I. LỜI MỞ
Cùng các loại quả cây có múi, cam, quýt khác, bưởi là nguồn cung cấp dồi dào vitamin C, chất xơ, kali và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Do đó, bưởi cũng là trái cây lành mạnh cho nhiều người.
Dù được chọn làm thành phần trong một số chế độ ăn kiêng giảm cân, béo phì, nhưng cũng có những lưu ý về những nguy cơ bât lợi khi tiêu thụ bưởi như khả năng tương tác với nhiều loại thuốc, ảnh hưởng đến một số tình trạng sức khỏe, thậm chí đồn đoán gây ung thư…..
Bài viết nhằm cung cấp các thông tin hai chiều về quả bưởi này.
II. GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG
Bưởi có chỉ số đường huyết thấp và thường được dùng như một phần của bữa sáng cân bằng. Trong 100 gam bưởi có thành phần chất dinh dưỡng trung bình:
Năng lượng 38-42 kcal; Nước 88-90 g; Carbohydrate 9-10 g; Sugar 6-7g; Đạm 0,7-0,8g; Béo 0,1-0,2g
Vitamin và khoáng chất:: VitaminC 31 – 38 mg (35–45% RDI); Vitamin A 58 IU; Kali 135 – 140 mg; Calci 10 – 12 mg; Magnesium 9 – 10 mg
Đặc biệt, bưởi chứa nhiều chất chống oxy hóa như lycopene và các flavonoid….
1. Cải thiện đường trong máu
Bưởi có chỉ số đường huyết thấp nên đây là lựa chọn carbohydrate an toàn hơn cho những người mắc đái tháo đường. Hơn nữa, hóa chất thực vật Naringin có trong bưởi và nước ép bưởi có khả năng cải thiện độ nhạy insulin. Do đó, ăn bưởi có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
2. Giúp kiểm soát cân nặng
Bưởi chứa chất xơ, giúp no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn. Chất xơ làm chậm tốc độ cơ thể tiêu hóa thức ăn, do đó làm giảm nguy cơ ăn quá nhiều hoặc ăn vặt.
3. Tốt cho sức khỏe tim mạch: Ăn bưởi thường xuyên có thể giúp giảm mức cholesterol, đặc biệt là triglyceride huyết thanh, từ đó có thể giúp ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch. Các đặc tính chống oxy hóa của phenolic cũng ức chế quá trình oxy hóa cholesterol lipoprotein mật độ thấp và giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch vành.
4. Tăng cường hệ miễn dịch
Bưởi chứa nhiều vitamin A, vitamin C, kẽm và đồng, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Các đặc tính chống oxy hóa bảo vệ tế bào khỏi vi khuẩn và vi-rút có hại và có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp hoặc rút ngắn thời gian mắc bệnh.
Nhờ thế, bưởi kháng viêm tốt, chữa lành vết thương nhanh..
5. Tăng cường sức khỏe mắt
Nhờ bưởi có nhiều vitamin A, vitamin C
6. Giảm nguy cơ sỏi thận
Ăn bưởi có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ canxi và hình thành sỏi thận. Axit xitric trong bưởi có thể liên kết với canxi dư thừa và giúp đào thải canxi ra khỏi cơ thể. Axit xitric cũng làm tăng thể tích và độ pH của nước tiểu, khiến môi trường ít thuận lợi hơn cho sỏi thận hình thành.
7. Tăng khả năng phòng ngừa ung thư
Do bưởi chứa nhiều chất chống oxy hóa như lycopene
IV. TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN
Dù ăn bưởi thường an toàn với nhiều người, cũng có 2 rủi ro cần lưu ý
1. Tương tác thuốc
1.1 Các loại thuốc bưởi có thể tương tác
Có hơn 50 loại thuốc theo toa và không kê đơn có thể tương tác với bưởi: qua chuyển hóa hoặc tác dụng với liều lượng thuốc. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã yêu cầu một số loại thuốc theo toa và không kê đơn dùng qua đường uống phải có cảnh báo không được uống nước ép bưởi hoặc ăn bưởi trong khi dùng thuốc.
Dưới đây là ví dụ về một số loại thuốc mà nước ép bưởi có thể tương tác:
* Một số thuốc statin hạ cholesterol, như Zocor (simvastatin) và Lipitor (atorvastatin).
* Một số loại thuốc huyết áp, như Procardia và Adalat (nifedipine).
* Một số thuốc chống thải ghép, như Neoral và Sandimmune (cyclosporine).
* Một số thuốc chống lo âu, trầm cảm như BuSpar (buspirone).
* Một số loại corticosteroid (budesonide).
* Một số thuốc loạn nhịp tim, như Pacerone và Cordarone (amiodarone).
* Một số thuốc kháng histamin, như Allegra (fexofenadine).
FDA lưu ý, nước ép bưởi không ảnh hưởng đến tất cả các loại thuốc trong các danh mục trên. Mức độ nghiêm trọng của tương tác có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người, loại thuốc và lượng nước ép bưởi bệnh nhân uống.
1.2 Cơ chế tương tác thuốc
Thuốc uống sẽ được chuyển hóa bởi các enzyme và được hấp thụ nhờ các chất vận chuyển vào các tế bào có trong ruột non. Nước ép bưởi có thể tương tác với các enzyme và chất vận chuyển này, khiến thuốc quá nhiều hoặc quá ít trong cơ thể
Một số loại thuốc, như một số statin (hạ cholesterol), bị phân hủy bởi các enzyme. Nước ép bưởi có thể ngăn chặn hoạt động của các enzyme này, làm tăng lượng thuốc trong cơ thể và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn.
Các loại thuốc khác, như fexofenadine (kháng histamine) sẽ được các chất vận chuyển đưa vào các tế bào cơ thể. Nước ép bưởi có thể ngăn chặn hoạt động của các chất vận chuyển, làm giảm lượng thuốc trong cơ thể và có thể khiến thuốc không có tác dụng.
2. Dị ứng
Cũng như cam quýt và các trái có múi, dù hiếm nhưng dị ứng có thể xảy ra khi tiêu thụ hoặc tiếp xúc với bưởi. Các dấu hiệu của dị ứng bưởi có thể bao gồm phát ban trên da, viêm, buồn nôn, nôn mửa, v.v.
V. NHỮNG LƯU Ý
1. Bưởi không gây ung thư vú [2]
Năm 2007, từ kết quả nghiên cứu ở Đại học Nam California và Đại học Hawaii (Mỹ) công bố, giới báo chí phương Tây và Việt Nam chạy nhiều tít giật gân như “Bưởi làm tăng nguy cơ ung thư vú”, “Bưởi có liên hệ với ung thư vú” khiến cộng đồng, đặc biệt là nông dân vô cùng lo lắng.
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn-Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, Đại học New South Wales, Sydney, Úc, đã phân tích như sau:
Nghiên cứu theo dõi 46.080 phụ nữ sau mãn kinh (tức trên 48 tuổi) từ năm 1993 đến tháng 12-2002 qua thu thập số liệu về thói quen ăn uống của các phụ nữ này lúc ban đầu. Đối với bưởi, các nhà nghiên cứu hỏi: “Trong vòng một năm qua chị ăn uống bao nhiêu bưởi?”.
Trong chín năm sau đó, họ liên kết với cơ sở dữ liệu về ung thư của bang California và Hawaii để biết ai trong số này bị ung thư vú. Kết quả cho thấy có đến 50% phụ nữ báo cáo rằng họ từng ăn bưởi (hay uống nước bưởi) trong một năm qua (tức năm 1993). Trong số 22.877 phụ nữ từng ăn uống bưởi, có 863 người bị ung thư vú sau đó, và tỉ lệ là 3,8%. Trong số 23.203 phụ nữ nói rằng họ không ăn uống bưởi trong vòng một năm qua, có 794 người mắc bệnh ung thư vú, và tỉ lệ phát sinh là 3,4%.
Như vậy, nhóm ăn bưởi có tỉ lệ ung thư vú cao hơn nhóm không ăn bưởi là 0,4%. Trong y học, một khác biệt chỉ có 0,4% không thể xem là có ý nghĩa lâm sàng được [2].
2. Một số trái cây có múi khác (cam quýt…) cũng tương tác thuốc tương tự bưởi
Vì bưởi và các trái có múi có thể tương tác với nhiều loại thuốc, do đó cần tìm hiểu để tránh bưởi hoặc các loại nước ép trái cây khác hay không bằng:
* Hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ xem nước ép bưởi có tương tác với thuốc đang dùng.
* Đọc hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc tờ thông tin bệnh nhân đi kèm với thuốc theo toa để tìm hiểu xem nước ép bưởi có ảnh hưởng đến thuốc không.
* Đọc nhãn Thông tin thuốc trên thuốc không toa OTC của bạn, trong đó sẽ nêu rõ có thể dùng bưởi hoặc các loại nước ép trái cây khác với thuốc hay không.
* Cũng có thể kiểm tra nhãn của nước ép trái cây hoặc đồ uống có hương vị nước ép trái cây để xem chúng có được làm bằng nước ép bưởi không
VI. LỜI BÀN
Trong dược học, độc chất học và sinh học để đánh giá mức độ độc hại của một chất (thuốc, hóa chất, v.v.) đối với cơ thể sống, khoa học thường dùng cá thông số LD (liều chết, lethal dose) như LD10, LD50, LD90..với số đo thường tính theo mg chất/kg trọng lượng cơ thể để chỉ độc tính. Ví dụ: Nếu LD₅₀ của một chất là 200 mg/kg, nghĩa là nếu mỗi 1 kg trọng lượng cơ thể phơi nhiễm 200 mg chất đó có thể gây chết 50% số cá thể được thử nghiệm.
Chính FDA cũng lưu ý, nước ép bưởi không ảnh hưởng đến tất cả các loại thuốc trong các danh mục “có thể tương tác”, và mức độ nghiêm trọng của tương tác có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân, loại thuốc và lượng nước ép bưởi bệnh nhân uống.
Theo tôi, có 2 điều cần để ý:
1. Bưởi là một trái ngon có nhiều giá trị dinh dưỡng thường được dùng ăn tráng miệng. Theo thành phần dinh dưỡng và trên thực tế, nếu tiêu thụ 100 đến 200ml nước bưởi mỗi ngày chắc chắn an toàn !
2. Chỉ cần lưu ý khi chúng ta đang bệnh, hoặc đang sử dụng các loại thuốc đã được cảnh báo.
VII. THAM KHẢO
[Video1] Bưởi – Thần dược của sức khỏe, sắc đẹp
[1] Why Is Grapefruit So Bad? Risks & Side Effects
https://www.medicinenet.com/why_is_grapefruit_so_bad/article.htm
[2] Bưởi không gây ung thư vú
https://tuoitre.vn/buoi-khong-gay-ung-thu-vu-218649.htm
[3] I like to drink grapefruit juice. I hear that it can get in the way of some prescription medicines. Is that true?
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/consumer-health/expert-answers/food-and-nutrition/faq-20057918
[3] Grapefruit and medication: A cautionary note
https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/grapefruit-and-medication-a-cautionary-note
[4] Grapefruit Benefits
https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/grapefruit-benefits
[5] Grapefruit: The Healthy Fruit With a Potentially Dangerous Downside
https://www.cancertodaymag.org/cancer-talk/grapefruit-the-healthy-fruit-with-a-potentially-dangerous-downside/
[6] Grapefruit Juice and Some Drugs Don’t Mix
https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/grapefruit-juice-and-some-drugs-dont-mix
[7] When to Eat or Not Eat Grapefruit
https://www.verywellhealth.com/grapefruit-7503969
[8] Grapefruit poses health risk to patients, warn scientists
https://www.theguardian.com/world/2012/nov/26/grapefruit-health-risk-warning
[9] Grapefruit Warning: It Can Interact with Common Medications
https://www.healthline.com/nutrition/grapefruit-and-medications
[10] Before grabbing a grapefruit, understand its power
https://www.heart.org/en/news/2020/01/17/before-grabbing-a-grapefruit-understand-its-power
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM