Trang chủ » Endocrinology & Metabolism » NHIỄM ĐỘC CHÌ: MỐI NGUY RÌNH RẬP TRẺ CẦN LƯU Ý !

NHIỄM ĐỘC CHÌ: MỐI NGUY RÌNH RẬP TRẺ CẦN LƯU Ý !

      I. LỜI MỞ

    Ngày 16/2, Bệnh viện Nhi trung ương thông tin bé T.M. (9 tuổi) ở Hà Tĩnh, bị tổn thương mất não vì nhiễm độc chì nặng sau khi được phụ huynh cho uống thuốc cam để chữa động kinh [2].

   Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chì là một trong 10 kim loại nặng cần được quan tâm nhất đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em. WHO cũng khuyến cáo cần lưu ý những sản phẩm có chứa chì như bột màu, các loại sơn, chất hàn, kính màu, kính pha lê chì, đạn dược, men gốm, đồ trang sức, đồ chơi; một số mỹ phẩm; các loại thuốc truyền thống được sử dụng ở các nước như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam [3].

    II. NGUỒN CHÌ GÂY NHIỄM ĐỘC

   Theo y văn thế giới, những sản phẩm có chứa chì có thể gây độc cho con người bột màu, sơn, chất hàn, kính màu, kính pha lê chì, đạn dược, men gốm, đồ trang sức, đồ chơi; một số mỹ phẩm; vài loại thuốc truyền thống ..

    Với trẻ em, 2 nguồn nhiễm độc chì hay găp là:

      1. Trong các loại sơn trên các đồ chơi

                 

     Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) năm 2019 cho thấy, từ 37,5 đến  40% mẫu sơn lấy tại các trường mầm non và hộ gia đình chứa chì vượt tiêu chuẩn an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy hại. 

      2. Trong các loại thuốc cam

             

    Một số nguồn gây nhiễm độc chì phổ biến khác đối với trẻ nhỏ tại Việt Nam đặc biệt tại miền Bắc là  “thuốc cam”. Đây là các bài thuốc Nam được các gia đình dùng để trị biếng ăn, tưa lưỡi, viêm lợi động kinh bằng cách bôi hay uống. Nhiều loại “thuốc cam” do các ông bà lang bào chế từ nguồn gốc nguyên liệu không rõ ràng, chất lượng không kiểm soát và không phải thuốc được cấp phép lưu hành có nồng độ chì rất cao.

    III. TÁC HẠI DO NHIỄM ĐỘC CHÌ

    Chì không có vai trò sinh học nào trong cơ thể con người. Sau khi hấp thụ vào máu hầu hết (99%) lượng chì gắn với hồng cầu, sau đó đi vào các tổ chức mềm và cố định lâu dài vào vỏ xương. Chì đặc biệt nguy hiểm khi xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, chất xám của não và tủy sống.

    Nhiễm độc chì chiếm 0.6% trong tổng số các căn bệnh trên toàn thế giới, tạo nên mối nguy đối với sức khỏe và gánh nặng cho toàn cầu. Nhiễm độc chì ảnh hưởng đến:

    * Các nghiên cứu cho thấy, nồng độ chì máu tỷ lệ nghịch với chỉ số thông minh IQ  của trẻ em, kể cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL.

    * Gây chứng tăng động và giảm tập trung, ngay cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL,

    * Ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển trí tuệ cũng như thể chất của trẻ.

   Phần lớn trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh khó xác định, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng với các xét nghiệm hỗ trợ.

   Trẻ nhiễm độc chì sẽ có các dấu hiệu như về thần kinh như có thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp; mất đi các kỹ năng, học kém, chậm phát triển tinh thần,  có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, yếu liệt cơ, các dấu hiệu tiêu hóa như nôn, đau bụng, chán ăn, thiếu máu……

   Nhiễm độc chì nặng, mãn tính sẽ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương như hôn mê, co giật. bại não …. Nghiên cứu cho thấy, từ 25-30% số trẻ này có di chứng như chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù và liệt vĩnh viễn. 

   IV. BÀN LUẬN

   Trong báo cáo đầu tiên về tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em do UNICEF và Pure Earth công bố năm 2020 cho biết gần 1/3 trẻ em, tức khoảng 800 triệu trẻ trên toàn thế giới có mức chì bằng hoặc nhiều hơn 5 µg/dl máu, là mức độ báo động cần được can thiệp, gần một nửa số trẻ em bị nhiễm độc này đang sống ở Đông Nam Á.

    Theo các chuyên gia, trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương bởi vì trẻ em hấp thụ chì nhiều hơn từ 4 – 5 lần so người lớn. Hơn nữa, sự tò mò bẩm sinh của trẻ em và hành vi đưa tay vào miệng dẫn đến việc trẻ nuốt những thứ bị nhiễm chì, như đất, bụi bị ô nhiễm chì và mảnh mục nát của sơn có chứa chì.

   Đa số trẻ em bị nhiễm độc chì từ các loại sơn trên đồ chơi, học cụ…Do đó, phụ huynh cần cẩn trọng và kỹ lưỡng khi lựa chọn màu sắc cho những mảng tường, đồ chơi cho con mình, và luôn nhớ rằng “Sau màu sắc càng sặc sỡ của đồ là đậm “màu xám xịt” của nhiễm độc chì”. 

   V. THAM KHẢO

[1] Ngộ độc chì: Mối nguy rình rập trẻ

https://moh.gov.vn/web/phong-chong-benh-nghe-nghiep/thong-tin-hoat-dong/-/asset_publisher/xjpQsFUZRw4q/content/ngo-oc-chi-moi-nguy-rinh-rap-tre

[2] Dùng thuốc cam chữa động kinh, trẻ 9 tuổi tổn thương não nguy kịch

https://tuoitre.vn/dung-thuoc-cam-chua-dong-kinh-tre-9-tuoi-ton-thuong-nao-nguy-kich-20240216122408728.htm

[3]  Nguy cơ ngộ độc từ đồ chơi nhựa, thuốc cam trẻ em

https://tuoitre.vn/nguy-co-ngo-doc-tu-do-choi-nhua-thuoc-cam-tre-em-20231208094827219.htm

[4] Đồ chơi trẻ em nhiễm độc chì: Tương lai “xám” từ những sắc màu

https://suckhoedoisong.vn/do-choi-tre-em-nhiem-doc-chi-tuong-lai-xam-tu-nhung-sac-mau-169183033.htm

[5] Trẻ dễ bị nhiễm độc từ đồ chơi

https://nld.com.vn/suc-khoe/tre-de-bi-nhiem-doc-tu-do-choi-20161020214845622.htm

               TS.BS Trần Bá Thoại

        Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM