TRẺ EM VIỆT NAM ĐANG “VUÔNG”
Trần Bá Thoại
Hội thảo về Dinh dưỡng hợp lý cho sự phát triển của trẻ em tổ chức ngày 17/10/2009 tại Hà Nội, cho thấy trẻ em Việt Nam đang được nuôi dưỡng không hợp lý, trong khi trẻ em tuổi học đường nói chung mới chỉ được cung cấp 90% năng lượng cần thiết cho cơ thể phát triển thì ở các thành phố lớn trẻ lại bị “thừa năng lượng”, đến 125% nhu cầu. Chất can-xi, rất cần để cải tạo chiều cao, bị thiếu hụt trầm trọng chỉ được khoảng 60% nhu cầu. Hậu quả phối hợp hai bất hợp lý này là nhiều trẻ em Việt Nam đang phát triển “chiều ngang” hơn phát triển chiều cao, nếu không điều chỉnh trẻ sẽ phát triển thành hình “vuông”!!!
Theo số liệu nhân trắc của Bộ Y tế (2000) chiều cao trung bình của người trưởng thành Việt Nam (26 đến 40 tuổi) còn hết sức khiêm tốn, nam trung bình 162,3 cm và nữ trung bình 152,3 cm. Trong khi trung bình của thế giới: nam 18 tuổi là 176,8 cm và nữ là 163,7 cm. Chẳng cần phải so sánh với người Âu, Mỹ mà ngay cả với các nước trong khu vực Đông nam Á như Mã Lai, Thái lan hay Singapore…chúng ta cũng thấp hơn từ 2 đến 6 cm.
Các nghiên cứu Nhật Bản cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người gồm: chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%, vận động thể dục thể thao chiếm 20%, môi trường tâm lý và xã hội chiếm 16% và yếu tố chủng tộc di truyền chiếm 23%. Như vậy có đến hơn ba phần tư ( 77%) của những yếu tố ảnh hưởng lên chiều cao là các yếu tố “có thể cải tạo được” (“modifiable” factors ).
Vào thập niên 40 của thế kỷ trước chúng ta thấy người Nhật rất thấp, đến mức khi nói về họ nhiều khi được ghép thêm tính từ lóng Nhật “lùn”, vào thời đó người Việt chúng ta đã cao hơn họ 2 cm, nhưng đến nay dù bị bại trận thê thảm trong Thế chiến thứ II họ lại cao hơn ta đến 10 cm !!!
Để cải tạo chiều cao của dân tộc mình, nhiều nước đã đề ra chương trình, kế hoạch cải tạo dinh dưỡng cho thế hệ trẻ, cụ thể là cho học sinh. Người Nhật đã đưa ra một quốc sách là chương trình “Bữa ăn trưa học đường”: món ăn buổi trưa tại trường được người ta chăm chút, chọn lựa cẩn thận, theo những tài liệu, hướng dẫn khoa học chính thống. Nước Anh chương trình bữa ăn trưa đã được quy định trong Luật Giáo dục: trường Tiểu học, Trung học và Cao đẳng có trách nhiệm cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh. Tại Hoa Kỳ năm 2000 chính phủ tài trợ miễn phí 5,56 tỷ đô la cho ăn trưa và 1,4 tỷ đô la cho bữa ăn sáng ở các trường Tiểu học và Trung học. Tại Indonesia có khoảng 600 ngàn trẻ em tuổi đi học được nhận sữa bò vô trùng miễn phí và khoảng 400 ngàn trẻ khác được nhận sữa đậu nành. Thái Lan cũng có chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh tương tự.
Theo số liệu năm 2007 của Viện Dinh dưỡng quốc gia thì cho đến hiện nay tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi (còi cọc) vẫn quá cao 33,9% chung cho toàn quốc và vùng sâu vùng xa cao đến 45%. Các nhà dinh dưỡng cũng ước tính có đến một phần ba trẻ em ( 2,6 triệu) bị còi cọc ( suy dinh dưỡng thiếu chiều cao).
GS.TS Hà Huy Khôi –Hội Dinh dưỡng Việt Nam nhận định: Khi chế độ dinh dưỡng và mức sống được cải thiện thì chắc chắn chiều cao của người Việt Nam sẽ tăng lên. Tại diễn đàn “Quyền uống sữa của trẻ em Việt Nam” do Quỹ “Một triệu ly sữa cho trẻ em nghèo Việt Nam” tổ chức ngày 30/7/08 tai TP.Hồ Chí Minh, PGS.TS Lê thị Hợp P.Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chỉ rõ: Nguyên nhân của tỷ lệ suy dinh dưỡng còi cọc của chúng ta còn cao chủ yếu là do khẩu phần ăn của trẻ em quá thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là quá thiếu khẩu phần sữa trong bữa ăn hằng ngày.
Rõ ràng đến hơn ba phần tư yếu tố ảnh hưởng chiều cao là có thể cải tạo, điều chỉnh được. Tại sao không cho con em mình cơ hội để “xứng tầm” với bè bạn năm châu bốn biển, đó chính là câu hỏi của chúng ta !!!