I. LỜI MỞ
Hệ vi sinh vật đường ruột có vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và cân bằng nội môi. Khi bị thay đổi thành phần hay chức năng, ngoài tác động tại chỗ, còn có thể bị các bệnh lý khác nhau.
Vì ruột và da có ba điểm chung: lớp tế bào bảo vệ cơ thể chống lại mầm bệnh bên ngoài xâm nhập, nhiều thụ thể tiếp nhận và dẫn truyền tín hiệu thần kinh, và có hệ vi sinh tương tự, nên các nhà khoa học cho rằng có một trục liên kết bệnh lý “da-ruột” với nhau, và những rối loạn vi sinh đường ruột có thể khởi phát các bệnh lý ở da .
II. TỔNG QUAN VỀ HỆ VI SINH ĐƯỜNG RUỘT
Hệ vi sinh đường ruột (gut microbiome) là nhóm các vi sinh vật (vi khuẩn, siêu vi, nấm…), ký sinh trong hệ tiêu hóa, có ích và không gây bệnh lây nhiễm cho người. Bình thường, bộ ruột con người chứa hàng chục nghìn tỷ vi sinh vật với cả ngàn loài khác nhau.
Hệ vi sinh đường ruột bắt đầu phát triển ngay khi đứa trẻ chào đời. Theo Gut Microbiota World Watch và Hiệp hội Thần kinh học & Động lực châu Âu (European Society for Neurogastroenterology & Motility) thì đường tiêu hóa của trẻ sơ sinh nhanh chóng bị vi khuẩn xâm nhập từ mẹ và môi trường xung quanh. Ngay khi bú, các vi khuẩn bifidobacteria phát triển nhanh chóng trong ruột trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Research in Microbiology, năm 2008, cho thấy Enterococcus và Staphylococcus hiện diện trong phân su chuột sơ sinh, nghĩa là vi khuẩn từ ruột của mẹ vào phôi thai trước khi sinh.
Hệ vi khuẩn ruột đóng vai trò quan trọng trong:
(1) Quá trình tiêu hóa: giúp chuyển hóa một số thực phẩm vốn dạ dày và ruột non không có các enzyme tương ứng, như thoái hóa carbohydrate giải phóng axit béo chuỗi ngắn (SCFA).Các SCFA như butyrate cung cấp năng lượng cho tế bào ruột để tiêu diệt tế bào ung thư đại tràng;
(2) Sinh tổng hợp một số vitamin nhóm B, vitamin K; và
(3) Trong hoạt động chức năng của hệ miễn dịch. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng hệ vi khuẩn đường ruột tuy không gây bệnh lây nhiễm, nhưng khi mất cân bằng, rối loạn vi sinh (dysbiosis) sẽ liên quan đến một số bệnh như: viêm ruột; hội chứng ruột kích thích; béo phì; đái tháo đường thể 2; Các bệnh dị ứng như viêm da dị ứng (chàm) và hen suyễn…
Ruột và da có ba điểm chung:
(1) Là hệ thống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại mầm bệnh xâm nhập từ môi trường bên ngoài;
(2) Có vai trò lớn trong hệ thống dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Cả hai nơi, đều có thụ thể thần kinh gửi và nhận tín hiệu từ não rồi truyền tin đến các bộ phận khác của cơ thể; và
(3) Đều sở hữu một hệ vi sinh phong phú gần tương đồng nhau, gut microbiome và skin microbiome. Vì thế, các nhà sinh y học cho rằng giữa ruột và da có một sợi dây liên hệ khắng khít: trục ruột-da (gut-skin axis).
Hệ vi sinh đường ruột đa dạng nhất trong cơ thể. Nó có vai trò quan trọng trong các hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và cân bằng nội môi.v.v…Vì thế, khi sự cân bằng giữa vi sinh có lợi, không gây bệnh, với vi sinh có hại, gây bệnh bị rối loạn, tình trạng loạn vi sinh (dysbiosis), các bệnh lý về da, cũng như ở ruột sẽ xảy ra.
Thật ra, não bộ cũng có sự liên quan tương tự, cho nên nhiều nhà sinh y học mở rộng hơn thành trục ruột-não-da (gut-brain-skin axis). Theo lý thuyết này, trầm cảm và stress sẽ làm giảm tính thấm (intestinal permeability) và rối loạn vi sinh đường ruột. Hậu quả là gây phản ứng viêm hệ đường ruột rồi lê cả ở hệ thống da.
Ruột và da tương tác với nhau thông qua một số cơ chế, đặc biệt là qua hệ vi sinh vật và các chất chuyển hóa của chúng. Vì trục ruột-não-da liên quan chặt chẽ với nhau, cho nên sức khỏe nói chung liên hệ rất nhiều vào sức khỏe của da và ruột.
IV. NHỮNG BỆNH DA LIÊN QUAN HỆ VI SINH ĐƯỜNG RUỘT
Y học cho thấy nhiều bệnh lý da thường gặp hơn ở những người có vấn đề về đường ruột và ngược lại. Những căn bệnh được kể ra gồm: Bệnh mụn đỏ (acnea rosacea) có liên quan đến hội chứng vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức SIBO; Người bị Bệnh viêm ruột IBD có nguy cơ bị các bệnh da cao hơn, như viêm da dị ứng và hồng ban; Bệnh celiac cũng liên quan đến các vấn đề về da, Bệnh vảy nến (psoriasis). Nghiên cứu thấy bệnh nhân vảy nến có hệ vi khuẩn da tăng streptococcus và giảm propionibacterium; hệ vi sinh vật đường ruột có firmicutes, bacteroidetes nhiễu loạn, và actinobacteria giảm so với người khỏe.
V. HỆ VI SNH ĐƯỜNG RUỘT LIÊN HỆ BỆNH LÝ DA THẾ NÀO ?
Từ năm 1930, Stokes và Pillsbury đã đầu tiên đưa ra giả thuyết về mối liên hệ giữa da, não và ruột: Những kích xúc, xung động thần kinh có thể dẫn đến sự thay đổi của hệ vi sinh đường ruột, sau đó gây ra viêm nhiễm tại chỗ và toàn thân. Nhiều bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa có thể có vấn đề về da liên quan đến chúng.
Trên lâm sàng, có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và các bệnh lý da như bệnh vẩy nến, bệnh hồng ban và viêm da dị ứng.
Hệ vi sinh đường ruột có thể liên quan với bệnh lý da qua các cơ chế:
*1. Vi khuẩn đường ruột tạo ra axit béo chuỗi ngắn (short-chain fatty acids, SCFA) hoặc axit béo bão hòa chuỗi dài (long chain saturated fatty acids, LCFA). Trong khi các SCFA như butyrate, acetate và proprionate có thể có tác dụng chống viêm, thì các LCFA có thể kích hoạt gây viêm nhiều hơn.
*2. Các tế bào biểu mô ruột trực tiếp chế tiết ra các protein viêm cytokine, điều chỉnh các phản ứng viêm;
*3. Hệ vi sinh đường ruột ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn dịch.
*4. Ăn uống có thể cung cấp các phân tử có khả năng đi trực tiếp vào da, chẳng hạn như beta carotenoids (dẫn xuất của vitamin A). Dùng thức ăn có dẫn chất carotenoid có khả năng là bảo vệ da khỏi bị viêm khi tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng.
*5. Tác dụng của các lợi vi sinh (probiotic) ruột:
Probiotic Bifidobacterium có khả năng bảo vệ chống lại tác hại của tia UV ánh nắng mặt trời và giảm nguy cơ ung thư da.
VI. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN
Hệ vi sinh đường ruột chứa hàng chục nghìn tỷ cả thể với cả ngàn loài khác nhau. Chúng giúp cân bằng nội môi, ổn định hệ tiêu hóa như giúp tiêu hóa một số thực phẩm vốn dạ dày và ruột non không có các enzyme tương ứng; sinh tổng hợp một số vitamin nhóm B, vitamin K; và đóng vai trò quan trọng trong chức năng hệ miễn dịch. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy có mối liên quan rõ giữa hệ vi sinh đường ruột với một số bệnh lý của con người, như nội tiết và chuyển hóa, thần kinh, miễn dịch dị ứng, ung thư; và gần đây được đề cập nhiều là bệnh da liễu..
Vì ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa bệnh lý da và “sức khỏe” đường ruột, nên liệu pháp điều trị bệnh da liễu có kết hợp việc chỉnh lý hệ vi sinh đường ruột như: (1) Do bệnh viêm ruột và vảy nến đều có sự suy giảm nấm men saccharomyces cerevisiae, nên trong điều trị vảy nến thầy thuốc lâm sàng thường sử dụng thêm dimethylfumarate nhằm nuôi dưỡng, gia tăng lượng nấm men này; (2) Nhiều loại probiotic được dùng trong chăm sóc da: Lactobacillus trong viêm da dị ứng, iều trị bệnh chàm, điều trị mụn trứng cá, ngừa tác hại của tia cực tím dẫn đến ung thư da. Bifidobacterium ngừa viêm tổn thương da do tia UV ánh nắng mặt trời và giảm nguy cơ ung thư da.
VII. THAY LỜI KẾT
Rối loạn hệ vi sinh đường ruột là một nguyên nhân lớn gây các rối loạn trên da. Do đó, các thầy thuốc da liễu lâm sàng thường áp dụng liệu pháp 5 R: Remove (loại bỏ), Replace (thay thế), Reinoculate (tái cấu trúc), Repair (sửa chữa), và Rebalace (tái cân bằng): (1) Đầu tiên phải loại bỏ các yếu tố gây hại hệ vi sinh ruột như stress, vi khuẩn gây bệnh, độc tố môi trường hoặc dị ứng thực phẩm. Một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhất cho giai đoạn này là chế độ ăn kiêng để tạm thời loại bỏ tất cả các loại thực phẩm phổ biến nhất có thể gây ra rối loạn; (2) Trong bước thay thế, cần bổ sung, các enzyme tiêu hóa, axit hydrochloric và axit mật…cần thiết, tùy tình huống để giúp tiêu hóa và hấp thu tốt thức ăn; (3) Tái cấu trúc là cung cấp lại các vi sinh vật tốt vào ruột, điển hình là thông qua việc sử dụng một chế phẩm sinh học mạnh, chế độ ăn giàu chất xơ, và prebiotic; (4) Trong giai đoạn sửa chữa, dưỡng chất, vitamin, khoáng, chất vi lượng được thêm vào để hỗ trợ sửa chữa các tổn thương ruột, như viêm, loét hoặc rò rỉ; và (5) Tái cân bằng. Ngoài chế độ ăn, cần cân bằng tổng thể lối sống như giảm mất thiếu ngủ hoặc giảm stress tâm lý, xã hội để hỗ trợ bộ ruột khỏe mạnh.
VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Vi khuẩn đường ruột và sức khỏe con người
https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-khuan-duong-ruot-va-suc-khoe-con-nguoi-20190519161434109.htm
[2] What is the difference between prebiotic, probiotic, and synbiotic ?
http://med.duytan.edu.vn/media/63171/what-is-the-difference-between-prebiotic.pdf
[3] Skin-gut axis: the relationship between gut bacteria and skin health
https://www.wjgnet.com/2218-6190/full/v6/i4/52.htm
[4] Gut-skin axis: the importance of gut health for radiant skin
[5] Microbiome in the gut-skin axis in atopic dermatitis
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6021588/
[6] The gut microbiome as a major regulator of the gut-skin axis
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6048199/
[7] Gut-skin connection: How altered gut function affects the skin
https://chriskresser.com/the-gut-skin-connection-how-altered-gut-function-affects-the-skin/
[8] The role of the skin microbiome in skin care
[9] The role of the skin and gut microbiome in psoriasis
[10] If you want to heal your skin, you have to heal your gut first.
https://www.truewellnessbytrue.com/2017/11/01/want-heal-skin-heal-gut/
TRỤC RUỘT-DA: MỐI LIÊN QUAN GIỮA NHỮNG BỆNH LÝ DA VỚI HỆ VI SINH ĐƯỜNG RUỘT
TS.BS TRẦN BÁ THOẠI
Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM