Trang chủ » ẨM THỰC » THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ ỚT: GIA VỊ CAY, VỊ THUỐC HAY !

THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ ỚT: GIA VỊ CAY, VỊ THUỐC HAY !

    I. LỜI MỞ

    Ớt, chilli, tiêu đỏ (red pepper) tên khoa học Capsicum anuum, là loại gia vị cay rất quen thuộc, được dùng trong rất nhiều trong chế biến thực phẩm ở xứ ta. Nhiều món ăn sẽ kém hấp dẫn, kém ngon khi thiếu gia vị đặc biệt này.

   Gần đây, khá nhiều thông tin về khả năng phòng chữa bệnh của ớt được lan truyền rộng rãi. Thậm chí, các nhà khoa học chỉ ra rằng, ớt không gây ra mà lại giúp ngăn ngừa loét dạ dày !

     II. THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG

   Ngoài tinh chất ớt capsaicin, trong  ớt đỏ còn có đến 26 loại chất sinh học khác. Ớt có nhiều các chất khoáng, vi lượng như kẽm, selen, canxi, magiê, nhiều vitamin A, vitamin C và các vitamin nhóm B khác, nhiều hoạt chất sinh học quý như các chất chống oxy hóa (antioxidant) chất chống kết dính tiểu cầu, chất  “giống” nitroglycerin có tác dụng  giãn động mạch vành…

     III. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ PHONG PHÚ

   Tinh chất ớt capsaicin đã được nghiên cứu, sản xuất ra các dược phẩm:

 (1)  Thuốc giảm đau

   Capsaicin có tính chất giảm đau mạnh khi áp dụng cho da. Thụ thể “nhiêt đau” TRPV1 của hệ thần kinh hiện nhiều ở da, cơ. Thường thụ thể nằm yên và kích hoạt khi nhiệt độ da lên 42 oC. Chất capsaicin của ớt gắn và kích hoạt TRPV1 và giúp cơ thể chịu đau tốt hơn.

  Capsaicin  làm giảm lượng chất P, chất trung gian dẫn truyền cảm giác đau lên não. Ít chất P, cảm giác đau mất đi.  

   Capsaicin bào chế trong thuốc giảm đau dưới nhiều dạng thức như:  nhũ dịch, kem bôi, miếng dán ngoài da; dạng trà ớt, rượu ớt để uống hay khí dung… Các thuốc có capsaicin dùng để giảm đau trong viêm xương, viêm cơ khớp, đau lưng, viêm rẽ thần kình, đau họng, đau hậu phẫu thuật, sau bệnh zona, thống kinh…

    (2) Bệnh đau thắt ngực, thuyên tắc mạch máu

  Theo Naturalnews, ớt có thể chặn cơn đau thắt ngực rất nhanh. John Christopher và Richard Schulze (Mỹ) rất mức ca ngợi tác dụng của ớt. TS John Christopher nói “Trong 35 năm hành nghề, tất cả bệnh nhân tim được tôi cho uống trà ớt đều đỏ nhanh sau vài phút”. Nhiều chuyên gia cho rằng ớt cũng giúp giảm nhịp tim đập nhanh, tăng cường máu đến tim, ngăn ngừa máu kết tụ calci.

   Ớt còn dùng để hổ trợ điều trị: Cục máu đông nội mạch, Mảng xơ vữa, hay xơ cứng động mạch, Suy tim sung huyết (Congestive heart failure).

   (3) Tốt cho hệ tiêu hóa

  Từ lâu, chúng ta thường cho rằng thức ăn cay sẽ gây loét và các bệnh dạ dày khác. Nhưng nghiên cứu khoa học cho thấy capsaicin của ớt cay thực sự bảo vệ niêm mạc dạ dày.

   Capsaicin kích thích, tăng nhu động tiêu hóa, tăng hấp thụ thức ăn, nên được dùng để trị khó tiêu (indigestion), đau thượng vị (heartburn). Nghiên cứu ở Singapore cho thấy việc ăn ớt giảm hàng ngày nguy cơ loét dạ dày tá tràng đến 53 phần trăm.

  Theo TS Khursheed Jeejeebhoy, ĐH Toronto: “ Ớt cay ăn đúng mức sẽ làm ngon miệng và rất tốt cho hệ tiêu hóa”. 

  (4) Chống béo phì và đái tháo đường 

   Capsaicin làm tăng tiêu hao năng lượng thông qua sự kích hoạt của các mô mỡ nâu và gia tăng quá trình oxy hóa chất béo.

  Capsaicin cũng làm giảm triglycerides, đặc biệt triglyceride tổng hợp từ các chất bột đường lưu trữ trong các tế bào mỡ, và giảm cholesterol máu. Kết quả là ăn ớt sẽ giảm béo phì và đái tháo đường.

  (5) Cải thiện tuần hoàn não bộ

  Tinh ớt làm tăng tuần hoàn não, nên có tác dụng tốt trong đau nửa đầu (migraine) và đau đầu vận mạch (cluster headache).

 (6) Tăng hiệu quả của thuốc khác

  Capsacin làm tăng tác dụng của thuốc điều trị viêm khớp, kháng sinh, bệnh tim hoặc tuần hoàn, thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, tuyến giáp v.v.

  (7) Tăng cường miễn dịch

 Nhiều nghiên cứu cho thấy Capsacin làm tăng hoạt các tế bào hệ miễn dịch 

   [8] Ngừa ung thư

   Một nghiên cứu ở  Anh, cho thấy capsaicin có thể giết chết các tế bào ung thư phổi và tuyến tụy mà không làm hại các tế bào xung quanh. Do đó, họ cho rằng người Mexico và Ấn Độ, thường  ăn nhiều gia vị, nhất là ớt nên có tỷ lệ một số bệnh ung thư thấp hơn người phương Tây !

      IV. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

     1. Tác dụng tim mạch

   Trên Circulation, TS Keith Jones, ĐH Cincinnati, thông tin capsaicin áp trên da chuột kích hoạt bảo vệ “pro-survival” 85 phần trăm  tế bào tim. Dù vậy, các nhà khoa học vẫn khuyên cẩn trọng trên người. Nhiều bác sĩ chính quy cho rằng tác dụng của capsaicin và việc dùng trong cấp cứu là chưa có chứng cớ (evidence based).

   Đau thắt ngực, tai biến là những cấp cứu nội khoa nặng nề, bệnh cần có những thuốc đặc trị có tác dụng nhanh, liều lượng chính xác. Không bác sĩ nào dám liều dùng tinh chất ớt capsaicin để cấp cứu bệnh nhân cả.

   Sử dụng capsaicin quá liều có thể dẫn đến chảy máu không kiểm soát nếu bệnh nhân có rối loạn đông máu. Ngoài ra, cay cũng là lý do kích thích tiết adrenalin làm tăng nhịp tim gây co mạch bất lợi cho bệnh nhân.

    2. Tác dụng trên dạ dày

  Quan điểm võ đoán, phổ biến rằng, ăn “ớt đỏ” dẫn đến loét dạ dày đã bị các cuộc điều tra thăm dò khoa học trong những năm gần đây đã bác bỏ với kết luận là: chất cay capsaicin trong ớt không phải là “thủ phạm” găy loét mà là “ân nhân” bảo vệ. Các nghiên cứu chỉ rõ, capsaicin không kích thích nhưng lại ức chế bài tiết acid, kích thích tiết chất kiềm, chất nhầy và đặc biệt là làm tăng lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày giúp ngăn ngừa và làm lành vết loét. Capsaicin hoạt động bằng cách kích thích các tế bào thần kinh đến dạ dày và phát tín hiệu bảo vệ chống lại các tác nhân gây thương tích.

    Các cuộc điều tra dịch tễ học ở Singapore đã chỉ ra rằng bệnh loét dạ dày ở người “Trung Quốc” cao gấp ba lần so với người Malaysia và Ấn Độ vốn có thói quen ăn nhiều ớt hơn họ.

      V.  THAY LỜI KẾT

   Như vậy, ớt là một gia vị, thuộc nhóm thực phẩm có những chất tác dụng dược lý, một thực phẩm chức năng. Còn capsaicin là một dược phẩm (thuốc) đúng nghĩa.

  Cả thực phẩm chức năng và dược phẩm khi dùng cũng phải để ý có liều lượng: liều tác dụng, liều độc, liều chết và những tác dụng phụ.

  Do đó, chúng ta nên dùng ớt như một “gia vị thuốc” đúng nghĩa vừa làm ngon miệng vừa hổ trợ phòng ngừa bệnh.

   VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] The amazing healing powers of cayenne pepper (capsicum)

https://www.naturalnews.com/035612_cayenne_pepper_healing_herbal_medicine.html#ixzz3kACdvLwj

[2] Medicinal use and health benefit of cayenne pepper (Capsicum)

https://www.shirleys-wellness-cafe.com/NaturalFood/Cayenne

[3] Cayenne pepper – Emergency uses 

 https://healingtools.tripod.com/cayemerg.html

[4] “If you master only one herb in your life, master cayenne pepper. It is more powerful than any other.”

https://edgetraderplus.com/natural-helath-corner/if-you-master-only-one-herb-in-your-life-master-cayenne-pepper-it-is-more-powerful-than-any-other

[5] Cayenne Pepper Top 15 Health Benefits

https://www.naturallyproven.com/cayenne-pepper-top-15-health-benefits/

[6]  8 Impressive health benefits of cayenne pepper

https://www.healthline.com/nutrition/8-benefits-of-cayenne-pepper

[7] 15 Health Benefits of Cayenne Pepper (It’s more than spice)

https://happybodyformula.com/benefits-of-cayenne-pepper/

[8] Cayenne Pepper Benefits Your Gut, Heart and More

https://draxe.com/nutrition/cayenne-pepper-benefits/

[9] 15 Health Benefits of Cayenne Pepper, According to Science 

https://www.jenreviews.com/cayenne-pepper/

[10] 13 Amazing Benefits Of Cayenne Pepper

https://www.stylecraze.com/articles/top-10-health-benefits-of-cayenne-pepper/#gref

[11] Capsaicin and gastric ulcers

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16621751/

[12] Beneficial effects of dietary capsaicin in gastrointestinal health and disease

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0014482722002208

     TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM