Trang chủ » Chưa phân loại » BỆNH GOUT (THỐNG PHONG)

BỆNH GOUT (THỐNG PHONG)

  Viêm khớp ngón cái

 VỊ TRÍ ĐIỂN HÌNH CỦA GOUT

GOUT CÓ “BÀ CON” VỚI CHẾ ĐỘ ĂN!

    Câu hỏi

   Mẹ tôi mới đi xét nghiệm máu về, chỉ số axit uric trong máu là .7,5, kèm theo bị nhức hai ngón tay. Bác sĩ kết luận là mẹ tôi bị gút.

    Xin hỏi với chế dộ ăn nhiều rau xào, cá (một dạo có ăn cá hồi), uống sữa ensure, có thời gian ăn chay vì sao mẹ tôi lại mắc bệnh gút.

   Một sư cô ăn chay trường  mấy mươi năm, là người quen của tôi cũng vừa được chẩn đoán là bị gút. Theo sách báo tôi đã đọc, phải ăn thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, nội tạng động vật, bia rượu) thì mới bị gút, vậy trường hợp mẹ tôi và sư cô thì sao ạ?

   Kính mong Sống khỏe trả lời giúp. Cám ơn tòa báo nhiều

    P.T.

 Trả lời

           BỆNH GOUT

    Vài dòng lịch sử

     Bệnh gout, thống phong, đã được phát hiện từ rất lâu. Khoảng 2600 năm trước công nguyên, người Ai Cập đã ghi nhận viêm khớp do gout ở ngón chân cái. Thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, ông Tổ Y khoa người Hy Lạp, là Hyppocrate mô tả bốn dấu đặc trưng của bệnh gout là sưng, nóng, đỏ, đau ở ngón chân cái; và người ta thường ví von gọi gout là “vua của các bệnh” hay ” bệnh của các vua”. Galen, phẫu thuật viên người La mã, đã dùng từ Hy lạp gutta (giọt nước) để đặt tên bệnh vì trong khớp viêm gout thường có dịch. Năm 1679 Anton van Leeuwenhoek, người Hà Lan phát minh ra kính hiển vi, đã mô tả các tinh thể axít uric quan sát được trong dịch khớp ở bệnh nhân bị bệnh gout.    

       Tỉ lệ mắc bệnh gout trung bình trên thế giới là 0,3%, nghĩa là cứ 330 người lớn sẽ có 1 người mắc bệnh gout; tỷ lệ mắc bệnh gout của châu Âu là 1% , nhưng cũng có nước tỷ lệ mắc bệnh rất cao, như Canada tỉ lệ đến 1 trong 30 (Hội thấp khớp Canada). Gout là bệnh của nam giới, tỷ lệ nam mắc bệnh chiếm đến 95%, lứa tuổi trung niên hay gặp nhất, phụ nữ rất ít khi bị bệnh gout, nếu mắc bệnh thường xuất hiện sau tuổi mãn kinh.

       Định danh bệnh gout. 

     Nhân tế bào chứa một cấu trúc đặc biệt điều khiển mọi hoạt động, di truyền, sinh sản.v.v..là axít nhân. Trong cấu tạo của axít nhân có các gốc base Purine (Adenin,Guanin) và base Pyrimidine (Cytosin, Thymin); Khi giáng hóa các base Purin sẽ cho sản phẩm chính là axít uric,  axít uric sẽ tạo ra các tinh thể urate. Đến 2/3 lượng axít uric tạo ra được thải ra ngoài qua thận, số còn lại qua gan.     

       Bệnh gout là một dạng viêm khớp do lắng đọng các tinh thể urate trong các bao khớp, dịch khớp, dây gân…đây là hậu quả của việc gia tăng tổng hợp quá nhiều axít uric máu, cho nên bệnh gout còn được gọi là viêm khớp chuyển hóa.

     Theo cơ chế bệnh sinh trên, chúng ta có hai nhóm bệnh gout:một là gout nguyên phát chiếm đến 95%, do rối loạn chuyển hóa di truyền, hội chứng chuyển hóa, chế độ ăn uống và hai là gout thứ phát, hậu quả của một bệnh khác, chỉ chiếm 5%.

       Các khớp ngoại biên, đặc biệt khớp ngón chân cái là hay bị ảnh hưởng nhất; tình trạng viêm khớp này tái đi tái lại nhiều lần gây biến dạng các khớp và hạn chế cử động của bệnh nhân.

      Gout thường khởi phát đột ngột và nhanh; hôm nay đi ngủ đang bình thường nửa đêm đau chói và sưng khớp với các đặc điểm: Đau dữ dội một khớp, thường là ngón chân cái, hiếm hơn là mắt cá chân hoặc mu bàn chân. Da quanh khớp đau thường sưng, nóng, đỏ và có cảm giác bị đè nén.       

      Người viêm khớp nghi ngờ gout cần xác định bệnh nhờ các xét nghiệm: Đo nồng độ axít uric máu, người bệnh có nồng độ cao. Dịch khớp bệnh sẽ thấy có các tinh thể urate. Chụp X quang, siêu âm để xác định các tổn thương, biến dạng khớp. Nội soi khớp xác định các tổn thương.

      Bệnh gout có thể gây ra các biến chứng: Thoái hóa khớp,Viêm mạch máu. Hội chứng thần kinh do tophi chèn ép, Sỏi thận.

      Các yếu tố nguy cơ của bệnh gout.

   * Lối sống:

  – Chế độ ăn quá nhiều chất đạm, bệnh gout còn được gọi là “bệnh của người giàu” (rich man’s disease): đặc biệt các loại thịt đỏ, nội tạng như tim, gan, não, thận, lòng…; các loại hải sản như cá trích, cá mòi, cá thu, cá lầm.. ;thực vật như các loại nấm, các loại đậu…, riêng cà phê (còn bàn cãi)..

   – Xử dụng thức uống có cồn, uống quá nhiều bia (bia làm gia tăng gout gấp ba lần rượu). 

   * Bệnh lý: một số bệnh sẽ làm dễ phát triển gout như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.

   * Thuốc chữa bệnh: lợi tiểu, aspirin, thuốc chống thải ghép.

   * Di truyền.

       Các phương cách điều trị gout

   * Thuốc ức chế sự tổng hợp axít uric: allopurinol (Zyloric, Purinol).

   * Thuốc tăng thải tinh thể urate: benzobromate, probenecid, urate oxidase

   * Uống nhiều nước: bình thường có đến 70% urate được thải ra theo nước tiểu, cho nên chỉ cần tăng uống từ 2 đến 4 lít nước lọc thông thường mỗi ngày thì lượng urate thải ra sẽ nhiều thêm.

    * Thuốc giảm đau:

      – NSAIDS đây là thuốc kháng viêm, giảm đau không phải là hóc môn

      – Steroid là những hóc môn tuyến thượng thận.

      – Colchicin.

      – Bảo vệ các khớp bi viêm.    

     * Phẫu thuật khi hạt tophi quá lớn.

      Trở lại các câu hỏi

  1. Mẹ bạn có bị gout hay không? và vì sao bị bệnh?

* Phụ nữ hiếm khi bị gout (tỉ lệ chỉ 5%). Ngày nay y học thống nhất đơn vị đo chất sinh học trong cơ thể là mol/lít, giới hạn trên bình thường của nồng độ axít uric máu là  420µmol/ L, tương đương với 7 mg/dL, số đo của mẹ bạn là 7.5 có hơi cao. Trong thư bạn chẳng cho biết bà cụ có bị viêm khớp hay không và viêm khớp nào, đây là hai dấu hiệu vô cùng quan trọng, nếu chỉ đơn thuần dựa vào xét nghiệm là chưa ổn.

* Những thực phẩm mẹ bạn dùng không cấm cho người bệnh gout. Nếu kiểm tra lại nếu đúng mẹ bạn bị gout thì có lẽ mẹ bạn bị gout thứ phát, thể này cũng hiếm chỉ chiếm 5%.

     Tóm lại, theo nguyên tắc thống kê khả năng bị bệnh gout của mẹ bạn là: 5% x 5% = 0,25 % là qúa nhỏ !!!!!

    2 .  Trường hợp của sư cô, câu trả lời tương tự.

Dưới đây là bảng thực phẩm tham khảo. 

   

   THỰC PHẨM THAM KHẢO CHO NGƯỜI BỆNH GOUT

     1. Nguyên tắc:

     Bệnh gout rất liên hệ rõ rệt với chế độ ăn uống, đây là yếu tố điều chỉnh được, để phòng ngừa và điều trị gout chúng ta cần:    

    * Hạn chế thức ăn quá nhiều chất đạm, đặc biệt thức ăn nhiều gốc purine.

    * Hạn chế thức uống có cồn bia, rượu.

    *Nên uống thêm vitamin C. Người uống 1500mg vitamin C/ngày sẽ tăng thải a xít uric đến 45% so với người chỉ uống 250mg.

   2. Nhóm thực phẩm có thể ăn trung bình hằng ngày:

Rau rán: măng tây, súp lơ, cần, nấm rơm, các loại đâu còn non.

Đậu lăng, các loại đậu hạt khô.

Thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm, cá và hải thủy sản.

Yến mạch, cám và mầm lúa mì.

   3.Nhóm thực phẩm thận trọng, cần tránh:

      Bánh mì trắng.

      Cá trồng (anchovies).

      Cá mòi (sardine).

      Cá trích, mòi (herring).

      Cá thu (mackerel).

      Sò, điệp.

      Tôm hùm.

      Cua, ghẹ.

      Gan động vật.

      Thận (bầu dục).

      Lòng, ruột.

      Não, óc.

      Thịt đỏ.

       Nước sốt, nước thịt ép.