Trang chủ » ẨM THỰC » CHẾ ĐỘ ĂN SỨC KHỎE HÀNH TINH: TĂNG TUỔI THỌ, GIẢM CHẾT SỚM, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG !

CHẾ ĐỘ ĂN SỨC KHỎE HÀNH TINH: TĂNG TUỔI THỌ, GIẢM CHẾT SỚM, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG !

   I. LỜI MỞ

  Như tên gọi, chế độ ăn sức khỏe hành tinh vừa có lợi cho sức khỏe lẫn bảo vệ môi trường. 

  Theo nhiều nghiên cứu, tính toán khoa học, chế độ ăn sức khỏe hành tinh này giúp đảm bảo lương thực cho 10 tỷ dân thế giới vào năm 2050, đồng thời giảm tử vong do chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, và ngăn chặn sự suy thoái thế giới tự nhiên. 

   II. CHẾ ĐỘ ĂN SỨC KHỎE HÀNH TINH LÀ GÌ?

   Thuật ngữ ‘sức khỏe hành tinh’ lần đầu tiên được đặt ra vào năm 2015, đề cập đến các hệ thống tự nhiên đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự sống còn của con người.

   Chế độ ăn sức khỏe hành tinh (planetary health diet PHD) liên kết chế độ ăn uống sức khỏe với sự bền vững của hành tinh. Mục tiêu chính của chế độ ăn sức khỏe hành tinh là mở đường cho một hệ thống thực phẩm bền vững, cung cấp thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng cho dân số toàn cầu đang ngày càng tăng nhưng thân thiện môi trường.

  Chế độ ăn sức khỏe hành tinh được Ủy ban Eat-Lancet tạo ra và được Wellcome Trust tài trợ. Bao gồm 37 nhà khoa học hàng đầu đến từ 16 quốc gia, các thành viên của Ủy ban đại diện cho các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và y tế công cộng. Ủy ban đặt ra các mục tiêu sản xuất lương thực bền vững và chế độ ăn uống lành mạnh.

    Chế độ ăn sức khỏe hành tinh còn gọi là ăn chay hành tinh (planetarian diet) vì thật sự là chế độ ăn chay linh hoạt,  (flexitarian diet), ăn chay cho phép thêm một lượng vừa phải cá, thịt và sữa. Trong đó lưu ý: Thay đổi rau và trái cây nhiều màu sắc khác nhau; Dùng chất béo không bão hòa; Hạn chế ngũ cốc tinh chế, thực phẩm chế biến sẵn, đường ngọt và rau củ giàu tinh bột như khoai tây.  Lượng calo tối ưu cho người trưởng thành trung bình khoảng  2500kcal mỗi ngày, điều chỉnh theo tuổi, giới tính và mức độ hoạt động thể chất.

    III. LỢI ÍCH ĂN SỨC KHỎE HÀNH TINH

  Chế độ ăn sức khỏe hành tinh thật sự là chế độ ăn chay linh hoạt, do đó nó có tất cả lợi ích sứ khỏe do chế độ ăn chay, thức ăn gốc thực vật nhiều chất xơ mang lại

  1. LỢI ÍCH TRỰC TIẾP TỪ CHẤT XƠ

  a. Ngừa táo bón và ung thư đại tràng

   Chất xơ thực phẩm, đặc biệt chất xơ không hòa tan, làm tăng độ nhớt, tăng khối lượng chất trong lòng ống tiêu hóa. Ngoài ra, khi vào đến ruột già nó được vi sinh vật phân giải tạo ra nhiều sản phẩm và khí hơi, kích thích đại tràng làm có cảm giác mót “đi cầu”. Do đó, chất xơ rất cần thiết giúp ngăn ngừa táo bón.

   Nhờ cải thiện chức năng ruột, chất xơ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh và các rối loạn như bệnh túi thừa, bệnh trĩ và ung thư đại tràng. Nghiên cứu dài hơi của Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCI) cho thấy chất xơ ngăn chặn sự phát triển các polyp tiền ung thư rất hiệu quả, NCI đưa ra khuyến cáo nên dùng chế độ ăn giảm béo, giảm thịt và nhiều chất xơ để ngừa ung thư đại, trực tràng.

    b. Ổn định đường huyết

    Chất xơ hòa tan làm chậm tiêu hóa và hấp thu chất bột đường, như vậy không làm tăng đường máu đột ngột sau ăn. Vì vậy chất xơ giúp người đái tháo đường ổn định đường huyết.

    c. Hạ cholesterol máu

   Nhiều nghiên cứu khoa học dài hơi, nghiêm túc cho thấy chất xơ thực phẩm cải thiện rõ các chỉ số chất mỡ trong máu, giảm nguy cơ bệnh mạch vành (CHD).

    d. Giảm nguy cơ bệnh tim mạch

   Bác sĩ James Anderson – ĐH Y Kentucky, Hoa Kỳ – qua nhiều thập niên nghiên cứu tác dụng chất xơ với bệnh tim mạch và đái tháo đường đã đưa ra kết luận đăng trên báo Hội Dinh Dưỡng Hoa Kỳ chất xơ, nhất là từ lúa mạch, giảm cholesterol xấu LDL và tăng cholesterol tốt HDL.

    e. Kiểm soát tăng cân, béo phì

   Vì chất xơ không có giá trị dinh dưỡng, không tạo ra năng lượng, nhưng chất xơ làm tăng khối độ và độ nhớt thức ăn, gây đầy bụng, cảm giác no kéo dài và giảm ngon miệng, thèm ăn.

   Chất xơ khi lên men trong đại tràng làm giảm hấp thu chất béo. Kết quả về lâu dài của khẩu phần nhiều chất xơ sẽ có kiểm soát sự tăng cân, béo phì…

  2. LƠI ÍCH GIÁN TIẾP TỪ HỆ VI SINH ĐƯỜNG RUỘT 

           DT 345 GUT MICROBIOME hình 2

     a. Bệnh béo phì

    Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy có mối liên quan giữa hệ vi khuẩn đường ruột với sự tăng cân của vật chủ cưu mang chúng. Các nhà nghiên cứu ĐH Cornell, Ithaca, NY, Mỹ và King College London, Anh, phát hiện ra rằng một chủng vi khuẩn Christensenellaceae minuta thường cư trú ở những người gầy. Đưa các vi khuẩn này vào ruột chuột khiến chúng ít tăng cân hơn, cho thấy vi khuẩn có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa béo phì. Giáo sư Tim Spector, King College London kết luận: “Thay đổi microbiome ruột cũng là một hướng mới để phòng chống béo phì”.

    Một nghiên cứu năm 2012, đăng trên Journal of Proteome Research cho thấy, thiếu vi khuẩn trong ruột già có thể gây béo phì bằng cách làm chậm hoạt động của chất béo nâu, vốn giúp cơ thể không tăng cân bằng cách kích thích đốt cháy sinh calo và chất béo trắng. 

    Open Forum Infectious Diseases công bố trường hợp một phụ nữ được cấy ghép phân  từ người hiến tặng béo phì nhanh chóng bị thừa cân  sau đó. 

    b. Bệnh ung thư

  Trong một nghiên cứu năm 2013 công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Ung thư, các nhà nghiên cứu Mỹ tuyên bố đã phát hiện ra vi khuẩn Lactobacillus johnsonii trong ruột có vai trò trong sự phát triển của ung thư hạch, ung thư bạch cầu.

  Một nghiên cứu khác năm 2013 của các nhà nghiên cứu người Anh cho thấy vi khuẩn Helicobacter pylori có thể gây ung thư dạ dày và loét tá tràng bằng cách vô hiệu hóa một phần của hệ thống miễn dịch liên quan đến điều chỉnh viêm.

  Năm 2014, các nghiên cứu của ĐH Y khoa Icahn, Mount Sinai, New York, Mỹ, cho thấy có liên quan giữa hệ vi khuẩn ruột với ung thư đại trực tràng: Nhóm nghiên cứu cho kháng sinh vào những con chuột đột biến gen gây polyp đại trực tràng có thể phát triển thành ung thư. Kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn đường ruột của chuột, khiến polyp không phát triển và chuột không bị ung thư.  Nghiên cứu cũng cho thấy vi khuẩn đường ruột cải thiện hiệu quả điều trị ung thư.

   Các nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ và Pháp cho thấy liệu pháp miễn dịch và hóa trị liệu ung thư sẽ kém hiệu quả ở chuột thiếu hệ vi khuẩn ruột so với chuột có hệ vi sinh bình thường.

    c. Bệnh tâm thần kinh

  Theo Hội Tâm thần Hoa Kỳ (American Psychological Association APA), hệ vi khuẩn đường ruột tổng hợp nhiều  hóa chất thần kinh (neurochemical) giúp não sử dụng để điều chỉnh các quá trình tâm sinh lý thần kinh, bao gồm trí nhớ, học tập và trạng thái tâm lý. Cũng theo APA, đến 95% serotonin của cơ thể được sản xuất bởi hệ vi khuẩn đường ruột.  

               

   * Stress và trầm cảm

  Năm 2014, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Dược lý tâm thần (psychopharmacology) cho thấy, các prebiotic – carbohydrate giúp tăng cường vi khuẩn lành mạnh trong ruột giảm stress và trầm cảm rất hiệu quả. Tiến sĩ Kirsten Tillisch, chủ nhiệm đề tài cho rằng: ” Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự kết nối ruột-não là con đường hai chiều”

   * Tự kỷ

  Năm 2013, nhóm nghiên cứu ĐH Arizona, Mỹ, phát hiện trẻ em tự kỷ có số lượng ba loại vi khuẩn ruột Prevotella, Coprococcus và Veillonellaceae  thấp hơn trẻ em không mắc bệnh. Họ cũng phát hiện các chất chuyển hóa trong phân trẻ tự kỷ cũng khác với ở trẻ bình thường.

  Một nghiên cứu năm 2013 công bố trên tạp chí Tế bào cho thấy vi khuẩn Bacteroides fragilis làm giảm các triệu chứng tự kỷ ở chuột.

    * Bệnh Parkinson

  Vì người bệnh Parkinson thường có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhiều năm trước khi có triệu chứng vận động, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hệ vi khuẩn ruột có thể góp phần gây ra bệnh Parkinson.

  Những con chuột được cấy vi khuẩn ruột của bệnh nhân Parkinson có những triệu chứng của bệnh, bao gồm dấu chứng vận động, sự kết tập alpha-synuclein và viêm, trong khi những con chuột nhận được hệ vi khuẩn ruột từ những người khỏe mạnh thì không.

    Các nhà nghiên cứu phát hiện những con chuột có các triệu chứng bệnh Parkinson có hàm lượng axit béo chuỗi ngắn (short chain fatty acid, SCFA) trong phân cao hơn chuột bình thường. Các SCFA kích hoạt các phản ứng miễn dịch trong não gây ra viêm não, với hậu quả là tổn thương tế bào thần kinh và gây ra các triệu chứng của bệnh Parkinson.

      d.  Bệnh da liễu 

  Các nghiên cứu cho thấy, hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò điều chỉnh sự phát triển của các bệnh ngoài da thông qua trục ruột-da.

                                     .

    Rối loạn điều hòa hệ vi sinh vật đường ruột đã được thấy trong nhiều bệnh lý da như viêm da dị ứng, bệnh hồng ban, bệnh vẩy nến.

    Hiện nay, nhiều bác sĩ da liễu điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột như sử dụng các probiotics (men vi sinh) trong điều trị một số bệnh da như, viêm da dị ứng, vẩy nến….

      3. ĐỦ THỰC PHẨM CHO 10 TỶ DÂN THẾ GIỚI VÀO NĂM 2050 

      4. BỀN VỮNG MÔI TRƯỜNG, NGĂN SUY THOÁI THẾ GIỚI TỰ NHIÊN

 

   IV. NGUY CƠ CỦA CHẾ ĐỘ ĂN SỨC KHỎE HÀNH TINH

    Đây cũng là nguy cơ của chế độ ăn chay linh hoạt, gồm 

  1. Đạm thực vật thường “không hoàn chỉnh”

    Nguồn protein từ thực vật, như trong ngũ cốc, đậu, và các loại hạt, đều là các chất đạm không hoàn chỉnh (incomplete proteins) vì chúng có thể bị thiếu một hoặc nhiều acid amin tối cần thiết (essential amino acid). Vì vậy, người theo chế độ ăn chay linh hoạt, ít nhiều cơ thể không thể có được tất cả các acit amin theo nhu cầu.

    2Hàm lượng vitamin B12 quá thấp

    Vitamin B12 thường có nhiều trong thức ăn gốc động vật như thịt, cá, trứng và sữa. Ăn chay chắc chắn khiến cơ thể thiếu hụt loại vitamin B12 này.

  Vitamin B12 là coenzyme chính trong chu trình tổng hợp nhân heme của hồng cầu tố Hemoglobin Hb, Do đó, thiếu vitamin B12 sẽ bị thiếu máu, với các triệu chứng mệt mỏi và suy nhược. Người ăn chay đều cần bổ sung vitamin B12.

  . 3. Hàm lượng acid phytic cao

  Nồng độ acid phytic trong ngũ cốc cao sẽ cản trở hấp thụ được canxi, magie, sắt và kẽm…. Người ăn chay trường có thể gãy xương tự phát vì lý do này.

   4. Thiếu năng lượng

  Mệt mỏi và suy nhược có thể là do thiếu một số loại vitamin mà chúng ta thường nhận được từ thịt và cá như vitamin B, kẽm…

  Một số người ăn chay linh hoạt cũng cảm thấy khiếu năng lượng và ít khả năng vận động cơ bắp hơn. Nguyên nhân ngoài thiếu vitamin còn do thiếu protein trầm trọng.

     5. Dù ăn chay linh hoạt, nữ giới vẫn có tỷ lệ gãy xương cao

   Hai lý do khiến người ăn chay rối loạn chuyển hóa calci và chu chuyển xương (bone modeling and remodeling) là: (1) Gốc phytate, acid phytic, trong các thực phẩm chay sẽ kết hợp với calci khiến người ăn chay sẽ thiếu lương chất khoáng cần thiết cho xương này; và (2)* Chế độ ăn chay lại thiếu hay không có vitamin B12 và vitamin D khiến chuyển hóa xương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

     Tác động bất lợi của thiếu B12 lên mô xương vừa trực tiếp, qua sự suy giảm yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (Insulin-like Growth Factor IGF-1)  và tổng hợp taurine, vừa gián tiếp qua tác dụng tăng homocysteine, với các cơ chế sau: (1) giảm hàm lượng và mật độ khoáng chất xương trong matrix ngoại bào, (2) giảm các sinh cốt bào và tăng chức năng các hủy cốt bào, (3) làm giảm lưu lượng máu đến mô xương, (4) gây ra apoptosis qua con đường ty thể, và (5) cản trở sự hình thành liên kết collagen, cản trở enzyme lysyl oxyase [7]

  V. NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CHẾ ĐỘ ĂN SỨC KHỎE HÀNH TINH

   Ngày 10/6, nghiên cứu mới do Trường Y tế công Harvard T.H. Chan (Mỹ) công bố trên trên tạp chí The American Journal of Clinical Nutrition cho thấy, chế độ ăn sức khỏe hành tinh không chỉ có lợi cho môi trường, mà còn mang lại nhiều lợi ích về dân số và sức khỏe.

  Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu sức khỏe từ hơn 200.000 phụ nữ và nam giới tham gia Nghiên cứu sức khỏe y tá I và II, và Nghiên cứu theo dõi chuyên gia y tế. Khi bắt đầu nghiên cứu, những người tham gia không mắc các bệnh mãn tính nghiêm trọng. Họ hoàn thành bảng câu hỏi về chế độ ăn uống mỗi bốn năm một lần, trong tối đa 34 năm.

   Chế độ ăn của những người tham gia được tính điểm dựa trên mức độ tiêu thụ của 15 nhóm thực phẩm bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, rau, thịt gia cầm và các loại hạt, nhằm định lượng việc giữ vững chế độ ăn sức khỏe hành tinh.

   Nghiên cứu cho thấy ở 10% người tham gia tuân thủ chế độ ăn sức khỏe hành tinh cao nhất, nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 30% so với những người ở 10% tuân thủ thấp nhất. 

   Các nguyên nhân gây tử vong gồm ung thư, bệnh tim và bệnh phổi, đều thấp hơn khi tuân thủ chế độ ăn này nhiều hơn.

   Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện người giữ vững chế độ ăn sức khỏe hành tinh nhất cũng tạo ra tác động môi trường thấp hơn đáng kể, so với nhóm những người tuân thủ thấp nhất: Họ tạo ra lượng phát thải khí nhà kính thấp hơn 29%, nhu cầu phân bón thấp hơn 21% và sử dụng đất trồng trọt thấp hơn 51%.

  Các nhà nghiên cứu lưu ý việc giảm sử dụng đất đặc biệt quan trọng khi tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái trồng rừng. Đây được xem là cách hiệu quả để giảm nhiều hơn lượng khí nhà kính vốn đang gây ra biến đổi khí hậu.

  Tóm lại, chế độ ăn sức khỏe hành tinh có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe con người và sự bền vững của hành tinh. Ăn uống lành mạnh vủa đảm bảo sức khỏe vừa thúc đẩy sự bền vững của môi trường, cần thiết cho sức khỏe và hạnh phúc của mọi người trên trái đất.

  VI. THAM KHẢO

[1] Planetary health diet

https://en.wikipedia.org/wiki/Planetary_health_diet

[2] What is the planetary health diet?

https://www.planetaryhealthcollective.org/blog-post/what-is-the-planetary-health-diet

[3] What is the planetary health diet?

https://www.bbcgoodfood.com/howto/guide/what-is-the-planetary-health-diet

[4] Planetary Health Diet associated with lower risk of premature death, lower environmental impact

Planetary Health Diet associated with lower risk of premature death, lower environmental impact

[5] Planetary Health Diet May Help Lower Your Risk of Early Death by 30%

https://www.healthline.com/health-news/planetary-health-diet-lower-risk-of-early-death

[6] Planetary Health Diet can reduce risk of early death and help planet, study finds. What is it?

https://www.cbsnews.com/news/planetary-health-diet-reduce-risk-of-early-death-study/

[7] Why the best diet for you is also good for the planet

https://www.washingtonpost.com/wellness/2024/06/10/planetary-diet-lower-mortality/

     TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM