Trang chủ » ẨM THỰC » NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN: XANH, SẠCH, VÀ BỀN VỮNG !

NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN: XANH, SẠCH, VÀ BỀN VỮNG !

     I. LỜI MỞ

    Việt Nam chúng ta là một nước nông nghiệp, với hơn sáu mươi phần trăm nông dân. Vì thế, nông nghiệp giữ vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nguồn nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

   Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải sớm chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn để sự phát triển được xanh, bền vững.

   Kinh tế, nông nghiệp tuần hoàn là gì? Tại sao Việt Nam chúng ta phải chuyển hướng nông nghiệp tuần hoàn này?

    II. ĐỊNH DANH KINH TẾ, NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN

     1. Kinh tế tuần hoàn.

    Theo Ellen Mac Arthur Foundation, tổ chức thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu, hệ thống tuần hoàn là hệ thống trong đó vật liệu không bao giờ trở thành rác thải mà được tái sinh. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm và vật liệu được lưu thông qua các quá trình như bảo trì, tái sử dụng, tân trang, tái sản xuất, tái chế.

   Như vậy, kinh tế tuần hoàn gồm giảm thiểu sử dụng, tái sử dụng, tái chế trong sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, khác hẳn kinh tế tự nhiên hay truyền thống. 

   Tại Việt Nam, thuật ngữ kinh tế tuần hoàn đã được ấn định tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trườngnăm 2020. Theo đó, “kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mà các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ đều hướng đến giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. 

    2. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: nông nghiệp tuần hoàn.  

   Theo Van Bodegom, Đại học Wageningen, Chuyên gia về Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên thiên nhiên cho rằng, nông nghiệp tuần hoàn hay kinh tế tuần hoàn cho hệ thống thực phẩm, là chuỗi hoạt động khép kín đầu ra của giai đoạn này là đầu vào của giai đoạn tiếp theo. 

   Theo Nguyễn Thị Miền,Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thì kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp “là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.

   Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Xuân Hồng ngắn gọn hơn, nông nghiệp tuần hoàn “là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất tiếp theo..

   III. NHỮNG MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN 

   Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở nước ta nhìn chung khá phong phú và đa dạng. Một số mô hình đã triển khai rộng khắp ở các địa phương, đem lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp cho sự phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân.

     1. Mô hình vườn – ao – chuồng- VAC

   Xuất hiện từ thập niên 80 là mô hình nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. Ba biến thể của vườn – ao – chuồng gồm: vườn – ao – chuồng – biogas; vườn – ao – chuồng – rừng và vườn – ao – hồ. 

   Những mô hình này đã được triển khai tại các tỉnh miền núi và miền Trung Việt Nam, không chỉ giúp giảm phát thải môi trường mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nông dân tại địa phương. 

    2. Mô hình “lúa, tôm” và “lúa, cá” 

   Được áp dụng chủ yếu ở các tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh vùng trũng thuộc đồng bằng sông Hồng vào đầu thế kỷ XXI. Hiện nay, mô hình này đang được phát triển thành mô hình “lúa thơm – tôm sạch” và “lúa thơm – cá sạch” , nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. 

    Mô hình này đã được triển khai trong thực tiễn với nhiều lợi ích như giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Đặc biệt, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân lên đến 5 – 10 lần so với việc trồng lúa thông thường trên cùng một diện tích.

   3. Mô hình lúa – nấm – phân hữu cơ – cây ăn quả

   Đã trở nên phổ biến ở nhiều các tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, người nông dân sử dụng phụ phẩm từ rơm rạ để trồng nấm. Sau khi thu hoạch nấm, bã rơm rạ được tái sử dụng để bón cho cây trồng, giúp cải thiện chất lượng đất đai và tăng hiệu suất trong sản xuất nông nghiệp.

    Thực tế cho thấy, trên một hecta đất trồng lúa, lượng rơm rạ có thể sản xuất khoảng 200m mô nấm và thu được 250 – 300kg nấm tươi sau khoảng 25 – 30 ngày trồng. Với mức giá bán dao động từ 25.000 – 27.000 đồng/kg nấm tươi, nông dân có thể thu về từ 6 – 8 triệu đồng, không kể nguồn thu nhập từ lúa.

   4. Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp

   Sử dụng các loại phụ phẩm từ nông nghiệp và chăn nuôi, như: rơm rạ, cây đậu, cây ngô, phân lợn, phân bò, phân gà, rác thải sinh hoạt để sản xuất phân hữu cơ thông qua quá trình ủ bổ sung và phân hủy.

    Phân hữu cơ được sử dụng để cải tạo đất bạc màu, đất thiếu dinh dưỡng và tái tạo độ phì nhiêu cho đất, giúp canh tác tốt rau hữu cơ và rau an toàn. Mô hình này được thực hiện khá hiệu quả tại tỉnh Đồng Nai với sản lượng phân hữu cơ từ phụ phẩm chăn nuôi đạt khoảng 2 triệu tấn/năm.

     5.- Mô hình nông nghiệp tổng hợp (bò, giun quế, cỏ, ngô, gia cầm, gia súc, cá)

    Là một phương pháp hiệu quả khi tận dụng phân bón từ chăn nuôi làm phụ phẩm để nuôi giun quế. Phân của giun quế có thể được sử dụng để bón cỏ, ngô hoặc làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và cá. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giúp giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.

   6. Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm – Food – Feed – Fertilizer)

    Ra mắt vào ngày 17/8/2020 tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – HuếMô hình này là một chu trình sản xuất hoàn chỉnh và khép kín, từ chăn nuôi lợn hữu cơ, sản xuất chế phẩm sinh học, sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ đến sản xuất phân bón vi sinh. Đây có thể coi là một bước tiến quan trọng trong việc áp dụng kỹ thuật tự nhiên và bền vững vào sản xuất nông nghiệp. 

   7. Mô hình “vòng tuần hoàn xanh”

    Trong các trang trại nuôi bò sữa được Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn TH True Milk áp dụng để phát triển trang trại bò sữa theo hướng thân thiện với môi trường. Trong trang trại bò sữa, quy trình chăn nuôi được thực hiện theo một hệ thống “vòng tuần hoàn xanh” từ khâu quản lý đất đai, tiến hành trồng cỏ, chăm sóc bò đến khâu xử lý chất thải. Việc tái sử dụng năng lượng trong chăn nuôi bò sữa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giảm thiểu lượng khí thải CO2, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là một mô hình tiêu biểu cho việc phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp.

   6. Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (Low Carbon Agriculture Supporting Program)

  Được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra từ tháng 6/2013 – 6/2019 tại 10 tỉnh, gồm: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy việc sử dụng chất thải nông nghiệp để sản xuất năng lượng sinh học và tạo nguồn thu nhập thông qua việc áp dụng công nghệ khí sinh học, cải thiện bếp nấu, sản xuất phân bón hữu cơ và các biện pháp bảo vệ môi trường. Khi tham gia dự án, môi trường chăn nuôi ở các tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Các hộ gia đình và trang trại chăn nuôi được tiếp cận với các phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả về mặt kinh tế.

    IV. NHỮNG TÁC ĐỘNG, LỢI ÍCH

   Nông nghiệp tuần hoàn có ba lợi ích chính về  kinh tế, môi trường và xã hội

   1. Tác động về kinh tế

    * Giảm chi phí nguyên liệu

    Một trong những lợi ích kinh tế rõ rệt của mô hình kinh tế tuần hoàn là khả năng giảm chi phí nguyên liệu. Trong nông nghiệp, việc tái sử dụng chất thải sinh học như phân bón tự nhiên không chỉ giảm bớt gánh nặng chi phí mua phân bón hóa học mà còn giúp bảo vệ môi trường.

    Một nghiên cứu của Ellen MacArthur Foundation đã chỉ ra rằng, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp tiết kiệm đến 700 tỷ USD mỗi năm toàn cầu trong lĩnh vực thực phẩm bằng cách giảm lượng chất thải và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

   Công ty “EarthCycle” là một trường hợp mẫu mực, họ biến chất thải hữu cơ thành phân compost, giảm nhu cầu về phân bón hóa học đắt đỏ. Bằng cách tái chế 10.000 tấn chất thải mỗi năm, EarthCycle không chỉ cắt giảm 40% chi phí nguyên liệu cho bà con nông dân mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường bằng cách giảm lượng chất thải đưa vào bãi rác.

     * Tăng hiệu suất sản xuất

   Kinh tế tuần hoàn khuyến khích việc sử dụng công nghệ tiên tiến và phương pháp canh tác thông minh, giúp tăng hiệu suất sản xuất. Sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ IoT trong quản lý nông trại giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực như nước và phân bón, từ đó tăng năng suất mà không làm tăng chi phí đầu vào.

   AeroFarms là là một công ty nông nghiệp đô thị sử dụng công nghệ canh tác dạng khí mà không cần đất, gọi là canh tác dạng khí (aeroponics), để trồng rau mầm và cây trồng khác trong môi trường kiểm soát hoàn toàn. Công ty sử dụng hệ thống LED tiên tiến để tối ưu hóa quang hợp và kích thích sự phát triển của cây trồng, trong khi giảm tới 95% lượng nước sử dụng so với nông nghiệp truyền thống. Hệ thống canh tác thông minh của họ cho phép kiểm soát chính xác điều kiện môi trường như ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm, từ đó tăng cường hiệu suất sản xuất và đảm bảo chất lượng nông sản đồng đều quanh năm mà không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết ngoại vi

    * Mở ra thị trường mới

    Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra cơ hội cho việc phát triển thị trường mới thông qua việc tái chế và tái sử dụng sản phẩm. Trong nông nghiệp, việc chế biến chất thải sinh học thành sản phẩm có giá trị như năng lượng tái tạo hay phân bón hữu cơ mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp mới và tạo ra các nguồn thu mới. Thị trường cho sản phẩm tái chế và bền vững đang ngày càng mở rộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.  

     2. Tác động môi trường 

  Trong nông nghiệp tuần hoàn, việc sử dụng các phương pháp canh tác hữu cơ, việc giảm sử dụng hóa chất độc hại và việc tăng cường sử dụng phương pháp kiểm soát sinh học giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên các loài sinh vật phi nông nghiệp. Việc này tạo điều kiện cho sự phát triển của các hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường đa dạng sinh học, và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

    Theo nghiên cứu từ Đại học Wageningen, Hà Lan, nông nghiệp tuần hoàn có thể giúp giảm đến 20% lượng khí thải CO2 so với nông nghiệp truyền thống. Việc tái sử dụng chất thải hữu cơ như phân xanh và compost giúp giảm sự phụ thuộc vào phân bón hóa học, qua đó giảm lượng khí nhà kính phát thải. Mô hình này thường liên kết với việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt. Nghiên cứu cho thấy, áp dụng mô hình tuần hoàn có thể giúp tiết kiệm đến 30-50% lượng nước tiêu thụ trong nông nghiệp.

     3. Tác động xã hội

    Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), mô hình nông nghiệp tuần hoàn có khả năng tăng năng suất lên tới 20% trong khi giảm 30% lượng chất thải và phát thải khí nhà kính. Điều này không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần vào việc giảm bất bình đẳng và nghèo đói trong cộng đồng nông thôn. Mô hình này cũng tạo ra cơ hội việc làm mới thông qua việc phát triển các ngành công nghiệp tái chế và xử lý chất thải hữu cơ, tăng cường kỹ năng cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và quản lý nguồn lực. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Môi trường Anh (IEEP) chỉ ra rằng, chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn có thể tạo ra hàng triệu việc làm mới trên toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý chất thải, tái chế, và sản xuất phân bón hữu cơ.

    V. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

    Muốn tăng sản lượng thịt động vật bắt buộc phải tăng phá rừng làm rẫy và trang trại chăn nuôi. Khi lượng gia súc, gia cầm chăn nuôi tăng thì lượng khí thải, ô nhiễm môi trường tăng theo. Đây là một vòng luẩn quẩn, vicious cycle, rất khó giải quyết. Một mô hình cho vòng luẩn quẩn này là Brasil: Để có nhiều thịt bò bán cho Trung Quốc, từ năm 2015 đến 2018, người Brazil đã phá một diện tích khổng lồ của rừng Amazon lên đến 29.000 km2 và 80% của con số này dành cho việc nuôi gia súc.Trong chín tháng đầu năm 2019, nạn phá rừng đã tăng 93% so với năm ngoái.

     Ở các nước nghèo,  đang phá triển, đa số  các phương thức chăn nuôi đều nhỏ lẻ, tận dụng, vì vậy lượng chất thải hàng ngày trên đàn vật nuôi hầu hết không được tập trung xử lý mà thải thẳng ra môi trường và ô nhiễm xảy ra. Khâu giết mổ, chế biến cũng gây ô nhiễm môi trường tương tự.

  Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bộc lộ nhiều hạn chế và khó khăn: (1) Các công trình khí sinh học không sử dụng hết sản phẩm khí sinh ra, hay một số hầm khí sinh học vẫn chưa đạt chuẩn để xử lý chất, nước thải từ chăn nuôi; (2) Công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi thường lợi nhuận thấp hơn so với các ngành sản xuất khác, dẫn đến  khó mở rộng mô hình vườn – ao – chuồng – biogas; (3) Nông dân Việt Nam chúng ta chú trọng vào tăng sản lượng, năng suất, giảm chi phí và ít quan tâm đến bền vững và bảo vệ môi trường. 

  

  Hiện nay, nhiều nước, địa phương ngoài quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng chăn nuôi, còn: (1) Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn để quản lý an toàn sinh học và bảo vệ môi trường; (2) Khuyến khích phát triển các công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải chăn nuôi; (3) Nghiên cứu và đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn với các mô hình chăn nuôi – trồng trọt – nuôi trồng thủy sản, vườn-ao- chuồng, không phát thải theo hướng quay vòng, tận thu và tái sử dụng toàn bộ chất thải.

   Tóm lại. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đe dọa toàn cầu, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đang là một giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất; đồng thời, giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người…

 VI, THAM KHẢO

[1] Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thời gian tới

https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/842302/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-trong-nong-nghiep-thoi-gian-toi.aspx

 [2] Circular agriculture for sustainable rural development

https://www.un.org/development/desa/dpad/publication/un-desa-policy-brief-105-circular-agriculture-for-sustainable-rural-development/

[3] Nông nghiệp tuần hoàn: Xu hướng tất yếu trong phát triển bền vững

https://moitruong.net.vn/nong-nghiep-tuan-hoan-bai-1-xu-huong-tat-yeu-trong-phat-trien-ben-vung-60886.html

[4] Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: tăng trưởng xanh, bền vững

https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/thuc-day-kinh-te-tuan-hoan-trong-nong-nghiep-giai-phap-huong-den-tang-truong-xanh-ben-vung-634240.html

[5] Sản xuất tuần hoàn: “Cuộc cách mạng xanh” trong nông nghiệp

https://vneconomy.vn/san-xuat-tuan-hoan-cuoc-cach-mang-xanh-trong-nong-nghiep.htm

[6] Kinh tế tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam

Kinh tế tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam

[7] Lợi ích “kép” từ nông nghiệp tuần hoàn | VTC16

  [8] Nông nghiệp tuần hoàn – Hướng phát triển bền vững

[5] Giảm ô nhiễm nhờ mô hình “Nông nghiệp tuần hoàn”?| VTC14

[6] Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, có trách nhiệm với môi trường | VTC16

    TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM