Trang chủ » ẨM THỰC » NHIỄM ĐỘC BOTULINUM (BOTULISM)

NHIỄM ĐỘC BOTULINUM (BOTULISM)

  I. LỜI MỞ

  Vừa qua, rải rác trên báo, đài, mạng xã hội, có thông tin một số ca nhiễm độc botulinum sau khi sử dụng các thực phẩm, chả lụa, cá ủ muối và pate Minh Chay. … bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum.

  Độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum gây liệt cơ nặng có thể dẫn đến liệt cơ toàn thân, suy hô hấp, và nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

  Bài viết cung cấp một số thông tin cơ bản về căn bệnh chết người này

  II. VI KHUẨN CLOSTRIDIUM BOTULINUM

  Vi khuẩn Clotridium botulinum (C. botulinum) có hình que, tạo nha bào (bào tử), sống kỵ khí, sinh độc tố. Có đến 6 type A, B, C, D, E, F,  trong đó các típ A, B, E có khả năng gây bệnh cho người.

                     

   Vi khuẩn C. botulinum có khả năng sống sót cao, nha bào của chúng (tồn tại trong đất, phân, bùn, trên động vật, hải sản, đồ hộp… nhiều tháng; có thể sống trong đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói … nhiều tuần). Trong điều kiện bảo quản lạnh và có môi trường kiềm thì vi khuẩn có thể sinh ra nhiều độc tố. Vi khuẩn bị diệt ở 60oC trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng; để khử độc tố cần đun sôi 100oC ít nhất 15 phút; để diệt nha bào cần đun ở 100oC ít nhất 1 giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160oC ít nhất 30 phút. Bào tử C. botulinum tồn tại ở đất, bùn, phân tươi hoặc đã ủ, đường tiêu hóa của động vật và người mang khuẩn lành, các loại đồ hộp, thức ăn bảo quản, lên men ở môi trường kỵ khí.

 III. BOTULINUM GÂY ĐỘC THẾ NÀO ? 

   Ngoại độc tố của C. botulinum, tác nhân gây bệnh của vi khuẩn, là cực độc, chỉ vài phần triệu gam (nano gam) cũng đủ để gây bệnh chết người. Botilinum là chất độc hướng thần kinh (neuro-toxin), sẽ làm tổn thương dây thần kinh vận động dẫn tới liệt cơ. Đặc biệt, khi liệt đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ không thể thở được và dẫn tới tử vong. 

   Bệnh truyền qua đường tiêu hóa, do sử dụng đồ ăn, thức uống nhiễm C. botulinum đã sinh ra độc tố hoặc do ăn uống phải thực phẩm chứa nha bào C. Botulinum, khi vào đường tiêu hóa phát triển thành thể sinh dưỡng, sinh ra độc tố và gây bệnh. Các loại đồ hộp, thức ăn được chế biến, sản xuất, bảo quản không đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong điều kiện yếm khí dễ bị nhiễm C. botulinum.

   Con người có thể bị nhiễm độc qua vết thương nhiễm khuẩn Clostridium botulinum, chúng tiết ra độc tố gây bệnh; hoặc ngộ độc botulinum khi sử dụng quá liều độc tố botulinum trong thẩm mỹ viện..

  IV. TRIỆU CHỨNG NGỘ ĐỘC BOTULINUM

   Bệnh lý của C. botulinum gây ra cho người là do nhiễm độc ngoại độc tố của vi khuẩn C.botulinum với biểu hiện hội chứng viêm dạ dày – ruột cấp tính, nhiễm độc thần kinh có liệt mềm, diễn biến nhanh và có thể tử vong. Hai thể bệnh chính là: Ngộ độc do độc tố C. botulinum có trong thức ăn (ngộ độc tiên phát); và Ngộ độc do ăn phải bào tử hoặc vi khuẩn C. botulinum và sinh độc tố thứ phát ở đường ruột (ngộ độc thứ phát).

  Triệu chứng thường khởi đầu 18 đến 36 giờ sau khi ăn uống thực phẩm nhiễm khuẩn, nhưng cũng có thể xuất hiện sớm sau 6 giờ hoặc muộn sau 10  ngày.. : 

  Triệu chứng cổ điển của ngộ độc botulinum bao gồm nhìn đôi, nhìn mờ, sụp mí, nói ngọng, nuốt khó, khô miệng, và yếu cơ.Trẻ em bị ngộ độc botulinum nhìn rất mệt mỏi, ăn (bú) kém, táo bón, khóc yếu và trương lực cơ giảm. Tất cả những triệu chứng này đều là biểu hiện của liệt cơ gây ra bởi độc tố vi khuẩn. Nếu không điều trị, những triệu chứng này có thể tiến triển thành yếu liệt cơ hô hấp, tay, chân và toàn thân và gây tử vong..

 V. ĐIỀU TRỊ BOTULINUM

 1.Điều trị đặc hiệu

                   

   Hiện nay, kháng độc tố 7 giá trị Botulism Heptavalent BAT, là thuốc đặc hiệu duy nhất để điều trị nhiễm độc botulinum. BAT là kháng thể IgG huyết thanh ngựa được gây miễn dịch với biến độc tố (toxoid) botulinum. Thuốc được sản xuất bởi công ty Emergent BioSolutions Canada Inc (trước đây là Cangene Corporation) có khả năng trung hòa hiệu quả tất cả bảy loại độc tố thần kinh botulinum  A, B, C, D, E, F và G. 

   BAT được CDC Mỹ phê duyệt lần đầu năm 2010 để điều trị bệnh ngộ độc ở trẻ sơ sinh, và được FDA Hoa Kỳ cấp phép tiếp thị thương mại vào năm 2013/

  Thuốc nên dùng càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán lâm sàng. Dùng thuốc sớm có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong. Thuốc có vai trò trung hòa các độc tố chưa gắn lên tế bào thần kinh, việc này giúp ngăn diễn tiến nặng hơn của bệnh. Nếu sử dụng BAT sớm thì chỉ trong vòng 48-72 giờ là bệnh nhân có khả năng thoát khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy; Nêu bắt đầu thở máy 1-2 ngày sau khi ngộ độc, trung bình trong khoảng từ 5-7 ngày bệnh nhân có thể hồi phục, cai máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về bình thường,   

                     

  2. Điều trị hỗ trợ

  Những trường hợp ngộ độc botulinum nặng cần điều trị hỗ trợ, đặc biệt là thở máy, có thể phải điều trị hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Không cần dùng thuốc kháng sinh (trừ trường hợp nhiễm độc từ vết thương).

 3. Vaccine

   Hiện tại chưa có vắc xin có hiệu quả phòng ngừa bệnh.

VI. PHÒNG NGỪA 

  Chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn, chất lượng được cơ quan chức năng công nhận.

  Thận trọng với các thực phẩm đóng kín có mùi, màu thay đổi hoặc có vị khác thường.

  Thực phẩm muối chua cần có độ mặn trên 5%, vì ở môi trường đủ mặn vi khuẩn không phát triển được.

  Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, nấu chín. Nhiệt độ cao sẽ phá hủyđộc tố botulinum nếu độc tố không may có trong thực phẩm.

  Cần xử trí tốt các vết thương ngoài da nếu có để tránh nhiễm C. botulinum qua các tổn thương này. 

  VII. LỜI BÀN

   Ngộ độc botulinum không quá hiếm. Tại Mỹ, nơi vấn đề an toàn thực phẩm cao hàng đầu thế giới, mỗi năm vẫn có 15 đến 300 ca ngộ độc botulinum này.

  TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM,  Ở Việt Nam, trước đây chúng ta thiếu khả năng chẩn đoán nên không phá hiện ra. Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là năm 2020 khi Bệnh viện Chợ Rẫy liên kết với Viện Vệ sinh Dịch tễ TP HCM và các đơn vị khác có thể làm xét nghiệm nên lần đầu tiên chẩn đoán được chùm ca bệnh botulinum. Theo TS Hùng, bệnh không nhiều hơn trước mà khả năng chẩn đoán bây giờ tốt hơn mà thội .

  Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định: (1) Tới đây có thể phát hiện thêm các ca ngộ độc botulinum mới, và (2). Thuốc giải dùng càng sớm sẽ càng hiệu quả, giúp trung hòa botulinum còn lại trong máu, ngăn độc tố không tấn công vào hệ thần kinh và giảm triệu chứng nặng. Do đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm văn bản khẩn gửi Sở Y tế TPHCM và Bộ Y tế, trình bày tính cấp thiết trong việc mua sắm, nhập khẩu thuốc BAT điều trị cho những bệnh nhân hiện tại, cũng như dự phòng tình huống mới trong tương lai.

 VIII. THAM KHẢO

[1] https://www.bvbnd.vn/ngo%CC%A3-do%CC%A3c-botulinum/

[2] https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/ngo-doc-thuc-pham-do-clostridium-botulinum/?link_type=related_posts

[3] https://vfa.gov.vn/kien-thuc/phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-do-vi-khuan-clostridium-botulinum.html

[4] https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/benh-ngo-doc-thit-nhung-dieu-can-biet-phan-3/

[5] https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/doc-botulinum-la-gi-va-vi-sao-co-gay-ngo-doc-nguy-hiem/

.