Trang chủ » ẨM THỰC » BIA RƯỢU: ẨM THỰC, SỨC KHỎE VÀ VĂN HÓA

BIA RƯỢU: ẨM THỰC, SỨC KHỎE VÀ VĂN HÓA

  I. LỜI MỞ

  Phải khẳng định rằng bia rượu hay nói chung là thức uống có cồn, là không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Chất lượng sống sẽ đạt hơn, sẽ “thăng hoa” hơn nhờ có bia, có rượu.

  Liên hoan, lễ hội, cưới hỏi, khai trương .v.v… đều không thể thiếu món “xúc tác” quan trọng bậc nhất này. Và bia rượu là món không thể thiếu trong những ngày tết: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”.

   Những ông Tổ “lưu linh” như Bacchus (La mã) hay Dionysos (Hy lạp) từ lâu trong văn đàn đã được tôn vinh là những vị thần.

   II. BIA RƯỢU: RẤT CẦN THIẾT CHO CUỘC SỐNG!

  Để tôn vinh vai trò của bia rượu, người Việt Nam chúng ta có những câu ví von: “Vô tửu bất thành lễ” (không có rượu lễ nghi sẽ không thành) hay “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (đàn ông thiếu rượu như cờ không gió). .

   Dưới góc độ y học, nếu được sử dụng hợp lý, bia rượu kích thích tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng, cung cấp thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc cho thấy, nếu dùng một ít thức uống có cồn, đặc biệt là rượu vang đỏ có thể làm giảm tỷ lệ bệnh xơ vữa động mạch, giảm bệnh lý mạch vành tim, uống từ 20 – 40gam mỗi ngày sẽ làm tăng tuổi thọ. Chế độ ăn Địa Trung Hải gồm rượu vang, hải sản là món ăn được y học thế giới khuyến khích, tôn vinh.

   III. MẶT TRÁI: NHỮNG HỆ LỤY BI THẢM !

 Nhưng đằng sau điểm sáng nhỏ tích cực của bia rượu; mặt trái bi thảm là những hệ lụy do lạm dụng thức uống “thăng hoa” cuộc sống này.

     1. Rối loạn chuyển hóa: xơ gan, ung thư…

   Rượu hấp thu từ đường tiêu hóa sẽ theo tĩnh mạch cửa về gan. Tại đây, trên 90% lượng rượu hấp thu sẽ được chuyển hóa. Phần còn lại sẽ được thải ra ngoài qua hơi thở (phổi) và nước tiểu (thận).

   Tại gan, rượu được chuyển hóa thành acetaldehyde rồi thành acetate. Chất acetaldehyde độc cho cơ thể, nó gây ra tình trạng mặt nóng bừng, ói mửa, tim đập nhanh, nhức đầu, rối loạn nhận thức. Đặc biệt, ở những người lạm dụng rượu, lượng acetaldehyde sản sinh với một mức quá lớn sẽ không được chuyển hóa hết và gắn vào màng tế bào gây tổn thương tế bào thông qua các cơ chế gây độc, viêm và miễn dịch với hậu quả là quá trình tạo xơ teo gan.

    2. Nghiện rượu: gánh nặng xà hội

   Nghiện rượu thường thiếu dinh dưỡng đi kèm. Đặc biệt, khi tiến triển đến xơ gan thường có biểu hiện thiếu protein calo nặng vì chức năng tổng hợp chất đạm của gan giảm sút nghiêm trọng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng thường thiếu vitamin B1, B6, acid folic và vitamin K.

  Người nghiện rượu sẽ bị hội chứng Wernickle Korsakoff, gồm hai chứng rối loạn chức năng não là mất khả năng nhớ (amnesia) và nhớ lẫn lộn, nôm na gọi là “teo não”, đây là bệnh não do thiếu vitamin B1 kéo dài. Vitamin B1 giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống chuyển hóa năng lượng cho hoạt động của mọi cơ quan, đặc biệt là cho não bộ con người. Teo não còn gây nhiều hệ lụy khác như: mất ngủ, ảo giác, nói nhiều, hoang tưởng, run tay chân…, thậm chí bị tâm thần phân liệt.

    Không riêng ở nước ta mà cả thế giới nghiện rượu đã và đang là một vấn nạn nhức nhối của gia đình và xã hội. Theo từ điển mở Wikipedia, ở Đức có đến 4.3 triệu người nghiện với hơn 30% là nữ, xã hội hàng năm mất đi từ 15 đến 40 tỷ euro. Ở Việt Nam theo BS Lý Trần Tình, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, tỷ lệ bệnh tâm thần do rượu chiếm từ 4,4 đến 7%. BS. Nguyễn Minh Tuấn, Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cũng nhận định: Tỷ lệ loạn thần do rượu chiếm 6%. BS. Lê Quốc Nam, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, có đến 5% tổng dân số bị nghiện rượu.

  Người nghiện hầu hết bị rối loạn mất ngủ, một nửa phải điều trị tâm thần; khoảng 1/3 mắc hội chứng quên, khoảng 1/4 bị rối loạn trí nhớ và đến 60% bị rối loạn cương dương, suy giảm tình dục; mẹ nghiện rượu bia, con sinh ra có 35% nguy cơ bị khuyết tật. BS Nguyễn Thành Như và BS Vũ Lê Chuyên, Bệnh viện Bình Dân ghi nhận khá nhiều trường hợp hy hữu uống bia bị say, bàng quang căng nhưng không tiểu được dẫn đến vỡ.

3. Say rượu: Tai nạn giao thông

                   

  Người uống bia rượu sẽ đi qua 6 giai đoạn: giải ức chế, hưng phấn, kích động, say sưa và xỉn tảng:

      3.1 Theo nồng độ cồn trong khí thỏ

  * Khi nồng độ cồn 0,05mg/lít khí thở: giảm sút suy nghĩ và kích động nhẹ, nói nhiều;

  * Ở mức 0,1mg/lít: cầm nắm, giữ tư thế, đi lại vụng về khó khăn;

  * Nồng độ 0,2mg/lít: dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng;

  * Cao hơn mức 0,2 mg/lít: lú lẫn, không kiểm soát được nhận thức, hành vi, diễn biến xung quanh….

         3.2 Theo nồng độ cồn trong máu

   Dân gian thường vè tổng kết “một xị tiêu sầu, hai xị mũi chảy đầy râu, ba xị bạ đâu “tè” đó, bốn xị cho chó ăn chè, năm xị chè bè, sáu xị gọi xe cấp cứu”.

     Do đó, số người bị TNGT, chấn thương do lái xe sau khi uống rượu bia luôn ở mức cao.

    Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tổng số hơn 3,3 triệu ca tử vong có liên quan đến chất có cồn, có đến 15% do TNGT. Cũng theo nghiên cứu của WHO trên 18 nghìn nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam cho thấy, 36% số người lái xe máy và 66,8% số lái xe ôtô có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép khi điều khiển phương tiện giao thông. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia.

   IV. KIỂM SOÁT, PHÒNG CHỐNG HAY NGĂN CẤM ?

  1. THẾ GIỚI

  Ngày 7/5/2019, Lancet đăng thống kê Tiến sĩ Manthey và cộng sự về mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người của 189 quốc gia giai đoạn 1990-2017 và dự báo đến năm 2030.

   Theo đó, trong khi một số nước châu Âu và châu Đại Dương như Kyrgyzstan, Ucraina, Belarus, Nga, Anh, Canada, Úc…mức tiêu thụ đã có giảm, thì mức tiêu thụ bình quân đầu người trên toàn thế giới tăng từ 5.9 lít (1990) lên 6.2 lít (2010) và 6.5 lít (2017).

   Riêng Việt Nam, tình trạng sử dụng rượu bia ở mức báo động. Năm 2017, mức tiêu thụ bình quân đầu người của Việt Nam đã lên đến 8,9 lít cồn nguyên chất mỗi người. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, chỉ sau Timor-Leste, Niger, Comoros và Seychelles, về mức tăng tiêu thụ bia rượu giai đoạn 2010-2017 với tỷ lệ 90,2%, và dẫn đầu thế giới với mức tăng lên đến 2.459 % sau 27 năm, từ 1990 đến 2017. Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Manthley dự kiến đến năm 2025 và 2030, mức tiêu thụ của người Việt Nam sẽ tăng rất nhanh, lên đến 14 và 18 lít [1];[2]. 

ĐUCC 1

  Nếu không được kiểm soát tốt, rượu bia không chỉ gây tổn hại sức khỏe cho người lạm dụng, nghiện mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy xã hội khác như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, đói nghèo…[6];[7]. Do đó, người dân đang mong đợi Quốc hội sáng suốt lựa chọn các biện pháp kiểm soát rượu bia chặt chẽ nhằm đẩy lùi mức sử dụng rượu bia và hệ lụy nặng nề như hiện nay.

ĐUCC 2

  2. NGA 

   Từng là nước đứng đầu giới “lưu linh”, Nga là một điển hình thành công chính sách kiểm soát sử dụng bia rượu. Nhờ vậy, mức tiêu  thụ rượu bia bình quân giảm đến 22%, từ 15,8 lít (2010)  xuống 12,3 lít (2017). Họ đã áp dụng các biện pháp hiệu quả, khả thi, đơn giản sau:

  (1) Thuế và giá: tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đến 33%; tăng giá rượu mạnh có nồng độ cồn;

   (2) Hạn chế nguồn cung: năm 2005, cấm bán rượu có độ cồn >15% tại một số địa điểm công cộng, tại các điểm không được cấp phép; năm 2007,  cấm mọi hình thức bán sỉ và bán lẻ đồ uống có cồn trên Internet, năm 2011 rà soát cấm bán, tăng xử phạt rượu bia cho người dưới tuổi quy định và tại các cây xăng dầu; năm 2014 tăng nặng mức phạt và hình sự hóa việc bán rượu bia cho người chưa đủ tuổi, năm 2016 triển khai đăng ký mạng lưới bán lẻ;

  (3) Quảng cáo: năm 2008, cấm quảng cáo trên tất cả phương tiện giao thông, năm 2012, cấm quảng cáo trên báo hình, báo giấy, mạng xã hội và internet;

   (4) Cấm điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia: năm 2010, độ cồn trong máu bằng 0 khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông; năm 2012, cấm điều khiển phương tiện giao thông mà nồng độ cồn trong khí thở vượt mức 0.16mg/l [2].

   3. VIỆT NAM

  Ngày 23/5/2019, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Đa số đều tán đồng, ủng hộ việc sớm thông qua luật này.

ĐUCC 3

    Trong tranh luận tại nghị trường, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), cho rằng, “Chúng ta đang có cách tiếp cận sai vấn đề khi đề xuất những giải pháp cấm, siết chặt rượu bia”. Theo ông, “Rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là hơi cực đoan”, “Uống rượu là văn hóa của cả nhân loại rồi,tại sao ta lại đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này?”. Và ông cũng bày tỏ lo ngại rằng, trong khi nhiều hãng bia hiện đang tài trợ cho bóng đá, nếu quy định cấm quảng cáo rượu bia, người dân Việt Nam sẽ không thể xem bóng đá nữa !!! Dù ông Quốc có lý là đừng quan điểm rằng bia rượu là tội đồ mà sai phạm là do người sử dụng nó, nhưng trên mạng xã hội nhiều vị “ném đá” rất nặng, quá lời [3];[4];[5].

    V. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

  Bia rượu là một thức uống đặc biệt, cần thiết. Nhưng uống bia rượu phải có một “văn hóa” ẩm thực đặc thù: Uống đúng, “tiên tửu” bia rượu là món “thăng hoa cuộc sống”; Uống sai, “phàm tửu”, lạm dụng thì bia rượu sẽ là con “quỷ dữ” phá hại bản thân, gia đình và xã hội.

  Con dao nào cũng làm từ mảnh thép. Nhưng, dao là công cụ lao động của bà nội trợ, là vũ khí tự vệ của người đi rừng và là hung khí gây án của kẻ cướp giật.

   Cũng như con dao, bia rượu tốt hay xấu là do cách sử dụng của chúng ta: Uống đúng, “tiên tửu” bia rượu là món “thăng hoa cuộc sống”; Uống sai, “phàm tửu”; Lạm dụng thì bia rượu sẽ là con “quỷ dữ” phá hại bản thân, gia đình và xã hội.

   Cần kiểm soát, phòng chống tác hại, tránh lạm dụng, hơn là ngăn cấm.

V.THAM KHẢO

[1] Quốc hội thảo luận Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 

https://suckhoedoisong.vn/hom-nay-luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-se-duoc-quoc-hoi-thao-luan-va-thong-qua-n157854.html

[2] Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia: Giúp hàng triệu người hạnh phúc

http://baovanhoa.vn/van-hoa/%C4%91oi-song-van-hoa/artmid/570/articleid/18343/luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia160giup-hang-trieu-nguoi-hanh-phuc

[3] Thưa ngài nghị Dương Trung Quốc…

https://www.danluan.org/tin-tuc/20190525/thua-ngai-nghi-duong-trung-quoc

[4] Đại biểu nào say rượu nên cấm lên diễn đàn!

https://www.danluan.org/tin-tuc/20190525/dai-bieu-nao-say-ruou-nen-cam-len-dien-dan

[5] Tầm phào Dương Trung Quốc 

https://xuandienhannom.blogspot.com/2019/05/tam-phao-duong-trung-quoc.html

[6] Bia rượu: Biết rồi, khổ quá, nói mãi

https://dantri.com.vn/suc-khoe/bia-ruou-biet-roi-kho-qua-noi-mai-20160204223853063.htm

[7] Bia rượu: ẩm thực, văn hóa và sức khỏe

https://baodanang.vn/channel/5425/201402/bia-ruou-am-thuc-van-hoa-va-suckhoe-2305356/

BIA RƯỢU: KIỂM SOÁT, PHÒNG CHỐNG HAY NGĂN CẤM ?

                   TS.BS Trần Bá Thoại  

                 BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM