Trang chủ » ẨM THỰC » CHẾ ĐỘ ĂN CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

CHẾ ĐỘ ĂN CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

     I. LỜI MỞ 

    Cũng như các bệnh lý khác, chế độ ăn, tập luyện thể lực và thuốc men đặc trị là  “kiềng 3 chân” (tripod of treatment) điều trị bệnh đái tháo đường, trong đó chế độ ăn là biện pháp cần được lưu ý đầu tiên.

     

    Trong bệnh đái tháo đường, chế độ ăn có tác dụng trên 3 phương diện chính là điều chỉnh cân nặng; hạn chế làm tăng đường máu và giảm các nguy cơ biến chứng, như tim mạch,  tiết niệu….

    Ở một số bệnh nhân tiền đái tháo đường (prediabetes), đường máu có thể được kiểm soát tốt nhờ điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện thích hợp mà chưa cần dùng thuốc đặc trị.

    II. NGUYÊN TẮC CHUNG

    Tất cả mọi con người, già trẻ lớn bé, khỏe mạnh hay bệnh tật, đều phải có một chế độ ăn hợp lý, hợp khoa học dinh dưỡng: đủ lượng và đủ chất của 4 thành phần trong Ô vuông thức ăn. Và bệnh nhân đái tháo đưỡng cũng phải theo nguyên tắc chung này.

     1* Đủ chất: đủ 4 thành phần

   Thực phẩm con người sử dụng rất đa dạng và nhiều chủng loại. Các nhà dinh dưỡng học đã hệ thống lại và xếp thực phẩm thành bốn nhóm trong một hình biểu trưng gọi là “ô vuông” thức ăn gồm 4 nhóm sau:  (1) chất đường nói chung,  (2) chất đạm, thịt,  (3)  chất béo và (4) muối khoáng, vitamin với trung tâm ô vuông là sữa, thức ăn tối ưu và thích hợp nhất.

    thì

   2* Đủ lượng: đạt chỉ tiêu cần thiết

   Về số lượng, 4 thành phần trong ô vuông thức ăn có tỷ lệ phân bố cân đối, thích hợp: 10% chất đạm tương đương 1-2 gam/ 1 kg thể trọng, 30% chất béo tương đương 4-6 gam/ 1 kg thể trọng, 60% chất bột đường tương đương 9-12 gam/ 1 kg thể trọng, và một số vi lượng muối khoáng, vitamin.

   III. CHẾ ĐỘ ĂN BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

       1. Bảy quy định phải theo

      *. Ba nhóm thức ăn theo tỷ lệ: 15% chất đạm, 35% chất béo, 50% chất đường bột (starchy carbohydrate).

       * Ngưng (cấm) toàn bộ các thức ăn, thức uống có đường ngọt (sugary carbohydrate) là loại đường hấp thu nhanh vào máu.

       * Cần ăn đủ lượng đường bột (tinh bột) cần thiết để đảm bảo đủ năng lượng. Thức ăn đường bột trong ngày nên chia nhỏ vào 3 bữa ăn; nếu cảm thấy đói giữa 2 bữa ăn chính, có thể dùng thêm 1 bữa ăn nhẹ. Nên thay đổi thức ăn nhóm đường bột bằng cách dùng xen kẽ các loại bột củ rễ, ngũ cốc.

       * Giảm đến mức tối thiểu lượng thức ăn chứa nhiều chất béo như: các loại thịt nguội làm từ thịt heo, thịt mỡ, phó mát, dầu, khoai tây chiên..

       * Nên ăn cá 2-3 lần trong tuần vì cá đạm nhiều nhưng chất béo lại ít.

       * Hạn chế tối đa uống rượu, bia.

       * Ăn thêm các thức ăn có các chất xơ như rau, củ, trái cây không ngọt…

      2. Hai thái độ ăn cần tránh

        * Kiêng kem cực đoan, quá mức, lo lắng phải nhịn ăn, giảm uống một cách vô lý.

        * Quá ” bất cần” coi thường bệnh không tuân theo chế độ ăn qui định.

     Trên đây là những nguyên tắc quy định khái quát chung. Thật ra mỗi một bệnh nhân đều cần nghiên cứu để điều chỉnh, sắp đặt một chế độ ăn đúng cho riêng mình, cá nhân hóa, để đảm bảo điều trị bệnh thành công.

     IV. NHỮNG ĐIỀU LƯU Ý

     1. Đủ calo theo cân nặng và mức độ vận động

       * Người bình thường

       Nam 35calo/kg, nữ là 30calo/kg. Thay đổi theo hoạt động thể lực, tuổi, giới và cân nặng.

       * Người thừa cân, béo phì (BMI > 25)

       Giảm ăn, tăng vận động.

       * Người gầy, suy dinh dưỡng (BMI < 18)

     Ăn nhiều hơn để làm tăng cân, thức ăn nhiều chất đạm, chất béo, rau xanh.

    2. Ăn đều, chia nhiều bữa, bổ sung khoàng chất, vitamin

      * Số lượng và thời gian các bữa ăn nên chia đều, ổn định trong thời gian dài điều trị, tránh tình trạng đường máu tăng quá cao sau bữa ăn cũng như đường máu hạ thấp lúc xa bữa ăn, nhất là ở những bệnh nhân phải tiêm insulin hoặc dùng thuốc uống hạ đường máu.

     * Bệnh nhân đái tháo đường nên ăn ít nhất 3 bữa/ngày. Nếu bệnh nhân gầy hoặc hay bị hạ đường máu giữa các bữa ăn thì nên ăn tăng lên trong bữa chính hoặc ăn thêm 1-3 bữa phụ.

     * Ăn nhiều rau trái để đủ chất xơ; vitamin và muối khoáng.

    3. Chỉ số đường huyết, glycemic index GI, của mòn ăn

  Người đái tháo đường nên chọn các món ăn có GI thấp hoặc trung bình (màu xanh hoặc vàng) và tránh dùng thực phẩm GI cao (màu đỏ)   

   

      V. ĐÔI LỜI BÀN LUẬN

   Trong y khoa, chế độ ăn uống lại là cái chân quan trọng nhất của cái kiềng điều trị 3 chân (tripod of treatment). Do đó, một chế độ ăn hợp lý, đúng và đầy đủ góp phần quan trọng nhất cho điều trị thành công.

   Người đái tháo đường cũng phải ăn uống để đảm bảo đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động, nên chế độ ăn đái tháo đường cũng cần phải bảo đảm đủ cả về số lượng lẫn chất lượng như người bình thường, nghĩa là cần phải ăn đủ no và cũng có quyền được ăn ngon, ăn hợp khẩu vị miễn là phải theo đúng chế độ riêng của bệnh đái tháo đường. Không được kiêng khem quá đáng và tuyệt đối không được nhịn hoặc bỏ bữa ăn. Luôn luôn nhớ một nguyên tắc bắt buộc trong điều trị đái tháo đường là “có ăn cơm mới được dùng thuốc”.

  Trong thực tế, việc thực hiện chế độ ăn điều trị bệnh đái tháo đường có thể  thất bại do những thói quen xấu, do thiếu hiểu biết hay ngộ nhận của bệnh nhân và người nhà. Đôi khi là do tham khảo, chọn lựa chế độ ăn phức tạp, khó áp dụng thực tế, đặc biệt  ở các bệnh nhân có bệnh kèm hay có biến chứng. Do đó, người bệnh đái tháo đường cần có sự tư vấn, hướng dãn thật kỹ càng của các chuyên gia.

  VI. THAM KHẢO

[1] Diabetic Diet

https://medlineplus.gov/diabeticdiet.html

[2] Diabetes Diet, Eating, & Physical Activity

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/diet-eating-physical-activity

[3] Diabetes Meal Planning

https://www.cdc.gov/diabetes/managing/eat-well/meal-plan-method.html

[4] Diabetes diet: Create your healthy-eating plan

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-diet/art-20044295

[5] What is a healthy, balanced diet for diabetes?

https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/enjoy-food/eating-with-diabetes/what-is-a-healthy-balanced-diet

[6] What to eat and avoid while on a ‘diabetes diet’

https://www.medicalnewstoday.com/articles/324416

[7] Recommendations on Diabetic Diet

https://www.chp.gov.hk/en/static/102339.html

[8] Nutritional Recommendations for Individuals with Diabetes

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279012/

[9] 10 tips for healthy eating with diabetes

https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/enjoy-food/eating-with-diabetes/10-ways-to-eat-well-with-diabetes

[10] Healthy diet for diabetes 

Healthy diet for diabetes 

 

                 TS.BS Tràn Bá Thoại

     Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM 

  .