Trang chủ » BÀN LUẬN » Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ ĐANG “VÂY BÍ” QUANH TA !

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ ĐANG “VÂY BÍ” QUANH TA !

     I. LỜI MỞ

   Cuộc sống văn minh, hiện đại, con người sử dụng nhiều máy móc, công cụ, xe cộ …nhiều hơn kéo theo hệ lụy là không khí ngày càng ô nhiễm khói, khí thải xe hơi, máy sưởi ấm nhà ở và khói từ các nhà máy điện..

   Các nhà khoa học chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí là một nguy cơ lớn đối với sức khỏe nói chung, đặc biệt cũng là một nguyên nhân môi trường hàng đầu gây ung thư.

     II. ĐỊNH DANH Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

    Để có được cuộc sống khỏe, sinh quyển, hệ thống khí tự nhiên quanh con người, cần thiết hỗ trợ sự sống trên hành tinh, phải trong sạch không bi nhiễm bẩn.

   Ô nhiễm không khí (air pollution) là tình trạng sinh quyển bị nhiễm những hóa chất, vật thể sinh học độc hại gây ra sự khó chịu, bệnh tật hoặc tử vong cho con người, cũng như thiệt hại lên các sinh vật khác như thực, động vật trong hệ sinh thái.

    III. CÁC TÁC NHÂN GÂY Ô NHIỄM (pollutants)

   Không khí xung quanh ta dễ dàng bị dây bẩn bởi nhiều chất gây ô nhiễm, trong đó có 6 chất được thế giới đồng ý đưa vào danh sách “đen”,  đó là ô xít các bon, chì, ô xít nitơ, ozôn, ô xít lưu huỳnh và các hạt vật chất rắn.

    1.  Ô xít các bon (carbon monoxide CO)

  Ô xít cacbon không màu, không mùi và rất độc. Ô xít các bon sản sinh ra nhiều khi nhiên liệu không cháy hết. Khí thải xe đóng góp khoảng 60% lượng khí thải ô xít các bon tổng thể và lên đến 95% ở các thành phố lớn. Các nguồn ô xít các bon khác do đốt cháy nhiên liệu trong công nghiệp và các nguồn tự nhiên như cháy rừng.

     

                         Khói xe, tác nhân chính gây ô nhiễm ô xit cacbon

   Nồng độ ô xít các bon thường cao khi thời tiết lạnh vì lạnh làm cho đốt cháy không hoàn toàn và chất ô nhiễm bẫy thấp trên mặt đất.

   Ô xít các bon qua phổi vào máu sẽ liên kết hóa học với hồng cầu tố hemoglobin tạo thành carbohemoglobin không có khả năng vận chuyển oxy đến các tế bào, mô khiến cơ thể “ngạt trên cạn” và tử vong.

    2. Chì

   Chì có thể trong tự nhiên hay trong vật dụng, sản xuất. Có thể nhiễm chì qua nhiều cách: hít không khí trong không khí ô nhiễm hay ăn uống phải phải chì trong thực phẩm, nước, đất, hoặc bụi.

   Nguồn ô nhiễm chì trong không khí chính là khí thải xe hơi và các nguồn công nghiệp, đặc biệt khí thải chì ở gần nhà máy luyện chì, lò đốt chất thải, vật dụng có chì, sơn chì, pin ắc quy chì.

   Chì có thể gây tổn thương hệ thần kinh, não bộ, thận tiết niệu gây co giật, chậm phát triển tâm thần, rối loạn hành vi, suy thận mãn.

   3Ô zôn (ozone O3)

   Ozone là một chất khí hình thành trong khí quyển khi ba nguyên tử oxy được kết hợp. Nó được tạo ra bởi một phản ứng hóa học giữa các oxit nitơ và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi dưới ánh nắng mặt trời. Ozone hiện diện lớp quanh bề mặt trái đất, tầng đối lưu là ozone xấu có thể gây ô nhiễm với con người, động vật, thảm thực vật. Nhưng lớp ozone ở tầng bình lưu trên cao hơn là tầng ozone tốt bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi tác hại của tia cực tím trong ánh mặt trời.

    Ozone gây tổn thương chủ mô, làm giảm chức năng phổi và gây viêm đường hô hấp, đau ngực, tắc nghẽn động mạch phổi.

    4. Ô xít nitơ (nitrogen dioxide NO2)

   Ô xít nitơ là một chất khí màu nâu, một chất gây ô nhiễm không khí quan trọng. Chúng có thể gây viêm phế quản, viêm phổi và làm giảm đề kháng với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ô xít nitơ còn góp phần vào sự hình thành tầng ozone và mưa axit và có thể ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái trên cạn và dưới nước. Hai nguồn phát thải chính của các ôxit nitơ là xe ô tô và các nguồn nhiên liệu đốt công nghiệp như nhà máy điện và nồi hơi …

   5. Bụi mịn, hạt vật chất (particulate matter, PM)

     

   Hạt vật chất là một tác nhân gây ô nhiễm không khí quan trọng, bao gồm bụi, bụi bẩn, muội, khói, và các giọt chất lỏng. Hạt vật chất có nhiều kích cỡ, hạt nhỏ dưới 10 micromet ảnh hưởng sức khỏe nhiều nhất vì chúng dễ dàng xâm nhập hệ thống hô hấp. Một số hạt vật chất được thải trực tiếp vào không khí, hay hình thành trong không khí thông qua phản ứng hóa học. Nguồn thải hạt vật chất vào không khí bao gồm xe hơi, nhà máy, công trường xây dựng, lĩnh vực canh tác, đường trải nhựa, xây dựng, đốt củi, rơm rạ, cháy nhà xưởng, cháy rừng, hay bui không khí tự nhiên.

       

   Tiếp xúc với hạt vật chất có thể gây bệnh hô hấp, tim mạch như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim sung huyết, thiếu máu cơ tim… Tùy theo bản chất hóa học bụi có các tác hại gây bệnh khác nhau. Thường ta gặp các nhóm: (1) bụi gây nhiễm độc (chì, thủy ngân), (2) bụi gây dị ứng (bụi bông gai, phấn hoa, lông thú vật,…), (3) bụi gây nhiễm trùng, (4) bụi gây xơ phổi (bụi than, amiăng, silíc…)

    6Ô xit lưu huỳnh (sulfur dioxide SO2)

   Ô xit lưu huỳnh là khí không màu, sản sinh trong quá trình cháy của nhiên liệu có chứa lưu huỳnh như than đá và dầu mỏ, trong quá trình nấu chảy kim loại và bởi các quá trình công nghiệp khác. Do đó, nồng độ ô xit lưu huỳnh cao nhất thường thấy ở nơi gần khu công nghiệp lớn, như các nhà máy điện và nồi hơi công nghiệp.

    Nồng độ cao ô xit lưu huỳnh ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp và tim mạch như hen suyễn, viêm phế quản hoặc khí phế thũng, bệnh cơ tim…. Ô xit lưu huỳnh cũng là chất gây mưa axit làm ô nhiễm ao,hồ, sông suối…gây thiệt hại cây cối, hoa màu, vật nuôi, nhà cửa v.v….

    7. Clo và a xít chlohydric (Cl và HCl)

   Clo và HCl có nhiều ở xung quanh các nhà máy hóa chất đặc biệt là các phân xưởng sản xuất xút NaOH bằng cách điện phân muối ăn NaCl. Clo còn thấy ở các nhà máy sản xuất nhựa tái sinh, xưởng nấu xì dầu, phân kim vàng bạc, các lò đốt rác thải là chất dẻo……

   Clo dễ hòa tan vào nước nên thường gây kích thích cho vùng trên của đường hô hấp khi nồng độ clo trong không khí cao.

   Trên thượng tầng khí quyển, gốc clo trong hợp chất freon (khí gas máy lạnh) được giải phóng sẽ làm tan rã các phân tử khí ôzôn, gây thủng tầng ôzôn bảo vệ trái đất khỏi tác hại của tia tử ngoại có trong ánh mặt trời. 

   IV. BỆNH DO Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ GÂY RA

  Tùy theo tác nhân gây ô nhiễm, sẽ có những căn bệnh cụ thể khác nhau. Nói chung, không khí ô nhiieemx có thheer gây các bệnh lý sau

     1. Bệnh lý hô hấp

    Đứng đầu là các nhiễm trùng, viêm phổi tắt nghẽn mãn tính COPD, hen suyễn, ung thư..

  Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuyên bố rằng có “đầy đủ bằng chứng” cho thấy việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi.

     2. Nhiễm độc cơ thể

   Các độc chất gây ô nhiễm không khí có thể gây độc chung cho nhiều cơ quan hệ thống trong cơ thể con người

    3. Bệnh lý tim mạch

   Ô nhiễm không khí tác động tiêu cực đến hệ tim mạch. Theo các chuyên gia về tim mạch, chỉ việc ô nhiễm không khí do đốt nhang cũng làm tăng nguy cơ suy tim lên đến 12% và các bệnh về mạch vành là 10% và cũng làm tăng nguy cơ viêm mạch máu và các bệnh lý về tim.

     4. Bệnh lý da liễu

   Sống trong ô nhiễm không khí lâu dài, da bị kích ứng đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi, gây sẩn ngứa, mề đay… Quá trình lão hóa da cũng xảy ra nhanh hơn.

     5. Bệnh lý thần kinh

    Người sống trong ô nhiễm không khí thường bị đau đầu, khó tập trung, hay quên đặc biệt là mất ngủ,,.

     Các chuyên gia của Đại học Washington (Mỹ), phân tích dữ liệu ô nhiễm không khí từ 6 thành phố ở Mỹ trong 5 năm, với sự tham gia của 1.863 người tình nguyện với những thiết bị đeo trên cổ tay cho thấy ô nhiễm không khí ảnh hưởng lớn lên hệ thần kinh, giấc ngủ….

     6. Bệnh lý tiết niệu

   Nhiều tác nhân ô nhiễm không khí, đặc biệt các kim loại nặng, bụi, làm suy giảm chức năng thận 

     7. Bệnh lý sinh dục

  Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ vô sinh toàn cầu là 15%, đồng nghĩa khoảng 60 đến 80 triệu cặp vợ chồng bị vô sinh, trong đó vô sinh nam chiếm 40-70%. Các chuyên gia cho biết sức khỏe sinh sản của con người phải đối mặt với những thách thức lớn do nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, môi trường, lối sống và tâm lý. Trong đó, các chất gây ô nhiễm không khí có tác động tiêu cực đến chất lượng tinh trùng.

 V. LÀM SAO HẠN CHẾ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

Chống ô nhiễm không khí là một vấn đề lớn trong bảo vệ môi trường sống. Để giải quyết cần phải có sự chung sức của cả cộng đồng từ cơ quan quản lý, xí nghiệp, công trình cho đến mỗi một người dân.

1.  Với “thủ phạm” đứng đầu, khí thải giao thông, đến 75% khí độc là do ô tô sản sinh ra. Ngoài giảm số lượng xe cộ tham gia, quan trọng nhất là kiểm soát mức độ khí thải, cụ thể là chỉ cho lưu hành xe cộ ít gây ô nhiễm. Hiện nay, Việt Nam chúng ta đã dùng Euro4 làm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và năm 2016 sẽ áp dụng Euro 5 về khí thải; cuối cùng những xe thải vượt mức sẽ không được phép lưu hành.

2. Với “thủ phạm” thứ hai là bụi vật thể rắn. Công trình xây dựng  phải được che chắn; khu đất, con phố, vỉa hè bị đào bới phải được quây che kín đáo; xe tải chở vật liệu xây dựng, đất đá, xà bần…phải đậy bạt hẳn hoi…

3. Các nhà máy, khu công nghiệp phải được tập trung xa khỏi thành phố, xa khu dân cư, phải sử dụng những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, và phải kiểm soát xử lý được khói bụi, các vật thể rắn, khí SO2, NO2, CO… trong quá trình sản xuất.

4. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, các làng nghề, ý thức người dân trong sinh hoạt đun nấu cũng góp phần làm không khí ô nhiễm.

  VI. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

     Sau sân khấu hoành trán là hậu trường ngổn ngang, sau huân chương đẹp đẽ là mặt trái xấu xí. Cuộc sống văn minh cũng kéo theo những hệ lụy phức tạp. Ô nhiễm không khí là một vấn đề “xấu xa”, khó xử như thế.

   Tận dụng được lợi ích của tiến bộ công nghiệp, nhưng vẫn kiểm soát khắc phục những điểm xấu là nhiệm vụ của tất cả mọi chúng ta.

  VII. THAM KHẢO

[1] WHO: Ô nhiễm không khí giết chết 7 triệu người mỗi năm

https://dantri.com.vn/suc-khoe/who-o-nhiem-khong-khi-giet-chet-7-trieu-nguoi-1396420897.htm

[2] “Môi trường không khí và các bệnh có liên quan”

http://hoiyhoctphcm.org.vn/hoi-thao-moi-truong-khong-khi-va-cac-benh-co-lien-quan-14-10-2018-2/

[3] Air pollution now leading cause of lung cancer

https://www.express.co.uk/life-style/health/437473/Air-pollution-now-leading-cause-of-lung-cancer

[4] Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây chứng mất ngủ của dân thành thị

https://cafebiz.vn/nghien-cuu-moi-cho-thay-o-nhiem-khong-khi-la-nguyen-nhan-gay-chung-mat-ngu-cua-dan-thanh-thi-20170703161007939.chn

[5] Ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến tinh trùng?

https://vnexpress.net/o-nhiem-khong-khi-anh-huong-the-nao-den-tinh-trung-4598235.html

[6] Báo động đỏ ô nhiễm không khí Hà Nội

https://bvquan9.medinet.gov.vn/chuyen-muc/bao-dong-do-o-nhiem-khong-khi-tai-ha-noi-cmobile16845-133498.aspx

[7] Ô nhiễm không khí – Tác nhân gây ra gần 7 triệu ca tử vong mỗi năm | VTV24

[8] Hà Nội nêu 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí | VTV24

          TS BS Trần Bá Thoại   

     Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam