Trang chủ » Chưa phân loại » VIETNAMESE FAST FOODS

VIETNAMESE FAST FOODS

     THỨC ĂN NHANH VIỆT NAM:             TỐT HƠN !

        TS.BS Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng)

 

      Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Từ thập niên 50 của thế kỷ trước cùng với sự công nghiệp hóa ồ ạt ở Âu Mỹ, các loại fast food (thức ăn nhanh) cũng nhanh chóng lên ngôi. Năm 1940 nhóm thập niên 60 Mac Donald bùng nổ toàn thế giới với hệ thống nhiều cửa hàng bán lẻ thuận tiện với cả trăm món ăn nhanh khác nhau và khách hàng cứ thoải mái ngồi trên xe không cần bước xuống, nhân viên bán hàng phục vụ tận nơi.

     Ngược dòng lịch sử, thức ăn nhanh đã có từ xa xưa: trong những đô thị thời cổ La Mã đã có những quầy hàng “nhanh” bán bánh mì và rượu nho, vùng Đông Á thì có các quán bún, mì (noodle), vùng Trung Đông thì có món bánh mì dẹt và falafel, Ấn độ có các món ăn nhanh như vada pav, panipuri và dahi vada… Ở Việt Nam, cứ theo định nghĩa của tự điển Merriam-Webster– thức ăn nhanh là thức ăn đã được chế biến sẵn, đóng gói sẵn và đem soạn ra, phục vụ một cách rất nhanh- chúng ta cũng có khá nhiều “fast food” đúng nghĩa, hợp khẩu vị, đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng và đặc biệt giá cả cực kỳ hợp lý. Đó là các loại bánh chế biến sẵn từ gạo, nếp ( bánh chưng, bánh tét, bánh nậm, bánh bèo, bánh gói, bánh tày…), các loại xôi (đậu, đường, gà, vịt… ), nhiều món bún, phở (tái, nạm, chả, chần…), lắm kiểu đĩa trứng (ốp la, bíp tết..).v.v…So với fast food Âu Mỹ, thức ăn nhanh Việt Nam có ba ưu điểm hơn: một là nguyên liệu đầu vào, phần đường bột thường xử dụng các loại tinh bột gạo, đậu, nếp… vốn có chỉ số đường huyết thấp hơn bột mì và thành phần đạm thường dùng nhiều loại không đơn điệu, hai là cách chế biến, đầu bếp ta hay dùng cách hấp luộc hơn là chiên rán nên lượng chất béo chắc chắn ít hơn và ba là thường có thêm thức ăn kèm như các loại rau rán tươi sống, dưa, hành, ớt tỏi, nước chấm các kiểu…cũng là nguồn cấp thêm chất khoáng và vitamin cho bữa ăn hoàn chỉnh. Về dinh dưỡng bữa ăn hợp lý cần có nhiều loại thức ăn, với những ưu điểm trên rõ ràng thức ăn nhanh của chúng ta hơn hẳn.    

     Chính tại Âu Mỹ, sau một thời gian tung hê, ca tụng người ta chợt nhận ra rằng thức ăn nhanh tuy đáp ứng, phù hợp với nhu cầu lối sống công nghiệp, nhưng do nó chứa quá nhiều năng lượng và chất đạm, nhưng lại quá ít, quá thiếu chất khoáng và vitamin, sự bất cân xứng thành phần này đã gây ra tác hại. Các nhà dinh dưỡng phương Tây giờ đây nhận định “không thể có thức ăn vừa nhanh vừa tốt khỏe” (can’t have a meal that’s both quick and healthy). Nhiều công trình khoa học nghiêm túc cho thấy tình hình bệnh béo phì, quá cân, đái tháo đường và đặc biệt bệnh tim mạch đã tăng lên rõ rệt, tỷ lệ thuận với việc dùng nhiều fastfood. Một điều đáng lưu ý nữa là đa số thức ăn nhanh phương Tây thường được chiên, xào, rán, nướng…,các quá trình chế biến này vừa dùng quá nhiều chất béo vừa có thể sản sinh ra các độc chất nguy hại, có thể gây ung thư. Các trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh (CDCP) trên khắp nước Mỹ đều xếp béo phì là “đại họa”, là nguyên nhân thứ hai gây đến 400.000 cái chết hằng năm và nguyên nhân hàng đầu lại là do dùng nhiều thức ăn nhanh quá.  

      Thấy được những hậu quả xấu của thức ăn nhanh, từ thập niên 80 Carlo Petrini (Ý) khởi xướng phong trào “thức ăn chậm” (slow food), biểu tượng là con ốc sên, chủ trương của phong trào là chỉ dùng những nông sản, thực phẩm địa phương và cách nấu ăn truyền thống để chống lại thức ăn nhanh. Năm 2004 Carlo Petrini và Massimo Montarani mở cửa Đại học Nấu nướng (University of Gastronomic Sciences) ở Ý để cổ xúy, hướng dẫn các mục tiêu, tôn chỉ của phong trào Slow Food.

      Người phương Tây, với tính khoa học duy lý thực dụng đã vội vàng chuyển dịch xu hướng “ăn nhanh” qua “ăn chậm”. Triết lý phương Đông của chúng ta hài hòa hơn vì “thái quá sinh bất cập”. Với phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan” chúng ta cần học hỏi cái ưu thế của thức ăn nhanh kiểu Mỹ, nhưng cũng phải biết bảo tồn, tôn tạo những cái hay, cái ưu thế của thức ăn nhanh thuần túy Việt Nam để cuối cùng tạo được một bữa ăn “ôn hòa” (ambiance food), món “tứ khoái” đầu tiên của con người: vừa đảm bảo thời gian vừa có đầy đủ năng lượng đảm bảo khỏe khoắn, phấn khởi để lao động sản xuất.

 

    

    6 cách chọn thức ăn nhanh tốt (nguồn MayoClinic.com)            

 Cần nhớ là không có thức ăn vừa nhanh vừa tốt cho sức khỏe.

 Nhưng khi mua fast food cần để ý 6 điều:

1.     Chọn kích cỡ nhỏ, số lượng ít: để ít năng lượng thừa.

2.     Chọn thành phần lợi sức khỏe: sữa chua, bột ngô, bột gạo..

3.     Chọn màu xanh: trái cây, rau rán…

4.     Chọn món thịt nướng: nạc ít mỡ.

5.     Chọn món mình thích hợp khẩu vị.

6.     Chọn món uống cẩn thận: nên chon thức uống “ăn kiêng” (diet), nước trà

 không đường, nước khoáng.