Trang chủ » Endocrinology & Metabolism » VÔ SINH: NGƯỜI MẮC NHIỀU, BỆNH SINH PHỨC TẠP, CÓ THỂ XỬ LÝ-ĐIỀU TRỊ !

VÔ SINH: NGƯỜI MẮC NHIỀU, BỆNH SINH PHỨC TẠP, CÓ THỂ XỬ LÝ-ĐIỀU TRỊ !

    I. LỜI MỞ

   Vô sinh khá phổ biến, có thể do người nam, người nữ hoặc do cả hai. Tỷ lệ vô sinh có khác nhau theo quốc gia, thường từ 1/5 hay 1/7 cặp vơ chồng bị vô sinh, và hiện có khoảng 48 triệu cặp vợ chồng đang sống chung với tình trạng vô sinh trên toàn thế giới. Tại Hoa Kỳ, cứ 5 phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi thì có 1 người bị vô sinh nguyên phát và khoảng 1 trong 20 phụ nữ phải vật lộn với chứng vô sinh thứ phát.

       

  Tuy không nguy hiểm tính mạng, nhưng vô sinh ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống, hạnh phúc gia đình. Do đó, nhiều chuyên gia đánh giá đây là một vấn đề y khoa phức tạp, nhạy cảm cần phải thông tin, hướng dẫn và giải quyết hợp lý.

  II. ĐỊNH DANH & PHÂN LOẠI VÔ SINH

  1. ĐỊNH  DANH 

  Vô sinh là tình trạng cặp vợ chồng không thể mang thai sau một năm cố gắng.

  Thụ tinh và mang thai phải qua các bước sau:

+ Não sản xuất hormone sinh sản để kiểm soát chức năng buồng trứng.

+ Noãn phải trưởng thành trong buồng trứng.

+ Buồng trứng phải phóng noãn (rụng trứng).

+ Ống dẫn (vòi) trứng phải đón được noãn.

+ Tinh trùng sau giao hợp phải di chuyển lên âm đạo qua tử cung và đến được vòi trứng.

+ Tinh trùng phải thụ tinh với noãn để thành một hợp tử và thành phôi.

+ Phôi di chuyển theo vòi trứng đến tử cung và làm tổ ở đây.

Việc mang thai không thể xảy ra nếu bất cứ giai đoạn nào trong quá trình này bị trục trặc.

    2. PHÂN LOẠI 

   Có ba loại vô sinh

   * Vô sinh nguyên phát

   Chưa bao giờ mang thai và không thể thụ thai sau một năm (hoặc sáu tháng nếu từ 35 tuổi trở lên) quan hệ tình dục thường xuyên, và không bảo vệ.

   * Vô sinh thứ phát

   Không thể mang thai lần nữa sau khi đã mang thai thành công ít nhất một lần.

   * Vô sinh không rõ nguyên nhân

    Xét nghiệm khả năng sinh sản không tìm ra lý do khiến một người hoặc một cặp vợ chồng không thể mang thai.

    III. TRIỆU CHỨNG & NGUYÊN NHÂN

    1. DẤU HIỆU

     

   Dấu hiệu chính của vô sinh là không thể mang thai sau sáu tháng hoặc một năm quan hệ tình dục thường xuyên và không bảo vệ.

  Thường có thể không có bất kỳ triệu chứng khác. Một số người có thể biểu hiện các triệu chứng thực thể như:

  + Đau vùng chậu hoặc bụng.

  + Xuất huyết  âm đạo bất thường. Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh.

  + Rối loạn dương vật hoặc các vấn đề về xuất tinh.

      2. NGUYÊN NHÂN

    Nguyên nhân gây vô sinh rất nhiều, phức tạp. Các nghiên cứu cho thấy:

    + 33% trường hợp vô sinh liên quan đến tử cung và buồng trứng.
    + 33% trường hợp vô sinh liên quan đến dương vật và tinh hoàn.
    * 33% trường hợp vô sinh liên quan đến cả hai hoặc không giải thích được.
    + 25% các cặp vợ chồng vô sinh có nhiều hơn một yếu tố góp phần gây ra tình trạng vô sinh.

     

  2, 1. Nguyên nhân chung

   * Tuổi tác, với nữ là độ tuổi cuối 30 hoặc 40; với nam là gần 50.

   * Rối loạn ăn uống gồm chán ăn tâm thần và cuồng ăn.

   * Uống rượu bia quá mức.

   * Tiếp xúc với độc tố môi trường, chẳng hạn như hóa chất, chì và thuốc trừ sâu.

   * Xạ trị hoặc hóa trị.

   *  Mắc bệnh lây truyền đường tình dục (STIs).

   * Hút thuốc, sử dụng các sản phẩm thuốc lá. (13% đến 15% trường hợp vô sinh)

   * Lạm dụng chất gây nghiện.

   * Béo phì hoặc thiếu cân.

   * Bất thường vùng dưới đồi hoặc tuyến yên.

   * Tình trạng và bệnh mãn tính.

2.2 Nguyên nhân vô sinh nữ

   * Lạc nội mạc tử cung.

   * Cấu trúc bất thường của âm đạo, tử cung hoặc ống dẫn trứng.

    * Bệnh ác tình trạng tự miễn dịch như bệnh celiac hoặc lupus.

    * Bệnh thận.

     * Bệnh viêm vùng chậu.

    * Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

     * Suy buồng trứng nguyên phát hoặc chất lượng trứng kém.

     * U xơ tử cung hoặc polyp tử cung.

      * Bệnh tuyến giáp.

     * Rối loạn chức năng tình dục.

    2.3 Nguyên nhân gây vô sinh nam 

     * Phổ biến nhất là bất thường tinh trùng: số lượng, hình dạng, chuyển động.

     * Giãn tĩnh mạch bìu

   .  * Rối loạn nhiễm sắc thể, như hội chứng Klinefelter.

      * Suy tinh hoàn do nhiệt độ cao, mặc quần áo chật, tắm nước nóng, xông hơi, dùng laptop …

      * Chấn thương bìu hoặc tinh hoàn.

      * Nồng độ testosterone thấp.

     * Lạm dụng steroid đồng hóa (testosterone ngoaij sinh).

      * Rối loạn tình dục: rối loạn cương dương, liệt dương, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược.

      * Tinh hoàn ẩn.

      *  Hóa trị hoặc xạ trị.

      * Thiếu tinh hoàn do phẫu thuật hoặc bẩm sinh.

      *  Cắt  ống dẫn tinh.

     IV. CHẨN ĐOÁN & XÉT NGHIỆM

     1. Chẩn đoán vô sinh nữ

  Khả năng sinh sản của người nữ liên quan đến việc rụng trứng, sự di chuyển từ buồng trứng, qua ống dẫn trứng và đến niêm mạc tử cung. Do đó, kiểm tra vô sinh nữ liên quan đến thăm khám và xét nghiệm sau:

   * Khám vùng chậu.

   * Xét nghiệm máu: để kiểm tra nồng độ các hormone liên quan. ‘

   * Siêu âm qua âm đạo: ddể kiểm tra hệ thống sinh dục nữ.

   * Nội soi tử cung.

   * Siêu âm vòi trứng (hysterosalpingogram HSG): để kiểm tra sự thông vòi dẫn trứng.

   * Chụp X-quang tử cung vòi trứng (hysterosalpingogram HSG): tìm kiếm sự tắc nghẽn.

   * Nội soi ổ bụng.

    2. Chẩn đoán vô sinh nam

   Với người nam có dương vật và xuất tinh bình thường, các xét nghiệm sinh sản chủ yếu tìm kiếm các vấn đề liên quan đến tinh trùng trong tinh dịch.

   * Phân tích tinh dịch: để kiểm tra số lượng tinh trùng, khả năng di chuyển của tinh trùng kém. Một số người cần sinh thiết bằng kim nhỏ để lấy tinh trùng từ tinh hoàn để xét nghiệm.

   * Xét nghiệm máu: để kiểm tra tuyến giáp và nồng độ hormone khác.

    * Xét nghiệm máu di truyền tìm kiếm những bất thường về nhiễm sắc thể.

    * Siêu âm bìu: để loại trừ giãn tĩnh mạch thừng tinh và các vấn đề tinh hoàn khác.

     V. XỬ LÝ & ĐIỀU TRỊ

    Điều trị vô sinh phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân. Trong các trường hợp thường dưa vào 4 phương thức:

   (1) Điều chỉnh, thay đổi lối sống như tăng hoặc giảm cân, ngừng hút thuốc, bỏ sử dụng ma túy và cải thiện các tình trạng sức khỏe khác…

   (2) Dùng thuốc đặc hiệu: Với người nữ: thuốc kích thích buồng trứng. Với nam giới: thuốc cường dương giúp tăng nồng độ hormone nam testosterone hoặc các hormone khác, thuốc điều trị rối loạn cương dương giúp bạn duy trì sự cương cứng khi quan hệ.., 

   (3) Phẫu thuật chỉnh hình để điều chỉnh, sửa chữa khiếm khuyết; Ở nữ: phẫu thuật mở ống dẫn trứng bị tắc và loại bỏ polyp, u xơ hoặc mô sẹo…Ở nam giới phẫu thuật thông tắc nghẽn  ống dẫn tinh, sửa chữa các vấn đề về cấu trúc, phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh varicocele.

   (4) Sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản (assisted reproductive technology  ART)   

  Để tăng khả năng mang thai, thường dùng thuốc kích thích rụng trứng trước khi thử một trong các lựa chọn sau:

     * Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization IVF)

    * Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic sperm injection ICSI).

    * Thụ tinh trong tử cung (Intrauterine insemination IUI) còn được gọi là thụ tinh nhân tạo.

    * Hỗ trợ nở (assisted hatching): mở lớp ngoài giúp phôi làm tổ vào niêm mạc tử cung dễ dàng hơn.

    * Hỗ trợ sinh sản của bên thứ ba (Third-party ART): cặp vợ chồng sử dụng trứng, tinh trùng hoặc phôi của người hiến tặng.

     * Mang thai hộ hoặc người thay thế.

    VI. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

    Thống kê y học cho thấy, tình trạng vô sinh là khá phổ biến. từ 1/7 đến 1/5 cặp vợ chồng, Tổ chức Y tế Thế giới WHO ước tính hiện có khoảng 48 triệu cặp vợ chồng đang sống chung với tình trạng vô sinh trên toàn thế giới. .

  Tuy không nguy hiểm tính mạng, nhưng vô sinh ảnh hưởng lớn chất lượng sống, hạnh phúc gia đình. Do đó, nhiều chuyên gia đánh giá đây là một vấn đề y khoa phức tạp, nhạy cảm cần phải thông tin, hướng dẫn và giải quyết hợp lý.

    May mắn thay, hiện nay nhiều cơ sở y tế có đủ phương pháp trắc nghiệm, thủ thuật để chẩn đoán thứ loại, mức độ vô sinh và đưa ra nhiều lựa chọn điều trị thích hợp. 

.   VII. THAM KHẢO

[1] Infertility

https://en.wikipedia.org/wiki/Infertility

[2] Infertility

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/infertility

[3] Infertility

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/infertility/symptoms-causes/syc-20354317

[4] Infertility

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16083-infertility

[5] Infertility in males and females

https://www.medicalnewstoday.com/articles/165748

[6] Infertility in Men and Women: Causes, Diagnosis, and Treatment | Infertility Treatment for Women

[7] Infertility, Causes, Signs and Symptoms, Diagnosis and Treatment.

                   TS.BS Trần Bá Thoại 

       Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM