thiếu vi chất dinh dưỡng;
(4) Thiếu chất xơ có thể gây táo bón;
(5) Tác động lâu dài của chế độ ăn nhiều chất béo đối với sức khỏe tim mạch;
(6) Rất thiếu các nghiên cứu khoa học nghiêm túc về lợi ích sức khỏe lâu dài;
(7) Khó duy trì chế độ ăn kiêng dẫn đến tăng cân trở lại.
* Tóm lại
* Chế độ ăn tốt nhất cho một người phải là một chế độ ăn có thể duy trì lâu dài và giúp cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh hơn. Do đó, trước khi bắt đầu các chế độ ăn keto, low-carb này cần phải tìm hiểu, thảo luận với chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
* Nói chung, các chế độ ăn keto, low-carb, là không hợp lý khoa học vì không tuân thủ nguyên lý dinh dưỡng, Ô vuông thức ăn. Do đó, chỉ nên áp dụng cá biệt trong thời gian ngắn, có tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.
VII. THAM KHẢO
[1] What Are the Side Effects of a Low-Carb Diet?
https://www.verywellfit.com/low-carb-diet-side-effects-5204498
[2] 10 Dangerous Side Effects Of A Low-Carb Diet
https://doctor.ndtv.com/living-healthy/ketosis-10-dangerous-side-effects-of-a-low-crab-diet-1837263
[3] 7 Keto Risks to Keep in Mind
https://www.healthline.com/nutrition/dangers-of-keto-diet
[4] Dangerous Side Effects of Low-Carb Diets, According to Experts
https://www.eatthis.com/side-effects-low-carb-diet/
[5] Low-carb diet: Can it help you lose weight?
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/weight-loss/in-depth/low-carb-diet/art-20045831
[6] Keto diet side effects: What to expect
https://www.medicalnewstoday.com/articles/keto-diet-side-effects
[7] Pros and Cons of a Keto Diet
https://connect.mayoclinic.org/blog/weight-management-1/newsfeed-post/pros-and-cons-of-a-keto-diet/
[8] Low-Carbohydrate High-Fat Diet: A SWOC Analysis
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9695571/
[9] Carbs For Energy Vs. Fats For Energy: Which Is Better?
https://www.australiansportsnutrition.com.au/blogs/education-hub/carbs-for-energy-vs-fats-for-energy-which-is-better
TS.BS Trần Bá Thoại
BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM