NGHÊU, SÒ, ỐC, HẾN: “VIAGRA” CỦA QUÝ ÔNG !
TS. BS Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng)
Với gần ba ngàn cây số bờ biển cùng với mạng lưới sông rạch rộng khắp hằng năm ngư dân Việt Nam nuôi trồng và khai thác rất nhiều thủy, hải sản. Loài nhuyễn thể (thân mềm) như nghêu sò, trai, ốc, hến…chiếm một tỷ lệ khá cao trong tổng sản lượng khai thác để xử dụng trong nước và xuất khẩu.
Theo Đông y thì tất cả loài thân mềm (nhuyễn thể) đều có vị ngọt, hơi mặn và tính lạnh. Các món ăn chế biến từ thịt của nhóm thân mềm đều có tính thanh nhiệt, giải độc và trừ thấp. Người Huế thường húp nước hến để giải độc rượu (tỉnh rượu). Thức ăn từ các loại thân mềm còn giúp bổ gân, bổ thận, giúp lông, tóc, móng phát triển và đặc biệt kiện dương, mạnh tình dục.
Dưới phân tích duy lý của Tây y phần thịt của cả nhóm nhuyễn thể đều có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao. Ví dụ con vẹm vào mùa sinh sản cứ 100 gam thịt vẹm có đến 53,3 gam chất đạm, 17 gam chất đường chung và 6,9 gam chất béo, 341mg canxi, 657 mg phospho, 48,4 mg sắt và nhiều vitamin hơn trong thịt, cá, trứng và ngay cả trong con tôm.
Tất cả các loại thân mềm đều có chứa lượng lớn các yếu tố vi lượng: lượng iốt trong thân mềm cao gấp đến 200 lần trong trứng và thịt, hàm lượng sắt, kẽm, đồng, mangan, brôm, selen…đều cao. Sắt là thành phần cấu tạo vô cùng quan trọng của huyết cầu tố, chất đỏ nằm trong hồng huyết cầu, nhờ có đủ huyết cầu tố hồng cầu mới đảm nhiệm chức năng hô hấp: mang ô-xy từ phổi cung cấp khắp cơ thể và mang các-bô-nic từ mọi cơ quan về phổi để thở ra ngoài. Trong con trai và sò huyết hàm lượng sắt tương đương ở trong củ tam thất (radix pseudogingseng); theo Đông y củ tam thất là thuốc bổ máu. Kẽm (Zn) rất cần thiết cho sinh dục, buồng trứng, tinh trùng, hóc môn insulin…kẽm được ví von là “ngọn lửa của sinh mạng”. Iốt rất cần cho hoạt động của tuyến giáp trạng-tuyến nội tiết quan trọng bậc nhất trong cơ thể. Selen là chất chống oxy hóa mạnh, được mệnh danh là “kẻ săn lùng các gốc oxy tự do” nên đây là yếu tố chống lão hóa cơ thể; selen còn có tác dụng giảm độc cho cơ thể khi nhiễm các kim loại nặng.
Đặc biệt trong các loại thân mềm có hàm lượng nội tiết nam testosteron rất cao tương đương trong các loài rắn biển (đẻn). Đây là cơ sở khoa học giải thích kinh nghiệm đã được y học cổ truyền đúc kết bao đời nay:”các loài nhuyễn thể đều có tính bổ tinh, tráng dương”.
Một điều cần hết sức lưu ý là tất cả loài nhuyễn thể thường sống dưới tầng đáy sông, hồ, đầm, phá, biển…thức ăn thường là các phù du, phiêu sinh trôi nổi nên chúng rất dễ bị nhiễm độc từ môi trường sống của chúng. Nhiều nghiên cứu cho thấy đã có rất nhiều loại nhuyễn thể nhiễm tảo độc, váng dầu, kim loại nặng…..ở mức báo động tại một số địa phương; nguyên nhân chính là tại chúng ta làm ô nhiễm môi trường môi trường sống của chính mình.