Trang chủ » Endocrinology & Metabolism » NGỘ ĐỘC CARBON MONOXIDE: “CHẾT ĐUỐI TRÊN CẠN” !

NGỘ ĐỘC CARBON MONOXIDE: “CHẾT ĐUỐI TRÊN CẠN” !

       I. LỜI MỞ

  Trong cơn bão số 3 Yagi, nhiều khu vực tại Quảng Ninh bị mất điện, một số gia đình đã dùng máy phát điện để phục vụ sinh hoạt. Do không lưu ý, để máy ở trong phòng, đã có 6 người ngộ độc khí oxide carbon CO [5]; [6].

   Tại Mỹ, mỗi năm ngộ độc khí CO gây tử vong cho hơn 400 người, khiến hơn 20000 người đến phòng cấp cứu vào hơn 4000 người phải nhập viện điều trị [4].

   Carbon monoxxide là gì? Từ đâu ra ? và  Tại sao nó gây nguy hiểm?.

     II. MONOXIDE CARBON LÀ GÌ, SINH RA TỪ ĐÂU ? 

   Khí CO không có màu, không mùi, không vị, có tỉ trọng xấp xỉ không khí nên khuếch tán mạnh, không gây kích thích, rất khó phát hiện. Carbon monoxxide gây ngộ độc cấp tính .xảy ra rất nhanh và nguy hiểm đến tính mạng.

   Carbon monoxide CO là sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa carbon. Nguồn gây nhiễm phổ biến nhất là sử dụng các nhiên liệu có carbon như than, cùi, xăng, dầu để đốt bếp, lò sưởi, chạy động cơ…ở nơi thông khí kém như trong phòng kín, ít lưu thông khí…

       III. KHÍ CO GÂY ĐỘC THẾ NÀO ?

   Vào cơ thể, CO khuếch tán rất nhanh qua phế nang, màng mao mạch phổi vào máu và liên kết với nguyên tử sắt Fe trong nhân heme của huyết sắc tố hemoglobin Hb tạo thành carboxyhemoglobin (HbCO)  với ái lực gấp 240 lần so với ái lực oxy. Vì liên kết của CO với Hb bền vững hơn với oxy nhiều như thế, HbCO không thể gắn kết với oxy được nữa, việc vận chuyển và sử dụng oxy bị đình trệ, tế bào sẽ “ngạt” không hô hấp được, các nhà khoa học ví von là “chết đuối trên cạn”

   Khí CO cũng có thể tạo một đợt viêm gây ra hiện tượng peroxid hóa trong các neuron của hệ thần kinh trung ương và cuối cùng là di chứng thần kinh não bộ.

  Nồng độ CO trung bình trong khí quyển thường dưới 0,001%, cao hơn ở khu vực thành thị hoặc môi trường kín. Các nhà khoa học đã tính toán, khi nồng độ HbCO gây độc: > 12%, ngộ độc xuất hiện và thường gây tử vong nhanh chóng. Di chứng thần kinh-tâm thần nặng nề khi xuất viện chiếm tới 4-40%. Thai nhi, người cao tuổi, người co bệnh lí mạch vành, mạch máu não nguy cơ bị ngộ độc nặng hơn.

 .   IV. DẤU HIỆU, TRIỆU CHỨNG NHIỄM ĐỘC

   Dấu hiệu ngộ độc CO rất khác nhau và không đặc hiệu. Nhiễm độc nhẹ đến trung bình thường có các triệu chứng không đặc hiệu gồm: đau đầu, chóng mặt, khó chịu, buồn nôn. Dấu hiệu lâm sàng gợi ý ngộ độc CO thường là các thay đổi về tình trạng tâm thần, từ nhầm lẫn, lú lẫn đến co giạt, hôn mê.

 

   Trên lâm sàng, có 3 mức:

    + Nhẹ: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn.

    + Vừa: đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều.

    + Nặng: đau ngực, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim.

     V. ĐIỀU TRỊ NGỘ ĐỘC

    Gồm 2 động thái: (1) Loại bỏ kịp thời nguồn CO và (2) Cho thở oxy 100% bằng mặt nạ hoặc ống nội khí quản.

    * Người bệnh nên điều trị ban đầu bằng oxy bình thường 100 phần trăm cho tất cả các nạn nhân nghi ngờ bị ngộ độc CO, bất kể SPO2 và PO2 động mạch bình thường (khuyến cáo Độ 1B).

    * Những bệnh nhân bị nhiễm độc nặng, điều trị liệu bằng oxy cao áp (HBO) để giảm tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của biến chứng thần kinh mãn tính.

    * Chỉ định HBO trong các trường hợp (khuyến cáo 2B): Mức CO> 25 %; Mức CO> 20 % ở bệnh nhân mang thai; Mất ý thức; Nhiễm toan chuyển hóa nặng (pH <7.1); Bằng chứng thiếu máu cục bộ cơ quan (ví dụ, thay đổi điện tâm đồ, đau ngực, thay đổi trạng thái tâm thần)

    VI. PHÒNG NGỪA 

   * Giáo dục, hướng dẫn bệnh nhân, cộng đồng:

   * Không dùng than, củi để sưởi trong phòng kín không có không khí.

    * Không chạy động cơ sử dụng xăng dầu trong các khu vực khép kín.

VII, THAM KHẢO

[1] Ngộ độc khí carbon monoxide (CO): chẩn đoán và điều trị hồi sức tích cực

https://www.dieutri.vn/benhnoikhoadieutri/ngo-doc-khi-carbon-monoxide-co-chan-doan-va-dieu-tri-hoi-suc-tich-cuc

[2] Cơ chế ngộ độc khí CO

https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/co-che-gay-ngo-doc-khi-co-vi

[3] Ngộ độc khí CO: Hiểu để phòng tránh và cấp cứu kịp thời

https://hellobacsi.com/ho-va-benh-duong-ho-hap/cac-van-de-ho-hap-khac/ngo-doc-khi-co/

[4] Ngộ độc khí CO : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

https://medlatec.vn/tu-dien-benh-ly/ngo-doc-khi-co-suibl

[5] 6 người ngộ độc khí CO khi sử dụng máy phát điện

https://tuoitre.vn/ly-do-6-nguoi-ngo-doc-khi-co-khi-su-dung-may-phat-dien-20240911081324315.htm

[6] Quảng Ninh: Sử dụng máy phát điện, 6 người bị ngộ độc khí CO | SKĐS