Trang chủ » ẨM THỰC » CÁC “MÓN MẶN” CHO NGƯỜI ĂN CHAY

CÁC “MÓN MẶN” CHO NGƯỜI ĂN CHAY

  I. LỜI MỞ

 Trên thế giới hiện nay, do lo sợ những bệnh nội tiết và chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, mỡ máu tăng huyết áp….nhiều người có xu hướng ăn chay.

  Ở Việt Nam, ăn chay cũng là xu hướng lựa chọn của khá nhiều người vì hai lý do chính là tôn giáo và sức khoẻ.

  Để tránh “sát sinh”, thức ăn chay hoàn toàn có gốc thực vật: rau, trái, củ, hạt…nên không hoàn chỉnh như gốc động vật. Do đó, các nhà chế biến và nhà khoa học thực phẩm sáng tạo ra các món măn “không sát sinh” cho người ăn chay sau.

II. TỔNG QUAN VỀ ĂN CHAY

    Nguyên lúc ban đầu thức ăn chay (ăn trai) là chế độ ăn dùng hoàn toàn thực phẩm gốc thực vật: rau, trái, củ, hạt…. người theo đạo Phật sử dụng để  tránh “sát sanh”. Ăn chay được dùng đối nghịch với ăn mặn (ăn mạng sống). Theo diễn biến tự nhiên của lối sống, dần dà ăn chay phổ cập trong cộng đồng và đã có những biến thể linh hoạt, thực tế hơn.

   Cần lưu ý phân biệt rõ ăn chay khác hẳn với ăn kiêng cử (fasting) tức là kiêng giảm ăn uống dưới mức nhu cầu thậm chí nhịn hay bỏ ăn.

   Hiện nay thức ăn chay được xếp vào trong 6 loại nhóm:

(1) Ăn chay tuyệt đối (vegans): chỉ dùng thuần túy các món ăn gốc thực vật,  (2) Ăn chay có sữa (lacto-vegetarians): cho phép dùng các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa lạt nguyên chất, sữa tách bơ, sữa có đường, như sữa, sữa chua, bơ, phô mai….

(3) Ăn chay có trứng (ovo-vegetarians): cho phép dùng thêm trứng các sản phẩm chế biến từ trứng.  

(4) Ăn chay có sữa, trứng (lacto-ovo vegetarians): phối hợp ăn chay có sữa và có trứng,

(5) Ăn chay có cá (pescatarian): cho phép ăn thêm các loại cá, và 

(6) Chay linh hoạt hay chay tương đối (flexitarians, semivegetarians): là ăn chay nhưng thỉnh thoảng có thể ăn thêm một ít thịt, cá…tương tự kiểu ăn thực dưỡng (macrobiotic) Oshawa.

 III. CÁC MÓN MẶN CHO NGƯỜI ĂN CHAY

  1* MÓN CHAY “GIẢ MẶN”

  Là món ăn cho nhiều người mới tập ăn chay, mới quy y vào chùa theo đạo Phật với mục đích là có thói quen để dần dần ăn chay chính thống.

  Những món thịt chay “giả mặn” này thực chất là các thức ăn chay thật sự nhưng được chế biến khéo léo để có hình thức và tên gọi hoàn toàn mặn như: thịt gà xé, giò chả lụa, chả thủ, bún giò, trứng rán….nhưng chất dinh dưỡng thì hoàn toàn không giống với danh tên.

  Vì thị phần đồ chay phát triển, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm đã sản xuất  “công nghiệp” cho ra vô số loại món ăn chay “giả mặn”, sử dụng nhiều loại chất phụ gia hóa chất để tạo mùi, tạo màu, độ cứng, xốp…nên khó đảm bảo an toàn.

  2* THỊT “THỰC VẬT” (plant-based meat)

  Từ nguồn đạm thực vật, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm đã sang chế nhiều món thịt “thực vật” (plant-based meat) hay thịt “chay” chính hiệu.

  Khác món chay “giả” mặn, thịt thực vật có thành phần hóa học hoàn toàn giống thịt, chỉ có điều khác là các axit amin, những đơn vị cấu tạo của chất đạm, được chiết xuất hoàn toàn từ cây trái.

  Theo Tiến sĩ Joel Gilmore, nhà truyền thông khoa học ở Brisbane, việc tái tạo thịt “thực vật” rất phức tạp và là một thách đố thật sự. Cấu trúc chất đạm “bắt chước” hệt thịt bò, được tái tạo ngược lại bằng cách sử dụng protein, chất béo, axit amin và vitamin nguồn thực vật. Những những bó sợi protein, được nghiền, ép và kéo thành sợi như thớ thịt động vật và miếng thịt “chay” được tạo thành theo đúng khuôn thước yêu cầu. Các cơ sở sản xuất thịt “chay” chỉ dùng những phụ gia thực phẩm “thiên nhiên” để tạo màu, mùi, vị…tương ứng. Ví dụ: cho hợp các loại nấm với hạt bí ngô..để tạo hương vị và kết cấu của loại sô cô la, kết hợp sake với đậu nành để tạo hương vị bánh mì kẹp thịt…

   Hiện nay, ở Âu Mỹ, nhiều món thịt “chay” đã được cầu chứng. Cơ quan Kiểm soát Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ, FDA, đã cho phép Beyond Meat, Impossible Foods….tung ra thị trường nhiều loại xúc xích, hamburger… hoàn toàn “chay”.

  3* THỊT “NUÔI CẤY” (cell-cultured meat)

  Thịt nuôi cấy tế bào (cell-cultured meat), thịt ống nghiệm (in vitro meat), thịt phòng thí nghiệm (lab-grown meat), thịt tổng hợp (synthetic meat), là một loại thịt nhân tạo sản sinh bằng cách nuôi cấy các tế bào cơ bắp trong một dung dịch huyết thanh dinh dưỡng và phát triển thành dạng miếng thịt như bắp cơ động vật. 

                        

  Với phương cách tương tự, các nhà khoa học cũng có thể tạo ra các sản phẩm động vật như sữa nhân tạo hoặc lòng trắng trứng không từ trứng bằng cách nuôi những con nấm men được biến đổi gen di truyền để tạo ra các protein tương ứng sau đó được chiết xuất và trộn với đúng hàm lượng trong sữa hoặc trứng thật.

Với nền ‘nông nghiệp tế bào’ tiên tiến này, các nhà khoa học đầy đủ cơ sở để hy vọng có thể tạo ra những loại thịt nhân tạo khác nhau nhưng đều tốt phù hợp với tình trạng sức khỏe, căn bệnh và thậm chí tạo ra thịt của những con vật quý hiếm, đã tuyệt chủng để thưởng thức “cho biết” mùi vị thế nào. 

  4* THỊT TỔNG HỢP TỪ KHÍ TRỜI SOLEIN (solar foods)

  Bằng công nghệ bắt giữ carbon (carbon-capture technology), công ty Solar Foods, Phần Lan, chiết trích CO2 từ không khí, sau đó cho kết hợp với nước, chất dinh dưỡng và vitamin, với 100% năng lượng mặt trời để thúc đẩy quá trình lên men tự nhiên để tạo ra là một thức ăn giàu protein mới, solein.

  Solein là một thực phẩm giống bột mì, nhưng rất giàu đạm (high-protein), hàm lượng ba nhóm dinh dưỡng chính là: 50% chất đạm, 5- 10% chất béo và 20-25% chất đường bột (carbs). Theo dự kiến của Solar foods, solein sẽ ra mắt lần đầu vào năm 2021 trong nhiều dạng thực phẩm thị trường.

  IV. THỊT “CHAY” CÓ LẮM ĐIỀU HAY

  Trừ loại thịt chay “giả mặn”, các loại thịt “chay”, “không động vật” như thịt thực vật, thịt nuôi cấy, và thịt tổng hợp đúng là những loại thịt theo ý nghĩa khoa học, dinh dưỡng, và hiện đại.

   Nhờ được sản xuất với công nghệ khoa học tiên tiến, các loại thịt chay thường được chủ động xử lý để có giá trị dinh dưỡng cao, thích hợp và tốt hơn cho con người: (1) Có thể gia thêm ((fortifying) những chất dinh dưỡng (axit amin, vitamin, khoáng chất) vốn thiếu ở các nguồn thứa ăn thực vật như lysin, methionine, tryptophan, vitatmin B12, vitamin D…; (2) Loại bỏ những thành phần nguy hiểm trong thịt động vật, như chất béo, cholesterol…; (3) Vì các loại thịt chay này được nuôi cấy hay tổng hợp trong môi trường vô trùng nên không bị ô nhiễm kháng sinh, thuốc tăng trọng, thuốc trừ sâu như ở thịt động vật.

Theo Tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc FAO, nhu cầu thịt đang tăng nhanh, đến năm 2050, khi dân số thế giới vượt qua 9 tỷ thì nhu cầu thịt dự kiến sẽ tăng thêm hơn 70% mức hiện nay. Con người đã sử dụng phần lớn đất nông nghiệp để chăn nuôi; và nhu cầu cấp nước cũng tăng tỷ lệ thuận việc nuôi động vật, để sản xuất 1 cái hamburger 150 gam cần gần 6 khối nước. Do đó, rất khó để tăng sản lượng thịt lên 70% qua chăn nuôi. Chúng ta buộc phải giảm tiêu thụ thịt, hoặc tìm một cách hiệu quả hơn để sản xuất nó. và thịt nuôi cấy và thịt tổng hợp là cứu cánh trong tương lai.

  Các nhà khoa học cũng tính ra rằng, sản xuất thịt nuôi cấy sẽ sử dụng đất ít hơn 99% và nước ít hơn 96%. Theo các nhà khoa học Đại học Maastricht, Hà Lan, các tế bào từ một con bò có thể tạo ra 175 triệu pound thịt, trong khi cùng sản lượng này, phương pháp chăn nuôi truyền thống sẽ cần đến 440.000 con bò. Với hiệu quả cao như thế, thịt nuôi cấy là phương sách, cứu cánh, cung cấp đủ thịt cho con người trong tương lai.

  V. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

  Thịt chay “giả mặn” bản chất không phải là thịt đúng nghĩa. Các vị cao tăng cho rằng ăn các món chay giả mặn là ngược với giáo lý “tu là tự tâm”. Đại đức Thích Nhật Từ, Thành hội Phật giáo TP HCM cho rằng: Ăn chay giả mặn, mầm mống sát sinh vẫn thầm lặng được xúc tác, tưới tẩm và nuôi dưỡng chẳng khác với ăn những động vật thật sự.

  Ngoài ý nghĩa là “chay”, “không sát sinh”, thịt thực vật, thịt nuôi cấy, và thịt tổng hợp cũng góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường sống: (1) Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UN Enviromental Program), Tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO), và  Liên minh các nhà khoa học (Union of Concerned Scientists), đều nhận định việc dùng thịt “thực vật” góp phần giảm sức ép lên sinh thái học như giảm tiêu tốn năng lượng, giảm khí thải hiệu ứng nhà kính…Giáo sư Patrick Brown, Đại học Stanford, nói: “Chúng tôi tin rằng các loại thịt “thực vật” sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết một trong những thách thức cấp bách nhất của hành tinh: nuôi dưỡng một dân số toàn cầu ngày càng tăng trong khi những tài nguyên quý giá của trái đất ngày càng teo nhỏ bớt”; (2) Theo tính toán của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, việc chăn nuôi gia súc truyền thống tốn kém rất nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn nước, nhiên liệu củi than, hóa thạch, nên sẽ làm cạn kiệt tài nguyên môi trường. Chăn nuôi truyền thống cũng gây phát thải rất nhiều khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Do đó, WHO nhận định việc triển khai nền “nông nghiệp tế bào”, thịt nuôi cấy nhân tạo, sẽ có tác động rất tích cực và vô cùng to lớn để cải thiện môi trường sống của con người trên trái đất vốn đang ô nhiễm trầm trọng.

  ‘Nông nghiệp tế bào’ còn giúp phát triển nhiều loại thịt nhân tạo khác nhau phù hợp với tình trạng sức khỏe, căn bệnh và thậm chí tạo ra thịt của những con vật quý hiếm, đã tuyệt chủng để thưởng thức “cho biết” mùi vị thế nào. 

   Dù được nhóm bảo vệ quyền động vật hoan nghênh: tránh giết mổ, tàn sát súc vật nuôi…, một số người ăn chay, đặc biệt nhóm ăn chay tuyệt đối, vẫn chống đối vì cho là đây là loại thịt phát triển từ nuôi cấy bắp cơ con vật nên vô hình trung dùng các món ăn có thịt nuôi cấy tổng hợp cũng là ăn thịt động vật, là sát sinh.

  VI. THAY LỜI KẾT

Thịt thực vật, thịt nuôi cấy, và thịt tổng hợp đúng là những loại thịt theo ý nghĩa khoa học, dinh dưỡng. Đây là thịt chay “chính hiệu”, sạch (clean), thực phẩm “trí tuệ” công nghệ 3.0, và hứa hẹn là những loại thịt “tương lai” của con người.

 Thịt chay cũng là món thịt sạch (clean meat) đúng nghĩa: hợp dinh dưỡng, an toàn, tốt hơn cả thịt động vật, có thể dùng cho cả hai giới ăn mặn lẫn ăn chay…

  Và đã là thịt sạch, thịt “hiện đại”, chúng ta nên an tâm sử dụng và đừng quan tâm lắm tên gọi là gì và xuất xứ từ đâu.

 VII. THAM KHẢO

[1] Harward Health Publishing (2011) Is fructose bad for you?

https://www.health.harvard.edu/blog/is-fructose-bad-for-you-201104262425

[2] Healthline (2018) Vegetarian Diet: A Beginner’s Guide and Meal Plan

https://www.healthline.com/nutrition/vegetarian-diet-plan

[3] HealthLine (2018) Why Is Fructose Bad For You?

https://www.healthline.com/nutrition/why-is-fructose-bad-for-you 10

[4] Hoàng Thị Thu Hương và cs  (1998-2002 ) Khảo sát một số thông số sinh hoá liên quan đến bệnh tim mạch, tình trạng dinh dưỡng và miễn dịch của 112 người có chế độ thuần chay. Luận án Tiến sĩ

[5] JAMA (2017) High Prevalence of Diabetes, Prediabetes in China

https://media.jamanetwork.com/news-item/high-prevalence-diabetes-prediabetes-china/

[6] Mayo Clinic (2018) Vegetarian diet: How to get the best nutrition

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/vegetarian-diet/art-20046446

[7] MedlinePlus (2018) Vegetarian Diet

https://medlineplus.gov/vegetariandiet.html

[8] MedicalNewsToday (2018) What to know about the vegetarian diet

 https://www.medicalnewstoday.com/articles/8749.php

[9] Medscape (2015) How Dangerous Is Fructose?

https://www.medscape.com/viewarticle/852414

[10] MedwireNews (2017) Nearly half of Chinese adults have diabetes or prediabetes

https://diabetes.medicinematters.com/epidemiology/prediabetes/nearly-half-of-chinese-adults-have-diabetes-or-prediabetes/12902246

[11] NCBI PubMed (2005) Adverse effects of dietary fructose.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16366738

[12] Trần Bá Thoại (2015) Ăn chay đúng sách mới hay

https://dantri.com.vn/suc-khoe/an-chay-dung-sach-moi-hay-20151115061444842.htm

[13] Trần Bá Thoại (2016) Ăn mặn, ăn chay, đâu hay bằng ăn đúng

https://dantri.com.vn/suc-khoe/an-man-an-chay-dau-hay-bang-an-dung-20160414105700559.htm

[14] Trần Bá Thoại (2017) Thịt động vật, đạm thực vật: chọn ăn thứ nào?

 https://vade.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=65

[15] Nguyễn Hải Thủy và cs (2007): Nghiên cứu rối loạn đường máu ở giới tu sĩ ≥15 tuổi có chế độ ăn trường chay tại TP Huế. Đề tài cấp bộ Mã số B2004-10-01. Đại Học Huế.

[16] Nguyễn Hải Thuỷ, Thích Hải Ấn, Nguyễn Thọ Lịch, Hoàng Thị Thu Hương, Nguyễn thị Diệu Thanh, Nguyễn Hải Quý Trâm (2005). Khảo sát yếu tố nguy cơ ở đối tượng ăn trường chay có tăng đường máu. Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học, Đại Hội Hội Nội tiết và đái tháo đường

 

                                                          TS.BS Trần Bá Thoại

                                             Uỷ viên BCH Hội Nội tiêt Việt Nam