Trang chủ » ẨM THỰC » GAN NHIỄM MỠ-NHỮNG THÔNG TIN CẦN THIẾT

GAN NHIỄM MỠ-NHỮNG THÔNG TIN CẦN THIẾT

     I. LỜI MỞ

    Gan là tạng lớn thứ 2 trong cơ thể, có nhiệm vụ quan trọng trong tiêu hóa thức ăn, đồng thời thải lọc các chất độc trong máu. Ngoài những bệnh lý cơ quan, chức năng gan cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu gan tích chứa quá nhiều mỡ. 

      Hiện nay, gan nhiễm mỡ đang ngày càng phổ biến. Ở Âu Mỹ, khoảng 20% dân số, ở Việt Nam, đến 30% dân bị gan nhiễm mỡ.

    Dù gan nhiễm mỡ là cảnh bảo nguy cơ tổn thương gan, xơ gan, viêm gan, ung thư gan.. nhưng thường rất khó nhận biết thông qua triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến gan nhiễm mỡ như thừa cân, béo phì, dùng nhiều rượu bia, chế độ ăn uống kém lành mạnh, tiền sử bệnh gan, gen di truyền, người lớn tuổi…nên chúng ta cần phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị thích hợp trước khi có những tổn thương gan thực sự.

      II. ĐỊNH DANH, PHÂN CẤP & PHÂN LOẠI 

       1. Định danh

   Bệnh gan nhiễm mỡ, steatotic liver disease (SLD), fatty liver disease (FLD) bao gồm một số bệnh lý liên quan đến tình trạng tích mỡ trong gan.

   Bình thường, gan có trọng lượng khoảng 2300gram. là tạng lớn thứ 2 trong cơ thể, có nhiệm vụ quan trọng trong tiêu hóa thức ăn, đồng thời thải lọc các chất độc trong máu. Trong mỗi 100g gan có chứa khoảng 5g chất béo, mỡ (lipid), trong đó 14% là triglyceride, 64% là phospholipid, 8% cholesterol và 24% là các acid béo tự do. Khi lượng mỡ chiếm trên 5 % trọng lượng của gan là bị gan nhiễm mỡ.

     2. Phân cấp độ

    Tùy thuộc vào mức độ nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ được chia 3 cấp độ:

     * Cấp độ 1: 

     Tỷ lệ mỡ chiếm 5 – 10% trên tổng trọng lượng của gan, đây là giai đoạn đầu của bệnh vì vậy các dấu hiệu thường rất nhẹ và không gây nguy hiểm tới sức khỏe.

     * Cấp độ 2:

    Tỷ lệ mỡ lên đến 10 – 25% trọng lượng của gan. Lúc này, mỡ đã lan rộng ra các mô gan và cơ hoành, tuy vẫn chưa gây nguy hiểm lớn đến sức khỏe nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì gan nhiễm mỡ cấp độ 2 có thể tiến triển thành độ 3. 

   * Cấp độ 3:

   Khi tỷ lệ mỡ từ 30% trở lên. Đây là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm mỡ ở gan, giai đoạn nguy hiểm nhất, rất khó điều trị và phục hồi, thậm chí có thể tử vong hoặc tăng các biến chứng về gan như xơ gan, ung thư gan.

     3. Phân nhóm

      Theo nguyên nhân gây bệnh, gan nhiễm mỡ được phân 3 nhóm:

       * Gan nhiễm mỡ không do rượu (Nonalcoholic fatty liver disease NAFLD) hay (Metabolic dysfunction-associated steatotic liver disease MASLD).

      Chiếm 85 đến 90% số ca bệnh Do rối loạn chuyển hóa mỡ, dẫn đến dư thừa mỡ trong các tổ chức của gan.Trong nhóm này khi tỉ lệ mỡ trong gan thường trên 10% trọng lượng của gan. Fructose trong các thức ăn, đồ uống, ngọt là tác nhân chính của loại gan nhiễm mỡ không do rượu này.

       *  Gan nhiễm mỡ do rượu  (Alcoholic fatty liver disease AFLD)

     Chiếm 10 đến 15% số ca bệnh. Uống rượu quá nhiều sẽ gây tổn thương gan và dẫn đến suy giảm chức năng chuyển hóa mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu có nguy cơ cao tiến triển thành xơ gan.

       * Gan nhiễm mỡ cấp tính trong quá trình mang thai  (Acute fatty liver of pregnancy AFLP)

     Là một biến chứng hiếm gặp và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ.  Các triệu chứng xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ.

     III. NHẬN BIẾT GAN NHIỄM MỠ

     Hầu hết bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Đa số trường hợp được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ, một số bệnh nhân được ghi nhận gan to, hoặc các chỉ số chức năng gan (men gan) thay đổi nhẹ. 

    Một số trường hợp được phát hiện tình cờ thông qua siêu âm bụng tổng quát để tầm soát, kiểm tra bệnh lý khác. Một số ít thì gặp khi chụp CT scan cắt lớp điện toán để tầm soát các bệnh lý đường mật.

    Một số ít ca gan nhiễm mỡ (tỉ lệ rất thấp) có biểu hiện mơ hồ như hay mệt mỏi, cảm giác khó chịu ở vùng hạ sườn, bên phải thượng vị. Nặng hơn thì có thể xuất hiện triệu chứng vàng da, đau bụng, buồn nôn, nôn ói….

     Khi gan nhiễm mỡ đến cấp độ 3, giai đoạn mất chức năng gan hay xơ gan thì biểu hiện rõ hơn như vàng da, vàng mắt, lòng bàn tay son, sao mạch (vết nhện), phù chân, bụng báng, tuần hoàn bàng hệ, lách to, trĩ hay giãn tĩnh mạch thực quản hay xuất huyết tiêu hóa.

     IV. ĐIỀU TRỊ & PHÒNG NGỪA

    Hiện nay, chưa hay không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh lý gan nhiễm mỡ. Việc ngừa phòng chỉ tập trung vào loại bỏ hay giảm thiểu nguyên nhân gây bệnh.

    * Gan nhiễm mỡ do thừa cân, béo phì bằng việc xây dựng chế độ ăn hợp lý và chế độ tập luyện khoa học giúp giảm cân.

     * Gan nhiễm mỡ do nghiện rượu: ngưng uống rượu.

     * Gan nhiễm mỡ do sử dụng thuốc: ngưng ngay các loại thuốc gây độc cho gan và thay thế thuốc an toàn hơn theo chỉ định của bác sĩ.

     * Gan nhiễm mỡ là hậu quả của các bệnh lý chuyển hóa, đặc biệt là tiểu đường: kiểm soát lượng đường máu trong mức bình thường. 

    * Gan nhiễm mỡ do nguyên nhân viêm gan siêu vi: cần tập trung điều trị để kiểm soát tình trạng viêm và hạn chế những diễn tiến bất lợi có thể dẫn đến xơ gan.

     V. THAM KHẢO

[Video1] Gan nhiễm mỡ, phải làm sao? | SKĐS

[Video 2] Gan nhiễm mỡ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng

[Video 3] “5 nên, 5 tránh” trong chế độ ăn của người bị gan nhiễm mỡ

[1] Fatty liver disease

Fatty Liver Disease

[2]  Liver-Fatty liver disease

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/liver-fatty-liver-disease

[3] Fatty liver 

https://emedicine.medscape.com/article/175472-overview

[4] Fatty liver disease

https://medlineplus.gov/fattyliverdisease.html

[5] Everything to Know About Fatty Liver Disease

https://www.healthline.com/health/fatty-liver

     TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM