Trang chủ » ẨM THỰC » ĐU ĐỦ MỸ (PAWPAW) CÓ CHỮA ĐƯỢC UNG THƯ GAN ?

ĐU ĐỦ MỸ (PAWPAW) CÓ CHỮA ĐƯỢC UNG THƯ GAN ?

   I. LỜI MỞ
   Năm 2017, dư luận “sốt” vì thông tin Đại tá, ThS.BS Nguyễn Lê, Bệnh viện 103, Giảng viên Học viện Quân y, tự chữa lành ung thư gan nguyên phát cho chính bản thân mình gần 10 năm, không cần qua những cách điều trị ung thư quen thuộc, mà chỉ bằng ngoại khoa đơn giản là dùng đu đủ Mỹ. Hồi đó, báo Dân trí có yêu cầu tôi cung cấp một số thông tin khoa học về những dược chất trong cây đu đủ Mỹ này.
   Gần đây, có vài bài báo giới thiệu trái mãng cầu Xiêm với hợp chất acetogenin (ACG) có khả năng chữa ung thư nên tôi xin trích đăng lại bài viết năm 2017 về vấn đề này.
   II. NHẬN DIỆN CÂY ĐU ĐỦ “MỸ” PAWPAW
       
   Đu đủ Mỹ, táo mãng cầu (custard-apple), pawpaw, assimin hay rassimin, tên khoa học Asimina tribola, thuộc họ Mãng cầu (Annonaceae), là loại cây thân cây gỗ nhỏ, cao tới 5 mét, phân cành nhiều, lá mọc so le, phiến lá như lá cây mãng cầu, quả ở nách trên cành.
   Trái các loại pawpaw được dùng để ăn và nuôi gia súc, gia cầm ở vùng đông bắc Mỹ cả ngàn năm trước. Do đó, hàng năm trên toàn vùng trung tây Hoa Kỳ đều có tổ chức lễ hội Pawpaw rất vui vẻ vào tháng Chín dương lịch.
         
    Hiện nay, đã có nhiều loại táo mãng cầu pawpaw chịu khí hậu nhiệt đới đã được di thực đến trồng ở các vùng ấm nóng của châu Á và châu Phi.
   Các nhà khoa học phát hiện trong vỏ thân, là và hạt nhiều loại pawpaw có chứa các hợp chất acetogenin có độc tính, có thể dùng để chữa nhiều bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, giun sán, sốt rét …và một số bệnh ung bướu như ung thư vòm họng, ung thư cổ tử cung, ung thư gan…
  Trong hạt đu đủ pawpaw còn chứa chất asimitrin và 4-hydroxytrilobin, độc với tế bào; và trong phần thịt của quả pawpaw rất giàu chất bột đường, acid béo, chủ yếu là chất octanoat…..
   III. CÁC CHẤT ACETOGENIN TRONG ĐU ĐỦ PAWPAW
     
   Theo các nhà khoa học, đã có đến 133 hợp chất acetogenins (ACG) được phát hiện, nghiên cứu. Trong đó, những chất acetogenins như bullatacin (A83), motrilin (A95), asimicin (A77), trilobacin (A96), annonacin (A8), gigantetronenin (A108) và squamocin (A73) được chứng minh rõ ràng là có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào MDR MCF -7/Adr một tế bào liên quan đến bệnh lý ung thư.
   Đã có nhiều nghiên cứu khoa học đa trung tâm về hợp chất acetogenin nào dùng cho căn bệnh ung thư nào rất cụ thể, cũng như nghiên cứu về độc tính, tác dụng phụ của các chất acetogenin khi đem sử dụng trên cơ thể con người. Khá nhiều chuyên gia cho rằng acetogenins có triển vọng sẽ trở thành một nguồn cung quan trọng các hợp chất phòng chống ung thư trong tương lai gần.
   Trong mãng cầu xiêm (na xiêm) cũng có những hoạt chất acetogenin nhưng hàm lượng thấp, chỉ bằng 1/10 trong đu đủ Mỹ.
   IV. NHỮNG ĐIỀU LƯU Ý
   1* Chỉ đu đủ pawpaw mới có tác dụng chữa ung thư
   Cần phân biệt đu đủ pawpaw với cây đu đủ thông thường. Đu đủ ăn quả, thực phẩm, tiếng Anh là papaya, tiếng Pháp là papayer, tên khoa học là carica papaya L., thuộc họ Đu đủ (Papayaceae), có thân thảo, cũng có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, đã được nhập trồng ở Việt Nam từ rất lâu đời. Đu đủ Mỹ, papaw là cây vùng ôn đới đông, bắc Mỹ, tên khoa học là Asimina triloba (L.) Dunal, thuộc họ Mãng cầu (na) (Annonaceae), có thân mộc và trái không làm thức ăn.
   Do đó, để khỏi nhầm lẫn thay vì gọi là đu đủ Mỹ chúng ta nên gọi là pawpaw hay “táo mãng cầu” (custard-apple) sẽ chính xác hơn.
   2* Các chất acetogenin không “hoàn toàn’’ vô hại !
   Khi điều trị ung thư, chúng ta thường nhắm ba mục tiêu, “kiềng ba chân” sau:
  (1) Tiêu diệt hết các tế bào ác tính nhưng có gắng không tổn thương tế bào lành chung quanh,
  (2) Nâng cao thể trạng, hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể,
  (3) Chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong thực tế, không có thuốc tuyệt đối an toàn, không có tác hại, tác dụng không mong muốn; đặc biệt với các thuốc tiêu diệt tế bào ung thư. Các chất acetogenin trong pawpaw cũng nên được lưu ý tương tự.
   Cần loại bỏ quan niệm “thuốc từ cây trái thường an toàn, vô hại”. Nhiều loại thực vật như lá ngón, nấm cựa gà, cà độc dược cũng có thể gây chết người. Ngay cả thuốc bổ vitamin, uống nhiều quá cũng “bổ ngữa” !!!
  3* Có tình trạng tế bào ung thư kháng thuốc
   Hiện nay, khoa học đã phát hiện tình trạng ung thư đa kháng rất khó chữa.
   Do đó, đã dùng thuốc, dù nguồn gốc “cây cỏ”, cũng nên tuân thủ quy định 4 đúng: “đúng căn bệnh, đúng cách dùng, đúng liều lượng và đúng liệu trình” để có được kết quả như ý.
V. THAM KHẢO
[1] Mãng cầu xiêm – “khắc tinh” của ung thư?
https://dantri.com.vn/suc-khoe/mang-cau-xiem-khac-tinh-cua-ung-thu-20210314193544846.htm
[2] Đu đủ pawpaw có chữa được ung thư gan?
https://dantri.com.vn/suc-khoe/du-du-pawpaw-chua-duoc-ung-thu-gan-20170910052439624.htm
                                                         TS.BS Trần Bá Thoại
                                      Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM