Trang chủ » ẨM THỰC » THUỐC THEO TOA, THUỐC KHÔNG TOA, MỸ PHẨM VÀ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

THUỐC THEO TOA, THUỐC KHÔNG TOA, MỸ PHẨM VÀ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

   I. LỜI DẪN

  Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam đang “loạn trí” vì một rừng thông tin, giới thiệu và quảng cáo về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm trên các  phương tiện thông tin đại chúng. Tệ hại hơn, mỹ phẩm , thực phẩm chức năng lại được bày bán đại trà tại các nhà thuốc.

  Ngay cả thuốc, nhiều thông tin không rõ ràng, nhầm lẫn cả định nghĩa cơ bản

  Dưới đây là các định nghĩa, phân biệt cơ bản và chức năng của các nhóm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng

   II. THUỐC

   Chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu thuốc, vaccin, sinh phẩm y tế. Thuốc Tây (tân dược) hay thuốc Nam (đông dược) đều phải được sản xuất tại các nhà sản máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc– tiêu chuẩn của Tổ chức Y Tế Thế giới).

    1. THUỐC PHẢI CÓ TOA (prescription-only-medicine, POM)

   Là các thuốc bắt buộc người mua phải được các chuyên gia y tế chẩn đoán và kê đơn, cấp toa.

   Thuốc theo đơn bao gồm tất cả các loại kháng sinh, thuốc đặc trị, thuốc có thể gây nghiện.v.v…

      2. THUỐC Ở QUẦY (pharmacy medicine, PM)

  Là các dược phẩm được mua tại nhà thuốc có mặt dược sĩ. Những loại thuốc này còn được gọi là ‘thuốc chỉ dành cho nhà thuốc’, thường không được trưng bày trên các giá kệ mở.

  Đây là các gói thuốc để điều trị ngắn hạn các tình trạng y tế có thể được xác định dễ dàng và không có khả năng kéo dài. Nhân viên nhà thuốc cần trao đổi với người mua về cách sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được chọn phù hợp và có lời khuyên để gặp chuyên gia y tế nếu tình trạng không cải thiện hoặc trở xấu hơn.

   Các thuốc ở quầy gồm thuốc tránh thai khẩn cấp dạng viên nén và thuốc chứa codein để điều trị cơn đau không thuyên giảm chỉ bằng aspirin, ibuprofen hoặc paracetamol.

   3. THUỐC TỔNG QUÁT (general sale medicines GSM)

   Các gói thuốc tổng quát bán từ các cửa hàng bán lẻ như cửa hàng tạp hóa và siêu thị để dùng cho các bệnh thông thường, dễ nhận biết.

   Để giảm nguy cơ gây hại do sử dụng không đúng cách, nhiều gói thuốc bán thông thường chỉ chứa liều lượng cho 2-3 ngày, và thường có lời dăn cần được trợ giúp từ chuyên gia y tế nếu bệnh không cải thiện hoặc xấu hơn. Ngoài ra, các loại thuốc trong gói bán chung chỉ hạn chế sử dụng cho một số nhóm người nhất định, như không được dùng cho trẻ em hoặc phụ nữ mang thai.

   Các thuốc bán thông thường bao gồm các gói nhỏ thuốc giảm đau và thuốc kháng histamine, thuốc hạ sốt, sổ mũi mùa và các bệnh dị ứng khác.

   4. THUỐC KHÔNG CẦN TOA (over-the-counter medicine OTC)

  Bao gồm hai loại thuốc bán thông thườngthuốc ở quầy dược.    

    III. MỸ PHẨM (Cosmeceuticals)

  Chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt. Mỹ phẩm không hề có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh

   IV. THỰC PHẨM CHỨC NĂNG (Functional foods, Nutraceuticals)

 Thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người. Rõ hơn, thực phẩm chức năng có tác dụng dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, hổ trợ sức khỏe cho người sử dụng .

  Cũng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chỉ hổ trợ và hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc và không được phép kê đơn cho người bệnh .

   Cũng theo qui định của Bộ Y Tế, để nhận biết chính xác đó là thuốc, mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng, cần biết  mã số đăng ký lưu hành (SĐK).

   V. LỜI BÀN

  Rắc rối trong thực tế là việc phân chia không thể thật rạch ròi vì ba lẽ:

 1. Nhiều chất khó phân ranh giữa thuốc và thực phẩm, ví dụ: rượu vang, một số loại nấm, vitamin, khoáng chất…, 

  2. Bản thân thực phẩm chức năng hoặc có chứa yếu tố có lợi với hàm lượng cao: dầu gan cá có chứa nhiều axít béo omega 3, vitamin A; các loại rau trái nhiều chất xơ giúp chống béo phì, thừa mỡ; các hải sản như rong biển có hàm lượng iode rất cao.v.v.. hoặc được “cải tạo” (modified) để có nhiều tác dụng sinh học hơn: sữa có thêm can xi, sữa chuyên cho người đái tháo đường…, những thực phẩm chức năng này được gọi là còn gọi là thực phẩm thuốc (alicaments, medical foods ) hay dược phẩm dinh dưỡng (nutraceutics) và 

  3. Một số mỹ phẩm cũng có tác dụng chữa bệnh: kem chống nắng, kem chống khô da, bột hút ẩm …rất hữu ích trong điều trị bệnh ngoài da.

  Do đó, cần lưu ý nhận biết, phân biệt các loại nhóm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giúp người tiêu dùng để định hướng, sử dụng hợp lý và hiệu quả những phẩm vật này trong cuộc sống. 

  VI. THAM KHẢO

[1] Medicines: reclassify your product

https://www.gov.uk/guidance/medicines-reclassify-your-product#prescription-only-medicine-pom-to-pharmacy-p-medicine

[2] Prescription Drugs and Over-the-Counter (OTC) Drugs

https://www.fda.gov/drugs/frequently-asked-questions-popular-topics/prescription-drugs-and-over-counter-otc-drugs-questions-and-answers

[3] Over-the-counter drug

https://en.wikipedia.org/wiki/Over-the-counter_drug

[4] Prescription vs. Over-the-Counter Medication

https://www.baptist-health.com/blog/prescription-vs-over-the-counter-medication/

[4] Classification of Drugs, Nutraceuticals, Functional Food, and Cosmeceuticals; Proteins, Peptides, and Enzymes as Drugs

https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-3-319-63862-1_5

[5] Ask The Expert: Over-The-Counter And Prescription Drugs

https://www.healthinaging.org/tools-and-tips/ask-expert-over-counter-and-prescription-drugs

[6] What is the Difference Between Over-the-Counter and Prescription?

https://www.iwpharmacy.com/blog/difference-between-otc-and-prescription

[7] From prescription-only to over-the-counter medicines

https://academic.oup.com/bmb/article/90/1/63/324964

[8] Phân loại thuóc kê đơn, thuốc không kê đơn, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng

https://vcp.com.vn/phan-loai-thuoc-ke-donthuoc-khong-ke-don-thuc-pham-chuc-nang-my-pham-duoc-si-nen-biet.html

[9] Phân biệt thuốc và sản phẩm không phải thuốc

https://medinet.gov.vn/chuyen-muc/phan-biet-thuoc-va-cac-san-pham-khong-phai-la-thuoc-cmobile1044-63142.aspx

[10] Phân biệt thực phẩm chức năng và thuốc

https://www.pharmacity.vn/phan-biet-thuc-pham-chuc-nang-va-thuoc.htm

                                                      TS.BS TRẦN BÁ THOẠI  

                                        Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM