Trang chủ » ẨM THỰC » ĂN CHAY: TÍCH CỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG !

ĂN CHAY: TÍCH CỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG !

     I. LỜI MỞ

    Từ khởi điểm, ăn chay là một chế độ ăn gốc thực vật tránh sát sinh cho những người tu hành theo đạo Phật, đến nay ăn chay trở thành một xu hướng ẩm thực thời thượng, được nhiều người chọn lựa vì phát hiện nhiều  lợi ích sức khỏe.

   Trong bối cảnh trái đất nóng lên do biến đổi khí hậu, các nhà khoa học lại chỉ ra thêm một tác dụng hữu ích của ăn chay là bảo vệ môi trường.

    Bài viết sẽ phân tích những lợi ích và hạn chế của các chế độ ăn chay trong vấn đề môi trường này..

   II. TỔNG QUAN VỀ ĂN CHAY  

    1. ĐỊNH DANH

    Ban đầu thức ăn chay (ăn trai) là chế độ ăn dùng hoàn toàn thực phẩm gốc thực vật: rau, trái, củ, hạt…. người theo đạo Phật sử dụng để  tránh “sát sanh”. Ăn chay được dùng đối nghịch với ăn mặn (ăn mạng sống).

   Theo diễn biến tự nhiên của lối sống, dần dà ăn chay phổ cập trong cộng đồng và đã có những biến thể linh hoạt, thực tế hơn.

      2. CÁC KIỂU ĂN CHAY

    Hiện nay thức ăn chay được xếp vào trong 6 loại nhóm:

    * Ăn chay tuyệt đối (vegans): chỉ dùng thuần túy các món ăn gốc thực vật,  

    * Ăn chay có sữa (lacto-vegetarians): cho phép dùng các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa lạt nguyên chất, sữa tách bơ, sữa có đường, như sữa, sữa chua, bơ, phô mai….

    *.Ăn chay có trứng (ovo-vegetarians): cho phép dùng thêm trứng các sản phẩm chế biến từ trứng.  

   * Ăn chay có sữa, trứng (lacto-ovo vegetarians): phối hợp ăn chay có sữa và có trứng,

   * Ăn chay có cá (pescatarian): cho phép ăn thêm các loại cá, và

    * Chay linh hoạt hay chay tương đối (flexitarians, semivegetarians): là ăn chay nhưng thỉnh thoảng có thể ăn thêm một ít thịt, cá…tương tự kiểu ăn thực dưỡng (macrobiotic) Oshawa.

     III. ĂN CHAY BẢO VỆ MÔI TRƯƠNG THẾ NÀO ?

      1. GIẢM PHÁ RỪNG LẤY ĐẤT TRỒNG TRỌT, CHĂN NUÔI

   Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, thế giới có hơn 20 % dân số dựa vào chăn nuôi động vật để mưu sinh, và họ phải chặt phá biến rừng thành đất đai trồng trọt nông sản để sử dụng và chăn nuôi động vật. Từ những thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, đất dùng để trồng nông sản nuôi động vật tăng hơn 18%.

       

  Ước tính, mỗi phút trên thế giới có tới 8.000 m2 đất rừng nhiệt đới bị triệt phá cho các hoạt động chăn nuôi gia cầm, gia súc. Chỉ riêng trong giai đoạn 2000 – 2005, diện tích rừng nhiệt đới Amazon bị chặt phá đã lên tới 65 – 70%. Trong những năm gần đây, khu vực này cũng liên tục bị báo động bởi các nạn cháy phá rừng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh quyển cũng như tình trạng ô nhiễm toàn cầu.

   Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA thống kê cho thấy, mỗi năm có khoảng 200 triệu ha cây cối, rừng bị phá đi để trồng hoa màu cho súc vật ăn sau đó chế biến thực phẩm. Trong khi sản xuất một đĩa rau thành phẩm cần khoảng 20 lít nước, thì sản xuất một đĩa thịt tương ứng phải tốn cả ngàn lít nước trong thời gian nuôi dài và chăm sóc phức tạp hơn.

   Việc phá rừng lấy đất để trồng trọt và chăn thả gia súc, gia cầm là nguyên nhân gây ra lũ lụt, hạn hán ở nhiều nơi trên thế giới. Vì thế, ăn chay đồng nghĩa với việc bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường, ngăn chặn thiên tai, thảm họa.

       2. GIẢM TẬN DỤNG NGUỒN NƯỚC

   Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, hiện trên thế giới trong mỗi 9 người thì lại có 1 người không có đủ nguồn nước cần thiết để sinh tồn. Thế mà, đến 70% lượng nước ngọt trên toàn cầu lại được  dành để phục vụ cho việc tưới tiêu và chăn nuôi.

   Các nhà khoa học tính ra rằng, phải cần hơn 15 tấn nước để cho 1 tấn thịt bò, gần 9 tấn nước cho 1 tấn thịt cừu và dê. gần 6 tấn nước cho 1 tấn thịt heo, hơn 4 tấn nước cho một tấn thịt gà, trong khi chỉ cần gần 1 tấn nước để sản xuất ra 1 kg ngũ cốc !!!

   Không chỉ phá rừng, việc sử dụng quá nhiều đất và nước để chăn nuôi còn ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh vật, khiến một số loài sinh vật trong đất và nước không còn khả năng sinh tồn. 

     3. GIẢM TIÊU THỤ NĂNG LƯỢNG, LƯƠNG THỰC

   Việc nuôi gia súc lấy thịt thường đòi hỏi nhiều năng lượng, lương thực và nước so với việc sản xuất thực phẩm ăn chay. Vì thế trồng rau lấy thực phẩm đỡ tốn kém và hiệu quả hơn nhiều so với thịt động vật.

     4. GIẢM KHÍ THẢI GÂY HIỆU ỨNG NHÀ KÍNH

    Ăn chay sẽ giúp bảo vệ môi trường sống và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đây chính xác là một lợi ích cũng như là một mục đích của việc ăn chay.

   Nghiên cứu năm 2014 tại đại học Oxford với 2.041 người ăn chay thuần, 15.751 người ăn chay, 29.589 người ăn thịt và 8123 người ăn cá đã rút ra kết luận rằng chỉ số khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở người ăn thịt cao gấp 2,5 lần người ăn chay thuần, người ăn cá cũng có lượng khí thải vượt trội so với người ăn chay thuần và người ăn chay. 

    Thống kê của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, hiện tượng hiệu ứng nhà kính diễn ra trên toàn cầu do ảnh hưởng của ngành chăn nuôi là 20%.Trong đó các thành phần chính từ chất thải chăn nuôi gây hiện tượng này gồm: khí metan (CH4) 41%, khí methane (NH4) với 25%, carbon dioxide (CO2) với 32% và oxide nitơ (N2O) với 31%. 

    Liên Hiệp Quốc cho biết, dù khí metan CH4 tồn đọng trong bầu khí quyển trung bình khoảng một thập kỷ, ít hơn nhiều so với khí CO2, nhưng, metan lại độc gấp 28-36 lần so với khí CO2. Đồng thời, metan cũng hấp thụ nhiều nhiệt lượng hơn và gây hiệu ứng nhà kính gấp 86 lần khí CO2.

   Theo Science Daily, một con bò có thể sản xuất ra 70 – 120kg khí metan trong một năm. Và theo số liệu của tổ chức FAO/UN chỉ với gần 2 tỷ con bò được chăn nuôi trên thế giới lượng khí thải metan là vô cùng lớn !

    Khí nitơ-oxit N20, khí cười, cũng là một trong những khí thải độc hại hàng đầu gây nên hiệu ứng nhà kính. Chúng độc gấp 265 đến 298 lần khí CO2 và có thể tồn đọng trong bầu khí quyển ít nhất là một thế kỷ. Khí N2O chủ yếu là khí thải của ngành nông nghiệp trồng trọt, cụ thể là do lượng phân bón được cho vào đất. Cứ mỗi lượng phân bón có nitơ được sử dụng thì 1% khối lượng N2O tương ứng sẽ được thải ra không khí, một phần khác sẽ được pha lẫn vào nguồn nước ngầm.

   Tóm lại, các nghiên cứu sinh học cho thấy các chất thải như phân chuồng, chất cặn bã vật nuôi thải ra là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước, không khí nhiều nhất, lớn gấp nhiều lần so với các nguồn khí thải từ các hoạt động công nghiệp khác. Vì thế, ăn chay không chỉ tránh sát sinh, bảo vệ động vật mà còn giúp bảo vệ môi trường sống.

   5. GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

  Theo các tổ chức Bảo vệ môi trường (Environmental protection organization), chất thải từ các cơ xưởng và nông trại động vật là nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm nguồn nước, cả nước ngọt lẫn nước mặn, nước biển, sông, suối và hồ, các hóa chất và chất bẩn cũng sẽ thấm vào lòng đất và làm ô nhiễm đến nguồn nước ngầm. Các hóa chất đó đến từ xà phòng, chất tẩy rửa, thuốc tăng trưởng, phân bón cho nông sản dành cho động vật.

   Tiếc rằng, đây là vấn đề thường bị bỏ ngỏ, không được lưu tâm đúng mức, thậm chí còn được xem nó là “chuyện thường ở huyện”. Trong khi, các trang trại chăn nuôi sản sinh ra hàng loạt phân, nước thải… Việc xử lý nước thải hiện chưa hoàn chỉnh, đặc biệt ở các nước nghèo đang phát triển như nước ta.  để xử lý phân động vật. Vậy nên lượng phân động vật để làm phân bón trên các cánh đồng, hoặc bị mắc kẹt trong các đầm phá và bay lơ lửng trong không khí khi gặp gió (chưa kể mầm bệnh và chất độc từ phân có thể lây lan cho bất kì ai hít phải chúng).

    Việc giết mổ, chế biến thịt động vật cũng gây ô nhiễm môi trường không ít. Hiện tại, vẫn có quá nhiều cơ sở sản xuất còn gây ô nhiễm môi trường sống cộng đồng. 

   Đánh bắt hải sản cũng có tác động tàn phá chuỗi sinh tồn và phá vỡ đa dạng sinh học biển, làm hư hại, sói mòn các rạn san hô, giảm số lượng cá, sinh vật biển dẫn đến triệt tiêu giống loài.

    IV. THAY LỜI KẾT

  Qua nhiều nghiên cứu môi trường các nhà khoa học chỉ rõ rằng, ăn chay cũng là một phương cách rất khả thi để bảo vệ môi trường: từ giảm phá rừng, đến tiết kieemjj tài nguyên nước và năng lượng, giảm khí thải nhà kính và ô nhiễm môi trường.

   Do đó, từ khởi điểm là chế độ ăn gốc thực vật tránh sát sinh cho những người tu hành theo đạo Phật, đến nay ăn chay trở thành một xu hướng ẩm thực thời thượng, được nhiều người chọn lựa vì phát hiện thêm nhiều  lợi ích sức khỏe và môi trường sông của chúng ta..

 V. THAM KHẢO  

[1] Environmental vegetarianism

https://en.wikipedia.org/wiki/Environmental_vegetarianism

[2] How does a vegetarian diet help the environment?

https://www.fairplanet.org/story/how-does-a-vegetarian-diet-help-the-environment/

[3] Vegan diet massively cuts environmental damage, study shows

https://www.theguardian.com/environment/2023/jul/20/vegan-diet-cuts-environmental-damage-climate-heating-emissions-study

[4] Vegetarian Diets: Planetary Health and Its Alignment with Human Health

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6855976/

[5] Top 10 Reasons Why It’s Green to Go Veggie

https://www.downtoearth.org/go-veggie/environment/top-10-reasons

[6] Why Eat Veggie?

https://vegsoc.org/eating-veggie/why-eat-veggie/

[7] Mối liên hệ giữa chăn nuôi nông nghiệp và nạn phá rừng

https://cruelty.farm/vi/moi-lien-h%E1%BB%87-gi%E1%BB%AFa-nong-nghi%E1%BB%87p-chan-nuoi-va-n%E1%BA%A1n-pha-rung/

[8] Trả giá quá đắt vì phá rừng để nuôi bò bán cho Trung Quốc

https://vietnamnet.vn/tra-gia-qua-dat-vi-pha-rung-de-nuoi-bo-ban-cho-trung-quoc-589540.html

[9] Phá rừng và những nền tài chính rực lửa

https://cand.com.vn/Ho-so-Interpol/Pha-rung-va-nhung-nen-tai-chinh-ruc-lua-i589392/

[10] Ăn chay có lợi cho sức khỏe và môi trường

[11] Các Vĩ Nhân Nói Về Ăn Chay

  TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM