I. LỜI MỞ
Dù có vài khác biệt, trẻ em cũng có thể nhiễm và mắc COVID-19 như người lớn. Do đó, trẻ cũng cần được phòng ngừa theo nguyên tắc 5K + Vaccine.
Từ 27/10, Hà Nội và TP HCM bắt đầu triển khai tiêm phòng cho trẻ tù 12 đến 17 tuổi theo tuần tự từ lớn tuổi tiêm trước rồi hạ dần, với vaccine được chọn là vaccine acid nucleic mRNA của hãng dược phẩm Pfizer-BioNTech, loại vaccine đã được FDA phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho trẻ em.
Nhiều phụ huynh có con 12-17 tuổi được tiêm vaccine thắc mắc, lo ngại về lâu về dài vaccine mRNA này có tương tác với bộ gene DNA của người rồi gây ra những rối loạn như ung thư, vô sinh….
Thực hư của chuyện này thế nào? Vaccin mRNA có làm thay đổi, đột biến gen người hay không ?
II. BIẾN ĐỔI GENE LÀ GÌ ?
Biến đổi gen (genetic modification) là quá trình làm thay đổi cấu trúc gen của một sinh vật. Trong tự nhiên, biến đổi gen đã được thực hiện gián tiếp trong hàng nghìn năm bằng cách nhân giống cây trồng và vật nuôi có kiểm soát hoặc có chọn lọc.
Công nghệ sinh học hiện đại đã làm cho việc nhắm mục tiêu một gen cụ thể trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn để thay đổi sinh vật chính xác hơn thông qua kỹ thuật di truyền được gọi là công nghệ gen (genetic engineering).
Sinh vật biến đổi gen (genetically modified organism, GMO) được gọi tên là “đã sửa đổi” (modified) hay “được thiết kế” (engineered).
Ba công nghệ biến đổi gen trong y khoa:
1* DNA TÁI TỔ HỢP (recombinant DNA)
Đây là công nghệ cắt và chuyển một đoạn DNA từ sinh vật này sang sinh vật khác được Herbert Boyer và Stanley Cohen, ĐH California, San Francisco và ĐH Stanford thực hiện lần đầu năm 1973, giữa hai chủng vi khuẩn. Năm sau, 1974, Beatrice Mintz và Rudolf Jaenisch, Mỹ lần đầu đưa vật liệu di truyền ngoại lai vào phôi chuột.
2* CHỈNH SỬA GENE (gene editing), CÔNG NGHỆ CRISPR (Clustered regularly interspaced short palindromic repeats)
Đây là công nghệ “cắt dán”, chỉnh sửa gen đang được chuyên gia nghiên cứu tìm kiếm các phương pháp chữa trị ung thư và chỉnh sửa các bệnh gây ra do rối loạn đoạn DNA đơn lẻ.
3* LIỆU PHÁP TẾ BÀO GỐC
Cũng có sử dụng kỹ thuật di truyền để tái tạo các mô bị tổn thương, như trong đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
III. VACCINE COVID-19 BIẾN ĐỔI GEN
Ba nhóm vaccin ngừa COVID-19 có sử dụng công nghệ biến đổi gen là:
1* VACCINE TIỂU ĐƠN VỊ TÁI TỔ HỢP (recombinant subunit)
Các tiểu đơn vị kháng nguyên trong các vaccin này được tái tổng hợp nhờ vào công nghệ gen (genetic engineering).
Dù các vaccin tái tổ hợp được được chứng minh về an toàn và hiệu quả, nhưng vì được cấu tạo từ một kháng nguyên duy nhất, vaccin đơn giá, nên đáp ứng miễn dịch không cao. Ngoài ra, vaccin tiểu đơn vị tái tổ hợp đòi hỏi giữ ở mức độ tinh khiết cao nên giá thành đắt hơn.
2* VACCINE VECTƠ VIRUS (viral vector)
Các virus dùng ở đây được tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật biến đổi gen. Ví dụ vaccine của AstraZeneca sử dụng một loại virus adeno vô hại đã được biến đổi gen để có chứa các gen của SARS-CoV-2, khi được tiêm chủng chúng sẽ vào sử dụng tế bào người tạo ra các protein gai S (spike protein) kích thích hệ thống miễn dịch tạo kháng thể chống lại sự xâm nhiễm coronavirus trong tương lai.
3* VACCINE mRNA
Hai loại vaccine của công ty Pfizer-BioNTech và Moderna được sản xuất với kỹ thuật đột phá đặc biệt, đó là kỹ thuật tổng hợp nhân tạo ra các mRNA. Bình thường, tế bào cơ thể có những enzyme nuclease để phá hủy được các nucleic acid ngoại lai xâm nhập như các DNA, RNA của virus, vi khuẩn, tế bào lạ.. Nhưng, các mRNA tổng hợp nhân tạo trong loại vaccine này có chứa các base N analogue, các base N tương tự, ví dụ như guanine được methyl hóa, uridine được thay thế bằng N1 methylpseudouridine.
Nhờ các biến đổi gene này, vaccine mRNA không bị các endonuclease của tế bào phân hủy. Và để mRNA được ribosome dịch mã tổng hợp ra protein S rất giống protein S tự nhiên của SARS-CoV-2 thì các codon cũng như đuôi poly A của mRNA cũng phải được tối ưu hóa.
Ngoài ra, các phân tử mRNA tổng hợp nhân tạo được bọc trong các hạt nano lipid (lipid nano particle) được ion hóa để dễ dàng đi qua màng tế bào nhờ cơ chế nội bào tự nhiên.
Sau khi vào tế bào chất, vaccine mRNA được các ribosome của tế bào nằm sẵn trên lưới nội sinh dịch mã tổng hợp nên các protein S đưa ra ngoài tế bào và kích thích hệ miễn dịch.
IV. VACCINE DI TRUYỀN KHÔNG GÂY ĐỘT BIẾN GENE
Tra cứu, tìm hiểu kỹ chúng ta thấy rằng, quy trình phát triển ba loại vaccine COVID-19 có sử dụng công nghệ biến đổi gene đều không có tác động gì lên chuỗi DNA của nhiễm sắc thể, bộ gene, ở trong nhân tế bào. Đặc biệt, vaccine mRNA chỉ hoạt động trong tế bào chất, phối hợp với các ribosome trên lưới nội sinh dịch mã để tổng hợp nên các protein S rồi đưa đưa ra ngoài tế bào đến kích thích hệ miễn dịch sinh kháng thể.
Do đó, có thể khẳng định có bằng chứng khoa học rằng, các vaccine công nghệ di truyền này không thể làm thay đổi, đột biến bộ gene của người sau khi được tiêm chủng.
V. BÀN LUẬN
Trong tự nhiên, hàng ngàn năm trước, con người đã thực hành biến đổi gene gián tiếp bằng cách nhân giống cây trồng và vật nuôi có kiểm soát và chọn lọc.
Trên thế giới, GMOs đã được đưa vào sử dụng từ thập niên 90 của thế kỷ trước, như đậu nành, bắp ngô, cải dầu và dầu hạt bông. Đến năm 2006, mới có nghiên cứu gắn gen của giun tròn vào lợn để tăng khả năng tạo a-xít omega-3, và biến đổi gen để lợn tăng hấp thu phospho trong thực phẩm… Và danh sách GMO ngày nay đã khá dài: đậu nành, bắp ngô, dầu hạt bông, rau alfalfa, đu đủ Hawai, cà chua, khoai tây, khoai sọ, cải dầu, mía, củ cải đường, lúa gạo, nhộng tằm…Diện tích nuôi trồng GMO, kể từ năm 1997 đến nay đã tăng lên gần 100 lần, từ 17.000 km2 đến 1.340.000 km2. Trước đây, SVBĐG chủ yếu ở Bắc Mỹ, gần đây phát triển nhanh chóng ở nước nghèo, đang phát triển. TPBĐG toàn thế giới đã tăng đến 95%. Mỹ (46%), Brasil (16%), Argentina (15%), Ấn độ (6%), Canada (6%), Trung Quốc (3%), Paraguay (2%) và Nam Phi (2%). Ở Mỹ, ba phần tư fast food có TPBĐG, đặc biệt 93% đậu nành, 93% bông, 86% bắp ngô và 95% củ cải đường là loại biến đổi gen.
Trong y khoa, với tình hình đái tháo đường gia tăng như bệnh dịch, để đủ insulin điều trị hiện nay chúng ta đang dùng là các loại insulin analog, một GMO, được sản xuất nhờ công nghệ gen di truyền hay biến đổi gen. Nhờ công nghệ gene chúng ta mới có nhiều loại insulin như cực nhanh, nhanh, chậm, hốn hợp để sử dụng đúng tình trạng lâm sàng. Hiện nay, việc chỉnh sửa gene với công nghệ “cắt dán” CRISPR, các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm các phương pháp chữa trị các bệnh di truyền rối loạn đoạn DNA đơn lẻ, và các bệnh ung thư. Liệu pháp tế bào gốc cũng sử dụng kỹ thuật di truyền để tái tạo các mô bị tổn thương, như trong đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Trong ba loại vaccin công nghệ gen, vaccin ‘vector virus’ đúng là một sinh vật biến đổi gen GMO thật sự. Các vaccin vectơ virus này adenovirus 5, 26 là virus gây cảm lạnh thông thường, làm phương tiện đưa chuỗi gen vào tế bào con người. Các adenovirus đã ghép nối cùng một chuỗi gen protein S của nCoV. Do đó, tiêm vaccin loại này đồng nghĩa là đưa một loại virus biến đổi gen, một GMO vào cơ thể.
Chúng ta cần phân biệt, vaccin vectơ virus khác biệt với vaccin sống giảm độc lực, như vaccin Sabin ngừa bệnh bại liệt: virus sống giảm độc lực hiếm khi nhưng có thể đột biến và trở thành hoạt động gây bệnh, còn các Adenovirus trong vaccin vector virus vì đã được sửa đổi gen không thể nhân lên, gây bệnh hoặc tích hợp vào DNA con người.
Việc nhanh chóng phát triển và phê duyệt các vaccin ngừa COVID-19, đặc biệt việc phát triển đột phá các vaccin mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna đã được các nước Âu-Mỹ hết sức ca ngợi. Tuy nhiên, cũng có các chính trị gia và các nhóm chống biến đổi gene tiếp tục không chấp nhân, và tuyên bố công khai là sẽ không sử dụng loại vaccin này. Đặc biệt, sau khi TS. Carrie-Madej, D.O, Mỹ, lên videoclip nhận định rằng vaccin mRNA có thể thay đổi bộ gen của con người [1].
Các mRNA “biến đổi” trong vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna chỉ hoạt động trong trong tế bào chất, không bao giờ xâm nhập vào nhân tế bào nên không thể tương tác với DNA, nhiễm sắc thể, bộ gen, và gây ra bất kỳ thay đổi gen nào cả.
VI. KẾT LUẬN
Các vaccin biến đổi gen, đặc biệt vaccin mRNA đang mở ra nhiều triển vọng, hứa hẹn để dự phòng COVID-19 hiện tại và ngay cả những bệnh dịch khác trong tương lai. Các nhà khoa học đã chứng minh các vaccin công nghệ gen này hoàn toàn không ảnh hưởng gì lên bộ gen của con người. Dự kiến những nhà khoa học phát minh ra công nghệ mRNA này đang được đề xuất giải Nobel y sinh năm sắp tới.
VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nhận định của tiến sỹ Carrie Madej về vaccine Covid-19
[2] What is genetic modification?
https://www.livescience.com/64662-genetic-modification.html
[3] CRISPR
https://en.wikipedia.org/wiki/CRISPR
[4] Thực phẩm biến đổi gen: tốt hay xấu, lợi hay hại ?
https://ykhoahue13.wordpress.com/2014/12/10/thuc-pham-bien-doi-gen-tot-hay-xau-loi-hay-hai-ts-tran-ba-thoai/
[5] Thực phẩm biến đổi gene: hiện đại, tất yếu, nên chấp nhận
https://dantri.com.vn/suc-khoe/thuc-pham-bien-doi-gen-hien-dai-tat-yeu-nen-chap-nhan-2015110412130463.htm
http://www.baodienbienphu.info.vn/ban-in/suc-khoe/129437/thuc-pham-bien-doi-gen-hien-dai-tat-yeu-nen-chap-nhan-
[6] Điều trị đái tháo đường thành công là nhờ công nghệ biến đổi gen
https://dantri.com.vn/suc-khoe/dieu-tri-dai-thao-duong-thanh-cong-la-nho-cong-nghe-bien-doi-gen-20151110161317392.htm
[7] Insulin công nghệ gene (gene engineering insulin)
https://cvdvn.net/2016/06/23/dieu-tri-dai-thao-duong-thanh-cong-la-nho-cong-nghe-bien-doi-gen/
[8] COVID-19 vaccines & genetic modification
https://www.openaccessgovernment.org/covid-19-vaccines-genetic-modification/112020/
[9] Genetically engineered vaccines: an overview
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9514708/
[10] Some COVID-19 vaccine using genetic engineering
[11] Fact Check-COVID-19 vaccines do not take away the human rights of recipients
https://www.reuters.com/article/factcheck-vaccine-gmo-idUSL1N2LH395
[12] COVID-19 vaccines have weakened the anti-GMO movement
[13] Will genetically modified vaccines make Europe rethink “Frankenfood”?
[14] Ethics and safety of GMO and non-GMO vaccines COVID-19
https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/P-9-2020-003908_EN.html