Trang chủ » ẨM THỰC » CANH CUA ĐỒNG: MÓN ĂN MÙA HÈ GIẢN TIỆN !

CANH CUA ĐỒNG: MÓN ĂN MÙA HÈ GIẢN TIỆN !

Canh là món quen thuộc, không thể thiếu trong bữa cơm của mọi gia đình người Việt Nam chúng ta, đặc biệt trong những ngày hè nóng nực.

  Bát canh cua đồng là món được nhiều người ưa thích vì ngon miệng, dễ ăn. Ngoài giá trị về dinh dưỡng, canh cua đồng còn giúp bổ sung thêm nước và các chất điện giải, giúp cơ thể phục hồi sức khỏe khi làm việc trong cái nóng oi bức ngày hè..

  Cua đồng là thực phẩm rất quen thuộc của người Việt. Cua đồng sống chủ yếu ở ruộng lúa, hồ, ao,…  

   Dù nhỏ hơn, nhưng cua đồng cũng có giá trị dinh dưỡng như cua biển.  Trong 100 g cua đồng có 87 kcal; 12,3 g protid; 3,3 g lipid; 2 g glucid, 5 g canxi, 430 mg photpho, 4,7mg sắt và 2,1 mg vitamin PP.

   Chất lượng protein trong cua đồng cũng thuộc loại tốt. Qua phân tích, người ta thấy có 8 trong 10 axit amin tối cần thiết, gồm lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threonine và trytophane.

    Theo sách Đông y Hải Thượng Lãn Ông Y tông tâm lĩnh, cua đồng, điền giải, có vị ngọt, tính hàn, ít độc, hay sinh phong, tác dụng nối gân tiếp xương, chữa phong nhiệt, trừ mụn độc lở, huyết kết thống.

   Từ con cua đồng thô lậu, nhà bếp có thể nấu rất nhiều món canh đa dạng với các loại rau, củ, quả khác nhau, như rau đay, mồng tơi, dền, muống, tập tàng, khoai sọ, mướp, bầu, bí…với cách thức chung đơn giản:

   Cua đồng sau khi sơ chế, tách lấy riêu, sẽ được xay hay giã nát, lọc lấy nước để nấu canh

   Riêu cua có thể kết hợp nấu canh, hoặc chan cơm, ăn với bún, bánh đúc thái mỏng.

   Một bát canh cua mồng tơi, mướp thành phần gồm: Thịt cua đồng 55 g, mồng tơi 70 g, mướp 100 g, dầu thực vật 5 g, muối một g. Theo đó, giá trị dinh dưỡng cung cấp là 120 kcal; protid 9,1 g; lipid 7 g; glucid 5,1 g; chất xơ 2,3 g; vitamin A 116 µg; beta carotene 1.504 µg; vitamin C 58 mg; canxi 218,7 mg; sắt 2,7 mg; natri 668,4 mg; kali 558,9 mg và kẽm 0,4 mg.

   Cần lưu ý khi ăn cua đồng

   * Không chế biến cua đồng đã chết vì axit amin histidine sẽ biến thành histamine là chất gây dị ứng khiến người ăn bị nổi mề đay, ngứa ngáy, nôn nao, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, nôn, tiêu chảy và một số vấn đề xấu khác đối với sức khỏe….

   * Ăn gỏi cua hay nướng tái, uống nước ép cua sống vì có thể chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh sán lá phổi (paragonimus ringeri).

  

  CANH CUA ĐỒNG NẤU VỚI MỒNG TƠI, MƯỚP NGỌT    

   TỔNG QUAN

    Món ăn này được ưu tiên trong thực đơn mùa hè, thời tiết nóng nực nhờ vị thanh mát giúp giải nhiệt và kích thích vị giác.

  Canh cua có nhiều chất bổ dưỡng đó là đạm, canxi, sắt, đồng thời giúp bổ sung lượng nước và các chất điện giải cho cơ thể khi thời tiết nóng.

   Một bát canh cua đồng nấu với mồng tơi, mướp ngọt, thành phần trung bình có: Thịt cua đồng 55 g, mồng tơi 70 g, mướp 100 g, dầu thực vật 5 g, muối một g. Theo đó, giá trị dinh dưỡng cung cấp là 120 kcal; protid 9,1 g; lipid 7 g; glucid 5,1 g; chất xơ 2,3 g; vitamin A 116 µg; beta carotene 1.504 µg; vitamin C 58 mg; canxi 218,7 mg; sắt 2,7 mg; natri 668,4 mg; kali 558,9 mg và kẽm 0,4 mg.

  NGUYÊN LIỆU

       

* 400 – 500 gram cua đồng. Cách chọn cua đồng: màu vàng, mai bóng, chắc khỏe, chân đầy đủ, bò nhanh.

* 1 bó rau mồng tơi.

* 1 quả mướp hương vừa (hoặc 2 quả nhỏ).

           

* 1 củ hành khô.

* 2 muỗng cà phê muối.

* 1 muỗng cà phê hạt nêm rau củ.

* 1 muỗng canh dầu ăn.

    

CHẾ BIẾN

    SƠ CHẾ

* Cua đồng xóc và rửa sạch nhiều lần bằng nước để loại bỏ chất bẩn. Sau đó, bóc yếm, tách phần mai để riêng.

 * Phần thân rửa sạch lại, cho vào cối cùng chút muối hạt, dùng chày giã nhuyễn. Nên cho từng lượng nước nhỏ để lọc, rồi lại giã và lọc nhiều lần nhằm lấy hết phần thịt cua, khi nấu phần riêu sẽ nổi lên dầy thành tảng.

 * Phần mai thì dùng đầu thìa nhỏ khều lấy gạch để riêng. Nếu kỹ hơn thì tráng qua nước lạnh mấy lần, chắt lọc giữ gạch lại để giảm bớt mùi tanh và đen từ gạch (nếu có).

* Rau mồng tơi nhặt và rửa sạch, để nguyên lá hoặc thái nhỏ tùy theo sở thích.

 * Mướp gọt vỏ, bổ đôi, thái vát thành miếng vừa ăn.

      NẤU CANH

           

 * Đun nước lọc cua trên bếp, dùng đũa khuấy nhẹ một chiều vòng tròn giúp riêu cua nổi lên, không bén đóng dưới đáy nồi.

 * Khi nước bắt đầu nóng dần lên, hạ nhỏ lửa, gạt nhẹ phần thịt cua sang một bên, ngừng khuấy, múc phần tảng thịt cua ra bát để riêng.

  * Cho phần gạch vào nồi. Cho rau mồng tơi, mướp vào nấu chín.

  *  Nêm nếm theo khẩu vị. 

     

THƯỞNG THÚC

  Múc canh ra bát, rồi lấy thịt cua để lên trên,để thịt cua vẫn đóng tảng đẹp mắt.

                                                                                                                                          Trần Bá Thoại