Trang chủ » Khuyến cáo » TẦM SOÁT UNG THƯ: CẦN HIỂU ĐÚNG VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ !

TẦM SOÁT UNG THƯ: CẦN HIỂU ĐÚNG VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ !

       I. LỜI MỞ

   Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thế kỷ 21 này nhân loại phải đối đầu với các bệnh không lây nhiễm NCDs, trong đó ung thư đứng thứ hai sau bệnh tim mạch.

   Lo lắng, sợ hãi về căn bệnh ung thư quái ác, đặc biệt khi biết rằng càng phát hiện sớm khả năng chữa lành càng cao, nhiều người đổ xô đi xét nghiệm tầm soát tổng thể, Và không ít người nghe theo các giới thiệu đã tích cực đi xét nghiệm, sàng lọc bệnh ung thư mà không biết mình mất tiền oan, mang thêm lo nghĩ, bệnh tật vào người. 

    Vậy tầm soát ung thư là gì? Hiện tại, có bao nhiêu loại ung thư có thể tầm soát được ?

     II, TỔNG QUAN VỀ TẦM SOÁT UNG THƯ 

      1. TẦM SOÁT UNG THƯ LÀ GÌ ?

   Tầm soát, sàng lọc ung thư (cancer screening) là truy tìm nguy cơ ung thư, phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm ngay khi chưa có các biểu hiện, triệu chứng, nhằm tăng khả năng điều trị, tăng khả năng khỏi bệnh và ngăn ngừa tái phát.

   Hiện nay, tầm soát ung thư được thực hiện thông qua xét nghiệm các chỉ dấu ung thư (tumor marker), xét nghiệm DNA, gene di truyền và kỹ thuật hình ảnh giúp phát hiện sớm các chất bất thường, tế bào bất thường và các tế bào ác tính trong cơ thể.

     2. QUY TRÌNH TẦM SOÁT UNG THƯ

  Quy trình tầm soát thường sẽ được thực hiện theo các bước sau:

.     * Khám tổng quát 

   Đây là bước cơ bản giúp bác sĩ nhận định sức khoẻ tổng quát, định hướng để đưa ra những phương thức tầm soát phù hợp.

     * Xét nghiệm cận lâm sàng

  Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ cho làm một số xét nghiệm cận lâm sàng cơ bản, các chỉ dấu ung thư nghi ngờ, các xét nghiệm chuyên sau khác.…

     * Chẩn đoán hình ảnh

    Ngoài các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thăm dò hình ảnh (imagery) như nội soi, siêu âm, XQ, CT scan, cắt lớp, chụp cộng hưởng từ MRI…

    III. XÉT NGHIỆM CHỈ ĐIỂM KHỐI U (tumor marker)

            

    1. ĐỊNH DANH

   Chỉ dấu khối u, tumor marker, TM, là các chất dấu sinh học (biomarkers) trong máu, nước tiểu, mô cơ thể tăng lên khi có sự hiện diện của một hoặc nhiều loại ung thư. Theo bản chất hóa học, TM u có thể là protein, protein liên hợp, peptide và carbohydrate. Protein hoặc protein liên hợp có thể là các enzyme, hormone hoặc các phân đoạn protein.

    Các chỉ dấu ung thư có thể được sản xuất trực tiếp bởi khối u hoặc bởi các tế bào khác như một phản ứng đối với sự hiện diện của khối u. Các chỉ dầu khối u trong những tình huống này thường cho các kết quả dương tính giả. Vì thế, nhiều chuyên gia xếp chỉ điểm ung thư vào 3 nhóm sau:

             

  • Nhóm 1: Các kháng nguyên đặc hiệu cho mỗi một loại ung thư, không có ở các khối u khác có cùng loại tế bào học.
  • Nhóm 2: Các kháng nguyên sản sinh từ nhiều/hay hầu hết các khối u có cùng hay khác gốc tế bào học.
  • Nhóm 3: Các kháng nguyên sản sinh từ cả tế bào thường lẫn tế bào ung thư ở mô tế bào người lớn.

     2. CÁC CHỈ ĐIỂM KHỐI U THÔNG DỤNG

  * M2-PK, CEA, CA 19–9, CA 125 (đại, trực tràng)

  * CEA, CA 15–3, Cyfra 21-1 (vú)

  * CEA, CA 19–9, CA 125, AFP, BHCG (buồng trứng)

  * CEA, CA 19–9, CA 125, Cyfra 21–1, SCC (tử cung)

  * PSA, FPSA (tuyến tiền liệt)  

  * AFP, BHCG (tinh hoàn)

  * CEA, CA 19–9, CA 72-4 (tụy tạng, dạ dày)

  * CEA, AFP (gan)

  * CEA, Cyfra 21-1 (thực quản)

  * CEA, NSE (tuyến giáp)

  * CEA, CA 19–9, CA 125, NSE, Cyfra 21-1 (phổi)

  * CEA, Cyfra 21–1, TPA (bàng quang)

       3CÁC ỨNG DỤNG

   Các xét nghiệm chỉ dấu khối u, giúp chẩn đoán các loại ung thư cụ thể và lên kế hoạch điều trị. Cụ thể thường được sử dụng nhất để: 

 * Góp phần trong chẩn đoán ban đầu.

 * Hướng dẫn chọn phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị, miễn dịch…

 * Kiểm tra tiến trình điều trị. Những thay đổi về mức độ chỉ dấu khối u giúp đánh giá phương pháp điều trị đang tác dụng tốt, xấu thế nào.

  * Dự đoán cơ hội phục hồi. Qua chỉ điểm khối u, bác sĩ điều trị phán đoán  đáp ứng điều trị, từ đó có thể dự đoán cơ hội phục hồi.

  * Dự đoán hoặc theo dõi khả năng tái phát. Vì thế, cần xét nghiệm chỉ điểm ung thư sau khi kết thúc điều trị để sớm phát hiện tái phát.

  * Có thể sử dụng để tìm ung thư ở những người có nguy cơ cao.

       IV. XÉT NGHIỆM GENE UNG THƯ

     1. ĐỊNH DANH

   Dù ung thư không phải là bệnh di truyền, nhưng một số loại ung thư,  như ung thư vú, buồng trứng, đại trực tràng và tuyến tiền liệt, có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi gene và có yếu tố gia đình.

  Cơ thể con người đều mang một số gene bảo vệ chống lại sự phát triển ung thư. Những gene này sẽ sửa chữa các tổn thương của chuối DNA xảy ra một cách tự nhiên trong quá trình phân chia tế bào.

   Những người mang các phiên bản lỗi hoặc các gene “biến chủng” (variant gene) sẽ bị tăng nguy cơ phát triển ung thư, bởi vì các gene đột biến này thiếu khả năng sửa chữa các tổng thương của đoạn DNA và các tế bào bị tổn thương tích tụ lại và hình thành khối u.

    2BRCA1, BRCA2 VÀ CÁC BIẾN CHỦNG

   BRCA1 (BReast CAncer gene 1) và BRCA2 (BReast CAncer gene 2) là những gene sản xuất protein giúp sửa chữa DNA bị hư hỏng. Mọi người đều có hai bản sao của mỗi gen này—một bản sao được thừa hưởng từ bố và mẹ.

  BRCA1 và BRCA2 là gene ức chế khối u vì khi chúng có những thay đổi nhất định, biến thể hoặc đột biến, ung thư có thể phát triển.

  Những người thừa hưởng các biến thể có hại ở một trong những gen này đã tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như vú và buồng trứng, và một số loại ung thư khác, và cũng có xu hướng phát triển ung thư trẻ hơn, sớm hơn so với những người không có đột biến thể này.

     V. XÉT NGHIỆM SỚM ĐA UNG THƯ GALLERI (multi-cancer early detection test MCED)

   1. ĐỊNH DANH

   Xét nghiệm Galleri hoạt động bằng cách tìm kiếm các protein hoặc yếu tố di truyền có liên quan đến ung thư trong máu. Phòng thí nghiệm sẽ sử dụng trình tự DNA và học máy (DNA sequencing and machine learning) để phân tích các DNA ngoại bào (cell-free DNA) là loại DNA được giải phóng khỏi tế bào và hiện diện trong máu.

  Vì DNA ngoại bào của tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư khác nhau, nên Galleri test tìm kiếm các kiểu thay đổi cụ thể trong các DNA ngoại bào đồng nghĩa phát hiện báo hiệu sự hiện diện của bệnh ung thư. Galleri cũng nhằm mục đích xác định nơi khối ung thư khởi phát..

   Khi phát hiện tín hiệu liên quan đến ung thư, các xét nghiệm bổ sung được thực hiện để giúp xác nhận chẩn đoán.

   2. GALLERI CÓ THỂ PHÁT HIỆN CÁC UNG THƯ NÀO ?

   Hãng sản xuất GRAIL giới thiệu rằng, xét nghiệm Galleri có thể xác định hơn 50 loại ung thư, bao gồm một số loại ung thư phổ biến nhất hiện nay như: Ung thư vú; Ung thư phổi, Ung thư tuyến tiền liệt, Ung thư đại trực tràng.  Galleri cũng có thể xác định các bệnh ung thư ít phổ biến hơn như ung thư bóng Vater và một số sarcoma mô mềm.

    VI. HƯỚNG DẪN SÀNG LỌC CỦA HIỆP HỘI UNG THƯ HOA KỲ

   Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ có hướng dẫn dành cho người lớn có nguy cơ trung bình với các sàng lọc thường xuyên ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư đại trực tràng. Với nhiều loại ung thư khác, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những cách tốt nhất để phát hiện ung thư trước khi các triệu chứng xuất hiện.

   1. UNG THƯ VÚ

   Phụ nữ ở tuổi 40 trở lên bằng chụp quang tuyến vú hằng năm.

   2. UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

  Phụ nữ nên bắt đầu sàng lọc thường xuyên ở tuổi 25. Những người trong độ tuổi từ 25 đến 65 nên làm xét nghiệm HPV 5 năm một lần, kết hợp với xét nghiệm Pap 3 năm một lần. .

   3. UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

   Tuổi 45 trở lên, Dặc biệt, những người có nguy cơ cao theo tiền sử gia đình và/hoặc cá nhân hoặc các yếu tố khác có thể cần bắt đầu sàng lọc trước 45 tuổi và sàng lọc thường xuyên hơn,

    4. UNG THƯ PHỔI

  Độ tuổi 50 trở lên, đang hoặc đã từng hút thuốc.

    5. UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT

    Nam giới từ tuổi 50 trở lên.

    VII. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

     1. VỀ CHỈ ĐIỂM KHỐI U

    Các chỉ dấu ung thư có thể được sản xuất tử 3 nguồn: trực tiếp bởi khối u, từ các tế bào khác, và là chất  phản ứng đối với sự hiện diện của khối u.

    Một chỉ dấu lý tưởng để chẩn đoán bệnh ung bướu cần có hai đặc điểm: một là ĐỘ NHẠY (sensibility Se) là khả năng phát hiện chất chỉ dấu được chế tiết vào máu với một nồng độ thấp nhất có thể định lượng được khi khối u chuyển sang “ác tính” và hai là ĐỘ ĐẶC HIỆU (SPECIFICITY Sp) xét nghiệm chất chỉ dấu này cho phép thầy thuốc định vị được khối u ở đâu.

    Trong thực tế không có chỉ dấu ung thư nào đạt được hai chỉ tiêu lý tưởng vì: (1) chỉ dấu phải có độ đặc hiệu đến 100% và sai số dương giả là 0% , tức là chỉ cho kết quả dương khi phát hiện khi có ung thư  và (2) chỉ dấu phải có độ nhạy đến 100% và sai số âm giả  là 0%, tức là có thể phát hiện rất sớm trong giai đoạn đầu của ung thư và không hề bỏ sót. 

   Vì thế, chỉ dựa vào sự hiện diện của các chỉ dấu khối u không đủ cơ sở để chẩn đoán xác định ung thư. 

     2. VỀ XÉT NGHIỆM GENE UNG THƯ

    Các xét nghiệm gene di truyền (genetic test) để phát hiện các đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 có hại có tác dụng chỉ ra nguy cơ mắc bệnh. Kết quả xét nghiệm dù có dương tính, chúng ta cũng không thể biết cá nhân được xét nghiệm có phát triển ung thư hay không hoặc khi nào bệnh sẽ phát triển, và cũng có người dương tính, thừa hưởng biến thể BRCA1 hoặc BRCA2 có hại, nhưng không bao giờ phát triển ung thư.

  Hiện nay, một người thừa hưởng đột biến gene BRCA1 hoặc BRCA2 có hại có thể tùy chọn cách giảm nguy cơ ung thư như: (1) sàng lọc nâng cao (enhanced screening); (2) phẫu thuật giảm thiểu rủi ro,  phẫu thuật dự phòng (risk-reducing surgery, prophylactic surgery) và (3) hóa chất phòng ngừa (chemoprevention).

   3. VỀ XÉT NGHIỆM GALLERI

  Xét nghiệm Galleri có các nhược điểm như: Không phát hiện được tất cả các loại ung thư; Độ nhạy (sensibility Se) thay đổi theo giai đoạn ung thư (giai đoạn I là 17%, giai đoạn II là 40%, giai  đoạn III là 77% và giai đoạn IV là 90%); Độ đặc hiệu (specificity Sp) không cao 100% như nhà sản xuất giới thiệu, nên cũng đã có trường hợp xét nghiệm Galleri kết quả dương tính giả; Galleri chưa được FDA phê chuẩn; Ở Mỹ, Medicare không chi trả chi phí xét nghiệm Galleri,

    Tóm lại, vì không có một xét nghiệm, chất chỉ dấu ung thư “lý tưởng” nên chúng ta không thể quá “đơn giản”, quá dễ dàng tự bỏ tiền đi làm xét nghiệm để biết bệnh được, mà cần phải có bác sĩ kinh nghiệm đánh giá, phối hợp độ nhạy, độ đặc hiệu cũng như các yếu tố lâm sàng khác mới có thể kết luận toàn diện và thích hợp. Ví dụ: Chúng ta không thể đơn thuần đi làm xét nghiệm AFP để kết luận có ung thư gan nguyên phát (HCC) hay không, mà cần phải có các xét nghiêm, các thăm dò chẩn đoán khác như Chức năng gan, Siêu âm bụng, chụp CT scan hoặc MRI….

 VIII. THAM KHẢO

[1] Cancer Screening

https://www.cancer.gov/about-cancer/screening

[2] Why We Screen for Some Cancers and Not Others

https://www.cancer.org/cancer/latest-news/why-we-screen-for-some-cancers-and-not-others.html

[3] A short guide to cancer screening 

https://iris.who.int/bitstream/handle/10665/351396/9789289057561-eng.pdf

[4] What is cancer screening?

https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cancer-symptoms/spot-cancer-early/screening/what-is-cancer-screening

[5] Cancer Screening Guidelines by Age

https://www.cancer.org/cancer/screening/screening-recommendations-by-age.html

[6] Multi-cancer Early Detection (MCED) Tests

https://www.cancer.org/cancer/screening/multi-cancer-early-detection-tests.html

[7] The Galleri Blood Test for Multiple Cancers: What to Know

https://www.healthline.com/health/cancer/galleri-cancer-test

[8] Cell-Free DNA-Based Multi-Cancer Early Detection Test

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36230741/

[9] 9 reasons why you should get screened for cancer

https://www.check4cancer.com/advice-and-awareness/blog/1587-9-reasons-why-you-should-get-screened-for-cancer

[10] XÉT NGHIỆM CHỈ ĐIỂM KHỐI U VÀ GENE UNG THƯ

XÉT NGHIỆM CHỈ ĐIỂM KHỐI U VÀ GENE UNG THƯ

[11] XÉT NGHIỆM PHÁT HIỆN SỚM ĐA UNG THƯ (Multi-Cancer Early Detection Tests MCED)

XÉT NGHIỆM PHÁT HIỆN SỚM ĐA UNG THƯ (Multi-Cancer Early Detection Tests MCED)

 [12] Tầm soát ung thư: Hiểu đúng để đừng phí tiền và thêm sầu lo

https://tuoitre.vn/tam-soat-ung-thu-hieu-dung-de-dung-phi-tien-va-them-sau-lo-20240624225516361.htm

         TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM