I. LỜI MỞ
Trong thế kỷ 21 này, nhân loại phải đối đầu với các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, nhóm bệnh nội tiết-chuyển hóa đứng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư.
Các bệnh nội tiết-chuyển hóa như béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… liên hệ mật thiết với ẩm thực, dinh dưỡng nên vấn đề tiết thực được đặt lên hàng đầu. Vì thế, rất nhiều kiểu ăn, chế độ ăn được phát triển, giới thiệu, tràn lan trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt mạng internet…Và không ít thực khách đã vất vả vì các “tác dụng ngược” khi vội vàng áp dụng sai lầm hay “cực đoan” các chế độ ăn kiêng không khoa học.
II. CÁC KIỂU, CHẾ ĐỘ ĂN SAI KHOA HỌC
1. BỎ BỮA LIÊN TỤC
Là sai lầm thường gặp nhất, có người bỏ bữa sáng có người bỏ bữa tối với ý tưởng là việc hiệu quả để cắt giảm calories tiêu thụ mỗi ngày, nhưng nó lại mang đến nhiều tác hại không ngờ:
Khi bỏ bữa, quá trình trao đổi chất sẽ khó chuyển hóa thành năng lượng hơn. Đồng thời, sẽ có xu hướng ăn vặt nhiều hơn để giảm bớt cơn đói. Hậu quả là cân nặng chẳng những không giảm mà có khi tăng mất kiểm soát.
2. ĂN KHÔNG ĐỦ LƯỢNG
Một sai lầm nghiêm trọng cũng thường thấy là không nạp đủ lượng thức ăn cần thiết cho cơ thể trong ngày.
Trung bình, cơ thể chúng ta lại cần khoảng 1800 calories mỗi ngày để duy trì được những hoạt động cần thiết. Nếu ăn ít hơn 1000 calories, cơ thể sẽ đói và sẽ phải huy động năng lượng từ mỡ, cơ dự trữ, bằng cách tự tiêu hóa bản thân (autodigestion). Tình huống này khiến cơ thể sẽ giảm cân bệnh lý, sụt cân,
3. KIÊNG ĂN THỊT ĐỎ HOÀN TOÀN
Kiểu ăn kiêng này gây kiệt sức vì thiếu lượng và gây bệnh vì thiếu chất. Mặc dù nhiều chuyên gia có khuyến cáo nên chuyển sang ăn ức gà hoặc các loại cá. Tuy nhiên, không nên quá “cực đoan”, mà vẫn thỉnh thoảng ăn thịt “bốn chân”, thịt đỏ để bổ sung đủ lượng sắt, vitamin B12 cần thiết cho cơ thể..
4. ĂN RAU TRÁI, DÙNG ĐỒ UỐNG THAY CƠM
Rau trái là thành phần thứ tư của ô vuông thức ăn food square. Rau trái chỉ cung cấp chất xơ, vitamin, chất khoáng, các chất vi lượng… và không thể cung cấp đủ ba nhóm dinh dưỡng đại lượng chính là chất bột đường, chất béo và chất đạm cho cơ thể..
5. ĂN BÙ CUỐI NGÀY, CUỐI TUẦN
Trong kiểu nhịn ăn gián đoạn phổ biến, 20: 4 hay 16:8 thực khách sẽ nhịn 16 đến 20 giờ rồi ăn bù trong 8 hay 4 giờ còn lại trong ngày vào ban đêm. Cần nhớ rằng, cơ thể chúng ta không phân biệt được ăn kiêng và bị đói. Khi bị hạn chế quá mức, để bảo tồn năng lượng, cơ thể sẽ phản ứng (feedback) bằng cách làm chậm nhịp tim, giảm quá trình trao đổi chất và ngừng sản xuất đủ hormone sinh sản….không tốt cho sức khỏe.
Nhiều người quan niệm là cứ ăn kiêng kham khổ các ngày trong tuần, đến cuối tuần thì “xả” một bữa. Điều này vô tình khiến cơ thể nạp quá nhiều calories hơn cần thiết, gây mất kiểm soát và kết quả giảm cân không còn.
6.THỬ NHIỀU TIẾT THỰC CÙNG LÚC
Cơ thể con người là một bộ máy sinh học vô cùng tinh vi, phức tạp. Mọi thay đổi, điều chỉnh của một hệ thống cơ thể đều cần một khoảng thời gian nhiều ngày, tuần mới thích nghi, dung nạp.
Chế độ ăn cũng vậy, một chế độ phù hợp phải được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Cảm thấy chế độ ăn này chưa hiệu quả, đã vội vàng tìm đến một chế độ ăn khác, khiến cơ thể liên tục thay đổi không thể nào thích ứng và chắc chắn chẳng thu lại được kết quả như ý gì.
III. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN
Khoa học dinh dưỡng chỉ rõ rằng, khẩu phần ăn hợp lý phải đủ thành bốn nhóm trong một hình biểu trưng gọi là “ô vuông” thức ăn: (1) chất bột, đường (carbohydrate), (2) chất béo, (3) chất đạm, thịt, và (4) muối khoáng, vitamin; Các chuyên gia ví von, khẩu phần ăn như một cái áo hoàn chỉnh cần có các thành phần cơ bản: vạt trước, vạt sau, cổ áo, tay áo, túi áo…“thừa không được mà thiếu cũng không xong”. Do trong thiên nhiên, không có một thực phẩm nào là hoàn hảo, đầy đủ 4 thành phần, nên chúng ta phải ăn thật đa dạng, nhiều món loại thức ăn.
Trong chế độ ăn giảm cân, nhiều nghiên cứu dài hơi, đa trung tâm, đối tượng tham gia lớn đều chỉ rõ: (1) Nguyên lý giảm cân là hạn chế, không, ăn thừa nhu cầu và tăng cường vận động; (2) Con người vẫn nên ăn đủ 3 bữa và tiết chế khẩu phần ăn mỗi bữa phù hợp cả chất lẫn lượng để đủ năng lượng, chất dinh dưỡng cho cơ thể sử dụng trong ngày; và (3) Mọi chế độ ăn “cực đoan”, duy ý chí .. đều sai khoa học, và về lâu về dài đều có hại.
IV. THAM KHẢO
[1] Kiểu ăn kiêng “hot” khiến… tăng cân vùn vụt
https://nld.com.vn/kieu-an-kieng-hot-khien-tang-can-vun-vut-196240104103214986.htm
[2] Cholesterol, đường huyết cao khó hiểu vì 2 kiểu ăn kiêng “thời thượng”
https://nld.com.vn/suc-khoe/cholesterol-duong-huyet-cao-kho-hieu-vi-2-kieu-an-kieng-thoi-thuong-2023052511015309.htm
[3] Uống theo kiểu “ăn kiêng” thế này, coi chừng gặp hoạ
https://nld.com.vn/suc-khoe/do-uong-an-kieng-kieu-nay-thuc-day-nhieu-benh-nguy-hiem-20191219153806018.htm
[4] Uống 2 lon nước ngọt ăn kiêng/ngày: Coi chừng chết sớm!
https://nld.com.vn/suc-khoe/uong-2-lon-nuoc-ngot-an-kieng-ngay-coi-chung-chet-som-20190215112722848.htm
[5] Ăn kiêng giảm cân nhưng… gây béo bụng
https://nld.com.vn/suc-khoe/an-kieng-giam-can-nhung-gay-beo-bung-20181005173138077.htm
[6] Ăn kiêng quá khắt khe sẽ suy tim !
https://nld.com.vn/suc-khoe/an-kieng-qua-khat-khe-se-suy-tim-20180203174543913.htm
[7] Những kiểu ăn kiêng sai lầm mà rất nhiều người mắc khi giảm cân, đặc biệt là cái số 3
https://kenh14.vn/nhung-kieu-an-kieng-sai-lam-ma-rat-nhieu-nguoi-mac-khi-giam-can-dac-biet-la-cai-so-3-20190327222007292.chn
[8] 7 chế độ ăn kiêng rút ngắn tuổi thọ
https://lifestyle.zingnews.vn/7-che-do-an-kieng-rut-ngan-tuoi-tho-post1397261.html
[9] Cholesterol, đường huyết cao khó hiểu vì 2 kiểu ăn kiêng “thời thượng”
https://khoahoc.tv/cholesterol-duong-huyet-cao-kho-hieu-vi-2-kieu-an-kieng-thoi-thuong-127672#google_vignette
[10] Ăn mặn, ăn chay đâu hay bằng ăn đúng!
https://giaoducthoidai.vn/an-man-an-chay-dau-hay-bang-an-dung-post77965.html
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM