I. LỜI MỞ
Trong ẩm thực, việc ăn côn trùng bị cho là quá ghê tởm và bất bình thường: “Con sâu làm rầu nồi canh”, chúng ta sẵn sàng đổ bỏ cả nồi canh ngon nếu phát hiện có một con sâu, dù nó đã “nấu” chín, chẳng thể mang mầm bệnh gì.
Gần đây, phong trào ăn côn trùng nở rộ; người ta ăn cả những con vật trước đây chả ai dùng như bọ xít, bọ rầy, bò cạp, dế cơm.v.v…Nhưng vì không lưu ý chọn lựa, nên một số ca nhiễm độc đã xảy ra
Vì thế, có 2 câu hỏi lớn được đặt ra: Côn trùng có dùng để ăn được không ?, và Ăn côn trùng cần lưu ý những điều gì ?
II. CÔN TRÙNG CÓ DÙNG ĐỂ ĂN ?
Những tài liệu về lịch sử dinh dưỡng cho thấy: người Hy Lạp và La Mã đã sử dụng côn trùng làm thức ăn cả mười ngàn năm trước đây. Các nhà nông lâm hoc, nhà dinh dưỡng chỉ ra rằng, côn trùng là một nguồn thực phẩm quan trọng cho con người, gia súc, gia cầm và cá. Các nhà khoa học đã ước tính có đến 2,5 tỷ người trên thế giới, chủ yếu ở châu Phi, châu Úc, châu Á và châu Mỹ có dùng côn trùng trong bữa ăn thường nhật.
Theo FAO (Tổ chức Lương nông Thế giới), hiện tại có khoảng 1700 loài côn trùng có thể ăn được (edible insects); những loài côn trùng dùng làm thức ăn gồm: bọ cánh cứng (bọ rầy, bọ xít..), loài cánh thẳng (châu chấu, cào cào..), nhóm cánh màng (dế cơm, dế dũi..), loài cánh giống (ve sầu..), nhộng, sùng, bọ cạp, mối, rệp, ….
III. GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG CỦA MÓN ĂN CÔN TRÙNG
Dưới góc độ thực phẩm và dinh dưỡng, côn trùng là một nguồn cung cấp chất đạm, chất béo và chất khoáng và vitamin khá lý tưởng:
Thành phần các a xít amin trong protein của hầu hết côn trùng ăn được rất tốt khi so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của FAO/ WHO/ UNU.
Thức ăn côn trùng cũng là một thực phẩm chức năng đúng nghĩa. Một số côn trùng như nhộng tằm, nhộng ong…có rất nhiều vitamin và chất vi lượng cần thiết cho cơ thể. Ăn côn trùng góp phần ngừa bệnh suy dinh dưỡng, tiêu chảy, viêm ruột mãn tính …Có nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ em ở bộ lạc Burkina Faso, châu Phi, nhờ ăn những con mối chứa nhiều men tiêu hoá có khả năng sử dụng được chất xơ thực vật (cellulose) để sản sinh năng lượng, chống tiêu chảy, viêm ruột….
IV. ĂN CÔN TRÙNG: CƠ HỘI SỐNG CHO NGƯỜI NGHÈO
Thế giới hiện có đến 1 tỷ người thiếu đói, nhất là ở châu Phi, côn trùng là cơ hội duy nhất để bổ sung nhu cầu chất đạm cũng như tạo nguồn thu nhập cho người dân thông qua việc chế biến và bán các sản phẩm côn trùng thu bắt được trong thiên nhiên hoang dã, chủ yếu từ những cánh rừng.
Trên những cánh đồng bông bạt ngàn ở miền nam châu Phi, sau khi thu hoạch vụ mùa năng suất, người ta cũng thu bắt được vô số nhộng Mopani và sâu róm (caterpillar)…. để làm thực phẩm.
V. ĂN CÔN TRÙNG: GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Dân số thế giới tăng lên, đòi hỏi nhu cầu lương thực cũng tăng theo tương ứng. Nhu cầu lương thực tăng sẽ là một áp lực lớn lên nguồn tài nguyên (đất, phân bón, năng lượng) vốn có giới hạn; trong khi khí thải nhà kính GHG (hơi nước, CO2, methane, NO2 và ozone), nạn phá rừng và suy thoái, ô nhiễm môi trường lại liên tục tăng lên. Hiện nay, đến 70% đất nông nghiệp được dành cho trồng trọt và chăn nuôi. Mật độ trồng trọt, chăn nuôi cao dẫn đến nguy cơ thiếu nước, tăng ô nhiễm môi trường, dễ có sự bùng phát bệnh dịch và việc đề kháng trụ sinh ngày càng lớn.
Côn trùng là loài máu lạnh, chúng không cần phải sử dụng năng lượng để duy trì thân nhiệt bất biến, do đó hiệu suất chuyển đổi từ năng lượng thành trọng lượng rất cao, so với gia súc gia cầm. Các nhà khoa học của ĐH Wagenigen, Hà Lan, sau nhiều năm nghiên cứu đã đưa ra kết luận “Côn trùng sản sinh ít GHG trên mỗi kilogam đạm thu được so với trâu, bò, dê và lợn”. Với kết quả nghiên cứu này các nhà khoa học cũng đưa ra khuyến nghị nên có kế hoạch sản xuất protein qua trung gian côn trùng. Khuyến khích việc dùng côn trùng làm thực phẩm sẽ làm nhẹ áp lực do phải tăng nuôi gia súc, gia cầm..
VI. FAO/ WHO ĐÃ VÀO CUỘC !
Dưới ánh sáng khoa học, côn trùng cũng là một nguồn thức ăn tốt: phong phú về số lượng và chủng loại, nhiều chất đạm, giàu chất khoáng vitamin…Do đó, Phòng Lâm nghiệp của FAO (FAO’s Forestry Department) đang từng bước đưa chương trình thực phẩm côn trùng vào thực tiễn. Những ban ngành liên quan đã “khoanh bản đồ” khu vực, lên chiến dịch truyền thông, hội thảo, giải trình cấp chính phủ, với mục đích là cổ xúy, tạo cơ hội để cho thức ăn côn trùng chính thức trở thành một nguồn cung cấp chất đạm cho con người.
VII. LỜI KẾT
Côn trùng đóng một vai trò quan trọng, cung cấp nhiều “dịch vụ” trong hệ sinh thái của chúng ta như thụ phấn hoa, loại trừ phân động vật, chất thải và bảo vệ thực vật (thiên địch)… Khá nhiều côn trùng trong số này là những côn trùng ăn được; tỷ dụ như ong mật, bọ hung, bọ xít, kiến, mối…..
Dùng côn trùng làm thực phẩm là một hướng khoa học, mới mẻ và cũng có một số ưu điểm. Nhưng cũng cần khai thác hợp lý, vừa có thực phẩm sử dụng vừa bảo tồn được nguồn gen thiên nhiên, đảm bảo tính đa dạng sinh thái.
Cần lưu ý, một số côn trùng có thể chứa độc chất. Do đó, tuyệt đối không ăn những côn trùng lạ, chưa biết, hoặc những loại có thông tin là có chất độc.
VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] How entomophagy works
[2] Why edible insects are the next superfood trend
[3] What happens to your body if you start eating bugs
[4] How eating insects could benefit health
[5] 7 Reasons to eat insects
[6] Edible Insects: the good, the bad and the ugly
[7] 3 surprising reasons you should add bugs to your diet
[8] Humans were meant to eat insects, so here’s how to try them out
[9] The health benefits of edible insects
[10] Edible insects: The benefits of eating bugs
TS.BS Trần Bá Thoại
BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM
https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2011/07/30/an-con-trung-entomophagy-xu-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-%E1%BA%A9m-th%E1%BB%B1c-khoa-h%E1%BB%8Dc/
https://dantri.com.vn/suc-khoe/con-trung-co-dung-de-an-20160113152700614.htm