Trang chủ » Phụ lục » BÁO FIGARO (PHÁP) CÔNG BỐ CÁC VẤN ĐỀ CHÍ MẠNG CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU VIRUS VŨ HÁN

BÁO FIGARO (PHÁP) CÔNG BỐ CÁC VẤN ĐỀ CHÍ MẠNG CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU VIRUS VŨ HÁN

Theo trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 7/5, báo Pháp Le Figaro ngày 3/5 đã công bố báo cáo điều tra của chuyên gia chiến lược quốc phòng Isabelle Lasserre, đào sâu câu chuyện nội tình việc Pháp chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, bao gồm cả vấn đề niêm phong phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán năm ngoái.

isabelle lasserre

Bản báo cáo viết, liệu có phải coronavirus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm P4 của Viện nghiên cứu virus Vũ Hán như ông Donald Trump nói? Có phải ở đó có loại virus nguy hiểm nhất thế giới? Hoặc nó bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm P3 gần đấy vì các coronavirus cũng được nghiên cứu ở đó? Hay nó đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm P2 của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Vũ Hán – nơi cũng nghiên cứu virus Corona trên dơi và chỉ cách chợ “hàng ướt” Hoa Nam nổi tiếng có 300 mét?

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hôm Chủ nhật 3/5 rằng ông có nhiều bằng chứng cho thấy mầm bệnh COVID-19 đến từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nhưng ông không nói rõ virus này đến từ phòng thí nghiệm nào, và ông cũng không trả lời câu hỏi liệu virus này có bị Bắc Kinh cố ý rò rỉ hay không.

Lo lắng về việc liên đới bị Bắc Kinh lợi dụng để tuyên truyền sai lệch  

Le Figaro nói rằng không thể xác định cái nào trong số các giả định trên có khả năng nhất. Tuy nhiên, do virus phát nguồn từ Vũ Hán, Bắc Kinh lại đặt phòng thí nghiệm P4 có độ bảo mật cao do Pháp cung cấp tại thành phố này và chính quyền Trung Quốc đã cố gắng hết sức để che giấu; vì vậy một câu hỏi rất nhạy cảm được đặt ra ở Pháp: tại sao lại bán công nghệ lưỡng dụng quân sự – dân sự cho Trung Quốc?

Nếu sự thực được chứng minh, thì Paris sẽ rất bối rối vì Pháp đã chuyển giao công nghệ P4 cho Trung Quốc, do đó, một cách gián tiếp và vô tình đã đóng một vai trò trong việc truyền bá virus corona. Đặc biệt, chính quyền Trung Quốc có thể lợi dụng điều này trong các tuyên truyền sai lệch.

Có lẽ vì điều này, hiện nay trong giới quốc phòng và ngoại giao của Pháp, mọi người đều kín tiếng khi nói về vấn đề này “giống như miệng bị gắn chì”.

P4 cũng không phải là chủ đề nhạy cảm duy nhất trong loại công nghệ này. Một dự án khác là Công ty năng lượng hạt nhân Orano (trước đây gọi là Areva) xây dựng một nhà máy xử lý chất thải hạt nhân ở Trung Quốc. Dự án này đã bị trì hoãn trong 20 năm. Đối với Pháp, đây là một hợp đồng lớn, nhưng vì đây cũng là một dự án lưỡng dụng quân – dân sự, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh những rủi ro của nó.

Bắc Kinh muốn trang bị 5 đến 7 chiếc P4, 2 trong số đó là quân sự?

Cuộc điều tra cho thấy việc chuyển giao các dự án công nghệ P4 sang Trung Quốc được khởi xướng bởi Tổng thống Jasque Chirac và thủ tướng Jean Pierre Raffarin vào năm 2004. Dự án này sau đó đã trở thành cốt lõi của một cuộc đọ sức tại Pháp. Phe đồng ý là các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà khoa học, những người chủ trương giúp đỡ Trung Quốc vừa bước ra khỏi dịch SARS chống lại dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng, Cục Tình báo Đối ngoại (DGSE) và Bộ Ngoại giao Pháp đều kiên quyết phản đối dự án này, vì lo sợ P4 sẽ bị chính quyền Trung Quốc sử dụng để sản xuất vũ khí sinh học.

Họ nghi ngờ rằng Bắc Kinh cuối cùng muốn trang bị 5 đến 7 phòng thí nghiệm P4, hai trong số đó dùng cho mục đích quân sự. Một nhà ngoại giao Pháp theo sát vấn đề này nói: “Chúng tôi biết những rủi ro liên quan và chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ kiểm soát mọi thứ (của phòng thí nghiệm này) và sẽ sớm loại chúng tôi khỏi dự án này. Chúng tôi cho rằng việc cung cấp công nghệ tiên tiến này cho một quốc gia đang phát triển lực lượng quân sự không biết đến giới hạn có thể  khiến Pháp gặp nguy hiểm.

Theo một nguồn tin cấp cao tiết lộ, khi đó dự án đã gây ra một cuộc khủng hoảng tại Viện Pasteur của Pháp. Ủy ban Một trăm người của viện đã lên án hợp đồng cho phép Trung Quốc truy cập vào một số kho dữ liệu nhất định của Viện. Sau đó, lãnh đạo đã áp đặt quyết định này với lý do “Trung Quốc có vấn đề về y tế về dịch bệnh và Pháp có ưu thế lớn trong lĩnh vực công nghệ có độ chính xác cao này.

Một nhà ngoại giao cao cấp phụ trách các vấn đề chiến lược của Pháp vào thời điểm đó nói, nhưng người Trung Quốc sẽ sao chép và phục chế. Và chúng tôi cho rằng nếu một ngày nào đó Trung Quốc muốn khởi động chương trình vũ khí sinh học, họ có thể sử dụng P4 làm công cụ.

Các nhà khoa học nhắm mắt cho qua

Các nhà khoa học Pháp đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy dự án P4 của Trung Quốc. Theo bà Valerie Niquet, Giám đốc dự án châu Á của Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS) giải thích, “khi đó toàn bộ cộng đồng khoa học đều không thấy thực tế của chế độ Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cho rằng mở cửa cho chủ nghĩa tư bản sẽ thay đổi Trung Quốc thành một đất nước bình thường. Tuy nhiên, họ quên rằng Trung Quốc vẫn là một quốc gia ở đất nước này khoa học không độc lập, mà do chính quyền lãnh đạo. Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, chính quyền đã can dự việc nghiên cứu, thao túng thời gian biểu, viết lại lịch sử của virus corona. Josh Rogin, một nhà phân tích chính sách an ninh ngoại giao tại Washington Post, nói: “Tất cả các nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc cuối cùng đều phải tuân theo mệnh lệnh của chính quyền”.

Cho rằng khi Trung Quốc tiến bộ, sẽ mở ra tư duy dân chủ và bình thường

Vụ giao dịch phòng thí nghiệm P4 do người phụ trách chính trị Pháp áp đặt lên chính phủ. Nhưng việc tẩy chay của chính phủ đã trì hoãn việc hoàn thành hợp đồng này. Vào thời điểm đó, Trung Quốc vừa gia nhập WTO, tất cả các nước phương Tây đã phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc. Chính quyền Pháp đánh giá cao “sức mạnh mềm” kiểu Trung Quốc và hình ảnh của sức mạnh hòa bình thể hiện trong các phát biểu chính thức của Trung Quốc.

Một nguồn tin ngoại giao giải thích: “Chúng tôi cho rằng chính quyền này sẽ phát triển, cởi mở với tư tưởng dân chủ và trở nên bình thường”. Báo Le Figaro nói, nhưng người Pháp đã nhanh chóng vỡ mộng. Sau lễ khai trương phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán năm 2017, người Pháp đã bị đuổi ra khỏi phòng thí nghiệm. Kế hoạch hợp tác giữa hai nước ban đầu bao gồm phía Pháp đào tạo cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc và giám sát các hoạt động của phòng thí nghiệm, nhưng kế hoạch này đã không bao giờ được bắt đầu.

Một nhà ngoại giao là chuyên gia về Trung Quốc đã phân tích: “Người Trung Quốc đặc biệt không muốn để người khác đứng trên vai. Họ muốn chứng minh rằng họ có thể làm được, muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc vĩ đại không cần các cha đỡ đầu phương Tây, “L’hubris provoque la Treẻ́sis” (Sự kiêu ngạo bị trừng phạt). Thế hệ hiện nay ở Trung Quốc rất khác với thế hệ Cách mạng Văn hóa”. Le Figaro nói, thế là phòng thí nghiệm P4 đã nhanh chóng thoát khỏi sự kiểm soát của các bố già người Pháp.

Một nhà ngoại giao thường trú lâu năm ở Bắc Kinh cho biết: tuy nhiên, vụ virus chỉ là một chi tiết. Vấn đề thực sự là mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc trong 30 năm qua là chúng ta đã tạo nên con rồng này. Trong vài thập kỷ qua, không ai muốn biết các nhà lãnh đạo của Trung Quốc là những người thế nào. Chúng ta đã bỏ qua việc họ muốn chống lại áp lực của người khác.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ che giấu mục tiêu và ý muốn có được  công nghệ phương Tây bằng mọi cách. Một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc nói rằng Trung Quốc đã không còn là nhà máy của thế giới. Họ đã có được kiến thức và công nghệ thông qua việc mở cửa, nhưng lại chưa làm chủ được hoàn toàn. Một số kiến thức và công nghệ có được nhờ đánh cắp, nhưng hầu hết do thông qua hợp tác tự do.

Nhà máy sao chép Airbus

Le Figaro nói, tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) ở Trung Quốc có hai lò phản ứng EPR do Pháp cung cấp. Có 4 chỉ dẫn ở lối vào của nhà máy điện hạt nhân này thông báo cho du khách tham quan: 1) Chúng tôi mua công nghệ nước ngoài. 2) Chúng tôi tiêu hóa công nghệ nước ngoài. 3) Chúng tôi phục chế công nghệ nước ngoài trong cả nước. 4) Chúng tôi xuất khẩu công nghệ phục chế.

Sự hợp tác giữa gã khổng lồ hàng không châu Âu Airbus và Trung Quốc cũng là một ví dụ về cách Bắc Kinh đang thu hẹp khoảng cách công nghệ. Một người Pháp ở Bắc Kinh bày tỏ sự tiếc nuối rằng Airbus vì lợi ích kinh tế ngắn hạn đã để Trung Quốc cướp đoạt thông tin và công nghệ. Ông nói: Chúng ta khi đó biết rất rõ những người Trung Quốc này sẽ làm một “nhà máy sao chép”. Tuy nhiên, do logic tài chính ngắn hạn, chúng ta vẫn để họ cướp đoạt thông tin của chúng ta và để họ có được những khả năng then chốt mà họ không có.

Le Figaro viết: chuyển giao công nghệ ư? Mất hợp đồng ư? Đối với các nhà công nghiệp và các nhà lãnh đạo chính trị, đó là hai vấn đề nan giải vĩnh cửu; nhất là khi nói đến công nghệ lưỡng dụng quân sự – dân sự. Đặc biệt vào năm 2015, Trung Quốc chính thức tuyên bố sẽ từ bỏ sự cách biệt giữa công nghệ quân sự – dân sự, và thành lập “Ủy ban phát triển hội nhập quân sự – dân sự trung ương”, dưới sự chủ trì lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Kể từ năm 2018, một đạo luật của Trung Quốc còn quy định các phòng thí nghiệm dân sự và quân sự phải hợp tác với nhau.

Antoine Bondaz, một chuyên gia của Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS), kết luận, vấn đề với Trung Quốc là phải biết đặt giới hạn ở đâu. Điều quan trọng nhất là phải ý thức được cả hợp tác khoa học và trao đổi đại học đều có thể được Trung Quốc sử dụng như một công cụ để nắm bắt công nghệ. Đôi khi nó xảy ra trong các lĩnh vực rất nhạy cảm, bao gồm cả các lĩnh vực quân sự.

Mục đích Trung Quốc mua nhà máy xử lý chất thải hạt nhân là gì?

Có phải sự cố P4 đã thu hút sự chú ý mới đối với việc Pháp bán các dự án nhà máy xử lý chất thải hạt nhân cho Trung Quốc?  Le Figaro viết, giống như dự án phòng thí nghiệm Vũ Hán, do sự bảo lưu của Pháp, đặc biệt là bảo lưu của Bộ Ngoại giao Pháp, dự án nhà máy xử lý chất thải hạt nhân này đã trì hoãn không được thực hiện. Một chuyên gia thông thuộc về dự án đã giải thích mục đích của phía Trung Quốc, ông nói, “Mục tiêu của họ chắc chắn là có được một nhà máy điện giá rẻ để làm nhái ở các khu vực khác của Trung Quốc, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia dọc theo “Vành đai và Con đường”.

Le Figaro nói, nhiều nhà ngoại giao Pháp đã nghi ngờ về tính hợp lý của việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, bởi vì việc chuyển giao như vậy sẽ cho phép Trung Quốc bắt kịp Pháp trong các lĩnh vực chuyên môn. Ông Antoine Bondaz cho biết nhà máy tái chế chất thải hạt nhân vốn hoàn toàn không dành cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, vì một số cơ sở hạ tầng có thể phân ly các vật liệu hạt nhân, bao gồm cả plutonium; theo lý thuyết, điều này sẽ tạo điều kiện cho sự gia tăng kho vũ khí hạt nhân của một quốc gia. Do đó, Pháp rất thận trọng trong việc chuyển giao công nghệ và trong việc thúc đẩy các điều ước quốc tế cấm sản xuất vật liệu phân hạch hạt nhân.

Do đó, mặc dù chủ đề này đều được nêu ra trong mỗi chuyến thăm song phương giữa Pháp và Trung Quốc, nhưng hợp đồng hàng tỷ euro này chưa bao giờ được ký kết.

Mỹ vốn phản đối việc Pháp bán P4 cho Trung Quốc, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Bộ Ngoại giao Mỹ cấm các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ tham gia “Kế hoạch ngàn người” của Bắc Kinh. Chương trình này thu hút giới tinh hoa nước ngoài với sự ưu đãi tài chính hào phóng, bao gồm các chuyên gia công nghệ kép quân sự – dân sự.

Vấn đề niêm phong Vũ Hán P4 có vấn đề

Mỹ đã chấm dứt tài trợ cho một số hoạt động của Vũ Hán P4. Dự án được Mỹ tài trợ được thiết lập sau khi người Pháp rời đi. Một số nhà ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh nói với chính phủ Mỹ vào năm 2018 rằng các biện pháp an ninh của P4 Vũ Hán là không đủ.

Theo thông tin báo Le Figaro của Pháp có được, phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán có thể có vấn đề về niêm phong gần đây. Tin tức nói rằng có lẽ việc Trung Quốc mua cổ phiếu Anticoagulant (chất chống đông) trên thị trường quốc tế vào tháng 12 năm ngoái có thể chứng minh vấn đề này.

Một nhà ngoại giao Pháp đã hỏi: Tại sao chúng ta không truy trách nhiệm Trung Quốc sớm hơn? Tại sao chúng ta tiếp tục bộc lộ nền kinh tế của chúng ta trước một quốc gia không tôn trọng các giá trị của chúng ta? Tại sao chúng ta chuyển giao công nghệ nhạy cảm của mình cho họ? “Bởi vì chúng ta sợ. Bởi vì sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc đã đạt đến một mức độ nhất định, do đó tất cả các quyết định của chúng ta đều bị bóp méo”. Le Figaro viết, liệu mối liên quan nguy hiểm giữa phòng thí nghiệm Vũ Hán và virus có làm thay đổi tình hình của Pháp không? Thách thức tiếp theo là 5G của Trung Quốc. Sự phụ thuộc công nghệ của Pháp liệu có gia tăng?

Nhà ngoại giao này tiếp tục nói rằng “sau virus COVID-19, chính sách đối ngoại của Pháp phải lấy lại bản năng sinh tồn và ưu tiên cho quan hệ kinh tế và thương mại với các quốc gia có cùng quan niệm giá trị và các hệ thống, chuẩn mực tương thích. Những quốc gia này bao gồm: Mỹ, các nước Châu Âu, Nhật Bản, Australia… Pháp cần phải tìm ra con đường bảo vệ lợi ích quốc gia của chính mình”.

https://viettimes.vn/bao-phap-cong-bo-bao-cao-dieu-tra-nhung-van-de-chi-mang-cua-phong-thi-nghiem-vu-han-389168.html