Trang chủ » ẨM THỰC » MỒNG TƠI: RAU THÔNG THƯỜNG, NHIỀU DINH DƯỠNG !

MỒNG TƠI: RAU THÔNG THƯỜNG, NHIỀU DINH DƯỠNG !

     TỔNG QUAN
    Mồng tơi, rau chân vịt (vine bina), bina Ceylon, bina Malabar, tên khoa học basella alba L, họ Basellaceae, là một loại cây dây leo ăn được, có nguồn gốc ở tiểu lục địa Ấn Độ, Đông Nam Á và New Guinea.
   Mồng tơi được trồng nhiều ở các vùng nhiệt đới nóng ẩm châu Á, châu Phi, nam Mỹ và các nước Đông Nam Á như Việt Nam ta.
   Bộ phận lá, đọt và cả thân thân còn non của mồng tơi thường được sử dụng như một loại rau trong bữa ăn hàng ngày hoặc được dùng để làm thực phẩm chức năng nhằm bổ dưỡng và hỗ trợ điều trị một số bệnh thông thường.
   Trong 100g rau mồng tơi có các thành phần dinh dưỡng: Chất xơ (2.5g); Chất đạm (2g); Canxi (176mg); Chất sắt (1.6mg); Magie (94mg); Photpho (34mg); Kali (391mg); Kẽm (0.54mg); Vitamin C (72mg); Vitamin B2 (0.17mg); Vitamin PP (0.6mg); Beta-caroten (1920µg).
Nhìn chung, rau mồng tơi có chứa nhiều chất xơ, vitamin và các loại khoáng chất tốt cho sức khỏe. Mồng tơi khá dồi dào vitamin và khoáng chất. Nổi bật nhất là hàm lượng sắt, canxi, vitamin A, C và các vitamin nhóm B. Đây đều là những yếu tố vi lượng, ô thứ tư của ô vuông thức ăn, cần thiết cho cơ thể.
Cũng như các loại rau trái khác, mồng tơi là thực phẩm có lợi cho những người thiếu máu, người cao tuổi, suy nhược, phụ nữ có thai, trẻ em đang lớn.
   Mồng tơi cũng được khuyến nghị bổ sung vào khẩu phần ăn cho người thừa cân, béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, và người bị rối loạn chuyển hóa khác.
Vì chứa nhiều chất xơ, chất nhầy, rau mồng tơi còn là thực phẩm chức năng chống táo bón, viêm đại tràng ruột…..
   Theo Đông y, mồng tơi có tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt trung, tán nhiệt, lợi đại tiện. Lá mồng tơi tươi, nấu canh giúp thanh nhiệt, giải độc, nhuận trường. Lá tươi có thể giã nát đắp ngoài da ở một số nơi sưng viêm cũng rất hiệu quả, thường áp dụng trong sưng viêm, nứt vú; bỏng nhẹ ngoài da, phần nước sau khi giã lá mồng tơi mát da, giải độc, mau lành vết thương.
   Tuy nhiên, vì có tính gây hàn nên hạn chế mồng tơi cho người đang bị đau bụng do lạnh, ăn uống kém tiêu, đi cầu phân lỏng hay tiêu chảy.
   MỘT SỐ MÓN ĂN TỪ MỒNG TƠI
 1. CHÁO, CANH MỒNG TƠI
   Mồng tơi có thể dùng để nấu canh với nhiều nguyên liệu khác như: nấu với tôm, cua đồng, hến, cá rô đồng, ếch …cho ra nhiều món canh ngon, dinh dưỡng.
2. MỒNG TƠI XÀO
Mồng tơi có thể biễn chế thành những món xào như: xào tỏi, xào tôm, xào thịt bò…
3. LUỘC VÀ NẤU LẪU
Mồng tơi cũng có thể sử dụng như một loại rau, như đem luộc chấm xì dầu, hay cho thêm vào nồi lẫu.
CANH MỒNG TƠI NẤU VỚI CUA ĐỒNG
NGUYÊN LIỆU
– 200g cua đồng
– 1 mớ rau mồng tơi
– Gia vị: bột canh, bột nêm, mì chính..
CÁCH NẤU
Bước 1: Cua đồng mua về rửa sạch, tách mai khều lấy gạch.
Bước 2: Rau mồng tơi nhặt bỏ phần lá sâu, gốc già, chỉ lấy phần non. Rửa rau sạch ngâm nước muối loãng.
Bước 3: Cho cua vào cối, thêm một ít muối giã nhuyễn (nếu có máy xay bạn xay cua cho thật nhuyễn), lọc lấy nước, bỏ bã. Gạn nước cua để loại các mảnh vỏ vụn, sạn…
Bước 4: Cho nồi nước cua lên bếp đun nhỏ lửa để gạch cua được đông. Tiếp đó, cho rau mồng tơi vào đun chín và cho canh cua ra bát để thưởng thức.
MỒNG TƠI XÀO THỊT BÒ
NGUYÊN LIỆU
– 1 mớ rau mồng tơi
– 150g thịt bò
– 1 củ tỏi
– 1 củ hành
– Gia vị: hạt nêm, gia vị, tiêu.
CHẾ BIẾN
* Sơ chế nguyên liệu
– Ướp thịt bò với hạt nêm, gia vị, tiêu.
– Rau mồng tơi cắt khúc.
– Tỏi, hành khô đập dập.
* Xào mồng tơi
– Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tỏi. Cho thịt bò vào, xào nhanh cho chín tái, hơi săn lại, cho ra đĩa.
– Thêm một ít dầu vào để xào rau mồng tơi.
– Rau vừa chín thì cho phần thịt bò vào đảo đều rồi tắt bếp.
                                                                                                            Trần Bá Thoại MD.PhD